Bruce Weigl: 'Chiến tranh cướp đi sự sống nhưng tặng tôi thơ ca'

Thứ ba - 21/12/2010 04:14 3.023 0

Bìa cuốn "Vòng tròn của Hạnh".

Bìa cuốn "Vòng tròn của Hạnh".
Cả gia đình nhà thơ Mỹ đều góp công sức trong việc xuất bản cuốn hồi ký “Vòng tròn của Hạnh” ở VN. Hạnh Nguyễn Weigl, cô con nuôi người Việt, giúp bố dịch cuốn sách sang tiếng Việt, còn người vợ Nhật Jean Kondo Weigl làm họa sĩ trang bìa.

Vòng tròn của Hạnh là cuốn hồi ký của nhà thơ Mỹ Bruce Weigl, ghi lại những hồi ức từ thời thơ ấu, tuổi thiếu niên, tuổi trưởng thành, đặc biệt là thời gian quân ngũ ngắn ngủi đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông,. Những năm tháng hậu chiến khó khăn với những ám ảnh quá khứ đã khiến vợ chồng ông quyết định nhận nuôi một em bé Việt Nam tên là Nguyễn Thị Hạnh.

Cuốn hồi ký gồm 8 chương, mở đầu vào năm 1986, khi Bruce Weigl đến Việt Nam làm thủ tục nhận nuôi bé Nguyễn Thị Hạnh, lúc đó 8 tuổi và được nuôi dưỡng tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi huyện Bình Lục, Hà Nam. Từ đó, tác giả hồi tưởng lại quá khứ khi còn là một cậu bé 2 tuổi, lớn lên trong một gia đình người Mỹ nhập cư; đăng lính vì muốn thoát khỏi cuộc sống đơn điệu ở thành phố Lorain, bang Ohio, và vì lời hứa của Chính phủ Mỹ sẽ cho đi học đại học sau khi xuất ngũ.

Nhà thơ Mỹ bộc bạch trong "Lời nói đầu" của cuốn hồi ký: “Nghịch lý trong nghiệp viết của tôi là chiến tranh đã làm tan nát cuộc đời tôi, nhưng bù lại đã cho tôi một tiếng nói. Chiến tranh đã cướp đi thời niên thiếu và bắt tôi, ở tuổi mười tám, chứng kiến và chịu đựng quá nhiều sự thật trên thế gian, và khả năng hành động của con người với con người, với trẻ em, phụ nữ và với chính bản thân mình, ngục tù trong những khu rừng vô nghĩa.

Chiến tranh cướp đi sự sống trong tôi nhưng ngược lại, đã tặng tôi thơ ca. Chiến tranh đã dạy tôi về sự mỉa mai: rằng chính tôi chứ không phải những người khác được sống sót. Những người anh hùng của tôi đều đã chết. Định mệnh số phận tôi là phải cố gắng viết để lưu lại sự khủng khiếp của chiến tranh và ảnh hưởng của nó đối với tôi, với xã hội, và với loài người”.

Cuốn hồi ký khép lại ở năm 1995, khi Weigl hoàn tất mọi thủ tục và chính thức nhận nuôi cô bé Nguyễn Thị Hạnh. Vòng tròn của Hạnh đã khép thành một vòng kín, và tiếp tục mở ra những hành trình khác.

Bruce Weigl từng sáng tác và là dịch giả, đồng dịch giả, biên tập viên của hơn hai mươi tập thơ, tuyển tập thơ và tiểu luận phê bình. Ông gia nhập Quân đội Mỹ khi vừa tròn 18 tuổi, tham gia cuộc chiến tranh tại Việt Nam trong giai đoạn 1967 - 1968. Sau khi xuất ngũ và trở về Mỹ, ông theo học đại học, lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ Ngữ văn.

Nhà thơ Bruce Weigl. Ảnh: frostburg.

Nhà thơ từng là Chủ tịch Chương trình Viết văn quốc gia, hiện là Chủ tịch Hội đồng thẩm định thơ của Giải thưởng Sách Quốc gia Mỹ. Năm 2006, ông được trao Giải thưởng Văn học Lannan trong lĩnh vực thơ. Năm 2010, Hội Nhà văn Việt Nam đã trao tặng Bruce Weigl Huy chương Hòa bình. Hiện ông là Giáo sư của Đại học Lorain County Community College, giảng dạy các khóa học về nghệ thuật, nhân văn và sáng tác thơ.

Dịch giả Hạnh Nguyễn Weigl chính là cô bé Nguyễn Thị Hạnh đã được Bruce Weigl nhận nuôi cách đây 15 năm. Được bố mẹ nuôi (ông Bruce Weigl kết hôn với một phụ nữ Nhật, họa sĩ Jean Kondo Weigl) khuyến khích, Hạnh vẫn tiếp tục học tiếng Việt và giữ văn hóa Việt. Bản dịch là cố gắng rất lớn của cô dành tặng và nguồn cội của chính mình. Hiện cô theo học ngành Y tại Mỹ. Trang bìa cuốn Vòng tròn của Hạnh cũng là do mẹ nuôi vẽ.

Cuốn hồi ký do NXB Phụ nữ ấn hành tháng 12/2010.

Tác giả: Pham Mi Ly

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây