Đất hẹp cho nhà văn trẻ

Thứ ba - 20/09/2011 06:10 2.744 0

Từ trái sang: Các nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, Trần Hoàng Thiên Kim, Vi Thùy Linh, Nguyễn Xuân Thủy, Lê Quang Sinh và nhà văn Di Li tại Tuyên Quang tối 8-9. Ảnh: XUÂN THỦY

Từ trái sang: Các nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, Trần Hoàng Thiên Kim, Vi Thùy Linh, Nguyễn Xuân Thủy, Lê Quang Sinh và nhà văn Di Li tại Tuyên Quang tối 8-9. Ảnh: XUÂN THỦY
Nhà thơ Vi Thùy Linh - hội viên trẻ nhất Hội Nhà văn Việt Nam, người đã tham dự liên tiếp 4 kỳ hội nghị những người viết văn trẻ Việt Nam - có bài viết về thực trạng và tâm huyết của những người cầm bút trẻ, trong đó có chị.

Hội nghị lần VIII này là kỳ thứ 4 tôi dự, đúng dịp tròn 16 năm gắn bó thi ca. Biểu đồ hình sin không đủ thể hiện đầy đủ khoảng thời gian ấy. Bão tố, nhọc nhằn, nước mắt, buồn nản, quyết liệt, hy vọng, nồng nhiệt, âm thầm... bao trạng thái cảnh huống, không thể đưa vào các biểu đồ, tìm sự hòa cảm trọn vẹn trong hình dung của ai, dù sâu sắc.

Phân cấp cứ theo thâm niên, tuổi tác 

Vì có tác phẩm khi 15 tuổi nên tôi và các bạn cùng lứa (ít ỏi) còn trụ đến hôm nay, thành những cái tên quen với văn học trẻ đương đại. Tôi bác bỏ kiểu “lên ngôi” do sống lâu. Với nghệ thuật, không thể dùng thâm niên và tuổi tác làm tiêu chí “phân cấp”. Tất nhiên, sẽ rất đáng trọng khi các lão tướng vẫn phong độ “gừng càng già càng cay” khiến lớp sau tâm phục khẩu phục về chất lượng tác phẩm đương thời, chứ không phải hào quang “vang bóng một thời”.

Việc Ban Tổ chức Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần này lấy mốc đại biểu sinh từ năm 1976 trở lại là cách xác định ổn thỏa khi lấy mốc thời gian theo quy luật đời người. “Tam thập nhi lập”, qua 30 tuổi là bắt đầu trung niên, dù muốn trẻ lâu, chúng tôi cũng không thể chối bỏ, lảng tránh sự thật ấy.Ở Pháp có một câu châm ngôn: “Với nghệ sĩ, những tác phẩm quan trọng cần xuất hiện lúc trẻ. Nếu đến 35 tuổi không khẳng định được mình thì đừng đeo đuổi nghệ thuật nữa”. Nhìn lại lịch sử văn chương thế giới và Việt Nam, nhiều tác giả xuất hiện, bùng nổ từ khi còn rất trẻ, là thanh niên. Tôi không muốn lại dẫn ra những cái tên mà chúng ta đã biết.

Trong khi các nước phát triển coi tài năng phát lộ khi trẻ là báu vật, là hiện tượng được trân quý, đón nhận thì các “nhà” của ta, từ nhà văn “già” đến nhà phê bình luống tuổi luôn coi những vật lộn, quẫy đạp, bứt phá (khác thói quen mãn tính) là “quậy”, là “thể nghiệm”, triền miên dùng căn cứ tuổi để áp đặt.

Tôi từng trả lời báo chí từ 5 năm trước: “Sự công nhận sòng phẳng của giới nghề chuyên nghiệp là quan trọng để thúc đẩy tiến trình văn học và cảm hứng nghệ sĩ. Các nhà phê bình đích thực thiếu vắng và vờ vĩnh. Họ đòi hỏi chúng tôi phải tạo ra làn sóng mới, vụ mùa bội thu. Song hễ có mầm nào nhú lên, họ lại búa xua “đánh đập” hoặc lờ đi, làm ngơ, mặc cho kẻ đố tài không đọc chỉ nghe hơi rồi chì chiết”.

Khó tìm nhân tố kế cận

Cùng với vô số áp lực mưu sinh, nghĩa vụ đời sống, những cảnh huống ngoài hình sin kể trên, những cây bút trẻ phải thực sự đam mê, xác lập bản lĩnh thì mới chịu đựng vượt nổi búa rìu, bất công, đố kỵ giữa bao lựa chọn cám dỗ của lợi ích và công danh, của yên bình và thông lệ, mấy ai đủ “dại” dấn thân vào “trường văn trận bút” suốt đời?

Tôi đã chờ, chờ mãi, mới chỉ thấy có Trương Quế Chi (sinh năm 1987) đáng để hy vọng. Quế Chi đã tốt nghiệp 2 khoa: Báo chí Truyền thông và Điện ảnh tại ĐH TH Lyon 2 và sắp theo học thạc sĩ điện ảnh tại ĐH Sorbonne (Pháp). Chi không chọn văn chương  làm nghiệp, dù em viết khá hơn không ít những người có “thẻ” lại thiếu tư duy chuyên nghiệp. Điều quan trọng phân biệt nghệ sĩ thực thụ với một tay amateur (không chuyên) là ý thức lao động: Phải sáng tạo tác phẩm mang tính nghệ thuật.

Nhiệm vụ tối thượng của nhà văn, nhà thơ là phải làm giàu, đẹp ngôn ngữ mẹ đẻ. Tiếng Việt phải trở thành sinh ngữ trong tay nhà văn, thi sĩ. Cứ tả cảnh, miêu tả trần thuật cuộc sống bằng khẩu ngữ thông thường thì không cần nhà văn, nhà thơ nữa. Nếu nói văn học là cuộc sống, cũng không cần văn chương nữa. Không phải báo chí luôn phản ánh các mặt đời sống đa dạng, chi tiết đó sao? Văn chương, thi ca đích thực phải cao hơn hiện thực, đi sâu vào tâm hồn con người, nâng cao nó bằng ngôn ngữ, hình ảnh được tác tạo.

Tất cả nỗ lực, tâm huyết của tôi, của các bạn tôi, qua 16 năm cầm bút, trải qua và chứng kiến, giờ hao hụt đến ngỡ ngàng. Những người có chút thành tựu đều đang tuổi trung niên. Tìm nhân tố kế cận không dễ. Mỗi kỳ hội nghị, lại hẫng: Cây bút quen hôm nào đã bỏ nghề hoặc ngừng viết, thêm nhiều gương mặt mới. Cứ thế quy luật đào thải nghiệt ngã làm sao?

Đã dấn thân, còn lý trí tính đo được - mất? Không màng danh lợi, dại dột thiệt thòi? Vinh quang, tiếng tăm không do những trò đánh bóng của cơn khát háo danh, nó phải từ những đêm ngày mệt nhoài chắt não.

Hội là hội tụ, là ngày hội. Khi nào hội đủ anh tài, đủ lửa đam mê để thành cuộc  “quần anh hội” với những cái tên sáng giá, ưu tú và kiêu hãnh như chúng ta (chứ không phải “dư luận” nào) thực tâm mong mỏi? Có bao kẻ cuồng say và liều lĩnh xả thân vì tình yêu, vì văn chương giữa cõi hiện sinh đang xuống cấp nhiều mặt, thực dụng bủa vây này?

Mệt mỏi, nản lòng

Không ít lần tôi kêu gọi các bạn tôi vào Hội Nhà văn. Họ xứng đáng mà họ không thiết. Làm thơ vì tình yêu (tuy nồng độ khác nhau) chứ không nhằm có được cái thẻ hội viên “khoe mẽ” như ai hay “cho vui”. Những đam mê nửa vời, những ngọn lửa manh mún, tản mạn, khi nào hội lại thành sóng lửa khi trong mỗi cây bút trẻ được định danh đến hôm nay nhiều lúc mệt mỏi, nản lòng. Vẫn đón bình minh bằng những đêm thức trắng.

Chúng ta viết do thôi thúc của chính mình là điều thành thực nhất, trước khi vì độc giả, vì “tiếng gà” thúc giục ban mai.

Tôi nhớ tới những người bạn âm thầm yêu say thơ mà không có mặt tại Tuyên Quang lần này, Hội An lần trước: Trần Tuấn, Đỗ Doãn Phương, Nguyễn Quang Hưng. Những tấm phù hiệu, những cuốn sách đã tự có số phận của chúng. Và chúng tôi mơ mình trở lại thuở bắt đầu, về thời đẹp nhất, sôi nổi nhất đã thuộc về ký ức.

Tác giả: Vi Thùy Linh

Nguồn tin: NLĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây