Nguyễn Vĩnh Nguyên:'Viết sách không để cạnh tranh với đùi gà KFC'

Thứ hai - 11/10/2010 01:09 2.004 0

Nguyễn Vĩnh Nguyên. Ảnh: Lê Tám

Nguyễn Vĩnh Nguyên. Ảnh: Lê Tám
"Thay đổi trong lối viết, với cá nhân tôi, là nhu cầu tự thân của việc viết hơn là những thôi thúc đến từ sự ồn ào bên ngoài, vì ý định cạnh tranh với game online hay đùi gà KFC..." - nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên.

Nguyễn Vĩnh Nguyên lâu nay được biết là cây bút truyện ngắn, với những tập như Phù du núi, Năm mười, mười lăm, hai mươi, Khu vườn lưu lạc, Động vật trong thành phố, để lại những dấu ấn nhất định trong lòng bạn đọc. Mới đây, anh chuyển sang viết truyện dài với tham vọng độc giả từ 8 đến 88,8 tuổi đều đọc được.

Nếu loài bò có suy nghĩ, hạnh phúc sẽ được hiểu thế nào?

"Cuốn sách dành cho độc giả thiếu nhi từ 8 tuổi đến 88,8 tuổi" là bông đùa hay hàm ý gì khác, thưa anh?
 
Nguyễn Vĩnh Nguyên: - Đùa, nếu chúng ta nghĩ nó là đùa. Còn “hàm ý”, thì đã được chuyển tải bên trong cuốn sách. Tôi đã tham vọng nghĩ rằng, mình sẽ viết những cuốn sách cho thiếu nhi và người lớn cùng đọc. Và đây là bước đầu tôi đi tìm những cuốn sách đó.

Trong khi người ta đổ xô chạy theo tiện nghi, văn minh, ngay cả động vật cũng được huấn luyện hoặc làm biến đổi gen cho... thông minh hơn, lợi hơn cho con người, anh lại "đi tìm hoang dã".

- Tôi không xử lý tác phẩm đơn giản theo lý lẽ “văn minh” như câu hỏi của chị, mà triển khai theo hướng ngụ ngôn, gợi mở câu chuyện con người qua loài vật được nhân cách hóa, hay kiểu nhân vật mặt nạ - ẩn dụ trong những truyện ngụ ngôn như ở truyện cổ Andersen.

Mặc dù, tôi được gợi hứng bởi một ý tưởng của triết gia, nhà nhân chủng Claude Lévi-Strauss, ông nói đại ý, con người là một sinh vật, và khi là sinh vật thì quyền tự do của anh ta sẽ bị giới hạn bởi sự tự do của những sinh vật khác và anh ta sẽ không thể “hợp thức hóa” cho việc vì mình mà một loài sinh vật nào đó bị xóa sổ; thế nhưng khi viết, tôi đã không lái cốt truyện minh họa theo hướng “đa dạng sinh học”.

Với câu chuyện ngụ ngôn này, tôi thử hướng người đọc tới các câu hỏi, nếu loài bò thuần chủng có suy nghĩ, thì những khái niệm tự do, hoang tưởng, bầy đàn, hạnh phúc, được chăn dắt... sẽ như thế nào? Chúng sẽ xoay xở ra sao nếu hoang dã đồng nghĩa với một cõi miền tự do của chúng?

Cuốn sách là câu chuyện về một chú bê từ bỏ ông chủ tàn bạo, và ông anh bò đực thích triết lý, cùng nhau đi tìm hoang dã.

Nhà văn không nên độc tài với bạn đọc

Có độ chênh về ngôn ngữ và tư duy độc giả nhỏ tuổi với đủ tuổi để hiểu những hàm ý trong tác phẩm văn học. Viết truyện "dành cho người lớn và thiếu nhi đọc chung" sẽ có những đòi hỏi khắc nghiệt hơn trong thể hiện?

- Hẳn là khó. Biết sao được, tôi đã tự đặt ra một bài toán hơi khó với mình. Nhưng cũng bởi vì tôi quan niệm rằng, thực ra, văn học thiếu nhi hay người lớn chỉ là những khái niệm mờ xuất phát từ quan niệm máy móc, thói quen nào đó trong đánh giá đối tượng tiếp nhận và dần dà, nó quy định trở lại người viết.

Rất tiếc là một số tính chất như ngôn từ trong sáng, ý nghĩa đơn giản, tính biểu nghĩa bề mặt, minh họa bài học trực quan... dễ làm cho nhiều người hiểu rằng, như thế mới là văn học thiếu nhi. Nhưng sau nhiều năm, khi đọc lại truyện cổ Andersen, Saint- Exupéry hay Salman Rushdie, tôi hiểu rằng, hóa ra anh chàng “độc giả thiếu nhi” trong tôi càng lớn lên, mở rộng nhận thức, càng có một sự hồi đáp thẩm mỹ, cách hiểu về cùng một tác phẩm khác với chính mình trong quá khứ.

Cùng một tác phẩm, thiếu nhi 8 tuổi và thiếu nhi 88,8 tuổi sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau. Chúng ta vẫn nghĩ tác phẩm viết cho người lớn thách thức thiếu nhi, nhưng với kinh nghiệm đọc của tôi thì có rất nhiều tác phẩm được coi là viết cho thiếu nhi đang thách thức độc giả lớn tuổi bởi tư tưởng và sự đa nghĩa của nó.

Lợi thế của người làm báo có giúp anh nhiều trong công việc viết văn?

- Tôi đang phụ trách mảng thông tin về sách, xuất bản ở tờ Sài Gòn tiếp thị. Với nhiều đồng nghiệp làm báo, đây là lĩnh vực, công việc vô cùng buồn tẻ, khắc kỷ và khép kín. Nhưng với tôi đây lại là một may mắn. Tôi được tách khỏi môi trường thông tin ồn ào căng thẳng của đời sống, để đọc, nhìn mọi điềm tĩnh và có độ lùi hơn.

Việc tạo ra không gian văn hóa đọc trên trang báo, cộng hưởng, chia sẻ với người đọc giúp tôi thấy niềm hứng thú trong cuộc sống và trang viết. Qua công việc, tôi thích thú ném mình vào môi trường sách vở, lấp dần những lỗ hổng trong hiểu biết, đồng thời, trang bị tri thức mới cho bản thân. Hiểu biết, tri thức, với tôi, là điều kiện tiên quyết, quan trọng bậc nhất đối với một người viết.

Độ chênh ngôn ngữ và tư duy trong tiếp nhận mà chị nói là có thật nhưng sẽ không làm cho tôi bận tâm đi vào phân tách sự khác biệt đó. Tôi nghĩ điều quan trọng hơn là tìm kiếm lối viết mới để hóa giải những chướng ngại. Rốt cuộc, người viết văn không hẳn là người chủ động quy định cách hiểu tác phẩm, mà là một kẻ “bày trò” và khéo dẫn dắt người đọc bước vào không gian tác phẩm để cùng tương tác thẩm mỹ sáng tạo.

Tôi tìm kiếm sự đa nguyên trong tác phẩm và nghĩ rằng, người viết không nên có thái độ độc tài với người đọc.

Các cây bút luôn cho rằng viết cho thiếu nhi là cực khó. Theo anh, cái khó ở đây là do các cây bút thiếu đầu tư hay độc giả nhỏ tuổi bây giờ không thích đọc sách?

- Như vừa nói, tôi nghĩ việc tìm phương pháp kể chuyện và khơi gợi trí tưởng tượng quan trọng hơn chú tâm vào việc vo tròn những câu chuyện kể để minh họa cho những bài học. Tôi không nghĩ rằng thiếu nhi ngày nay không thích đọc sách. Có lẽ chúng ta chưa có thực đơn phong phú và mới mẻ thực sự cho bạn đọc lứa tuổi này.

Viết cho thiếu nhi không phải để cạnh tranh với đùi gà KFC

Trên các giá sách, sách thiếu nhi nước ngoài dịch sang tiếng Việt khá nhiều (bao gồm văn học lẫn sách nghiên cứu, khảo cứu dành cho thiếu nhi), có lúc nào anh so sánh với lượng sách của các tác giả Việt Nam viết cho thiếu nhi?
 
- Đây là vấn đề quá rộng so với mối bận tâm của một người viết. Nhưng tôi nghĩ, nhìn chung, do nhiều nghịch lý trong sản xuất, phát hành, cấp phép làm cho giá sách nói chung và giá sách cho thiếu nhi nói riêng đang cao so với  thu nhập trung bình của người dân. Và đây cũng là một trong những trở lực để người đọc (đặc biệt là người đọc nhỏ tuổi chưa có thu nhập) tiếp cận với sách.

Khi mà game online, truyện tranh, thức ăn nhanh lên đầu bảng trong menu của thanh thiếu niên hiện nay, thì văn học thiếu nhi có cần thay đổi hay cứ "vàng thật không sợ lửa"?

- Nghĩ văn học có thể đi cạnh tranh với game online, thức ăn nhanh là không tưởng vì tính chất thiêu thụ ở mỗi loại hình là khác nhau. Tôi vẫn nghĩ ngoài vô số thứ phù phiếm sôi nổi bề mặt, văn học vẫn có chỗ quan trọng của nó trong nhu cầu thưởng thức văn hóa của trẻ em hôm nay.

Hãy nhìn số lượng phát hành sách thiếu nhi vượt xa gấp 5 -10 lần ấn bản sách cho người lớn thì biết, nỗi lo con em chúng ta lười đọc dường như bị... đặt sai chỗ. Còn thay đổi trong lối viết, với cá nhân tôi, có lẽ là một nhu cầu tự thân của việc viết hơn là những thôi thúc đến từ sự ồn ào bên ngoài, vì ý định cạnh tranh với game online hay đùi gà KFC...

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây