Cơ chế nào cho nhà văn trẻ?

Thứ năm - 12/08/2010 11:26 3.835 0

Nhà văn trẻ Nguyễn Thị Ngọc Tư (giữa) cùng các đồng nghiệp.

Nhà văn trẻ Nguyễn Thị Ngọc Tư (giữa) cùng các đồng nghiệp.
Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII (diễn ra từ ngày 4 đến 6-8-2010 tại Hà Nội) là Đại hội toàn thể đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam (NVVN) trong 20 năm trở lại đây, với số lượng hội viên đông đảo chưa từng có, gồm 922 nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình. Một trong những vấn đề nóng bỏng sẽ được đề cập trực diện tại Đại hội Hội NVVN lần VIII là thực trạng văn học trẻ hiện nay và làm gì để chăm sóc, bồi dưỡng nhà văn trẻ…

Nguy cơ đứt gãy với đời sống hiện thực

Có thể nhận định này làm băn khoăn không ít người khi nhìn vào đội ngũ đông đảo người viết trẻ hiện nay. Quả thực, phải thấy mừng khi đã, đang và sẽ vẫn có những người trẻ say mê văn chương, bất chấp "thị trường văn học bị thu hẹp chưa từng có" (nhà thơ Hữu Thỉnh). Khó có một sự phân định rạch ròi ở đây, bởi trẻ trong văn chương có thể "thâu tóm" cả lứa tuổi 40-50. Tuy nhiên, đó là thế hệ nhà văn đã tương đối định hình phong cách, chắc nghề, vì vậy đáng nói nhiều hơn cả là đội ngũ 7X, 8X và 9X vốn khá đông đảo về số lượng và phong phú về phong cách. Tại hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài vừa qua, nhà văn Võ Thị Xuân Hà đã "điểm danh" một số nhà văn 7X được chú ý như Nguyễn Thị Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp, Đỗ Bích Thúy, Đặng Thiều Quang, Di Li… Bên cạnh đó là đội ngũ 8X, 9X gắn với phong trào văn học mạng đang phát triển mạnh mẽ, thu hút giới trẻ.

Vậy thì vì sao phải lo ngại "nguy cơ đứt gãy với đời sống hiện thực" ở người viết trẻ? Thực tế, đây là nhận định nghiêm túc được nêu lên trong một hội thảo khoa học toàn quốc "VHNT với hiện thực đất nước hôm nay" do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương (LLPB VHNT TƯ) tổ chức. Một nhận định trên cơ sở yêu cầu cao đối với văn học trẻ trước nhiệm vụ khai phá mảnh đất hiện thực tiềm ẩn sự giàu có về nguồn nguyên liệu cho văn chương. GS-TS Hoàng Ngọc Hiến đã cho thấy câu chuyện chung có tính thời đại rằng: "Cùng với giải phóng cá nhân, chúng ta không được quên một quá trình quan trọng là tích hợp cá nhân vào cộng đồng". Phải chăng, sự hấp dẫn một phần của văn học trẻ là sự bung ra của những cảm xúc con người cá thể hoặc của một thế hệ cùng ngôn ngữ khám phá cuộc sống mới mẻ? Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định: "Nếu chỉ bám vào bút pháp thì không cứu được tài năng, không có sự vạm vỡ về vốn sống thì không đi dài được".

Một số tác giả, sau khi mải mê "giải phóng cảm xúc cá nhân" đã lộ rõ sự bế tắc, quay về quẩn quanh với những buồn vui nhỏ mọn, như nhà thơ Vũ Quần Phương nói "còn thiếu nỗi băn khoăn lớn về con người và thời cuộc". Nhà văn Võ Thị Xuân Hà phát biểu: "Bên những gương mặt văn xuôi trẻ được bạn đọc yêu mến, không ít tên tuổi chỉ như bong bóng ngũ sắc bên những trang viết nhạt nhòa".

"Đứt gãy với đời sống" hay "Mất mối giao cảm với đời sống" là nguy cơ có thật. Nhà văn trẻ nặng lòng với văn chương chắc chắn không chọn lối đi này, nhưng để thực sự dấn thân, nhập cuộc với đời sống, nhà văn trẻ cần được một thái độ ủng hộ tích cực và một chiến lược chăm sóc, bồi dưỡng thích đáng.

Chiến lược nào cho nhà văn trẻ?

Phải nghiêm túc thấy rằng, những năm qua chúng ta đã chọn cách đối thoại với văn học trẻ như cách mà Hội NVVN đã thể hiện đối với trường hợp cây bút trẻ Nguyễn Thị Ngọc Tư. Lớp bồi dưỡng cho những người làm công tác quản lý, truyền thông về VHNT của Hội đồng LLPB VHNT TƯ đã đưa ra đề bài cảm nhận về tác phẩm "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Thị Ngọc Tư để trao đổi. Thời gian qua, Ban công tác nhà văn trẻ (Hội NVVN) cũng tổ chức được không ít cuộc tọa đàm tác phẩm văn, thơ trẻ thu hút giới phê bình.

Tuy nhiên, văn học trẻ đang vận động với nhiều khó khăn. Nhiều hiện tượng văn học trẻ bị lãng quên, thiếu tiếng nói quan tâm đầy đủ của các nhà phê bình như với văn học 8X, 9X, vấn đề sex và đặc biệt là về sự xuất hiện của các tác phẩm văn học dịch, trong đó có văn học trẻ Trung Quốc. Tác phẩm nào chất lượng, tác phẩm nào chỉ là "bong bóng ngũ sắc"? Sự thiếu rõ ràng, phân tích mổ xẻ đến nơi, đến chốn đã ảnh hưởng ít nhiều đến sáng tác, đến văn hóa đọc của giới trẻ. Đó là chưa kể vấn đề truyền thông tạo nên hiệu ứng giả, như nhà văn Phong Điệp từng nói: "Điều nguy hiểm là dường như chính thị hiếu của đám đông đang điều chỉnh sự sáng tạo của một bộ phận nhà văn"…

Mới đây, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội NVVN nêu: "Đại hội Hội NVVN lần VIII sẽ trao đổi về vấn đề nâng đỡ quyền tìm tòi, sáng tạo của nhà văn trẻ. Có thể trong quá trình đó, nhà văn trẻ còn có vấp váp, nhưng chúng ta cần xử lý tốt, để bảo vệ ý chí sáng tạo của nhà văn". Cũng theo nhà thơ Hữu Thỉnh thì "cần một cơ chế bồi dưỡng đúng tầm với nhiều hoạt động như đầu tư đi thực tế dài ngày, đổi mới hệ thống giải thưởng, tăng cường kết nạp hội viên trẻ, bảo vệ quyền sáng tạo của cây bút trẻ. Đây là nhiệm vụ chiến lược hàng đầu của Hội NVVN".

Tác giả: Thi Thi

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây