Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc: Sau những tàn phai

Thứ tư - 18/04/2012 12:48 6.033 0

Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc: Sau những tàn phai

Vào ngưỡng đời mà nhiều người rầu rĩ chọn lui về ở ẩn, thở than tiếc nuối quá khứ, Nguyễn Thị Minh Ngọc vẫn “đi như điên, nói như điên, làm việc như điên” theo cách bạn chị, nữ biên kịch Lê Thu Hạnh từng đúc kết. Có khác chăng là giờ này, Ngọc không còn “yêu như điên”. Chị an phận cùng bến đỗ, thỏa thuê với muôn mối ràng buộc gia đình, tự tin trong vóc dáng đàn bà thành đạt hạnh phúc, được yêu thương lẫn vì nể.
24 giờ của Nguyễn Thị Minh Ngọc ở Hà Nội, như thường lệ, luôn bấn loạn lên vì các cuộc gặp. Dự lễ ra mắt phim “Ngọc Viễn đông” mà chị là tác giả kịch bản, gặp gỡ nhà văn Nguyễn Xuân Khánh để trao đổi về chuyện, sẽ chuyển thể kịch nói tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” của ông theo đặt hàng từ sân khấu Idecaf…, rồi hối hả về Sài Gòn cho kịp thời gian trở lại Mỹ, người đàn bà đa đoan Nguyễn Thị Minh Ngọc chưa có ý định ngơi nghỉ hành trình của mình. Kể cả lúc thời gian đã buộc Ngọc phải nhuộm tóc hoặc đội lên đầu mớ tóc giả mỗi khi xuất hiện trước đám đông người, chị vẫn miệt mài đi và viết, và lao động, như cách thức duy nhất giúp neo chặt chị với cõi đời này.

1. Những lần chat qua công cụ Yahoo Messenger từ bên kia đại dương, vẫn chỉ thấy Nguyễn Thị Minh Ngọc kể về những dự án liên hồi kỳ trận dành cho phim ảnh sân khấu hay giao lưu văn hóa. Vài năm trước, trước rất lâu khi phim Ngọc Viễn đông ra mắt khán giả Việt Nam, đã nghe chị khoe Cường Ngô (Ngô Quốc Cường), một trong số các học trò của chị ở Trường Sân khấu điện ảnh TP Hồ Chí Minh, từng hoãn đi xuất cảnh với gia đình chỉ cốt được ở lại học đạo diễn. Thế nên lúc anh ngỏ ý, Ngọc không chần chừ chuyển thể các truyện ngắn Trăng huyết, Sắc, Gói Cẩm Lệ, Hai bên núi ảnh và cả tiểu thuyết Ký sự về người đàn bà bị chồng bỏ của mình thành 7 kịch bản độc lập, xâu chuỗi thành phim Ngọc Viễn đông.

Hiệu ứng từ giải thưởng Phim có cảnh quay đẹp nhất và Nhạc phim hay nhất trong Liên hoan phim độc lập California (Mỹ) lần thứ 14 giúp Ngọc Viễn đông được nồng nhiệt chào đón tại quê hương xứ sở. Ngọc cũng nhân cớ đó trở về, tranh thủ hít thở bầu không khí văn nghệ vốn làm nên lẽ sống của chị. Ngọc và ê kíp của mình, hầu như không ai nhận thù lao, từ diễn viên, biên kịch đến đạo diễn, sẵn lòng khép lại cái tôi riêng, chắt chiu những đồng tiền nhỏ bé để trọn vẹn một cuộc chơi nghệ thuật đẹp hết mức có thể.

Từ độ đột ngột lấy chồng lúc tuổi ngoài 50 (năm 2005), Nguyễn Thị Minh Ngọc đã theo chồng, một Việt kiều sang định cư ở Mỹ. Nơi Ngọc sinh sống cùng gia đình chồng được chị tự trào, như Đắc Nông của Việt Nam, chốn vùng sâu vùng xa nên điều kiện hoạt động nghệ thuật với người đồng hương là vô cùng ít ỏi. Bởi thế chị luôn độc hành bươn chải, xăm xắn săn tìm cơ hội cả phía tây và ta để được làm nghề.

Dẫu cách ngăn khoảng rộng dài địa lý vời vợi, Ngọc cố không để bị đứt lìa khỏi đời sống thường nhật ở quê nhà. Chị ngày đêm cặm cụi viết, vắt sức mình ra làm việc, vẫn nhiệt tình cả nể nhận các “sô” kịch bản cả sân khấu lẫn điện ảnh truyền hình rồi vật vã bỏ ăn bỏ ngủ để cuốc cày trả nợ. Phần vì viết đã thành bản năng, và hơn nữa còn là con đường mưu sinh của Ngọc nên chị luôn đày ải mình, tự ngược đãi chính mình cốt ra sản phẩm. Ngọc lúc nào cũng dồn dập “nợ” công việc, dẫu chả bao giờ có can đảm để đáp “không” khi đối tác ngỏ lời.

Ở Mỹ, nhưng Tết vừa rồi chị có 3 kịch bản được dàn dựng trên các sân khấu Sài Gòn. 30 tập kịch bản phim truyền hình chuyển thể từ tiểu thuyết Đò dọc của nhà văn phương Nam Bình Nguyên Lộc cho Hãng TFS, rồi kịch bản sân khấu Hồ Quý Ly cho Idecaf, Ngọc than viết “ná thở”, làm không kịp “ăn và ngủ”. Vậy mà, Ngọc còn được tiếng viết nhanh như vận động viên điền kinh môn chạy cự li ngắn, và luôn marathon hết dự án này sang dự án khác trong một khoảng thời gian hạn hẹp.

Ngồi sau xe máy một người bạn từ Hà Nội lên Đại Lải, Ngọc đã kịp chấp bút xong đề cương kịch bản cho một lễ hội du lịch của TP Hồ Chí Minh. Nhanh và hiệu quả, nên làm gì cũng tứ thời vội vã, tứ thời khẩn trương, trừ lấy chồng là chậm. Rồi khi bất thình lình lấy chồng, cũng theo cách riêng mình, không đụng hàng, không ai biết trước. Ngọc bảo ông xã là kỹ sư điện, cũng sắp về hưu, và con trai của “ổng”, làm lương cao hơn ba, nhưng đùng đùng bỏ hết, vay tiền đi học đạo diễn phim, giờ đang về Việt Nam phụ cho Charlie Nguyễn và tự lên kế hoạch thực hiện phim Hảo hớn Quảng Nôm. Trong những bước chập chững đầu tiên của đạo diễn người Mỹ gốc Việt Roland Nguyễn Văn Nhân trên hành trình nghệ thuật, có “má Ngọc” ở bên, xoay xở phụ giúp.

Sức hấp dẫn của thị trường điện ảnh trong nước, những cám dỗ của cội nguồn văn hóa dân tộc tạo nên lực hút cực mạnh, cuốn các nhà làm phim trẻ người Việt ở nước ngoài trở về. Hỏi có phải máu nghệ sỹ từ má Ngọc lây nhiễm sang chàng thanh niên lớn lên trên đất Mỹ, chị chỉ cười, lại rổn rảng rằng đã kín lịch đi và viết cho hết năm 2012. Thời gian eo hẹp đến độ bên này là ngày bên kia là đêm, đang trò chuyện đã chưng hửng nghe Ngọc “thôi, cày đây”, hoặc giả “quá khuya, ông xã hú gọi rồi” và đèn báo sáng trên cửa sổ chát phụt ngay tắp lự. Cuối cùng, sau những kiếm tìm mải miết, sau ê hề thất vọng đớn đau, Ngọc đã yên ổn chốn đi về, ấm êm hạnh phúc, sống cái đời tảo tần vất vả nhưng đầy mãn nguyện giống muôn vạn người đàn bà bình thường khác.

 Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc

2. Nếu không phải người lạc quan, coi được sinh ra, được sống đã là quà tặng của tạo hóa, Nguyễn Thị Minh Ngọc chắc khó có thể trụ được trong kiếp người, lại là kiếp đàn bà làm nghệ thuật mà vẫn hân hoan tụng ca “Tôi là ai mà yêu quá đời này” sau chừng đấy những đắng cay bầm dập. Cả trên đường đời lẫn tháng năm sự nghiệp, Ngọc đã chạm mặt với nhiều tai nạn tưởng thế là xong, rồi cuối cùng vẫn thoát ra, bình an trong phút chốc. Chị luôn có sức mạnh nội tại phi thường để đôi khi, bất chấp sự thiếu may mắn vẫn lao vào công việc bằng nguồn năng lượng không hề cạn kiệt.

Vừa thấy Ngọc hỉ hả, kịch bản Con ngựa vằn của chị và Đinh Anh Dũng được Cục Điện ảnh tài trợ tiền tỷ, tháng 3 bấm máy đã lại nghe chị cười cười, sự vụ đổ bể rồi, đạo diễn Đinh Anh Dũng đang rủ Ngọc hay là thôi viết kịch bản khác cho xuôi chèo mát mái hơn. Tuổi như Ngọc, đi hết quãng đường dài như chị, người này người kia đã sưu tập ôm đồm được vô cùng nhiều những ghi nhận chứng thực bằng mực đen dấu đỏ hoặc tiền bạc vật chất, riêng chị vẫn chỉ thuần túy những chuyến đi, những lời mời gọi chào mừng từ nhiều địa danh khắp thế giới. Ngọc không danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú, không giải thưởng này giải thưởng kia trong nước, chưa mấy lúc được công nhận sòng phẳng những đóng góp cá nhân vào tiến trình văn nghệ chung ở TP Hồ Chí Minh, và chị cũng chả mảy may chạnh lòng tủi phận.

Viết văn làm nên danh xưng nhà văn, lao vào sân khấu và điện ảnh để cùng lúc thành nhà viết kịch, đạo diễn, cả diễn viên, bản thân Ngọc nhiều khi cũng bối rối, không biết tự gọi mình là gì. Nhiều khi ở các cuộc bình bầu xét tặng, người ta vô tình hay cố ý đùn đẩy nhau, Nguyễn Thị Minh Ngọc là nhà văn, phải để bên nhà văn tôn vinh. Rồi lại Ngọc là người sân khấu, việc đề cử phải do giới sân khấu.

Cũng tương tự vậy khi chạm tới những cái gạch đầu dòng của chị ở mảng điện ảnh, không mấy ai mặn mà mở lòng dù Ngọc đã ở “cuối mùa nhan sắc”. Ngọc thừa nhận, chị có một thế mạnh rất dễ khơi gợi lên sự tị hiềm, chị nhiều mối quan hệ bạn bè cộng sự, nhiều kênh thông tin để tiếp cận được với những dự án tài trợ nghệ thuật của các nước. Ngọc luôn được đi nước ngoài, được đích danh mời chào và đặt hàng các chương trình, sự kiện tầm cỡ quốc tế mà nhiều ý nghĩ cứ nhất định khuôn vào, lẽ ra phải là của họ.

Chị từng là nữ biên kịch người Việt duy nhất tham dự Đại hội Phụ nữ viết kịch thế giới, để rồi sau đó, bạn bè 4 phương mới thảng thốt giật mình, sân khấu Việt Nam đã có những hình tượng đàn bà đẹp và ám ảnh như Huyền Trân công chúa hay Vương Thúy Kiều, thiếu phụ Nam Xương...

Sống và viết ở miền Nam từ trước năm 1975, Ngọc đủ trải nghiệm để biết phải tồn tại trong trường văn trận bút sao cho “phải đạo”, làm được những việc của mình và hạn chế ít nhất rủi ro, ngáng trở, mà chưa bị cuốn trôi xuôi theo dòng xoáy xu thời.

Bất chấp tuổi tác, Nguyễn Thị Minh Ngọc luôn là người đàn bà son trẻ. Lưng thẳng, tóc giả mượt mà, gương mặt trang điểm khuất lấp dần vết thời gian, Ngọc còn thanh xuân hơn nữa vì luôn chơi, đánh bạn và cộng tác được với những người trẻ. Sau Ngọc Viễn đông, chị và Cường Ngô đã sắp đặt tiếp dự định làm bộ phim ca nhạc theo đơn đặt hàng của Ưng Hoàng Phúc dành cho người trẻ, những fans trẻ nhiệt thành, không vụ lợi của âm nhạc.

Vào ngưỡng đời mà nhiều người rầu rĩ chọn lui về ở ẩn, thở than tiếc nuối quá khứ, Nguyễn Thị Minh Ngọc vẫn “đi như điên, nói như điên, làm việc như điên” theo cách bạn chị, nữ biên kịch Lê Thu Hạnh từng đúc kết. Có khác chăng là giờ này, Ngọc không còn “yêu như điên”. Chị an phận cùng bến đỗ, thỏa thuê với muôn mối ràng buộc gia đình, tự tin trong vóc dáng đàn bà thành đạt hạnh phúc, được yêu thương lẫn vì nể. Nguyễn Thị Minh Ngọc, dẫu nhàn thân chưa tới số, nhưng tâm hồn chị đã yên bình thư thái hơn bao giờ hết.

Ngọc đã tròn vẹn ước vọng, đi dọc khắp chiều dài đất nước trong hòa bình, đặt bàn chân trần trên những trảng cát mát lạnh ven biển hay trầm mình trong quán café bảng lảng khói thuốc và hơi ấm mùa đông ở Hà Nội. Như Ngọc Viễn đông, Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ, Hải Nguyệt nhiều nhiều hơn nữa những dấu ấn văn chương kịch nghệ phim ảnh mang tên Nguyễn Thị Minh Ngọc, chị đa mang thân phận đàn bà, nên chưa thôi khóc và xót thương cho những kiếp đàn bà trên mọi ngóc ngách của ngổn ngang đời sống và nghệ thuật.

Tác giả: Ngô Hương Sen

Nguồn tin: ANTG cuối tháng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây