Xuất bản phát triển, văn học nhạt nhoà?

Thứ năm - 10/12/2009 17:44
Xuất bản càng ồ ạt, sách văn học dường như càng bị lấn át bởi sách thương mại. Xuất bản càng ồ ạt, sách văn học dường như càng bị lấn át bởi sách thương mại.
Điều đáng ngạc nhiên là khi xuất bản phát triển rầm rộ, số lượng sách in ra càng nhiều thì càng khó chọn được những tác phẩm mang giá trị văn học đích thực. Công nghệ xuất bản càng phổ biến thì mối hoài nghi về những tác phẩm văn học càng tăng lên, kể cả chất lượng những tác phẩm nhận được giải thưởng lớn và được quảng bá rầm rộ.
Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa, đó lại là thực tế ở nước Pháp, một nước được coi là có nền văn học và văn hóa đọc có truyền thống lâu đời và phát triển tương đương với kinh tế xã hội.

Đó là  câu chuyện mà GS. Brigitte-Ouvry Vial (ĐH Maine-Pháp) đặt ra tại buổi nói chuyện về “Mâu thuẫn giữa xuất bản và văn học” vừa mới diễn ra đầu tuần này (7-12) tại Trung tâm Văn hóa Pháp.

Bà cho rằng, mâu thuẫn giữa xuất bản và văn học đã có một thời gian dài nổi cộm không chỉ riêng ở Pháp mà là vấn đề chung trong lĩnh vực xuất bản ở châu Âu và nhiều nơi trên thế giới.

Sự đối lập thể hiện rõ, khi mà xuất bản ngày càng phát triển thì vị trí của văn học càng bị thu hẹp lại.

Văn học nhường chỗ cho sách thương mại

Sự mất cân bằng thể hiện ở chỗ, sách xuất bản ồ ạt, nhưng phần nhiều đó là những cuốn sách mang tính thương mại, rất hiếm hoi những tác phẩm văn học đích thực mà ở đó có thể tìm thấy giá trị thẩm mỹ và sáng tạo, chứ không phải là sách bán chạy. Dễ nhận thấy trên thị trường xuất bản nổi lên là những cuốn sách khai thác tâm lý, chạy theo sự kiện và khai thác đa chiều các hiện tượng xã hội khác như kiểu sách tự sự nhân vật, ăn theo phim ảnh, phần lớn trong đó là các cuốn sách được sản xuất theo dạng “mì ăn liền”.

 Những cuốn tiểu thuyết, những tác phẩm dành tôn vinh sự sáng tạo hầu như vắng bóng. Một số thể loại như thơ, phê bình tiểu luận gần như không có chỗ đứng trong xuất bản. Nhà xuất bản lớn và có uy tín nhất ở Pháp là Gallimar nhưng mỗi năm chỉ xuất bản hai tập thơ.

Và trong một môi trường xuất bản ồ ạt, đời sống của mỗi cuốn sách cũng ngắn ngủi quá sức tưởng tượng: một cuốn sách từ khi ra đời sẽ nằm trên kệ các cửa hàng sách khoảng chừng ba tuần đến một tháng, nếu không bán được sẽ bị trả lại nhà xuất bản. Sau một năm, nếu vẫn tồn kho thì có nghĩa là lập tức chúng sẽ bị nghiền nát thành giấy vụn. Và thực tế là mỗi năm nước Pháp phải tiêu huỷ đến hàng nghìn tấn sách. Sẽ không ngạc nhiên nếu trong số đó là những tác phẩm văn học có giá trị đang cần thời gian để tìm chỗ đứng trong lòng độc giả.

GS. Brigitte-Ouvry Vial hiện là giảng viên đại học, giảng dạy văn học tại ĐH Maine (Pháp). Bà cũng là người viết bình luận văn học, viết sách và có nhiều năm hoạt động trong ngành xuất bản. 

Kinh doanh sách, ngay cả ở nước Pháp, vẫn là một ngành kinh doanh vô cùng nghiệt ngã. Các nhà xuất bản thường đặt ra lợi nhuận là 15%/năm, nhưng thực tế họ chỉ đạt 1%. Do vậy, để bảo đảm lợi ích kinh tế, các nhà xuất bản không bao giờ cho phép mình in ra một cuốn sách mà không có lãi. Và vì thế, văn học đã trở nên vô cùng nhỏ bé trên thị trường xuất bản ở nước Pháp.

Giải thưởng của xuất bản

GS. Brigitte cho rằng, kể cả những cuốn được coi là sách văn học, cũng cần phải nghi ngờ giá trị văn học đích thực của nó. Trả lời câu hỏi của TS. Nguyễn Thị Từ Huy (ĐH Sư phạm Hà Nội) về chất lượng những tác phẩm đoạt giải thưởng văn học uy tín của Pháp như giải Goncourt, Renaudot và Miedicis, GS. Brigitte đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi nói rằng, có khi, đó là sự thoả hiệp giữa các nhà xuất bản.

Đã có một thời gian, kết quả các giải thưởng này chính là kết quả của cuộc họp thoả thuận giữa các nhà xuất bản lớn ở Pháp. Họ bầu chọn ra giải thưởng không phải căn cứ vào giá trị của tác phẩm mà đó là sự phân chia quyền lợi giữa các nhà xuất bản, với mục tiêu là làm thế nào để tăng doanh số bán ra.

Tuy nhiên, những năm gần đây, người ta đã nghĩ ra một cách để “tuyên cáo với giải thưởng thị trường” bằng cách thay đổi thành phần giám khảo. Bên cạnh đó, cũng thành lập ra những giải thưởng “phi lợi nhuận”, tôn vinh những tác phẩm đề cao tính sáng tạo, những tác phẩm thơ chẳng hạn. Nhưng những giải thưởng đó, cũng chỉ thực sự liên quan đến một nhóm nhỏ, không có ảnh hưởng sâu rộng gì tới công chúng, cho dù đó là nhóm những người có tri thức bậc cao, có thể nói là những vì tinh tú trong xã hội.
Không chỉ nên nghi ngờ các giải thưởng, GS. Brigitte còn cho rằng, bạn đọc ngày nay cũng nên nghi ngờ với những lời bình luận về sách, về các tác phẩm văn học trên báo chí, truyền thông. Vì phần lớn, đó là biểu hiện của chiêu thức quảng cáo, nằm trong chuỗi hoạt động của công nghệ xuất bản mà các nhà xuất bản đã lập ra dự án ngay từ khi cuốn sách còn chưa định hình. Và vì thế, ngày nay, rất khó để trả lời câu hỏi: “Thế nào là một tác phẩm văn học đích thực?” .

Theo GS. Brigitte, ngày nay xuất bản chủ yếu cho ra đời những cuốn sách mà ở đó chỉ liên quan đến đời sống thực tại, dường như vắng bóng thế giới tưởng tượng, không giúp dẫn dắt người đọc vượt thoát ra khỏi cuộc sống đời thường. Trong khi đó, theo bà, một tác phẩm văn học đích thực, đơn giản là ở đó người đọc tìm thấy niềm vui thẩm mỹ, khơi nguồn sáng tạo và chia sẻ tri thức, kinh nghiệm.

Tác giả: Hồng Minh

Nguồn tin: Nhân dân


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bản quyền thuộc về @ Thơ Trẻ