Dư âm Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII

Thứ sáu - 16/09/2011 06:16 2.230 0

Dư âm Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII

Sau Hội nghị, tất cả lại trở về với công việc thường ngày của mình, văn chương lại lặng lẽ thắp lên ngọn lửa đam mê ở một miền tĩnh lặng. Ra về rồi mà dường như ai cũng có cảm giác “thiếu thiếu” một cái gì, nuối tiếc một cái gì. Có thể là thời gian trôi đi quá nhanh, có thể là do chợt nhận ra phải 5 năm nữa mới có một kỳ Hội nghị nữa, hoặc cơ hội chẳng dành cho mình nữa. Nhưng nếu thế cũng chả sao, vì ít nhất cái đọng lại là cảm xúc về một kỳ hội nghị thành công.
Vậy là cuộc hội ngộ văn chương trẻ 5 năm mới có một lần đã khép lại. Chúng ta đã quen với hình ảnh “già hoá” của đội ngũ nhà văn Việt Nam thì với Hội nghị lần này, nhiều gương mặt trẻ đã làm thay đổi hình ảnh về các nhà văn Việt Nam trong đời sống văn học thường nhật.

Mặc dù từ trước tới nay, chưa bao giờ một hoạt động văn chương của Hội Nhà văn Việt Nam lại quy tụ nhiều gương mặt trẻ như ở Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII này, tuy nhiên chất trẻ chưa bộc lộ hết trong Hội nghị.

Trong buổi họp báo về Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII, báo điện tử Tổ Quốc trao đổi với nhà thơ Hữu Thỉnh về một số trường hợp đại biểu không thể tham dự Hội nghị phút cuối liệu có ảnh hưởng gì không thì được ông cho biết: Việc quyết định tham dự Hội nghị hay không là quyền của đại biểu. Nếu họ không tham dự được thì báo lại cho Ban Nhà văn trẻ hoặc tỉnh uỷ, Hội Văn học địa phương - nơi giới thiệu họ, để từ đó báo lại cho Hội Nhà văn biết. Nếu thời gian còn kịp thì chúng tôi bổ sung. Vấn đề nhân sự thay đổi thì Hội sẽ khó khăn hơn trong việc in biển tên thôi, còn các vấn đề khác không ảnh hưởng gì. Vì các nhà văn trẻ còn chưa biết nhau nhiều, nên khi tham dự Hội nghị, Hội Nhà văn đã in biển tên cho đại biểu để họ làm quen với nhau. Như vậy, việc mỗi nhà văn trẻ tham dự Hội nghị có một chiếc biển tên vừa để mọi người biết họ là đại biểu, vừa dễ dàng nhận mặt biết tên, vừa để giữ lại làm kỉ niệm. Tuy nhiên, trong suốt quá trình tham dự Hội nghị, khi báo chí tiếp cận thì các  đại biểu trẻ tỏ ra khá thận trọng, nhiều đại biểu còn khá rụt rè, chỉ làm quen với một vài người.

Trao đổi với nhà văn Nguyễn Đình Tú về vấn đề các nhà văn trẻ còn chưa có cơ hội biết nhau nhiều thì anh cho biết Ban Tổ chức đã có kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động trong lần Hội nghị này và việc Ban Tổ chức có kế hoạch nhiều hoạt động như thế là để tạo điều kiện cho các đại biểu biết về nhau nhiều hơn. Ví dụ trong buổi tham luận có 20 tác giả lên đọc tham luận thì mọi người biết 20 người, trong buổi giao lưu văn nghệ Tổ quốc với biển đảo có 20 người lên đọc thơ thì mọi người sẽ biết thêm 20 người, ngoài ra, ngay từ những ngày đầu, các đại biểu đã được bố trí sắp xếp đan xen các khu vực với nhau để họ làm quen. Thế nhưng, theo nhìn nhận của chúng tôi, việc nhiều người lên đọc tham luận chỉ là cách “biết” một chiều và người nghe sẽ phải nghe trong một tâm thế “oải”. Ngoài ra, việc trong một chương trình hay hoạt động văn chương nào đó một người phải đứng lên giới thiệu tên tuổi, quê quán… của mình đã là quá cũ, thế nhưng đó vẫn là việc cần thiết và khá hiệu quả. Ngay sau khi được báo điện tử Tổ Quốc phản ánh, trong buổi Hội thảo Văn xuôi, nhà văn Nguyễn Đình Tú đã đề nghị các đại biểu giới thiệu bản thân. Dù lời giới thiệu ngắn gọn, nhưng lại có khá nhiều thông tin thú vị của các đại biểu. Dường như đến lúc này “chất trẻ” mới được bộc lộ phần nào. Nhiều thông tin cá nhân được tiết lộ trong một tâm thế cởi mở.

Nhiều đại biểu nói về việc đầu tiên khi được tham dự Hội nghị- đó là cơ hội để giao lưu, là dịp để biết nhau giữa các cây bút trẻ. Phải biết nhau, rồi mới có thể hiểu nhau, trở thành bạn của nhau và cao hơn là đồng nghiệp của nhau thì thiết nghĩ không chỉ bản thân mỗi người hãy mở lòng mà ban tổ chức cũng nên tạo cho họ cái cớ, một cơ hội thích hợp để các nhà văn trẻ - nhất là các nhà văn ở địa phương biết nhau.

Một số nhà thơ trẻ cho biết Hội nghị lần này khá trầm, và nguyên nhân có lẽ là do thiếu không gian thể hiện, một phần do các nhà văn trẻ chưa bộc lộ hết mình. Hoặc đây có lẽ là do một phần tác động của công nghệ thông tin vì trước kia, mạng Internet và điện thoại di động không phổ biến, muốn trò chuyện với nhau phổ biến là qua thư tay, được gặp nhau trực tiếp rất hiếm nên có bao nhiêu tâm sự, có bao nhiêu ấp ủ đều giãi bày hết trong thư. Còn bây giờ, mọi thứ đều quá tiện ích, bất kể lúc nào cũng có thể trò chuyện với nhau nên khi gặp trực tiếp họ không còn cảm giác vỡ oà, ngỡ ngàng… không còn nhiều chuyện nói với nhau nữa. Sự kết giao thường thấy ở từng nhóm nhỏ được duy trì và tồn tại. Đây là điều khác biệt dễ nhận thấy của các nhà văn trẻ trong Hội nghị lần này. Và nếu đúng như nhận định được đưa ra thì có thể chúng ta sẽ thưa vắng dần đi sự háo hức, vỡ oà ở các nhà văn trẻ trong những kỳ Hội nghị sau.

Nếu như ở kỳ Hội nghị trước có những phát ngôn, những hành động gây sốc thì ở Hội nghị này đã không có. Đây là điểm khác biệt khi nói tới Hội nghị viết văn trẻ lần thứ VIII. Không những thế, nhiều ý kiến trong buổi Hội thảo Văn xuôi tỏ ra khá chững chạc. Đây cũng là Hội thảo được đánh giá chất lượng bởi các đại biểu đã đưa ra nhiều vấn đề của chính bản thân mình. Hội thảo Thơ ít sôi nổi hơn, thậm chí một số vấn đề còn không mới nhưng cũng đã đề cập đến những băn khoăn của người viết trẻ. Kết thúc hai Hội thảo, ít nhất các cây bút trẻ đều thấy “cơ hội và thách thức” của con đường văn chương phía trước.

Một điều dễ dàng nhận thấy là các nhà văn thuộc thế hệ đi trước đến với các cây bút trẻ tham dự Hội nghị khá gần gũi, thân tình, họ đã xoá nhoà khoảng cách giữa mình với các cây bút trẻ. Những câu chuyện, những tâm sự mà họ từng trải qua được kể lại một cách chân thực. Kỳ vọng bất kỳ ai tham dự Hội nghị đều trở thành nhà văn và đều viết hay hơn là điều khó trở thành hiện thực ngay sau khi kết thúc Hội nghị. Ngay cả việc tham quan, đi thực tế cũng vậy, khó mà đòi hỏi sau chuyến đi họ thu nhận ngay được những gì. Có những chuyến đi, có những Hội nghị, có những lời khuyên mà phải vài năm sau đó, bằng sự trải nghiệm, bằng những va đập thì người viết trẻ mới nhận ra, mới thấm thía và mới thấy ý nghĩa. Sự tích luỹ vốn sống, trải nghiệm ở từng chuyến đi không thể ngày một ngày hai nhìn thấy ngay thành quả. Trách nhiệm của mỗi người đến đâu chính là câu trả lời cho sự chờ đợi của chúng ta.

Tác giả: Hà Anh

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây