Thơ Trẻ :: Không gian thơ

https://www.thotre.com


Đã là nhà văn thì phải viết

Đã là nhà văn thì phải viết
Nghề cầm bút viết văn là một trong những nghề không tính đến tuổi tác. Có tác giả làm choáng ngợp người đọc bằng những tác phẩm khi chưa đầy chục tuổi. Tác giả loại này người ta thường gọi là thần đồng. Ngược lại có những tuyệt phẩm lại ra đời khi người viết ra nó đã ở độ tuổi 60, 70 thậm chí ngoài 80. Do những đặc trưng cấu trúc thuần túy sinh vật mà cho đến bây giờ các nhà khoa học vẫn chưa nghiên cứu hết về con người.
1. Một trong những điều bí hiểm nhất mà đây là sự khác biệt giữa động vật và người, đồng thời làm nên chất người ở lĩnh vực rất vô hình nhưng cực kỳ quan trọng đối với đời sống là tâm hồn. Chính tâm hồn cùng với hoạt động của bộ não đã tạo ra xã hội loài ngưòi với các chính thể, tôn giáo và các loại hình nghệ thuật. Nói như vậy để đi đến một nhận định: Bất kỳ một người nào khi sinh ra đều mang trong mình hạt giống của sự sáng tạo và những cảm xúc văn chương. Cá thể nào thể hiện ra cảm xúc đó bằng các loại hình nghệ thuật thì người đó bước đầu đã đặt chân đến ngôi đền thiêng của văn chương. Những tác phẩm của những người này khi mới sáng tác thấm đậm chất riêng tư cùng những ghi nhận cuộc sống quen thuộc xung quanh họ. Bằng sự hồn nhiên của sức sáng tạo đôi khi những sáng tác thuộc giai đoạn này đạt tiêu chuẩn của những tác phẩm có sức hấp dẫn lâu dài và có tác phẩm được xếp vào những tuyệt tác để đời. Chỉ có điều sau khi những chất liệu của một thời thơ dại, đầy cảm xúc trinh nguyên đã cạn, thêm vào đó là sự trưởng thành về thể xác cùng năm tháng, sự chai lì dần trong tư duy đã khiến cho tác giả loại này mất dần sự sáng tạo. Không phải bỗng nhiên những tác giả loại này thường hay sử dụng thể loại thơ. Đó chính là những biến tấu mang tính chuyên nghiệp từ những câu hát ru, chuyện kể của mẹ, của bà. Một vài tác giả cũng có thể sử dụng truyện ngắn. Tất nhiên tác giả sử dụng thể loại này có độ tuổi lớn hơn so với người viết dùng thơ. Vượt qua được điểm chết của sự cạn vốn tự nhiên này cộng thêm nhận thức mới thông qua những phương pháp biểu hiện có tính chuyên nghiệp cùng ý thức và niềm say mê muốn đi theo nghiệp văn chương thì các tác giả này mới thực sự trở thành các nhà văn, nhà thơ theo đúng nghĩa của từ cao quý này. Tôi muốn nhắc qua một chút về một dạng tác giả như vậy để thấy rằng tuổi đời sáng tác của các nhà văn xét về nguyên tắc tỉ lệ thuận với chất lượng tác phẩm, nhất là đối với các thể loại khó của văn học như tiểu thuyết và kịch. Trên thế giới không ít tác phẩm danh tiếng đã ra đời khi tác giả của nó đã ngoài 60 tuổi như Phục sinh của Liev Tolstoi. Iliad Odyssey của Homere... Nói như vậy để thấy rằng tuổi sáng tác của các nhà văn đích thực khá dài. Lâu nay theo dõi sự nghiệp sáng tác trong làng văn của ta, tôi nhận ra nhà văn có tuổi sáng tác lâu dài và bền bỉ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là lão nhà văn Tô Hoài, là Ma Văn Kháng, Nguyễn Khắc Phục, Chu Lai... và nếu gạt bỏ sự khiêm tốn giả vờ đi thì trong các nhà văn cao tuổi còn viết là tôi, Nguyễn Hiếu(!) Ở ta tôi thấy lượng các nhà văn thuộc dạng viết bằng kỷ niệm ấu thơ và kỷ niệm xung quanh mình để rồi chỉ dừng ở đó là tương đối đông. Với sự thành công ít nhiều của tác phẩm, đủ cho họ tiêu chuẩn ghi tên vào Hội Nhà văn. Sau một tập thơ được xếp vào loại thần đồng, sau một vài tập truyện ngắn về chiến tranh, một tiểu thuyết có bút pháp lạ lạ một chút là dường như số nhà văn này buông bút nghiên để nếm náp vinh quanh của quá khứ và tên tuổi mình đã tạo dựng nên. Cá biệt trong số này được đi đào tạo, tu dưỡng ở những trường lớp, các trung tâm có bài bản hiện đại sau khi về lại tịt ngấm cảm xúc sáng tác. Thực trạng này nhạc sĩ Xuân Hồng tác giả ca khúc "Xuân chiến khu" đã từng chỉ ra. Ông nói đại ý: Khi chưa học hành gì thì cứ theo dòng suy tư, cảm nhận tươi xanh của mình để viết, học hành rồi ngấm tí lý luận thành ra ngại viết bởi ngợp trước mọi thứ lý luận, phép tắc. Thỉnh thoảng có lẽ cũng cảm thấy vô lý trong sự tồn tại của mình với chức phận nhà văn, họ lại tuyên bố trên báo chí rằng "thời gian sự vụ đã lấn át thời gian sáng tác". "Đã là tác phẩm văn chương thì điều đầu tiên phải thấy rõ trách nhiệm với xã hội. Vì vậy tôi không muốn bạn đọc tuyệt vọng vì mình, nên tôi rất thận trọng để xem kỹ bản thảo trước khi đưa in". Hoặc "tôi đang bị mê hoặc bởi hội họa nên cuốn tiểu thuyết ấy tôi sẽ hoàn thành vào cuối năm nay" (lời tuyên bố này được nhắc lại suốt trong ba năm qua). Hoặc "em còn gần 1.000 trang bản thảo nữa, trong đó có bài viết về anh nhưng đợi dịp phù hợp mới in". Hay thỉnh thoảng vì sợ độc giả quên mình, họ lại lôi ra vài ba tư liệu, hình ảnh quá khứ để đánh bóng lại mình… Sự chết yểu trong cảm hứng sáng tác này ở nước ta thường được cắt nghĩa bằng nhuận bút quá thấp, nhà văn không thể sống bằng viết sách hoặc ở sự khó in, khó công bố tác phẩm! Những lý do đó là có thật nhưng không phải chủ yếu mà cái chính là tài năng của nhà văn, trong đó bao gồm dòng cảm xúc, cách nhìn, sức viết, sự sáng tạo trong thể hiện và bao trùm lên là tình yêu với nghề văn, coi nó như lẽ sống duy nhất của mình của các “nhà” này xét đến cùng đã cạn... Theo tôi viết hay hay không là tuỳ khả năng từng người, tuỳ các vị, chỉ có điều với những thành công cách đây hai, ba chục năm, các vị thành danh này lại được đặt vào các vị trí trọng trách của Hội Nhà văn, từ đó dễ dàng trở thành thành viên giám khảo một số cuộc thi, cuộc chọn lựa sáng tác hàng năm của Hội. Nói tóm lại, nếu nhà văn nào đã cạn nguồn sáng tác khi vào vị trí này chỉ đi đứng, hội thảo, nghị sự, dự ký kết, trả lời phỏng vấn, đăng đàn, nói chuyện với học sinh, với các địa phương, để dạy dỗ, phơi bày, nhấn mạnh, khẳng định sự tồn tại của cá nhân mình... còn công việc duy nhất để làm nên tố chất một nhà văn là sáng tác thì dừng hẳn. Loại “nhà” này tạo lập được đôi chút tên tuổi, trở thành các chức vị có vai vế trong hội, là thành hội viên các ban giám khảo thì Hội Nhà văn Việt Nam cùng các vị này đã lại giẫm vào sai lầm trong sự hoà nhập chung. Khi chúng ta vào WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) rất cần đội ngũ quản lý của chúng ta có tay nghề chuyên môn… Người làm thơ, chưa bao giờ viết truyện ngắn chứ chưa nói đến tiểu thuyết, lại đi chấm giải thưởng tiểu thuyết thì là một điều không nên có. Chẳng hiểu gì về kịch lại cho điểm chất lượng kịch bản... Các vị này có thể ngụy biện: "Tôi không đẻ được trứng nhưng tôi có thể biết quả trứng nào ngon". Lý là như vậy nếu các vị công tâm. Đáng buồn tỉ lệ các vị trong dạng này chưa cao. Đáng buồn tình trạng hàng thịt nguýt hàng cá trong làng văn ở ta vẫn còn tương đối phổ biến. Thêm vào đó lâu ngày không động bút nên các vị giám khảo này còn mắc một chứng bệnh là không hiểu, từ đó dẫn đến xem nhẹ, không mấy thông cảm với mọi sự sáng tạo của các tác giả. Những tác phẩm của cánh hẩu, của bè bạn hay của những người họ không ghen ghét được khuyên tròn. Cộng thêm vào đó là sự chấp hành một cách quá cứng nhắc, thụ động ý đồ chỉ đạo của cấp trên nên họ sẵn sàng gạt bỏ các tác phẩm có giá trị đích thực để chọn lấy những tác phẩm hiền lành vô thưởng vô phạt, nếu kèm thêm một chút ngây dại, mông muội, mang tính kí ức thì càng tốt. Chính vì vậy không ít tác phẩm mà các vị chọn lựa trong các cuộc thi hoặc đưa ra thi thố bên ngoài cũng chỉ là những tác phẩm loại hai, đọc được và vô hại… 2. Đã là nhà văn thì phải viết. Đó là một nguyên tắc bất di bất dịch đối với bất kì nhà văn nào. Tôi là hội viên Hội Nhà văn nên điều đầu tiên khẳng định tôi rất yêu quý và trân trọng Hội. Tình cảm thiêng liêng có cái lý của nó. Bởi vì tôi đã phấn đấu đạt tiểu chuẩn vào Hội trong hành trình dòng dã 16 năm trời nếu tính từ tập truyện hài tôi in đầu tiên vào năm 1984 và 32 năm trời nếu tính từ bản thảo tiểu thuyết "Những tháng năm tuổi trẻ" và tập bản thảo thơ "Thư gửi ra chiến trường "cho nhà NXBVH ấn hành từ năm 1968. Năm 2000, tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam (cùng với nhà văn lão thành Băng Sơn) khi tôi đã in 14 cuốn tiểu thuyết và 4 tập truyện ngắn, dựng hai vở kịch (tôi nhớ mang máng tiêu chuẩn vào Hội lúc đó phải là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết, ba hay bốn tập truyện ngắn gì đấy...), hai giải thưởng tiểu thuyết, hai giải truyện ngắn, hai giải thơ. Còn bây giờ hình như để xã hội hóa Hội Nhà văn việc trở thành hội viên Hội Nhà văn quá dễ? Đời sống của đa phần nhà văn hiện nay còn nhiều vất vả. Văn hoá đọc do nhiều nguyên nhân đang suy giảm nhiều, song danh hiệu nhà văn, hội viên Hội Nhà văn trong xã hội ít nhiều còn cao quí và đáng nể trọng. Không ít người trong xã hội muốn có danh hiệu này là điều tất nhiên. Chỉ có ai thích chơi trội, muốn tạo ra vụ xì căng đan nào đó để thiên hạ đỡ quên mình thì làm mình làm mẩy xin ra Hội, từ chối Hội mà thôi. Chính vì sự cao quí và nể trọng đó, tôi nghĩ, Hội Nhà văn cần giữ vững danh dự của tổ chức đáng trân trọng. Người vào Hội cũng cần có tiêu chí rõ ràng về thành quả nghệ thuật. Những vị trí trong Hội có thể ảnh hưởng đến sự đánh giá tác phẩm văn chương cũng cần có những người thực sự có tài, có tâm và có nhiệt huyết không chỉ trong quản lý mà còn trong sáng tác. Đã là nhà văn thì việc đầu tiên là viết. Vào Hội để cùng giúp nhau tạo ra một không khí, một môi trường kích thích sáng tác. Còn vào Hội Nhà văn để oai, để kiếm sống, để cầu lợi, để vênh vang chút tài năng đã chết, để khoác lên chiếc áo mĩ miều, để phần nào che đi sự trọc phú, hãnh tiến nào đấy thì xin sang các tổ chức kinh doanh ngành nghề khác.

Tác giả: Nguyễn Hiếu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây