Thơ Trẻ :: Không gian thơ

https://www.thotre.com


Văn học mạng - những bước đầu chập chững

Truy cập trang Ebook tại hội sách Tp.HCM.

Truy cập trang Ebook tại hội sách Tp.HCM.

Cùng với đà phát triển của mạng truyền thông Internet, nhiều loại hình văn hóa mới đã xuất hiện, từ trò chơi trực tuyến, âm nhạc, điện ảnh đã kết hợp với Internet làm xuất hiện những hình thức mới. Tuy chậm hơn các loại hình khác nhưng văn học thông qua Internet cũng đang có những thay đổi lớn.

Từ văn học lên mạng…

Giữa năm 2007, Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức một cuộc hội thảo tuy không lớn nhưng đã thu hút đông đảo sự chú ý của các nhà văn và những ai yêu văn học. Đề tài chính của cuộc hội thảo này là việc đưa văn chương lên mạng và những vấn đề xung quanh việc phát hành và sử dụng văn chương qua mạng.

Cuộc hội thảo đã cho thấy, vào thời điểm cách nay hơn một năm, nhiều người còn cho rằng mạng Internet chỉ là một công cụ thuần túy hỗ trợ khả năng phát hành rộng rãi các tác phẩm đã được xuất bản chính thức theo phương pháp cổ điển nhất - in giấy. Các trang nhật ký điện tử (blog), trang web riêng của các nhà văn, diễn đàn văn học… chỉ làm một nhiệm vụ là chuyển các tác phẩm này sang dạng văn bản (còn gọi là sách điện tử ebook) và đưa lên mạng. Hàng loạt trang web thông qua hoạt động này trở nên nổi tiếng như trang web của các nhà văn miền Tây, thuvien-ebook.com, nhanmonquan.com…

Cũng thông qua việc đưa lên mạng, nhiều tác phẩm đã trở nên nổi tiếng nhanh chóng ngoài dự kiến như Ba phút sự thật của nhà văn Phùng Quán, tác phẩm vốn khá lặng lẽ khi được xuất bản nhưng nhờ bản ebook đã trở nên ăn khách. Hay sự kiện dịch rồi đưa lên mạng tác phẩm Harry Potter gây tranh cãi dữ dội về bản quyền mà đến tận bây giờ vẫn còn là vấn đề. Chính vì những yếu tố đó mà hầu hết những người tham gia hội thảo đều cho rằng, mạng Internet là một công cụ quảng bá sách hiệu quả chứ không mấy ai quan tâm một cách thực sự đến hiện tượng nhiều blog cá nhân, diễn đàn văn học bắt đầu xuất hiện các tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản chính thức, thậm chí nhiều tác phẩm hoàn toàn được sáng tác qua mạng.

… Đến văn học mạng và văn học của mạng:

Do quá trình hình thành quá mới mẻ, đến nay vẫn không có một định nghĩa nào về văn học mạng. Tuy nhiên, với các độc giả thường xuyên lên mạng để tìm đọc các tác phẩm văn học thì văn học mạng phải được gọi một cách chính xác là: “Văn học của mạng”. Nghĩa là người sáng tác cũng phải sáng tác ngay trên mạng, thông qua mạng và ngay sau khi viết và người đọc có thể theo dõi từng đoạn của tác phẩm cho đến khi kết thúc.

Tru tiên có thể xem là tác phẩm tiên phong cho hiện tượng sáng tác qua mạng của Trung Quốc vào Việt Nam. Tác phẩm này do nhà văn Tiêu Đỉnh sáng tác, ban đầu, Tiêu Đỉnh chỉ rảnh rỗi bèn đưa từng chương sáng tác của mình lên trang blog cá nhân. Sau đó, tác phẩm được nhiều người để ý, Tiêu Đỉnh bèn chuyển qua một trang web riêng nhằm tạo thuận lợi cho bạn đọc. Và thật bất ngờ, Tru tiên trở thành một hiện tượng văn học lớn của Trung Quốc, được xếp vào Tam đại kỳ thư Internet của đất nước đông dân nhất thế giới.

Sau đó, Tiêu Đỉnh đã quyết định phát hành Tru Tiên dưới dạng sách giấy thông thường và tiếp tục giành được thành công vang dội về mặt doanh thu. Khi vào Việt Nam, tác phẩm này đầu tiên thu hút mạnh sự chú ý của bạn đọc Internet, sau đó lại tiếp tục giành thành công khi xuất bản chính thức.

Hiện tượng Tru Tiên làm bất ngờ tất cả những ai quan tâm đến văn học. Đại diện một Nhà xuất bản lớn của Trung Quốc từng nhận xét: “Đây là một tác phẩm mà nếu bình thường mang đến các Nhà xuất bản chẳng ai chịu in”. Câu nói này có lý do của nó, nội dung của tác phẩm nói về thế giới tiên ma, yêu quỉ, nơi các nhân vật có thể ngự (cưỡi) kiếm phi hành, hô phong hoán vũ… Thể loại này được coi như là đã chết từ những thập niên 40-50 ở Trung Quốc khiThục Sơn kiếm hiệp truyện của Hoàn Châu Lâu chủ phải bỏ dở nửa chừng.

Dường như không ai tin một tác phẩm như Tru Tiên lại có thể thành công, ấy thế mà nó đã tạo nên một cơn sốt đến mức nhiều nữ sinh (Trung Quốc) đã phải cảm thán: “Đời này sống chết vì Tru Tiên!”.

Hiện tượng Tru Tiên chưa kịp nguội thì Việt Nam lại chứng kiến một hiện tượng khác có cái tên gây chấn động dư luận: Xin lỗi, em chỉ là con đĩ!. Đây là một truyện vừa được sáng tác trên blog của nhà văn trẻ Trung Quốc Bảo Thê và được Trang Hạ, một nhà văn nữ Việt Nam dịch và đưa lên blog của mình. Tuy có một cái tít hết sức giật gân nhưng quả thật phải thừa nhận tác phẩm này trở thành hiện tượng không đơn thuần chỉ ở cái tít. Bản thân tác phẩm cũng dễ tạo ra sốc cho bạn đọc ở các thể hiện đầy mạnh mẽ với một bi kịch có phần hơi thái quá.


Các bạn trẻ tìm sách trên mạng tại Hội sách TPHCM. Ảnh: T.V.

Trước sự mở đầu ấn tượng của các tác phẩm Trung Quốc, giới sáng tác Việt Nam choàng tỉnh khi phát hiện ra một công cụ hỗ trợ sáng tác tuyệt vời: mạng Internet. Ở đây, mọi sáng tác đều được chấp nhận, không tốn tiền xuất bản, quảng cáo mà vẫn có bạn đọc. Và thậm chí, còn có cơ hội đưa sáng tác của mình ra xuất bản chính thức mà hàng loạt sáng tác văn học của mạng từ các nhà văn trong nước đã làm được như: Tớ là Dâu của chàng trai Canada Joe Ruelle (đang sống và làm việc tại Việt Nam) đến những tác phẩm văn học Tuyết Đencủa Giao Chi, Chuyện tình New York của Hà Kin và mới đây nhất là tác phẩmDị Bản của Keng (Đỗ Thị Thuỳ Linh). Các tác phẩm này dù chưa thể gây nên hiện tượng như ở Trung Quốc nhưng cũng đã phần nào cho thấy trào lưu văn học mạng đã chính thức lên tiếng ở Việt Nam.

Văn học của mạng: Văn chương tự phục vụ

Văn học của mạng thuần tuý vì mạng mà sinh, vì mạng mà mất. Thường các tác giả sẽ viết một vài đoạn, bạn đọc (ban đầu thường là người thân hay bạn bè) vào đọc và góp ý, sau đó tác giả tiếp tục sáng tác theo ý mình kết hợp cùng các sự góp ý đó. Khi đưa lên mạng, một tác phẩm được tác giả coi là hoàn chỉnh sẽ có nguy cơ thay đổi nội dung, cách thể hiện khi nhận được sự góp ý của bạn đọc.


Viết và đọc truyện trên blog.

Hãy lấy tác phẩm Tru Tiên làm tiêu biểu, tác phẩm này khi xuất hiện bắt đầu được bàn tán, tranh luận, góp ý của bạn đọc với đủ mọi trình độ khác nhau. Các ý kiến này được tác giả tổng hợp, chọn lựa và phát triển nội dung. Kết quả ban đầu rất mỹ mãn, tác phẩm còn đầy đủ tính chất từ cổ điển đến hiện đại, các tuyến nhân vật phát triển đầy đặn, tình huống được liên tục nâng cao gây kích thích cho người đọc. Thời điểm đỉnh cao, có đến hơn 100 triệu người đọc Tru Tiên (qua mạng).

Thế nhưng, cũng chính vì có quá nhiều góp ý, tư vấn đã khiến cho truyện phát triển quá lớn, đến nỗi vượt ngoài khả năng của tác giả. Kết cục, phần cuối truyện tác giả không còn đủ sức gỡ tất cả những nút thắt do mình (dưới sự tư vấn của bạn đọc) đã tạo nên. Tác phẩm đã có cái kết gây thất vọng lớn cho bạn đọc, hàng loạt chi tiết, sự kiện bị bỏ qua, trường đoạn đỉnh cao nhất thì bị thả tuột cho trôi qua thật nhanh nhằm kết thúc truyện, tất cả đã gây hụt hẫng cho bạn đọc và từ Trung Quốc đến Việt Nam, mỗi lần nhắc đến Tru Tiên độc giả mạng hầu hết đều phải thở dài: “Đầu voi đuôi chuột”.

Cái kết yếu kém của Tru Tiên được xem là điểm yếu rõ rệt nhất ở văn học của mạng. Nếu với văn học chính thống, phong cách của từng nhà văn hiện lên ngồn ngộn trên trang giấy thì văn học mạng ngược lại. Do mối liên hệ giữa người sáng tác và bạn đọc rất chặt chẽ ngay trong quá trình sáng tác, tác phẩm có thể đáp ứng nhu cầu bạn đọc nhưng lại đánh mất bản chất riêng của tác giả.

Điều này được lý giải là do tuy nói rằng bạn đọc mạng đa dạng nhưng trên thực tế chiếm chủ yếu là giới trẻ, những người tiếp cận và ứng dụng Internet nhiều nhất hiện nay. Giới trẻ có những nhu cầu của giới trẻ, kết quả là để đáp ứng yêu cầu này nhà văn sáng tác trên mạng cũng phải vứt bỏ cái tôi của mình nếu muốn trở thành một nhà văn của mạng. Có trường hợp tác giả cho nhân vật nam nữ đi chơi công viên, nhưng bạn đọc phản đối quyết liệt: “Thời nay ai lại vào công viên, vừa chán vừa nguy hiểm, cho đi uống cà phê cao ốc đi, cũng lãng mạn mà còn sang trọng”. Thế là nhân vật lại phải bỏ công viên để vào quán, bất chấp trước đó tình tiết nhân vật được xây dựng như thế nào. Đó là chưa kể bạn đọc còn quyết định luôn nhân vật chính sẽ yêu ai, bỏ ai, tác giả chỉ còn việc chấp bút mà thôi.

Chênh vênh tốt xấu

Thực tế, đến bây giờ nhiều người vẫn cho rằng văn học của mạng không có hoặc rất ít cơ hội phát triển. Thậm chí, có người còn cho rằng đây chỉ là một hình thức phổ biến khác của văn học chứ không phải một hình thức sáng tác mới. Điều này hoàn toàn bình thường khi mà văn học của mạng chỉ mới vỏn vẹn có thời gian phát triển hơn một năm. Còn quá sớm để hy vọng điều gì.

Hy vọng thì chưa thấy nhưng lo lắng đã có rất nhiều. Một trong những lo lắng lớn nhất chính là việc văn học của mạng tuy chưa thành hình nhưng đã có những biến dạng theo hướng đầy tiêu cực. Hàng loạt tác phẩm mang nội dung kích dục công khai xuất hiện và được bạn đọc trẻ đón nhận nồng nhiệt. Nhiều tác phẩm trong số đó đã bị chính quyền Trung Quốc cấm phổ biến nhưng lại ung dung xuất hiện trên mạng ở Việt Nam. Bên cạnh đó, đã xuất hiện và ngày càng phổ biến loại sáng tác văn học cho mục đích thấp hèn, bôi xấu cá nhân, trục lợi chính trị…


Internet ngày càng phổ biến hơn trong giới trẻ.

Lý do của hiện tượng này lại nằm ở chính ưu điểm của việc sáng tác văn học của mạng: Tính phổ biến cao trong khi trách nhiệm của người sáng tác, của cơ quan quản lý lại rất ít. Rất nhiều nhà văn sáng tác dưới dạng nickname (bí danh), hoàn toàn che dấu thân phận thật của mình và với lớp vỏ bọc đó họ có thể mặc sức tung ra những “tác phẩm” xấu mà không sợ bị truy cứu hay ngặn chặn như với việc xuất bản thông thường trong khi lượng bạn đọc không hề kém hơn.

Ngược lại, việc quản lý sáng tác trên mạng đến nay hầu như không có sự can thiệp của nhà nước, chỉ khi nào có sự việc nghiêm trọng liên quan đến chính trị mới thấy bóng dáng của lực lượng an ninh mạng. Còn việc lựa chọn, thanh lọc nội dung tác phẩm vẫn hoàn toàn trông chờ vào các quản trị diễn đàn hay đơn giản hơn nữa là kêu gọi sự tự nguyện của các tác giả.

Chính việc phát triển mạnh, tiềm năng hứa hẹn to lớn nhưng lại tự phát thiếu kiểm soát đã biến Internet từ một công cụ hỗ trợ sáng tác thành một công cụ thoả mãn các mục đích đen tối. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người đang lo ngại rằng trào lưu văn học mạng sẽ khó lòng thành hiện thực khi mà thực tế cho thấy việc sáng tác văn học trên mạng có nguy cơ bị đào thải khỏi dòng chảy văn hoá xã hội.

Tác giả: Xuân Thân

Nguồn tin: Hồn Việt

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây