Thơ Trẻ :: Không gian thơ

https://www.thotre.com


Người thầy “trọn khối tình thơ”…

Lê Tín là một nhà giáo nghỉ hưu. Mới đây, ông tặng tôi tập thơ “Trọn khối tình thơ” (Nxb Văn hóa-Thông tin, 2013) vừa mới “ra lò” và nói: “- Có lẽ đây là tập cuối cùng của mình. Mình cạn vốn rồi”. Nói là nói vậy thôi, chứ tôi biết, ông sẽ còn viết tiếp. Lê Tín vẫn vậy, lần nào mà chẳng nói thế. Cái cốt cách khiêm nhường của một nhà giáo luôn thường trực trong ông. Tình cảm của ông với học trò, với anh em bạn bè đồng nghiệp nặng thế nào thì với thơ cũng vậy.
Tập thơ “Trọn khối tình thơ” có khoảng 50 bài thì có đến già nửa là những kỷ niệm về mái trường, về học trò, về những tháng ngày đứng trên bục giảng của tác giả. Đó là chút bâng khuâng khi về thăm trường cũ: “Mơn man trong dòng hoài niệm/ Sân trường xưa dệt nhớ thương/ Tim tôi như hồi trống điểm/ Nhớ thầy cô- buổi tựu trường (Nhớ buổi tựu trường). Hay nỗi buồn mất mát khi nhớ về một người thầy nay không còn nữa: “Hàng cây trước cửa trường úa lá/ Gió heo may thu muộn đã về rồi/ Ngày hội thầy cô đông đủ cả/ Phượng lặng buồn vắng bóng cô thôi” (Lặng buồn). Dễ gặp trong thơ Lê Tín những hình ảnh về mái trường. Nhưng có lẽ, xúc động hơn cả vẫn là những câu thơ gợi nhớ về mái trường thời gian khó: “Lớp học tạm mái lều/ Gió rét bốn bề… bàn ghế vẹo xiêu/ Học sinh buổi đi, buổi nghỉ/ Lương thấp, con đông, vất vả sớm chiều/ Gieo hạt xây đời vẫn một niềm yêu” (Đất lành). Càng đáng quý hơn khi người thầy đã đi qua những tháng năm ấy với một trái tim vẫn vẹn nguyên cái tình với học trò. Lê Tín ví mình như người trồng cây mong mưa giữa ngày nắng khát để có hoa thơm trái ngọt: “Những vạt lúa se mình trong nắng khát/ Thổn thức mong chờ những hạt mưa sa” (Thanh bạch). Không ganh đua bạc vàng quyền tước, chẳng màng mâm cao cỗ đầy, người thầy trong thơ Lê Tín trọn cho mình niềm vui bên sự thành công của học trò. Không có gì làm ông ấm lòng bằng khi “lửa” đã được truyền sang cho thế hệ kế cận: “Nắng ấm trải vàng sân trường/ Gió đưa thơm hương lúa chín/ Trong em mặt trời thắp lửa/ Sáng lên tấm lòng thầy cô”.


Bìa sách


Có một mảng thơ khác xuất hiện khá nhiều trong sáng tác của Lê Tín đó là thơ tình. Nhưng xét cho đến cùng, thơ tình của Lê Tín vẫn không ly tâm khỏi mái trường, bè bạn, đồng nghiệp. Có cái tình thoảng qua, cái tình đằm sâu, cái tình day dứt v.v… nhưng tất cả giờ đều là hoài niệm đẹp đượm buồn: “Yêu nhiều chẳng được gần nhau/ Trời cho tháng Bảy mưa ngâu mấy lần/ Đường thu bịn rịn bước chân/ Ta đi với bóng tần ngần bước theo” (Bóng thu). Nhân vật trữ tình trong thơ tình của Lê Tín thường lui về khép mình trong nỗi đơn côi: “Đánh rơi mất nửa phần mình/ Để giờ ôm nặng khối tình đơn côi/ Một mình riêng một mình thôi/ Ớt cay xót ruột tình vời vợi đau” (Rơi). Cuối cùng, Lê Tín chọn cho mình một thái độ sống buông bỏ: “Tặng người một khoảng trời xuân/ Một đa mang, một muộn mằn chút duyên/ Thả mình về với hồn nhiên/ Cho lòng thanh thản cho quên một thời” (Khoảng trời xuân). Nó là buông bỏ đấy nhưng chẳng thể nào hờ hững, thờ ơ. Bởi còn có những mối tình gắn chặt với phấn trắng bảng đen mà không gắn với nhau bằng một đám cưới nào. Tình duyên lỡ dở nhưng tình người, tình nghề thì còn mãi: “Chẳng bao giờ ta lại quên nhau/ Nghề yêu dấu khắc ghi tình yêu ấy/ Phượng thắp lửa sắc hoa bừng đỏ dậy/ Để xa trường lại nhớ tháng năm sau” (Phượng thắp lửa). Điều đó cũng dễ hiểu bởi cái tạng của Lê Tín nó vậy rồi. Cái đam mê sống, đam mê yêu và cả đam mê thơ nữa sẽ còn thôi thúc ông viết tiếp. Tôi tin vào điều đó khi đọc những câu thơ này: “Nay tình gửi vào mạch đất/ Ủ hương hoa đón xuân về/ Bốn mùa như ong làm mật/ Ngọt ngào thơ trọn đam mê” (Ngọt ngào thơ).

Tác giả: Phạm Học

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây