Thơ Trẻ :: Không gian thơ

https://www.thotre.com


Nhà thơ, nhà phê bình Lê Quang Trang: Cần giải tỏa sự ngại ngần vào hội của một vài người trẻ

Nhà phê bình Lê Quang Trang (bìa trái) cùng lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ các nhà văn

Nhà phê bình Lê Quang Trang (bìa trái) cùng lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ các nhà văn

Vừa qua, Thành ủy TP.HCM đã có buổi gặp mặt các hội viên Hội Nhà văn VN (HNVVN) trước thềm Đại hội vào đầu tháng 8 tới tại Hà Nội. Thành ủy TP.HCM đã “tài trợ” toàn bộ vé máy bay đi về cho 150 nhà văn Việt Nam tại TP.HCM, chứng tỏ sự quan tâm rất lớn của thành phố với các nhà văn nói riêng và sự nghiệp văn học nói chung. Dưới đây là cuộc trò chuyện với tân Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM - nhà thơ, nhà phê bình Lê Quang Trang trước khi đoàn nhà văn TP.HCM đi Hà Nội.

* Thưa ông, sự quan tâm của Thành ủy TP.HCM với các nhà văn trong Đại hội (ĐH) sắp tới được các nhà văn đón nhận ra sao?

- Theo cảm nhận của tôi, tuyệt đại đa số các hội viên nhà văn VN tại TP.HCM đều hiểu về sự quan tâm của Thành ủy TP.HCM trong sự việc này cũng như
nhiều công việc khác. Tại cuộc gặp, một vài nhà văn còn nhấn mạnh đến ý nghĩa của những kinh phí này để tự xác định trách nhiệm của người trí thức cầm bút đối với nhân dân, dân tộc. Và như vậy, khi đến ĐH cũng phải nêu cao trách nhiệm nhà văn công dân của thành phố mang tên Bác, đem trí tuệ góp vào thành công của ĐH sao cho xứng đáng với sự quan tâm ấy.

* Về phát triển lực lượng cầm bút kế cận của TP.HCM nói riêng, trên cương vị Chủ tịch Hội nhiệm kỳ mới, ông sẽ kiến nghị gì trong ĐH HNVVN? Vì trong buổi gặp mặt của Thành ủy TP.HCM dành cho các nhà văn thì hội viên Trung ương trẻ nhất là Nguyễn Danh Lam, mà Lam cũng sinh năm 1972 chứ không trẻ gì?

- Tôi có tham gia một số công tác của HNVVN, cho nên cũng hiểu được một phần trong việc phát triển lực lượng cầm bút kế cận. Quả thật lực lượng trẻ  trong đội ngũ các nhà văn hội viên của HNVVN còn rất mỏng mà về độ tuổi cũng ít người thật trẻ. Đây là một trăn trở lớn của Hội cũng như phong trào văn học chung. Cái khó là chúng ta ít khi có được những “thần đồng” như Trần Đăng Khoa, và cả những cây bút trẻ có năng khiếu khi tự khẳng định được mình trên văn đàn cũng như đạt được tiêu chuẩn hội viên HNVVN thì cũng đã mất một thời gian kha khá. Tuy vậy, phát biểu công khai trên báo chí hiện nay, có một vài cây bút trẻ có tâm lí ngần ngại không muốn gia nhập hội. Cần giải tỏa tâm lý này bằng cả tuyên truyền và hành động trong thực tiễn, thu hút họ hơn nữa để Hội và người sáng tác giảm đi khoảng cách, để đều cùng thấy Hội là nơi quy tụ tất cả các cây bút hoạt động văn học nhằm mục tiêu cao nhất là sáng tác ra những tác phẩm hay.

* Trong những năm qua, gần như năm nào chuyện kết nạp hội viên mới hoặc các giải thưởng của HNVVN cũng trở thành điểm nóng của dư luận. Trong ĐH lần này, trên cương vị Chủ tịch Hội ở một thành phố năng động nhất nước, ông sẽ có những ý kiến gì thật thiết thực?

- Chuyện trao giải thưởng và kết nạp hội viên là một trong những công tác khó bậc nhất của hoạt động Hội. Tôi biết Ban chấp hành, Hội đồng chung khảo, Hội đồng sơ khảo giải thưởng hằng năm, các hội đồng chuyên môn cũng như các ban của Hội đều cố gắng và luôn luôn ý thức cẩn trọng trong lĩnh vực này. Nhưng có thể từ những cách nhìn khác nhau, những tiêu chí định giá khác nhau mà khi xét giải thưởng cũng như kết nạp hội viên còn có những khoảng cách. Điều này là khó tránh khỏi, nhưng nói chung kết quả trên hai lĩnh vực này cũng sát với thực tiễn hoạt động của văn học. Những hiện tượng có “chuyện này, chuyện kia” chỉ là hạn hữu và đôi khi ở nơi này nơi khác cũng bị “kích hoạt” thêm để thu hút những công chúng hiếu kỳ và làm vấn đề thêm phức tạp.

Trong nhiệm kỳ này, mong việc trao giải và kết nạp hội viên mới được nhìn cởi mở hơn, toàn diện hơn. Không kể ban chấp hành do ĐH bầu ra, mà các hội đồng do ban chấp hành cấu tạo, ngoài năng lực chuyên môn, phải là những người chịu đọc, gắn bó với thực tiễn, để đánh giá đúng, phát hiện kịp thời, thu hút được những nhân tố mới, những tài năng trẻ, nhằm tăng cường sức mạnh và trẻ hóa đội ngũ hội viên.

* Ngoài vai trò nhà thơ, hiện nay ông còn là Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình của HNVVN. Nhưng thời gian qua, chuyên ngành này của HNVVN hình như rất khủng hoảng. Ông có thể cho vài nhận xét cá nhân cũng như phương hướng để ngành này có lối thoát?

- Tôi chưa đồng tình lắm với nhận định ngành lý luận phê bình của Hội khủng hoảng, bởi trong nhiều năm qua công tác lý luận phê bình văn học đã làm được nhiều việc, đội ngũ ngành này được coi là mạnh nhất trong các ngành văn học nghệ thuật của cả nước.

Nói về thành tựu của hoạt động trên lĩnh vực này trong một vài dòng, một vài câu thật khó mà thỏa đáng, nhưng có thể khẳng định rằng, dù vẫn còn bất cập, song công tác lý luận phê bình văn học từ khi đổi mới đến nay đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo sinh khí mới cả trong lý luận và phê bình. Tuy nhiên, làm gì để đáp ứng yêu cầu của tình hình, tôi thấy cần đặc biệt quan tâm đến ba việc: Một là, phải chú trọng hơn việc xây dựng nền lý luận văn học mang đặc thù VN, bằng tư duy thời đại, kết hợp với việc chắt lọc, học tập những bài học từ trong di sản của cha ông cũng như tinh hoa văn hóa của nhân loại. Hai là, đẩy mạnh các hoạt động phê bình “trực chiến” trên tinh thần thật sự dân chủ, khoa học và văn hóa. Ba là, quan tâm thường xuyên tới việc xây dựng đội ngũ, nhất là tập hợp các cây bút lý luận phê bình trẻ... Đây là những công việc hết sức khó nhưng tôi nghĩ không phải chúng ta không làm được.

* Xin cảm ơn ông!

Hoàng Nhân (thực hiện)
Nguồn: TT&VH

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây