Những sự kiện văn học nổi bật trong thập kỷ qua

Thứ hai - 28/12/2009 12:43 1.791 0

Những sự kiện văn học nổi bật trong thập kỷ qua

Trong một thập kỷ qua, độc giả được đắm chìm trong thế giới của các phù thủy, ma cà rồng và một nhà biểu tượng học (symbologist) khi hai serie truyện dành cho thiếu nhi lại lôi cuốn cả đối tượng người lớn.

Nhờ vậy mà serie truyện Harry Potter của nữ văn sĩ Anh J.K. RowlingTwilight của nhà văn Mỹ Stephenie Meyer đã chiếm tới 9 trong Top 10 cuốn sách best-seller (sách bán chạy nhất) của thập kỷ do tờ USA TODAY bình chọn, trong khi đó tiểu thuyết The Da Vinci Code của Dan Brown đứng thứ hai.

J.K.Rowling là tác giả best-seller từ trước năm 2000, nhưng khi cuốn truyện thứ ba về cậu bé phù thủy mang tựa đề Harry Potter and the Goblet of Fire được phát hành vào tháng 7/2000 thì cuốn sách này đã thực sự trở thành một hiện tượng trong làng văn học, với lượng sách bán ra đạt mức kỷ lục là 3 triệu bản, hết vèo chỉ trong tuần đầu phát hành. Khi tung ra cuốn sách cuối cùng vào năm 2007 - Harry Potter and the Deathly Hollows – đã có nhiều suy đoán về cái chết của Harry và điều đó càng khiến độc giả háo hức đón chờ, giúp ngành xuất bản đạt được một kỷ lục mới: tiêu thụ được 8,3 triệu cuốn trong ngày đầu được tung ra thị trường.




Năm 2007, Meyer, một người mẹ nội trợ viết văn, đã bắt đầu một cuộc thống trị chưa có tiền lệ trong danh sách best-seller với serie truyện Twilight, kể về một mối tình lãng mạn tuổi vị thành niên mà trong đó nhân vật chính là một con ma cà rồng. Năm ngoái, serie truyện của nữ văn sĩ này đã tiêu thụ được 22 triệu cuốn.

Nhà văn Mỹ Dan Brown bắt đầu nổi đình nổi đám trong văn đàn với tiểu thuyết ăn khách The Da Vinci Code, tác phẩm văn học hòa trộn giữa thực tế và hư cấu. Tiểu thuyết mới nhất của ông - The Lost Symbol – đã tiêu thụ được hơn 4 triệu bản kể từ khi phát hành hồi tháng 9.

Xét theo một khía cạnh nào đó thì các tiểu thuyết của Rowling, Meyer Brown đã tạo nên cơn sốt khắp toàn cầu nhờ một phần có sự hỗ trợ của Hollywood, nhưng cũng phải thừa nhận thực tế là các cuốn sách của họ cũng thuộc những tác phẩm bom tấn: "Các tác phẩm đó đã có những cuộc mở màn còn lớn hơn cả những bộ phim được mong đợi nhất, với nhiều đơn đặt mua sách trước và sau các bữa tiệc đêm. Lượng sách bìa cứng được bán ra với số lượng không thể tưởng tượng nổi”, Michael Cader, nhà sáng lập của bản tin kỹ thuật số Publishers Lunch, nói.

10 cuốn sách trong Top 10 của thập kỷ:

1. Twilight - Stephenie Meyer
2. The Da Vinci Code - Dan Brown
3. Harry Potter and the Order of the Phoenix - J.K. Rowling
4. New Moon - Stephenie Meyer
5. Harry Potter and the Sorcerer's Stone - J.K. Rowling
6. Harry Potter and the Half- Blood Prince - J.K. Rowling
7. Harry Potter and the Deathly Hallows - J.K. Rowling
8. Harry Potter and the Goblet of Fire - J.K. Rowling
9. Eclipse - Stephenie Meyer
10. Harry Potter and the Chamber of Secrets - J.K. Rowling
Tuy nhiên, các nhà xuất bản vẫn phàn nàn về sự suy giảm nói chung của lượng sách bán ra, kể cả trước khi thế giới lâm vào thời kỳ suy thoái kinh tế. Giá cả, bản quyền và việc trì hoãn phát hành các cuốn sách trên mạng nhằm bảo vệ lượng bán ra của các cuốn sách bìa cứng đang là điều gây tranh cãi. "Những cuộc thỏa thuận mua bán có diễn ra thế nào thì cũng phải theo hướng của độc giả. Qua thời gian, càng tạo dựng và chinh phục được càng nhiều độc giả thì lúc đó hình thức phát hành như thế nào không còn là vấn đề”, Sara Nelson, biên tập sách của tạp chí O, nhận định.

Thập kỷ này được cho là thời điểm của các cuốn tự truyện, trong đó có cuốn Eat, Pray, Love (No. 25) của Elizabeth Gilbert.

Việc bùng nổ việc phát hành sách bằng kỹ thuật số là sự kiện không thể không nhắc tới trong làng văn học trong thập kỷ này. Cách đây gần một thập kỷ, thế giới sách bị “chao đảo” khi Stephen King - một trong những nhà văn nổi tiếng nhất đã tung lên mạng tiểu thuyết The Plant và đây là sự thử nghiệm đầu tiên trong việc tự xuất bản bằng kỹ thuật số của một nhà văn có thương hiệu. Cứ tải 5.000 từ thì độc giả phải trả 1 USD. Giờ đây thì nhà văn này cho rằng việc tung tác phẩm lên mạng “không phải là hệ thống phát hành” và năm nay các cuốn sách best-seller của ông vẫn được xuất bản theo cách truyền thống.

Cho dù thế nào thì sự chuyển dịch này cũng đã tạo nên sự lo lắng cho nền công nghiệp xuất bản khi những thế lực mới đang nổi lên. Chẳng hạn như Google đang có kế hoạch tung lên mạng 20 triệu cuốn sách và Amazone vẫn tiếp tục thay đổi cách bán sách. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra: ai còn cần các nhà xuất bản, các của hàng sách và thậm chí là cả việc xuất bản sách khi nhà văn đã có website.

Một báo cáo hồi năm 2004 đã cảnh báo rằng lượng bán ra của các tác phẩm văn học đang suy giảm, nhất là khi có sự bùng nổ của kỹ thuật số. Song thực tế lại cho thấy điều đáng mừng là năm 2009 lượng người đọc sách đã gia tăng lần đầu tiên trong vòng 25 năm qua, mà tăng mạnh nhất là đối tượng độc giả từ 18 đến 24 tuổi.

Nguồn tin: TT&VH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây