Bánh Ít

Chủ nhật - 28/11/2010 11:00 2.323 0

Bánh Ít

Thường ở miền Tây, hễ nhà nào có giỗ thì sẽ không thiếu bánh ít. Tôi không biết cái tên "bánh ít" có từ đâu, do ai đặt, chỉ biết rằng từ hồi tôi còn nhỏ tôi đã nhiều lần được xem bà tôi gói bánh. Hồi ấy, bọn trẻ ở quê chúng tôi ít được ăn các loại bánh chợ, chỉ thỉnh thoảng được thưởng thức bánh do bà, do mẹ làm thôi, nào là bánh lá, bánh lọt, bánh da lợn, bánh chuối chiên, bánh ít, bánh tét,...

Hàng năm, cứ đến ngày giỗ ông bà hoặc lễ tết là bà tôi lại hấp bánh ít. Mỗi lần, hấp ít nhất cũng vài xửng bánh, mỗi xửng khoảng hai chục cái mới đủ để vừa đãi khách, vừa làm quà cho khách mang về. Như thành thông lệ, khách ở xa đi giỗ mang theo vài hộp bánh chợ hoặc ít trái cây hay chai rượu,...đặt trên bàn thờ. Còn bà con lối xóm, họ hàng thân thuộc thì người mang con vịt, người mang bột ngọt hoặc đường,...quý nhất vẫn là cái tình, cái nghĩa với nhau. Khi khách về, bà tôi gởi theo một bọc làm quà gồm ít bánh, trái cây do khách mang đến - và dứt khoát trong đó phải có bánh ít do nhà gói, qui mô bọc quà tùy theo ... số lượng trẻ con ở nhà của khách!.

Tôi nhớ hồi ấy, tôi và chú Út phải giúp bà làm biết bao là việc lặt vặt xung quanh việc gói bánh của bà. Buổi sáng trước khi bắt tay vào gói bánh, chú Út và tôi cặm cụi làm cái cây dài buộc con dao nhỏ trên đỉnh cây để chọc lá chuối. Tôi bưng cái thúng to khệ nệ theo sau nhặt những lá chuối mà chú rọc rơi xuống đất, lòng không quên... nghĩ tới những chiếc bánh ngon lành bà sẽ cho (!). Sau khi lá được phơi nắng cho mềm, tôi ngồi chăm chỉ lau sạch lá còn bà ngồi bên lựa lá lành nguyên xé thành những miếng vừa xếp thành hai lớp. Trong khi bà nhồi bột nếp thì chú Út và tôi đi chọc dừa rám cho mẹ nạo để xào với đường dùng làm nhân bánh. Bánh ít có hai loại, bánh ngọt và bánh nhân dừa. Bánh ngọt có nhân làm từ đậu xanh ngâm, bỏ vỏ, nấu nhừ để nguội vắt thành viên nhỏ, bột thì nhồi với đường thẻ cho ngọt, màu vàng ươm. Bánh nhân dừa thì bột nếp trắng, nhân dừa rám, nạo xào với đường và cũng vắt thành viên như đậu xanh. Công đoạn gói bánh của bà mới là khó, tôi và chú Út chỉ được ngồi kế bên nhìn bà và các cô gói, nhiệm vụ chính vẫn là bỏ củi vào bếp giữ cho nồi nước luôn sôi. Gói bánh ít đòi hỏi phải có tay nghề, đã được thực hành gói nhiều lần thì bánh mới đẹp. Bột nếp bà phân ra thành nhiều phần nhỏ, mỗi phần nhỏ bà nặn cho hơi dẹp sau đó bỏ viên nhân vào giữa rồi bọc lại, giống như vò chè trôi nước, bà nhúng thấm một tí dầu ăn cho bột không bị dính vào lá. Các cô tôi thì chuẩn bị lá đã xếp sẵn, hứng lấy phần bột bà đưa rồi khéo léo xếp gọn thành hình chóp, làm sao cho bánh ngồi yên không lật là /n được. Nếu không khéo tay, khi chín bột bánh sẽ bò ra trông xấu và không ngon nữa. Trong khi hấp bánh, thỉnh thoảng mẹ tôi giở nắp nồi xả hơi nóng để bánh không bị đọng nước. Mẻ bánh chín đầu tiên bao giờ cũng là để xem bột có khô không, có nhiều nước không. Bánh vừa được lấy ra giũ cho ráo nước rồi gói lại như cũ để vào trong rổ lớn, lúc này tôi và chú Út được tha hồ thưởng thức bánh ít nhân ngọt và bánh ít nhân dừa. Bánh rất ngon, cầm trên tay cái bánh ít nóng hổi có công sức của mình làm ra thì ... thích lắm!. Bánh có mùi thơm của đường, vị béo của dừa, của đậu, tất cả kết tinh lại thành cái bánh của quê hương.

Khách đến, trong khi chờ đợi nhập tiệc, ngồi ở nhà trên vừa uống nước trà, vừa thưởng thức bánh ít, vừa trò chuyện ngày nay, chuyện ngày xưa. Ở dưới bếp, mấy cô, mấy thiếm cũng vừa nấu nướng vừa cầm trên tay cái bánh ít ăn ngon lành. Thế mới thấy, người ở quê mình sao mà thân thương, sao mà mộc mạc quá. Cả những khi bà hoặc mẹ đi giỗ nhà ai về, tôi chạy ra ngõ ngồi trông chỉ để mong nhận được món quà mà chủ nhà gởi về, đó là bọc bánh ít. Đến bây giờ, khi bà tôi không còn trên đời này nữa, mẹ tôi lại thay bà gói bánh ít, tôi thì không bị giao nhiệm vụ đun bếp nữa mà cùng gói bánh với mẹ. Tôi nhớ mãi lời bà ngày xưa vẫn dặn, cái gì mang hồn của quê hương thì chúng ta hãy luôn ghi nhớ và giữ gìn...

Tác giả: Bông Súng Trắng

Nguồn tin: tiengiang.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây