Phim và đời: Đi tìm mẫu số chung - Bài 3: Rốt cục vẫn nguyên là chuyện "nhân vật điển hình"

Thứ hai - 03/08/2009 11:33 2.200 0

Nhân vật nữ nhà văn Đông Bích trong Vòng nguyệt quế không đại diện cho ai cả thì không "điển hình"?

Nhân vật nữ nhà văn Đông Bích trong Vòng nguyệt quế không đại diện cho ai cả thì không "điển hình"?
Phía sau những cuộc tranh luận nhiều lúc nảy lửa trên báo chí hay các diễn đàn, đã có lúc người viết kết luận phim dở là do không xây dựng được nhân vật điển hình, kiểu như nhà văn Đông Bích trong "Vòng nguyệt quế" không điển hình cho nhà văn trẻ “9X”, hay các nhân vật trong "Những ngày hè xanh" không điển hình cho chiến sĩ tình nguyện ngoài đời… Vấn đề đặt ra là phải quan niệm như thế nào là “nhân vật điển hình”? Có phải cứ hễ thấy “không giống ngoài đời” là vội kết luận nhân vật phi lý, không điển hình?

>> Bài 1: Khi phim không giống... đời!
>> Bài 2: Trước sóng gió dư luận

Nhân vật điển hình” - chuyện cũ kể lại

Trong một bài viết gần đây trên tạp chí Điện ảnh của Hội Điện ảnh VN, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho rằng, chính vì quan niệm một anh lái xe khách trong phim đại diện cho những người công nhân lái xe khách nên mới có vụ Công ty xe khách Hà Nội từng kiện Xưởng phim truyện VN khi trong phim Chuyến xe bão táp (đạo diễn Trần Vũ) có hình ảnh không được tốt đẹp của nhân vật lái xe. Anh giáo làng trong phim Thương nhớ đồng quê đi trên đường làng dẫm phải bãi phân trâu cũng bị một bài báo cho là bôi nhọ ngành giáo dục...

Ông “bật mí”, việc duyệt kịch bản trước khi đưa vào sản xuất, duyệt phim sau khi làm xong cũng từng bị “quan niệm điển hình” đó chi phối. “Câu mà các tác giả hay được nghe nhiều nhất trong các cuộc duyệt phim là nếu không sửa hay cắt đoạn này đoạn nọ trong phim thì ngành X hay ngành Y... người ta kiện cho chết. Đến ngay cả khán giả cũng bị quan niệm đó chi phối. Người làm ngành nào đi xem phim cũng chăm chăm nhìn lên màn ảnh xem người ta xây dựng nhân vật của ngành mình như thế nào, có điển hình không hay chỉ là hiện tượng cá biệt. Điều tối kỵ là đưa những tính cách cá biệt lên màn ảnh, nhất là những tính cách tiêu cực. Cái tiêu cực, cái xấu trong xã hội nếu có chỉ là cá biệt, không điển hình, mà đã không điển hình thì không được đưa vào tác phẩm nghệ thuật”.

“Nhân vật điển hình” - lý thuyết không cũ, nhưng…

Khán giả ngày nay, thậm chí các nhà báo xem phim cứ thấy phim vô lý là lên tiếng. Câu chuyện phê bình phim trên báo chí còn nhiều bất cập, nhưng việc phản ánh hiện thực như nói ở trên đụng đến vấn đề lý luận muôn thuở của văn học đó là nhân vật điển hình và hoàn cảnh điển hình.

Khái niệm nhân vật điển hình nếu được hiểu là nhân vật đại diện cho số đông, có những tính cách phổ biến cho số đông thì mới chỉ được một vế. Theo lý luận về nhân vật điển hình trong văn học thì còn phải là nhân vật mang cái riêng và có cá tính riêng. Nhưng nhà văn Thùy Linh nói thẳng rằng, chúng ta đã được dạy dỗ quá nhiều về nhân vật điển hình đến nỗi bất cứ nhân vật nào trong phim ảnh hay trong văn học cũng đem ra mổ xẻ theo cách nhìn này. Theo chị, nhà văn Đông Bích trong Vòng nguyệt quế là một cá thể mà không phải nhân vật điển hình cho ai hay giới nào cả. “Riêng cá nhân tôi thích các cá biệt... Cá biệt làm nên sự độc đáo và khiến người ta nhớ. Trong các cá biệt ấy chứa đựng rất nhiều tính phổ quát”, chị nói.


Anh chàng “IT dị nhân” trong Lập trình cho trái tim

Một cây viết về phim ảnh tên tuổi vừa đem ra “phê” chi tiết anh chàng “IT dị nhân” trong Lập trình cho trái tim đem cả nải chuối, bóng bay, bóng đèn điện... đến tặng người mình yêu ở cái thời @ này, rồi như bị “tê liệt” cảm xúc trước sự xua đuổi đến như sỉ nhục của cô gái”. Thử hỏi, nếu anh chàng “IT dị nhân” này vẫn tỏ tình theo cách thông thường thì làm sao còn là “dị nhân” nữa. Nếu phim nào cũng tỏ tình bằng nến và hoa hồng thì còn ai xem?! Nếu dùng logic của hiện thực cuộc sống để áp đặt cho vở diễn hay đem hệ quy chiếu của đời sống để “soi” lên phim thì khác nào bảo các nhà làm nghệ thuật cứ bê nguyên cuộc sống vào phim, đừng tốn công sáng tạo hay hư cấu. Mà khi chọn “lát cắt” nào hiện thực thì nó đã được phản chiếu qua lăng kính chủ quan của mỗi nghệ sĩ.

Đạo diễn Vũ Hồng Sơn (đạo diễn phim Chạy án) cho rằng: “Bao nhiêu năm nay chúng ta quen với khuôn mẫu nhân vật trong phim thường “một màu” hay nhìn nhận sự việc, hiện tượng theo một chiều. Xã hội đã thay đổi rất nhiều. Nếu theo dõi báo chí thì thấy thành phần phạm tội không chừa một ai. Bây giờ, nhân vật phải có tốt và xấu như vốn có. Có thể khán giả chưa quen với những nhân vật có cá tính nhưng ngoài đời không hiếm mẫu người như vậy. Đó cũng là cuộc đấu tranh của nghệ sĩ khi thể hiện nhân vật trên phim, sao cho điển hình mà vẫn thuyết phục được người xem ở sự chân thật, sống động. Phim ảnh bây giờ rất nhiều, nếu nhân vật cứ chung chung thì chả gây được ấn tượng và người xem dễ chán”.

Hiện thực xã hội muôn hình vạn trạng. Cái khó với người cầm bút hay nhà làm phim là xây dựng một nhân vật cụ thể, có cá tính riêng, hoàn cảnh riêng nhưng nhiều người thấy bóng dáng mình trong đó. Nghĩa là nhân vật vừa mang nét chung và nét riêng, tính phổ quát và tính cá biệt. Nhà phê bình văn học Nga Bielinski định nghĩa từ cả thế kỷ nay: “Điển hình nghệ thuật như là một người lạ mặt quen biết”. Xem ra, lý thuyết về điển hình nghệ thuật không bao giờ cũ.

“Cuộc sống mà tôi biết, bạn biết, hay ai đó biết chỉ là một góc nhỏ, một cạnh của một lăng kính lấp lánh... Chúng ta có thể xem, thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật bằng cảm xúc riêng. Nhưng khi đưa ra lời đánh giá thì không nên áp đặt vào đó kinh nghiệm riêng của mình... Nếu bạn tiếp nhận cuộc sống “như nó đang là” (như trong một bộ phim nào đó đưa ra) với cái tâm bình thản, không thành kiến, không suy xét theo kinh nghiệm riêng, thì tôi tin bạn sẽ khách quan hơn trong đánh giá, và cảm xúc của bạn sẽ luôn tươi mới... Hình ảnh của mỗi người là do họ tạo dựng lên bằng chính nhân cách và năng lực của họ chứ không ai có thể bôi xấu họ, nhất là chỉ qua một bộ phim... Vả lại, trong cuộc sống này, có chuyện gì mà không xảy ra được?” (Nhà văn Thùy Linh - Phó GĐ TT Sản xuất phim Truyền hình - Đài THVN)

Tác giả: Hải Đông - Hoàng Vũ

Nguồn tin: TTVH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây