Nguyễn Văn Học: “Chưng cất” thân phận văn chương trong nhà nghỉ….

Thứ hai - 05/07/2010 22:44 1.846 0

Nguyễn Văn Học: “Chưng cất” thân phận văn chương trong nhà nghỉ….

Nguyễn Văn Học, cây viết thế hệ 8X nhưng đã là tác giả của 5 cuốn tiểu thuyết: Gái Điếm, Đường dài hạnh phúc, Những cô gái bất hạnh, Bão người, Cao bay xa chạy… Nguyễn Văn Học cho biết: “Trước khi vào học tại trường Viết văn Nguyễn Du tôi từng có thời gian làm nhiều nghề. Trong những nghề tôi từng có thời gian cọ xát, có nghề kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, công việc này khiến tôi thường xuyên tiếp xúc với đối tượng gái điếm, những quý ông, quý bà dửng mỡ cặp bồ. Đó là một câu chuyện phi đạo đức của xã hội hiện nay. Những hiện thực ấy ngấm vào tôi một cách vô thức vì lúc ấy tôi không nghĩ mình viết văn một cách chuyên nghiệp và chuyển tải những câu chuyện “mắt thấy tai nghe” ấy thành văn chương. Ở giai đoạn này, tôi cứ ngồi vào bàn là viết. Tôi thường viết về đêm và dành 3 tiếng/ngày cho việc viết tiểu thuyết”.
@ Những tác phẩm Nguyễn Văn Học viết, nhấn mạnh nhiều hơn đến những “mặt trái” của đạo đức con người trong xã hội: cặp bồ, bán thân vv…Điều gì ám ảnh một cây bút nam mạnh mẽ và dữ dội đến vậy?
Nguyễn Văn Học: Trước khi vào học tại trường Viết văn Nguyễn Du tôi từng có thời gian làm nhiều nghề. Trong những nghề tôi từng có thời gian cọ xát, có nghề kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, công việc này khiến tôi thường xuyên tiếp xúc với đối tượng gái điếm, những quý ông, quý bà dửng mỡ cặp bồ. Đó là một câu chuyện phi đạo đức của xã hội hiện nay. Những hiện thực ấy ngấm vào tôi một cách vô thức vì lúc ấy tôi không nghĩ mình viết văn một cách chuyên nghiệp và chuyển tải những câu chuyện “mắt thấy tai nghe” ấy thành văn chương.

@ Cuốn tiểu thuyết “Cao bay xa chạy”  có “thoát” ra khỏi những ám ảnh cũ để bay lên một tầng cao mới trong văn chương?
Nguyễn Văn Học: “Cao bay xa chạy” được viết bằng giọng văn gấp gáp, có thể nói là quyết liệt. Có một dòng tư tưởng ngầm rằng không thể nhìn nhận, đánh giá con người qua dáng vẻ bề ngoài. Mà phải nhìn thấu tận bản chất của con người ấy qua một lăng kính khách quan. Cuốn tiểu thuyết mới tôi viết thành từng chương, mỗi chương là một cái tên và sapo nhỏ bao hàm nội dung cả chương truyện đó.

@ Nội dung câu chuyện anh kể về một anh hoạ sĩ “tự ti” với cái “vốn tự có” của mình và…
Nguyễn Văn Học: Chàng hoạ sĩ trong tiểu thuyết: “Cao bay xa chạy” làm nghề chép tranh để sống. Anh ta có một vóc dáng đẹp nên được nhiều quý bà để mắt tới. Sau đó, anh ta dấn thân một bước đi táo bạo trong nghề là vẽ tranh khoả thân cho nhiều quý bà. Chính những giây phút tưởng như “thăng hoa” trong nghệ thuật ấy, anh ta lại bị chìm đắm vào dục vọng bởi nhu cầu quá lớn của những quý bà. Sự tự ti của một gã đàn ông trong “chuyện ấy” càng khiến các quý bà dửng mỡ nghĩ rằng gã hoạ sĩ thật thánh thiện. Thực ra, chàng hoạ sĩ cũng đâu có thánh thiện như các quý bà nghĩ. Vì quá tự ti nên anh ta nung nấu ý nghĩ “cải thiện” vốn tự có của mình và những ý nghĩ ấy cũng lớn dần cùng với những ham muốn đậm phần “con” của gã hoạ sĩ vẽ tranh khoả thân.

@ Sự tự ti của gã hoạ sĩ trong “Cao bay xa chạy” không chỉ là bi kịch của một kẻ tự ti?
Nguyễn Văn Học: Đúng vậy. Tôi đang nhấn mạnh ở khía cạnh bi kịch. Vừa là bi kịch của người đàn ông, vừa là bi kịch của những quý bà ham của lạ.
@ Nếu như một loạt tiểu thuyết Nguyễn Văn Học đã ra mắt mang nặng câu chuyện đạo đức và thân phận thì cuốn tiểu thuyết “Quỷ”, dày 500 trang (NXB CAND) sắp sửa ấn hành, lại chở một “tư tưởng” hoàn toàn khác?
Nguyễn Văn Học: Tôi là một con chiên của người công giáo vững niềm tin và cuốn tiểu thuyết “Quỷ” viết về sự thiếu niềm tin của một số người đã lợi dụng tôn giáo để trục lợi. Những kẻ phản gián chống đối tôn giáo trong các tôn giáo khác nhau, hòng phá hoại mối đại đoàn kết dân tộc.

@ Như vậy, “Quỷ” không chỉ chở một sứ mệnh văn chương?
Nguyễn Văn Học: Đúng vậy. Tôi mong cuốn tiểu thuyết này sớm ra mắt. Tôi không chống đối hay nói xấu tôn giáo nào cả. Bởi bất kì tôn giáo nào cũng dạy con người ta sống đạo đức. Cuốn tiểu thuyết truyền tải thông điệp kêu gọi đoàn kết tôn giáo để các xóm làng, tôn giáo được bình yên.

Tác giả: Thủy Anna

Nguồn tin: lethieunhon

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây