Cô gái bán ô màu đỏ

Thứ bảy - 17/04/2010 23:46 3.069 0

Minh họa: Tuấn Anh

Minh họa: Tuấn Anh
Tôi rê ngón tay trên những mảnh gỗ của cánh cửa đang có dấu hiệu mục nát. Bụi bám vào lớp da chai sậm tạo ra một màng màu nâu xỉn. Từng mảng gỗ bên nhau, tạo nên dáng dấp cổ kính cho những ngôi nhà trong khu phố.

Con đường đá lạnh lẽo vắng bóng người. Những đôi giày vải bước nhẹ trên đường nghe như những va chạm nhỏ đến từng mi-li-mét. Gió buổi bình minh thổi vồn vã, không lạnh nhưng mải miết, buồn thiu. Thời khắc của sự cô tịch. Tiếng chuông chùa có ngân dài cũng chỉ là biến dạng của sự cô tịch ở phố. Gã sư trẻ cứ ra rồi lại vào cổng chùa. Điệu bộ thập thò của gã chẳng thể làm ai tin rằng gã đã phủi sạch bụi trần, nương nhờ cửa Phật để trọn đời tìm chánh quả. Người đi chùa bảo, gã có đôi mắt của kẻ đa tình. Tôn giáo hôm nay, đôi khi cũng ẩn chứa ít nhiều tai tiếng. Tiếng chổi tre lao xao dưới những hàng cây đang mùa rụng lá cũng chỉ là thứ âm thanh mờ nhạt, chẳng gợn nên chất hỗn tạp, sống động của cuộc sống.

Tôi đến Trung Quốc trong một chuyến công tác dài. Công việc ở viện khiến tôi phải có những chuyến đi xa dài và liên tục. Đôi lúc thật thú vị nhưng đôi lúc cũng thật nhàm chán.

Tôi thuê nhà trọ của bà Đồng, từng là một chiến sĩ cộng sản kiên trung trong thời nội chiến. Bà sống nhờ vào tiền trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc và tiền trọ của những người khách eo hẹp như tôi. Bức tường nhà ngoài treo bức ảnh bà mặc quân phục ngồi đánh ghi-ta bên bãi cỏ lau cùng một nữ đồng đội. Bà luôn thích những khoảnh khắc bình dị, lãng mạn thời thanh xuân. Bà có thói quen mở cửa sổ vào mỗi buổi sáng, rồi uống một ly sữa và vá áo cho những trẻ nghèo trong phố. Bà thích nói chuyện với khách trọ về tư tưởng Mao Trạch Đông, về đảng Cộng sản, Tôn Dật Tiên, cách mạng văn hóa và nội chiến… Có những người chăm chú nghe, có người cho rằng bà đã quá bị ám ảnh về một quá khứ sâu đậm, nên tằng hắng và tháo lui. Quá khứ chiến tranh luôn khiến con người day dứt không nguôi…

Mỗi lúc ghi chép và gõ xong những thứ cần cho công việc, tôi tắt laptop và bắc chiếc ghế mây, ngồi phía sau lưng bà để nghe bà vừa đưa mắt nhìn ra phố vừa kể chuyện. Bà Đồng hay khóc vào đoạn những đồng đội của bà hy sinh. Câu chuyện về người yêu của bà thường khiến bà dừng lại lâu nhất. Họ yêu nhau qua bao chiến dịch và hẹn ngày Trung Quốc thống nhất sẽ cùng đến một nơi nào đó, đám cưới và sinh con đẻ cái. Họ dự định sinh một đứa con đúng theo chính sách của chính phủ và đặt tên là Thống Nhất, với ý nghĩa mừng ngày Trung Quốc thống nhất, hoặc Đông Tiên là sự kết hợp hai tên tuổi lớn của lịch sử Trung Quốc: Mao Trạch Đông và Tôn Dật Tiên. Con của ông bà cũng sẽ là một người cộng sản…

Tay chiếc áo bông dày cộm của bà đọng lại những váng nước mắt. Khi nắng rọi thẳng vào cánh cửa những tia dài thẳng vô tận, bà đóng cửa và kết thúc mục kể chuyện ngày xưa của mình. Tôi kéo ghế mây về chỗ cũ, sát bên bàn thờ tổ. Bà nói với tôi bằng tiếng Bắc Kinh, thứ tiếng phổ thông của Trung Quốc nên tôi dễ dàng nghe và trả lời bà một cách thoải mái.

- Hôm nay đồng chí trẻ sẽ đi đâu? Lại những ngôi nhà cổ hay những ngôi chùa có những nhà sư trẻ măng? Văn hóa chúng tôi có nhiều thứ để tìm tòi lắm anh bạn.

- Thưa bà, hôm nay tôi sẽ bắc ghế mây ra trước nhà và ngắm những cô gái bán ô. Bà cho tôi mạn phép chứ? - Vừa nói tôi vừa nhấp cốc trà bà pha đãi những khách trọ. Thật thích thú trước hương vị của tách trà, một loại trà bình dân nhưng đậm đà.

- Nếu đồng chí trẻ thích, và không cần trả thêm cho lão khoản tiền thuê mặt bằng nào cả. Nếu thích nữa, đồng chí trẻ có thể lấy chiếc xe đạp trong kho mà đạp đi đâu đó…

Tôi vỗ tay một cái to, tỏ vẻ tán đồng.

- Vâng, cảm ơn bà. Bà đúng là một người cộng sản, hết lòng vì một điều gì đó, không phải cho riêng mình - Tôi xoa xoa vai bà, thể hiện rằng mình không hề nói dối.

Đôi mắt bà ánh lên những nét rạng rỡ như những đóa mẫu đơn sáng ngời trong nắng. Những nếp nhăn trên mặt bà cũng bắt đầu giãn ra. Có vẻ bà rất thích người khác gọi bà là người cộng sản. Bà đúng là một người cộng sản chân chính…

Tôi tiếp tục bắc chiếc ghế mây ra trước mái hiên, lật qua lại một cách hờ hững tờ nhật báo Trung Quốc và đợi cô gái bán ô. Cô gái bán ô chẳng có liên quan gì với bài nghiên cứu của tôi nhưng một cảm giác mơ hồ nào đó vẫn khiến tôi đợi chờ. Cái lạnh vẫn lẽo đẽo len vào tay áo. Những mảng rêu áp vào sống lưng lạnh ngắt. Tôi đội chiếc mũ bê-rê mang theo, khiến người qua đường cứ tưởng tôi là gã Trung Quốc nhàn rỗi, vừa bị sa thải khỏi ủy ban hay sở nông nghiệp. Lại thêm một người Trung Quốc thất nghiệp. Họ chào tôi bằng những câu tiếng Trung Quốc thương mến, đậm nồng chất cộng đồng tuy có phần e ngại. Cái kiểu thương nhau của người Á Đông. Tôi đáp lại bằng một nụ cười tương tự và lời cảm ơn vô bờ bến.

Cô gái bán ô ở ngã ba đường đã bắt đầu bật những chiếc ô đầu tiên, những chiếc ô màu đỏ. Cô vẫn thắt hai bím tóc như những ngày trước, vẫn chiếc xe đạp màu xanh dương với chiếc yên xe có hình thù lạ. Một hình ảnh mẫu mực về những thôn nữ Trung Quốc. Chiếc áo may bằng thứ vải thô rẻ mạt, có thêu hình những bông hoa mẫu đơn. Những chiếc áo tàu mà bao cô gái Việt Nam một thời thi nhau đua đòi, không ngờ lại có thể mộc mạc như vậy.

Những chiếc ô còn lại cũng đã bật lên, thắm đỏ cả một góc đường. Cô gái này chỉ bán một loại ô màu đỏ. Tôi nhận ra điều này sau mấy ngày quan sát rỗi hơi. Người trong phố thỉnh thoảng lại bước ra, ngắm cô rồi bỏ đi. Cô gái vẫn ngồi tránh nắng phía trong hiên một ngôi nhà cổ. Chốc chốc, tiếng rao lại cất lên như một con sơn ca xa nhà đang khát nước. Tôi chẳng rõ một ngày cô bán được bao nhiêu chiếc ô, vì lúc này không phải là thời gian cao điểm của du lịch. Chỉ có những lữ khách hiếu kỳ mới thích thú với việc mua những chiếc ô kiểu cổ.

Tôi lấy máy ảnh ghi lại hình ảnh cô gái và những chiếc ô màu đỏ. Những bức ảnh bình dị nhất trong chuyến đi Trung Quốc dài ngày lần này. Tôi quyết định sẽ mua một chiếc ô màu đỏ của cô gái. Tôi kéo ghế sát cửa lớn và chậm rãi đi đến gần những chiếc ô màu đỏ.

- Này, cô gái Trung Hoa, tôi muốn mua một chiếc ô.

Cô gái ngưng thẫn thờ nhìn lên trời, nghiêng mặt về phía tôi, rồi đứng lên xốc các chiếc ô để tôi có thể nhìn rõ từng chiếc một. Bím tóc cô cứ lắc lư trong nắng.

- Ông lựa đi, hai lăm tệ - Cô gái không hề nhận ra tôi là người ngoại quốc.

- Cô gái, không bớt cho tôi được tệ nào à?

- Một tệ, nếu ông muốn.

Tôi trả cô hai lăm tệ và lấy một chiếc ô có thêu hình những cánh hoa mẫu đơn. Cô gái đếm tiền một cách tỉ mẩn nhưng nhanh lẹ và có vẻ khó hiểu:

- Sao ông vẫn trả đúng hai lăm tệ ?

- Tôi thích cái giá ban đầu vì nó thể hiện sự mong muốn của người bán. Tôi không muốn mặc cả với những cô gái đẹp.

Về tới nhà trọ, bà Đồng bảo tôi đã bị lừa. Cô gái bán ô có thể nói lảnh lót tiếng Anh để hét giá với những gã khách phương Tây đến mua ô để chỉ được ngắm cô. Tôi cũng chẳng lấy gì làm bất ngờ với điều đó, và vẫn nhìn cô gái với đôi mắt thuần khiết nhất.

Buổi trưa, khu phố cổ khá oi bức. Tiếng chuông chùa lại vọng lên, đanh lại giữa những làn khí nóng. Gã sư trẻ lại đi vào rồi trở ra. Gã đi đến gần những chiếc ô màu đỏ. Gã mân mê những chiếc ô, mắt vẫn không ngớt nhìn cô gái, một cái nhìn đầy nợ nần day dứt. Gã chỉ chực nói một điều gì đó. Cô gái bán ô né tránh ánh nhìn của gã.

Tôi e có những uẩn khúc trong mối quan hệ giữa gã và cô gái bán ô.

Phố vắng tanh. Những cây mẫu đơn cổ thụ Tứ Xuyên bắt đầu khẽ khàng rụng những chiếc lá đầu tiên trong nắng gió ban trưa. Ở Trung Quốc, chỉ có Tứ Xuyên mới có loại mẫu đơn cổ thụ. Còn những nơi khác, chỉ là những loại mẫu đơn họ thảo, nhỏ và mềm.

Tôi đạp xe giữa buổi trưa Trung Hoa buồn cô liêu. Tôi đuổi theo cô gái bán ô, như một hành động vô thức. Dáng cô hao gầy khuất dần dưới hàng cây đang đổ bóng lá xuống đường. Một hình ảnh mộc mạc, gợi trong lòng tôi những cảm giác mơ hồ xao xuyến. Dần dần, tôi đã bám sát nút sau cô. Những ngõ phố bàn cờ ở Trung Quốc khiến tôi không được rời mắt khỏi cô gái. Nếu không, tôi sẽ lạc mất cô trong lúc cô cua vào những ngõ phố chằng chịt. Chiếc cầu vòm bắc qua sông khá hẹp, xe đạp của tôi có vẻ chạm vào cô. Cô giật nảy người khi phát hiện ra có người đang lẽo đẽo bám theo.

Từng đợt gió tạt ngang, xoa dịu phần nào những oi nồng buổi ban trưa. Cô gái hãm thắng, tiếng rít kêu lên vang động. Cô tỏ ý khó chịu, có phần e ngại:

- Ông, tôi nhớ ông rồi. Chiếc ô ấy thật sự rẻ hơn số tiền mà tôi bán cho ông. Nó chỉ có mười hai tệ rưỡi, chỉ một nửa. Tôi sẽ trả lại cho ông. Ông đừng có vì mười hai tệ rưỡi mà định ám sát tôi, cảnh sát nhân dân sẽ tóm cổ ông đưa về đồn đấy. Họ là những người của công lý, họ sẽ bảo vệ dân lành…

Cô gái vừa nói vừa nấc lên những tiếng ngắc ngứ. Có vẻ cô cũng có tình cảm sâu đậm với gã sư. Tôi xua tay, thỉnh thoảng nhìn đường để chạy xe, thỉnh thoảng lại nhìn sang cô:

- Không. Ý tôi không phải chạy theo cô để đòi mười hai tệ rưỡi. Tôi chỉ muốn hỏi cô…

Tôi chưa kịp nói hết câu, những trạng thái cảm xúc khiến tôi luôn gặp khó trong tư duy ngôn ngữ.

- Chắc anh lại muốn hỏi tôi về gã sư lúc nãy chứ gì?…

- Không. Tôi muốn hỏi cô về  những ô màu đỏ. Những thứ vải đỏ chẳng hạn - Tôi cố nói to để lấn át cảm xúc mạnh của cô gái.

- Ông nói gì? Những chiếc ô của tôi à? Không bao giờ? Đó là nghề gia truyền. Xin lỗi tôi không giúp được ông rồi. Chỉ có mười hai tệ rưỡi mà ông đòi biết cả cách thức làm ô à? Đừng hòng… - Giọng cô mỗi lúc một lớn, theo những cảm xúc đang kiềm nén dữ dội trong lòng.

- Ông đừng hỏi nữa được không? - Cô gái hãm thắng xe đạp đột ngột, hét to. Tôi lỡ trớn phải dắt xe giật lùi lại - Ông cũng rảnh nhỉ, vậy thì đi xuống cánh đồng với tôi đi.

Cô gái nhìn tôi với ánh mắt đẫm buồn. Một cảm giác rạo rực lại cồn cào trong lòng. Tôi đồng ý, và hai chúng tôi cùng đạp xe chậm rãi trên con đường ngập bóng lá, đi về phía những cánh đồng lúa mạch đang chín vàng.

Đồng lúa mạch như được dát một lớp vàng, óng ánh trong nắng. Bờ đê rộng và ướt cỏ, đủ để cho chúng tôi sóng đôi. Gió đồng thổi, tóc cô gái bay lất phất, hai bím tóc đong đưa. Một khung cảnh lãng mạn hiếm hoi mà tôi có được trong chuyến công tác xa. Tim tôi đập mạnh, tựa hồ có một điều quyến luyến. Rồi chúng tôi dựng xe, vào ngồi dưới bóng cây ngô đồng giữa cánh đồng lúa mạch.

- Sao ông cứ bám riết lấy tôi thế? Con gái Trung Quốc còn nhiều người đẹp hơn tôi nhiều.

Cô gái cắt ngang ánh nhìn mơ hồ của tôi về phía những ngọn núi khuất sau cánh đồng. Tứ Xuyên luôn đẹp với cảnh sông núi. Vô tình, ánh mắt của tôi chạm khẽ vào ánh mắt của cô gái khiến tôi giật mình.

-  Tôi là một nhà nghiên cứu văn hóa Trung Quốc. Cô và những chiếc ô đã cuốn hút tôi.

- Ông không phải người Trung Quốc sao? - Có vẻ cô gái muốn lãng đi.

- Sao cô biết?

- Tôi cảm giác, ông vừa nói chuyện vừa phải chuyển ngữ.

- Tôi là người Việt Nam. Tôi vẫn nhìn thấy cô mỗi ngày.

Tôi đứng lên, leo lên xe và đạp như điên loạn về phía thành phố. Chẳng hiểu tại sao tôi lại nói ra những câu chữ kỳ quái. Cô gái vẫn ngồi ngẩn ngơ giữa cánh đồng…

Hình ảnh của cô cùng những chiếc ô đỏ như choáng ngợp cả khoảng không vô hình…

***

Có lẽ, đây là chuyến công tác dài và buồn nhất. Tôi bỏ tay trong túi áo khoác, tản bộ dọc qua các căn nhà cổ như một kẻ tha hương. Tôi muốn viếng thăm những khu phố ven sông. Gánh tàu hũ của bà lão giờ này lại vang lên tiếng rao buồn. Không thể ngờ đôi vai gầy guộc của bà lại có thể vẫn chịu được gánh tàu hũ lâu dài qua tháng năm.

Tôi gọi một chén tàu hũ nóng. Vị gừng cay xè và nước đường ngọt lự. Bà thối cho tôi những đồng tiền xu. Tôi thích thú bỏ vào túi áo, nghe chúng va vào nhau leng keng. Bà lão tiếp tục gánh tàu hũ đi. Thỉnh thoảng, tôi thấy bà lại trở vai, nghiêng nghiêng. Bóng bà đổ dài theo vệt nắng chiều…

Trung Quốc trong mắt tôi, luôn cô liêu và thú vị.

Tôi về nhà trọ, ghi chép lại những gì đã tìm hiểu trong ngày, hoàn tất nội dung của chuyến công tác. Vừa dợm bước tới cửa, tôi thấy hai người đàn ông lạ đang nói chuyện với bà Đồng với dáng vẻ cần kíp. Tôi lùi lại, coi như mình chưa thấy gì. Một cảm giác bất an bao trùm trong tôi. Một lát sau, họ ra đi với dáng vẻ tất tả và tôi bước vào, một cách mau lẹ.

- Ai thế, thưa bà? - Tôi hỏi, làm ra vẻ bất ngờ.

- Họ bảo họ là công an Trung Quốc. Họ muốn kiểm tra khách trọ vì tình hình an ninh của khu phố đang hết sức phức tạp. Tôi xin lỗi, ngày mai đồng chí trẻ phải ở nhà cho họ đến kiểm tra. Đồng chí trẻ an tâm, đồng chí trẻ chẳng làm gì sai và lão cũng thế.

- Vâng, tôi sẽ ở nhà cùng bà.

Dù chẳng làm gì nhưng khi đối mặt với công an tôi vẫn thấy lành lạnh sống lưng. Tôi vào trong, lục lọi những thứ giấy tờ cần thiết của một người ngoại quốc, phòng hờ họ hỏi đến. Tôi muốn chứng minh mình là một người lưu trú hợp pháp tại đất nước này. Tôi cũng chuẩn bị một ít nhân dân tệ để dùng trong trường hợp họ có dấu hiệu đòi hỏi và làm khó dễ công việc của tôi, khoản tiền mà tôi có thể mua nhiều chiếc ô đỏ để làm quà khi về nước. Hy vọng, với tấm lòng cộng sản kiên trung của mình, bà Đồng sẽ giúp đỡ tôi. Dù gì, công an Trung Quốc cũng rất tôn trọng những nhà cách mạng, vì họ từng là những anh hùng của đất nước.

Tôi vẫn giữ thói quen vào mỗi buổi sáng cùng bà Đồng, như thể tôi là người ngụ cư ở khu phố. Tôi cố hỏi thêm bà vài điều để bớt căng thẳng:

- Bà biết họ muốn kiểm tra tôi về cái gì không? Ví dụ về ngày tôi đến, ngày tôi sẽ đi?

- Họ chỉ hỏi tôi, đồng chí trẻ đến đây làm gì, và tôi cho cậu thuê giá một ngày bao nhiêu tệ? - Bà hỏi thêm, với giọng nghi ngờ - Hay là đồng chí trẻ xâm nhập qua biên giới Trung Quốc trái phép?

- Không, không - Tôi xua tay liên tục - Tôi đến đây để nghiên cứu về văn hóa của Trung Quốc. Vậy thôi, xin bà bình tâm. Tôi sẽ chẳng làm gì ảnh hưởng đến cuộc sống tuổi già của bà.

Tôi móc trong túi ra các loại giấy tờ mang theo, gồm chứng minh thư, hộ chiếu, visa, thẻ hành nghề, giấy công vụ… Tất cả. Tôi cố chứng minh mình hợp pháp, được hải quan Trung Quốc và an ninh sân bay đóng dấu công nhận. Bà cũng nhướng mắt nhìn, không biểu hiện cảm xúc gì rõ nét.

Cốc trà bà pha đãi khách, tôi chẳng còn thấy ngon như mọi ngày. Nhưng tôi vẫn cố hớp vài ngụm để lấy lại sự bình thản và minh mẫn đầu óc. Gió buổi bình minh thổi lạnh buốt tay. Công an Trung Quốc cũng chẳng đụng đến tôi được. Họ có vẻ khó chịu thấy tôi đi khắp nơi, nói chuyện với công dân nước họ, phát những tờ điều tra xã hội học trong công chúng. Tất cả những việc tôi làm đều vì mục đích khoa học, không vì mục đích chính trị. Cuối cùng họ cũng sẽ hiểu. Tôi cũng chẳng lấy gì phiền não khi bị những người “phụng sự tổ quốc Trung Quốc, phụng sự nhân dân Trung Quốc” làm phiền. Coi như một kỷ niệm.

***

Khói sương ban mai đang rũ xuống các ngách phố. Đường lạnh teo. Tôi đạp xe ra ngã ba, nhìn vào những ngõ phố bàn cờ, nơi những chiếc ô màu đỏ sẽ được bật lên thẫm sáng con đường. Tôi chờ cô gái. Cô đã biến mất kể từ buổi trưa cùng tôi ở cánh đồng lúa mạch.

Khi tôi về nhà trọ, bà Đồng luôn hiểu rõ tâm trạng những khách trọ của mình, bà hỏi thẳng vào tim gan tôi:

- Lại có chuyện gì khiến đồng chí trẻ u sầu à? Công an Trung Quốc lại cản trở công việc của đồng chí trẻ à?

- Không, công việc tôi vẫn suôn sẻ thưa bà. Gần như xong rồi, thưa bà.

- Hay là có chuyện gì xảy ra giữa đồng chí trẻ và cô gái bán ô? Từ ngày có đồng chí trẻ xuất hiện ở đây thì cô gái ấy biến mất.

Tôi ngượng nghịu:

- Không hề…

- Đôi mắt cậu đang lừa dối tôi.

 Tôi chẳng buồn nói gì, xin lỗi bà và cáo lỗi để vào trong phòng trọ. Bà Đồng lắc đầu, cười hiền từ.

Tôi nhận được bức điện từ Việt Nam, điện của viện trưởng: “Sắp hết hạn thị thực rồi. Công việc xong rồi chứ? Cậu tranh thủ sắp xếp về nước. Vợ và con trai cậu đang mong”.

Tôi thu xếp đồ đạc, đặt vé và bay về Việt Nam trong một buổi chiều Tứ Xuyên đầy gió. Tôi còn nhiều thứ đang đợi chờ…

Cô gái bán những chiếc ô màu đỏ… Một vệt ký ức dài…

Tác giả: Trần Minh Hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây