Nhật Chiêu: đi tìm những “tác phẩm mở”

Thứ bảy - 24/07/2010 23:28 1.858 0

Nhật Chiêu: đi tìm những “tác phẩm mở”

“Nơi cư trú của anh là ngôn từ” – đó là một câu trong truyện ngắn "Mưa xuân", có lẽ biểu hiện được tinh thần sống và viết của tác giả Nhật Chiêu. Cuộc trò chuyện với nhà văn Nhật Chiêu nhân tập truyện ngắn thứ ba của ông – Viết tên trên nước – do Phương Nam Book và NXB Thanh Niên ấn hành vào tuần này.

Xuất hiện trong truyện ngắn của ông thường là những chân dung nhoà nét, những chuyến hành trình đầy hư ảo, những cuộc chơi lấp lửng, những cuộc thoại lửng lơ… Phải chăng với ông, viết văn như là một cuộc kiếm tìm những công án trong một tâm cảnh hiện đại?

Như anh thấy, ngay cả tên sách Viết tên trên nước cũng đã mang tinh thần của công án. Tôi chịu ảnh hưởng tư tưởng thiền tông từ nhỏ, do đó, dù không cố ý thì ít nhiều văn tôi cũng gợi đến màu sắc thiền tông, có nghĩa là không màu sắc gì cả, nhưng là muôn màu. Cho nên, khi tôi để cho các nhân vật cùng chính mình thực hiện những chuyến du hành vào bên trong, đi băng qua những khu rừng, ao hồ, dòng sông tượng trưng… cũng chính là tham gia và vượt qua những công án. Có khi là những công án cổ xưa gợi ý, hoặc có khi do chính tôi tạo ra. Truyện của tôi thường sử dụng thủ pháp vượt cấp – lý luận văn học hậu hiện đại gọi là metalepsis – nhân vật và tác giả có thể cùng giao lưu, chuyện trò, chất vấn lẫn nhau, biên giới giữa người viết (thực) và nhân vật (hư cấu) bị xoá nhoà. Tác giả và nhân vật cùng trò chuyện, thâm nhập vào trong một công án nào đó và cũng mời gọi người đọc cùng dự phần…

Những khoảng trống, sự siêu logic trong truyện ngắn của ông sẽ gây hứng thú với những ai coi đọc như một cách tham gia sáng tạo tác phẩm. Nhưng, ngay cả những độc giả đó, chắc hẳn rồi cũng sẽ có lúc quay lại hoài nghi khả năng tự kiểm soát ngôn ngữ, ý tưởng, tư tưởng tác phẩm của tác giả trong quá trình viết?

Ngày nay, vai trò của người đọc là rất quan trọng. Đặc biệt, có cả một lý thuyết về hồi đáp thẩm mỹ, nghĩa là, người đọc không đọc thụ động mà sẽ hồi đáp với tác giả. Tác giả là một chủ thể sáng tạo, người đọc cũng là một chủ thể tiếp nhận sáng tạo. Quan hệ người đọc và tác giả là một mối quan hệ liên chủ thể. Tôi vô cùng ước ao, qua tác phẩm, tôi với người đọc là những liên chủ thể trong tâm thế bình đẳng, ngang hàng – cùng tham dự những công án. Tác giả không có gì để khuyên nhủ, dặn dò hay hướng đạo qua tác phẩm cả.

Nhật Chiêu là nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Nhật Bản; đang giảng dạy tại đại học KHXH & NV TP.HCM.

Tác giả của những công trình biên khảo tiêu biểu: Câu chuyện văn chương phương Đông, NXB Giáo Dục, 1997; Thơ ca Nhật Bản, NXB Giáo Dục, 1998; Basho và thơ Haiku, NXB Văn Học, 1994; Văn học Nhật Bản, NXB Giáo Dục, 2000… Dịch giả của: Con lừa vàng, Lucius Apuleius, NXB Hậu Giang, 1987; Tình trong bóng tối, Tanizaki Junichiro, NXB Văn Nghệ, 1989.

Năm năm gần đây, ông viết truyện ngắn và đã công bố ba tập: Người ăn gió và quả chuông bay đi (NXB Hội Nhà Văn, 2007), Mưa mặt nạ (NXB Văn Nghệ 2008) và Viết tên trên nước (NXB Thanh Niên, 2010).

Tuy là một nhà giáo, nhưng khi viết văn, tôi không thích đưa ông nhà giáo vào trong tác phẩm, tôi rất dị ứng với cách viết để răn đời, trao truyền các bài học. Các truyện ngắn của tôi là những tác phẩm mở, chỉ ngừng chứ không kết, luôn để lại một khoảng lửng lơ không cụ thể, thậm chí có thể viết tiếp hay viết kiểu khác cũng được… Điều đó tạo sự khác biệt so với cách viết truyện truyền thống.

Rõ ràng, tạo ra sự khác biệt với người viết là rất quan trọng. Nhưng việc tạo ra sự đa thanh với chính mình cũng là một đòi hỏi tự thân ở mỗi người viết. Trên bìa 4 của cuốn Viết tên trên nước mới phát hành, công ty sách Phương Nam Book có in vài dòng nhận định của Hồ Anh Thái trích từ lời tựa cuốn Người ăn gió và quả chuông bay đi mà ông công bố từ năm 2007. Nếu nhận định ở cuốn trước vẫn đúng với cuốn sau, thì có vẻ như qua ba năm với ba tập truyện, ông đã không tìm được sự khác biệt nào so với chính mình?

Do tôi khởi viết truyện ngắn muộn, gần 60 tuổi mới bắt đầu cho nên có cái gì đó đã định hình. Một phần, do tôi đọc và chịu ảnh hưởng nhiều bởi các cây bút hậu hiện đại thế giới nên đã hình thành một phong cách khá ổn định. Tôi nghĩ để viết khác đi, có lẽ tôi phải thay đổi thể loại, ví dụ chuyển sang tiểu thuyết, hồi ký hư cấu… Với truyện ngắn, phải thừa nhận rằng, ba tập truyện ngắn của tôi nếu in thành một tập vẫn không tạo ra một độ chênh lớn giữa các truyện. Tôi đang thực hiện sự đổi khác, sắp tới sẽ ít viết truyện ngắn hơn để đầu tư cho một truyện dài, cũng có thể một cuốn truyện ngắn liên hoàn chẳng hạn.

Cám ơn ông.

Tác giả: Nguyễn Vĩnh Nguyên

Nguồn tin: SGTT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây