Thư của bố vợ gửi con rể

Thứ hai - 10/08/2009 02:49 2.070 0

Minh họa: Nguyễn Tài

Minh họa: Nguyễn Tài
Con thân yêu,

Bố đã đọc được thư của mẹ con gửi cho mẹ vợ (tức vợ của bố), và cũng đã đọc lá thư gửi ngược lại. Tại sao lại đọc? Như thế có phải là đọc trộm không? Bố xin không trả lời câu hỏi này, vì bất cứ người đàn ông nào, nếu đã lấy vợ, đều đứng trước nguy cơ bị vợ đọc lén thư từ. Vậy tại sao họ không tìm cách bảo vệ mình bằng phương pháp thỉnh thoảng đọc lén lại?

Con ạ, con đã thành rể ở trong nhà, nghĩa là đã lập gia đình. Gia đình, như con đã biết, bố tin thế, luôn luôn là một tổ chức rất phức tạp. Phức tạp trong cơ cấu, phức tạp trong sinh hoạt và hơn hết, phức tạp trong quản lý.

Vậy ai quản lý gia đình? Câu hỏi này tưởng dễ trả lời, thực ra chả hề đơn giản. Vì thoạt nhìn, ai cũng tưởng là bố. Bố, với vẻ đường bệ, nghiêm trang, rắn rỏi và đạo mạo của một người  đàn ông thành đạt, có kiến thức, có đạo đức và trí tuệ, thậm chí có cả tiền bạc, đáng ra phải xứng đáng với vai trò quản lý ấy chứ. Ai cũng hiểu thế và ai cũng đinh ninh thế. Họ nhầm! Quản lý gia đình thực sự chính là vợ bố, cũng chính là mẹ vợ của con.

Bố phải nói thật với con rằng (bởi vì nếu không nói thật, con cũng nhanh chóng nhận ra thôi), bao nhiêu năm nay, mẹ  vợ con thống trị, hay nói cách khác, là trị vì gia đình này một cách nghiêm khắc, kỹ lưỡng và hiệu quả.

Về kinh tế, mẹ vợ con là người  tuy không làm ra, nhưng lại thâu tóm và phân bổ ngân sách. Về chính trị, mẹ vợ con quyết định mọi người  nên giao du với ai, giao du bằng phương thức nào và giao du bao lâu.

Về văn hóa, mẹ vợ con quyết định mở chương trình tivi nào và thời điểm nào sẽ chuyển kênh. Về quân sự, mẹ vợ con là đại tướng kiêm tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang gia đình. Về ẩm thực, bà là nhà độc tài, quyết định mọi người nên ăn cái gì, ăn lúc nào và ăn ra sao.

Tóm lại, mẹ vợ con là linh hồn, là tượng đài, là thủ lĩnh tối cao của gia đình ta. Và kẻ nào nghi ngờ điều đó, hoặc dại dột hơn, chống lại điều đó, đều rước lấy thảm họa.

Con thân yêu,

Vậy bố viết thư này cho con để làm gì? Điều bố thông báo có mới mẻ không? Bố tin chắc là không, vì trước khi cưới, chỉ đến chơi vài lần, con cũng biết được  thực trạng trong nhà. Chẳng những biết, con còn có vẻ sẵn sàng chấp nhận. Đó là một thái độ rất cầu thị và bố đánh giá cao điều đó.

Nhưng bố vẫn viết thư này nhằm mục đích nhắc nhở con, là ngay khi cưới vợ, đàn ông chúng ta, tuy không có tội lỗi gì, vẫn phải có luôn mẹ vợ, và hơn nữa, bị tư tưởng và hành vi của mẹ vợ bao phủ lên mình. Nhưng con đừng lo lắng và đừng nản chí, nhất là đừng tuyệt vọng, vì bố tồn tại được  thì con cũng sẽ tồn tại được.

Tồn tại cùng với mẹ vợ rõ ràng đã trở thành một phương thức sống của đàn ông chúng ta. Phương thức ấy, tuy nhiên, cũng chả phải bỗng dưng mà có. Nó là sự kết tinh của bao nhiêu thế hệ đàn ông chịu đựng, nhẫn nhục, ngoan, hiểu thời thế và hiểu thân phận. Chính sự thông suốt về chức năng chịu đựng này đã khiến đàn ông tồn tại và phát  triển, do đấy, có được vài vị trí đáng kể trong cuộc sống hôm nay.

Bố chả ngạc nhiên gì khi đọc thư của mẹ vợ gửi cho mẹ chồng. Bố càng ít ngạc nhiên hơn khi vài hôm nữa, sẽ có thư của mẹ vợ gửi cho con. Như con đã biết, mẹ vợ con luôn luôn, chả phút giây nào lơ là việc quản lý và tăng cường sự quản lý của mình với các thành viên trong gia đình, nhằm nâng cao nhận thức cho họ.

Bố hy vọng con vượt qua được  thử thách này, xứng đáng với lòng mong mỏi của vợ con, của mẹ vợ con và của bố.

Bố đầy cảm thông.

Lê Tèo

Tác giả: Lê Thị Liên Hoan

Nguồn tin: Phụ Nữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây