Thơ Nguyễn Khoa Điềm bùng nổ trong lặng lẽ

Thứ bảy - 26/03/2022 05:55 1.282 0
Thơ miền Trung có thể dữ dội nồng nàn như thơ Thu Bồn, tỉnh táo mà day dứt như thơ Ý Nhi, hồn nhiên đằm thắm như thơ Mỹ Dạ… Và cũng có thể điềm tĩnh để bùng nổ trong lặng lẽ như thơ Nguyễn Khoa Điềm.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm
Tôi đọc thơ Nguyễn Khoa Điềm từ cách đây mấy chục năm, cũng đã có vài ba lần viết về thơ Nguyễn Khoa Điềm, dẫu không dám nói là đã hiểu hết thơ anh. Tôi cũng đã quen biết rồi thân với Nguyễn Khoa Điềm từ hơn hai chục năm nay, nhưng không dám nói là đã hiểu hết anh. Nguyễn Khoa Điềm là người kín đáo. Tôi nhớ có lần cùng đi về Dung Quất với nữ nghệ sĩ điện ảnh Trà Giang và Nguyễn Khoa Điềm, lúc đó là Bộ trưởng Văn hóa, khi chỉ riêng hai chị em, chị Trà Giang nói nhỏ với tôi: “Mình thấy ông Điềm như chả bao giờ cười”. Tôi cũng nói nhỏ với chị Trà Giang: “Có lẽ ông ấy chưa cười chứ không phải không cười”. Đúng thế thật, vì sau đó chỉ ít phút, chị Trà Giang đã tận mắt chứng kiến anh Nguyễn Khoa Điềm… cười. Hình như sau khi tôi nói một câu gì đó. Mà hầu hết những câu kiểu đó của tôi đều bậy bạ, chả đâu vào đâu.

Mỗi lần có dịp chọn thơ cho một “show” trình diễn, tôi thường thích chọn bài thơ Chiều Hương giang của Nguyễn Khoa Điềm. Tôi yêu bài thơ giản dị này, và yêu nhất là cái con người, cái “nhân vật” nhà thơ trong bài thơ bình thản đánh bạn với… con bò, trong một chiều nghi ngút cô đơn:

Nhưng chiều nay con bò gặm cỏ

Bên dòng sông như chưa biết chiều tan

Tôi với nó lặng im bè bạn

Mắt nó nhìn dìu dịu nước Hương giang”

(Chiều Hương giang)

Khi đọc đoạn thơ ấy, trong tôi hiện ra một nét cười lặng lẽ của tác giả, và tôi biết có những lúc trong đời, ta chỉ muốn thủ thỉ với… con bò hay con chó, và những lúc ấy, ta cảm thấy nhẹ lòng biết bao. Người ta nói thơ như Nguyễn Khoa Điềm là thơ hướng nội. Tôi không nghĩ có những nhà thơ hoàn toàn hướng nội hoặc hoàn toàn hướng ngoại. Nhà thơ nào cũng phải hướng nội mới làm được thơ, nếu không thì chỉ được những câu vần vè tuyên truyền hay quảng cáo. Và nhà thơ nào cũng phải có phần hướng ngoại khi muốn thơ mình có người đọc, có người chia sẻ. Vấn đề để phân biệt ở đây là có những nhà thơ chỉ hài lòng khi kiếm càng đông người hâm mộ càng tốt, và có những nhà thơ chỉ mong được một ít, thậm chí vài ba người chia sẻ, là đủ vui rồi. Có thể Nguyễn Khoa Điềm thuộc dạng “những nhà thơ thứ hai”, những người chỉ thích “lặng”. Khi ngồi trước bệnh xá cũ của chị Đặng Thùy Trâm trên một ngọn núi ở Đức Phổ giáp Ba Tơ, Nguyễn Khoa Điềm viết:

“Chiếc hầm cũ đau như tròng mắt

Nhìn vào ta thăm thẳm, bơ vơ”

(Ngày về)

Tôi bảo đảm, trong hoàn cảnh ấy, sẽ có những nhà thơ khác viết khác. Nhưng Nguyễn Khoa Điềm – một người đã quen với những căn hầm cũ ở chiến khu – lại thấy nơi cái rỗng không của một căn hầm “đau như tròng mắt” ấy hiện về cả một quá khứ chiến tranh và đôi mắt của người bạn gái cùng trường Chu Văn An đang “thăm thẳm” nhìn mình, một cái nhìn “bơ vơ”, côi cút. Như đã tới tận cùng của “cõi lặng”, và cũng không nói gì cả. Không hàm ngôn ẩn nghĩa gì cả. Chỉ đau. Và chưa chắc đã muốn chia sẻ nỗi đau ấy với ai.

Nguyen Khoa Diem2
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (trái) và nhà thơ Thanh Thảo – Ảnh: Trần Đăng

Thơ không mang lại cho ta nhiều vinh quang lắm đâu, nhưng có thể quàng nỗi đau của người vào cho ta, và mang nỗi đau của ta tới cùng người. “Nhiều khi đá dạy ta mềm mỏng” (Hy vọng), đơn giản vì đá sống lâu hơn ta, kiên nhẫn và lặng lẽ hơn ta. Nhưng cũng cứng rắn hơn ta. Bởi phải biết cứng rắn mới học được sự mềm mỏng, và phải kiên định như đá mới cảm được hết sức mạnh của dòng nước:

“Anh trôi đi cùng phù du phiêu sinh vật, những

tiếng chuông không ngày về

Những ngọn cỏ khô không nguồn gốc, những

người mẹ đắm đò, những câu mái nhì mất tích

Anh trôi đi với trận bão năm Thìn, nhịp cầu bị

đánh sập năm Thân

Những cây bèo tím”

(Sông Hương)

Khi ta nói, thơ của một tác giả thuộc về dòng thơ miền Trung, thì không chỉ vì tác giả ấy quê ở miền Trung, mà còn vì khí chất của sông núi miền Trung đã hiện lên như không thể khác trong thơ của họ:

“Một mùa hè trỗi những đám mây bất thường

Sừng sững như dãy phao cửa biển”

(Định vị)

Cái cách hình thành và định dạng những đám mây ở miền Trung cũng khác, và khi nhà thơ “định vị” được không chỉ là “những cơn chóng mặt” như Rimbaud thi sĩ đã chỉ ra, mà còn định hình được những đám mây những cơn giông trên bầu trời, thì thơ họ dẫu không “hô phong hoán vũ” được như thầy phù thủy, cũng khiến người đọc rơi vào trạng thái ngất ngây trong thoáng chốc. Nguyễn Khoa Điềm, khi về quê đón Tết, “Đi vào đi ra/Ngồi bệt xuống thềm/Ngó mây bay trên vườn người khác”, là đã tự mình rơi vào “trạng thái thơ” không kiểm soát, một trạng thái mà khi đó lý trí đứng xớ rớ chơi bên ngoài, còn vô thức thì “đi vào đi ra” ở bên trong. Và làm nên những tiết điệu rất riêng:

“Mãi khi vầng trăng treo trước cửa

Chợt nhớ khuôn mặt hiền xót xa

Nghiêng xuống cánh đồng ngày xưa

Vì sao không thể yêu mến hơn?

Vì sao không xanh tươi hơn?

Vì sao không trong sạch hơn?”

(Trong những buổi chiều)

Người ta nói những dằn vặt trong thơ cũng là những dằn vặt có tiết điệu, là vậy. Nếu có âm nhạc trong thơ thì âm nhạc trong thơ Nguyễn Khoa Điềm được kìm nén tối đa, có thể gọi là “âm nhạc tối thiểu”. Một số nhà thơ lớn trên thế giới đã đi theo trường phái thơ có “âm nhạc tối thiểu này”, và ở Việt Nam tôi thấy có Văn Cao, một phần Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Khoa Điềm.

“Có một nỗi buồn

Canh cánh

Sau vai anh

Trước một tầm với

Đâu đó

Trên chiếc lá còn sống

Trong mây, ngày sau mưa”

(Có một nỗi buồn)

Khi đã chọn được cho mình lối thơ tiết chế với âm nhạc tối thiểu như vậy, Nguyễn Khoa Điềm có thể khiến từng chữ trong câu thơ có được sự tự tại, như cách mà nhà thơ tự tại:

“Đứng đấy tự bao giờ, bên dòng sông cũ

Con bò gặm cỏ

Chậm rãi

Một ít bóng đêm và ít hạt bình minh

Từng miếng một, nhai và thở”

(Cỏ ngọt)

Thả lỏng hồn nhưng kiểm soát chữ và tiết nhịp của chữ, thơ Nguyễn Khoa Điềm nhiều lúc rất gần với thơ cổ điển, nhưng có lúc lại khiến ta giật mình bởi tính thời sự và đương đại của nó ẩn trong những hạt chữ kìm nén:

“Những giọt nước mắt

Thật buồn

Thật lặng lẽ

Trước bức chân dung

Người lính Điện Biên vừa tròn trăm tuổi

Của một người tù.

Trận chiến Lịch Sử

Đã phá tung mọi xiềng xích?

Người họa sĩ trẻ

Từ sau song sắt

Vẫn bình tâm

Dành lòng biết ơn

Không dứt

Cho một người lính già”

(Bức chân dung người lính già)

Bài thơ được kìm nén tới từng dấu chấm (.) từng dấu hỏi (?), và âm nhạc tối thiểu của nó đã giúp bài thơ bùng nổ trong tâm trí người đọc, một sự bùng nổ đi với lòng cảm phục. Đâu cần phải đại ngôn hay lắm lời, thơ mới bùng nổ!

Tôi nghĩ, thơ Nguyễn Khoa Điềm có thể đại diện cho thơ miền Trung ở độ kìm nén tối đa và âm nhạc tối thiểu đó, “như bãi mìn/vùi dưới đất nhiều năm/” (thơ Thanh Thảo).

Tác giả: Thanh Thảo

Nguồn tin: VanVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây