Thơ Trẻ :: Không gian thơ

https://www.thotre.com


Thơ Đỗ Văn Luyến - Hành trình của nỗi buồn mỹ cảm

Xưa nay, đa phần thơ hay đều đượm buồn. Cũng bởi vì người làm thơ thường nhạy cảm, nhất là trước nỗi đau. Từng đọc nhiều bài thơ của Đỗ Văn Luyến, tôi nhận thấy, thơ ông man mác một nỗi buồn nhân sinh. Và tất nhiên, tập thơ mới nhất của ông, cuốn “Mây trắng đồng chiều” cũng không là ngoại lệ.
Sinh ra và lớn lên bên sông Cầm (Đông Triều), cuộc đời đã đi qua nhiều những sông Hồng (Hà Nội), sông Cái (Nha Trang) sông Ba, sông Đà Rằng (Phú Yên), sông Thạch Hãn (Quảng Trị) v.v… Đỗ Văn Luyến bị những con sông ám ảnh, vận vào thơ. Sông trở thành hình tượng thường trực, tuôn chảy trong thơ Đỗ Văn Luyến. Điều đó cũng dễ hiểu bởi đặc tính của sông là mênh mang, sông chất chứa và sông cũng lưu chuyển, chở đi bao nỗi buồn. Khi buồn người ta hay gửi lòng mình vào sông. Và như vậy, dù cái tên tập thơ này không có một chữ “sông” nào như thường thấy trong các tập thơ của Đỗ Văn Luyến nhưng tiếng sóng thì luôn vọng lại ở “đáy”… câu thơ. Đó không chỉ là sông Cầm nơi quê hương mà là một con sông phổ quát ứng với bất kỳ con sông nào trên mảnh đất hình chữ “S” này. Ở đó, có con sông gắn với chuyến đò lỡ hẹn: “Chuyến này, chỉ chuyến này thôi/ Tôi nghe em nói… Buồn ơi là buồn!” (Đi đò). Có sông Thương (Bắc Giang) được dùng trong phép chơi chữ thành sông “mang tình anh thương nhớ”. Và khi chia tay rồi thì sông Thương thành sông nhớ, sông buồn: “Sông Thương mến yêu ơi/ Phải xa nhau rồi đấy/ Chia tay miền quê này/ Lòng anh buồn biết mấy” (Chiều sông Thương).

Bìa sách


Sông là nơi chất chứa, và lòng người nhạy cảm cũng chất chứa như sông. Chỉ có điều, với người làm thơ thì cái tâm trạng ấy hiện lên thành con chữ. Tự bạch về thơ mình, Đỗ Văn Luyến nói: “Ai đó bảo rằng, thơ tôi thường có tâm trạng hơi buồn, có lẽ cũng có phần đúng. Tôi làm thơ bởi tôi muốn chia sẻ tâm trạng của mình, cái tâm trạng của một người thường xuyên tiếp xúc với đủ mọi cảnh đời, mọi nỗi niềm tâm trạng”. Đỗ Văn Luyến trăn trở trước nhiều vấn đề của xã hội (Nỗi niềm gửi những cánh hoa, Quán nhỏ, Trăng khóc, Đôi khi, Những loài hoa dại) và cả quy luật mất còn của tạo hóa vô thường (Quy luật, Tiễn xuân, Hư ảo, Thu cảm, Giao mùa, Em về thăm chị…). Nhưng trên hết, thơ ông là thứ ánh sáng soi rọi vào bản thể. Nó là ngọn nến trong đêm trường để ông đối diện với mình, trải lòng với nỗi cô đơn: “Chỉ một căn phòng nhỏ/ Chứa ngổn ngang nỗi buồn/ Người đời vui trăm ngả/ Sao ta toàn cô đơn?” (Trong phòng nhỏ). Vì thế có những bài thơ mới chỉ xuất hiện nhan đề thôi đã thấy chất “độc thoại” đầy tâm trạng: Đêm tâm sự, Hoài cảm, Niềm riêng, Tự trách, Đối cảnh, Độc thoại, Trống vắng v.v… Nếu thơ là ánh sáng, thì đó là thứ ánh sáng hướng tâm, nó chẳng thể giống như đèn pha chỉ đường. Mà thậm chí, ngược lại, nó càng khiến nhân vật trữ tình thêm lấn bấn trong nỗi cô đơn. Từ đó, người ta sẽ nhận ra, không chỉ có tình yêu mà tất cả những gì mình đeo đuổi giờ xa vời, khó với: “Mình ngồi với bóng mình thôi/ Buồn nghe ngọn gió mồ côi bên thềm/ Lệ trời ướt đẫm màn đêm/ Ta mang nỗi nhớ khắc lên hình hài…/ Tình yêu là giấc mơ dài/ Trong tim sao vẫn ở ngoài vòng tay?” (Độc thoại).

Nhận xét về thơ Đỗ Văn Luyến, nhà thơ Trương Thiếu Huyền viết: “Lẽ thường của người làm thơ là trong thơ thường rõ những dấu ấn hình ảnh nghề nghiệp, nhưng với Đỗ Văn Luyến thì không thế, mà nghề nghiệp được ẩn sâu, thơ thăm thẳm tình - đời của mình. Có người nói, nghệ thuật là nỗi buồn đẹp, thì thơ Đỗ Văn Luyến hành trình tới nỗi buồn ấy”. Và đi suốt hành trình ấy, thơ Đỗ Văn Luyến đã tìm được điểm tựa để đứng vững và neo đậu ở nơi những tâm hồn đồng điệu…

Phạm Học
Theo Văn học quê nhà
 

 

---------------------------
Nhân đọc tập thơ “Mây trắng đồng chiều”, NXB Hội Nhà văn, 2013, của Đỗ Văn Luyến

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây