Thơ Trẻ :: Không gian thơ

https://www.thotre.com


Nhà văn VN ngóng Ban chấp hành Hội mới

Trần Mạnh Hảo lên thẳng sân khấu để phát biểu. Ảnh: Q.H.

Trần Mạnh Hảo lên thẳng sân khấu để phát biểu. Ảnh: Q.H.

Sáng 5/8, hội trường Đại hội Hội Nhà văn hầu như không còn chỗ trống. Các đại biểu tranh nhau, thậm chí giành lấy micro để phát biểu với mong muốn chung: bầu ra ban chấp hành mới, mà như nhà văn Đỗ Chu nói, thì chỉ ở mức “tạm bằng lòng” cũng đã là một thắng lợi.

Đại hội Hội nhà văn khóa VIII diễn ra trong ba ngày, từ 4 đến 6/8 tại Hội trường Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Cầu Giấy, Hà Nội. Sau ngày làm việc đầu tiên (4/8) - Hội nghị các nhà văn Đảng viên - diễn ra khá yên ả, nghị trường của các cây bút bắt đầu nóng lên trong ngày thứ hai, với nội dung được quan tâm và cũng gây tranh cãi nhất - chuyện bầu Ban chấp hành (BCH) khóa mới.

Sau khi thông qua quy chế đại hội, báo cáo kiểm điểm của BCH khóa VII… các nhà văn bắt đầu thảo luận sôi nổi, thậm chí là sôi sục, khiến đoàn chủ tịch gặp không ít khó khăn trong việc điều hành. Nhà văn tranh nhau phát biểu, ngay cả khi người trước chưa kịp hết lời. Có đại biểu, sau nhiều lần giơ tay nhưng chưa được ý kiến, đã gọi thẳng tên người điều hành thảo luận để “đòi hỏi”: “Thưa anh Hữu Ước, đã hai lần anh bỏ qua tôi rồi ạ”. Thậm chí, nhà phê bình Trần Mạnh Hảo, sau khi đòi mic bất thành, đã lên đứng trước cử tọa “nói vo”. Nhưng hội trường quá rộng và ồn ào, nên ý kiến của anh không đến được với nhiều người. Cuối cùng, khi có micro, anh lên thẳng sân khấu, phát biểu: “Tôi thấy đây không phải là đại hội Hội nhà văn, vì mọi người chỉ chăm chắm bầu ai là chủ tịch”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, điều anh nói là không phù hợp, bởi đó là nội dung chính của ngày làm việc hôm nay.

Bỏ qua thái độ có phần thái quá của một số đại biểu và không khí hội nghị lắm lúc thiếu trật tự, thì phần lớn nhà văn thực sự quan tâm đến việc chọn ra BCH mới - những người giữ trọng trách điều hành tổ chức nghề nghiệp lớn nhất của các cây bút Việt Nam trong 5 năm tới.

Các đại biểu phần lớn đồng ý chọn BCH gồm 15 người. Ảnh: Q.H.

Nhà thơ Vi Thùy Linh mong muốn, đại diện cho chị phải là những nhà văn cấp tiến về tư duy, có đẳng cấp về nghệ thuật. Trong khi đó, tác giả Dư Thị Hoàn đưa ra tiêu chí cụ thể và “cấp bách” hơn. Chị nói: “Thành viên BCH trước hết phải là người có bản lĩnh cứu lấy tờ Văn Nghệ - tiếng nói của Hội nhà văn Việt Nam”. Theo chị, tờ báo này nay đã bị nghiệp dư hóa và cần phải được nâng tầm lên đẳng cấp quốc gia.

Một số nhà văn khác lại có yêu cầu khá gắt gao với những người đã và sẽ được họ chọn mặt gửi vàng. Nhà thơ Tô Nhuận Vỹ phát biểu: “Nhà văn Hồ Anh Thái là một tài năng rất đáng quý. Anh đã điều hành Hội Nhà văn Hà Nội rất tốt. Nhưng tại sao anh không hoàn thành nhiệm vụ của một hội viên BCH Hội nhà văn khóa VII?”. Vì vậy, ông yêu cầu tác giả “Cõi người rung chuông tận thế” phải đưa ra lời giải thích với những đại biểu đã tín nhiệm anh. Còn nhà thơ Triệu Lam Châu yêu cầu: “Đại biểu nào tự ứng cử vào BCH mới phải đứng lên, hứa với đại hội là mình sẽ làm được những gì cho các hội viên”.

Từ những tiêu chí cụ thể, dường như mỗi nhà văn đều đã tự định hình cho mình một gương mặt BCH mới. Nhà thơ Phạm Trọng Thanh, đến từ Nam Định, bày tỏ, ông mong muốn có được ban lãnh đạo đủ về số lượng và chất lượng, có tâm và có tài, vừa có các gương mặt cũ dày dạn kinh nghiệm lại có cả những tác giả trẻ, sung sức. Ông Thanh cũng cho biết, dù BCH khóa VII đã làm được rất nhiều việc, nhưng ông vẫn mong BCH mới không lặp lại thiếu sót của những người tiền nhiệm. Theo ông, BCH khóa VII chưa bảo vệ được quyền lợi của các nhà văn, kể cả những chuyện liên quan đến chuyên môn, học thuật. Đặc biệt, ban kiểm tra của Hội dường như cố tình lờ đi những vấn đề khiến hội viên bức xúc. Ông nói: “Những năm qua, một số cây bút bị khai trừ khỏi các hội địa phương. Ban kiểm tra cũng có xuống làm việc, nhưng không đưa ra kết luận xác đáng. Dường như họ phù thịnh, chứ không phù suy. Ban chấp hành mới nên quan tâm nhiều hơn đến hội viên”.

Còn nhà văn Đỗ Chu, không bi quan, nhưng cũng không quá lạc quan, cho biết: “Tôi cũng đang hồi hộp như mọi người. Vì thường thì người mình mong họ vào, chưa chắc họ đã được vào. Người thấy không nên ngồi vào đấy có khi lại ngồi. Nếu cần để nói đẹp tai nhau thì ai cũng hiểu phải tìm được người có đức có tài. Nếu không thì cũng phải có một chút đức, một chút tài vậy. Những lần trước chúng ta đã tìm được những người như thế. Cá nhân tôi tin lần này, đại hội cũng sẽ bầu được một BCH đủ tiêu chuẩn để gánh vác công việc chung”.

Trong buổi thảo luận sáng nay, phần lớn đại hội thống nhất, BCH khóa mới sẽ có 15 thành viên. Công việc bầu cử sẽ hoàn tất trong ngày hôm nay. Đại hội chính thức khai mạc vào ngày mai 6/8.

Tác giả: Lưu Hà

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây