Gom bao nhiêu khói cho vừa...

Thứ hai - 31/08/2009 17:11 4.206 0

Ảnh: Minh Boo. Nguồn: Flickr

Ảnh: Minh Boo. Nguồn: Flickr
1. Phú quý sinh lễ nghĩa. Mùng một hôm rằm cửa chùa cửa đền cửa miếu bao giờ cũng nhộn nhịp như làng vào đám với đủ kiểu người tham dự. Đi chùa làm gì? Lên chùa, người ta cầu xin lắm thứ, cầu duyên cầu may cầu tiền cầu tài… Đủ cả, chỉ duy nhất một điều ít gặp và hiếm gặp, đó là tiếng cầu xin cho hồn mình trở nên trong sạch trở nên lương thiện. Vắng lắm! Đừng tưởng rằng hôm nay mình lên chùa thắp một vài nén hương rồi sắp vẻ thành tâm mà khấn vái là đã gội sạch được tâm hồn, là trở thành người tốt thành thiện nhân.

Nhà Phật nói rồi đấy: Niệm Phật mà thực lòng theo Phật thì ai cũng thành Phật cả rồi! Nhưng thực ít người biết vậy nên người ta vẫn cứu vớt mình (hay tự huyễn hoặc mình) bằng cách chăm lo chu đáo cho… “phần âm”, dù rằng “phần âm” ấy khi còn là “phần dương” chẳng được đối đãi ra gì!

2. Thuở xưa, khi còn tại thế, Đức Phật có vị đệ tử vô cùng hiếu thuận là Mục Kiền Liên. Ông này có mẹ là bà Thanh Đề lúc còn sống rất keo kiệt bủn xỉn, không xót thương cũng chẳng bao giờ bố thí cho ai thứ gì, đã vậy lại không tin vào luật nhân quả luân hồi của kiếp người, nên khi chết bị đày vào địa ngục. Xót thương, Mục Kiền Liên dùng phép thần thông của mình để đi tìm mẹ, vào đến địa ngục, thấy mẹ bị phạt bỏ đói, Mục Kiền Liên mang cơm dâng mẹ ăn. Bà mẹ liền che lại định ăn một mình, nhưng thật không may, cơm hoá thành than đỏ không thể nào ăn. Mục Kiền Liên tìm mọi cách để cứu mẹ mà không được. Ngài trở về tìm Đức Phật xin chỉ dạy. Sau khi nghe đầu đuôi sự việc, hiểu rõ cái nghiệp bà Thanh Đề phải gánh chịu, Đức Phật dạy rằng: “Mẹ ông sau khi chết phải chịu quả báo như thế. Ông là người con hiếu đạo, muốn đền đáp ân đức của mẹ nhưng sức ông có hạn, không thể tự mình giải cứu được nghiệp lực cho mẹ. Ông hãy đợi đến rằm tháng bảy, sửa lễ nhờ chư tăng cùng chú nguyện thì mẹ ông mới thoát được cảnh địa ngục”. Theo lời Phật dạy, đến rằm tháng bảy, Mục Kiền Liên lập đàn dâng cúng mười phương chư tăng và nhờ chư tăng cùng chú nguyện. Quả vậy, không chỉ bà Thanh Đề mà nhiều người khác trong ngày đó cũng thoát khỏi cảnh địa ngục khổ ải tối tăm.

 Lễ Vu Lan hay Vu Lan Bồn (gọi theo tiếng Phạn: Ulambana) có từ đó. Theo tích truyện trên, lễ Vu Lan được xem là dịp để con cái tưởng nhớ ân đức và báo hiếu với mẹ cha đã khuất.

 Từ lâu người phương Đông có tục hoá vàng mã được xem là cách để “gửi” cho người đã mất những vật dụng sinh hoạt cần thiết như lúc còn sống, nào là tiền là vàng là nhà cửa áo quần xe cộ…; nói chung chẳng thiếu thứ gì, người dương dùng gì người âm có ấy. Ở Việt Nam ta, ngày rằm tháng bảy âm lịch nhằm lễ Vu Lan hàng năm là dịp mọi người hoá vàng nhiều nhất, chẳng cần biết khi còn sống đối xử với nhau như thế nào, thâm tình thắm thiết hay nhạt nhẽo lạnh lùng, chỉ biết rằng càng ngày người còn sống “đối xử” với người đã mất ân tình lắm. Ân tình đến mức có cô vợ trẻ chẳng may chết chồng đã rộng lòng “hoá” cho chồng hẳn một hình nữ nhân xinh xắn mịn màng để anh đỡ trống vắng. Đó là một trong vô số sự thật trớ trêu không khó bắt gặp trong tháng bảy âm lịch này!

 Ở quê tôi có một cụ ông tám mươi và một cụ bà chín mươi tuổi. Cụ chín mươi đông con, nhưng từ khi cụ bảy mươi tuổi chín đứa con không đứa nào chịu nuôi, cụ đành phiêu dạt mãi phương nam làm hành khất sống qua ngày, mấy ngày trước khi mất cụ còn kể bị bọn thanh niên trấn lột những đồng tiền người ta bố thí mà cụ chắt chiu được ra sao rồi cách cụ “rút kinh nghiệm” cất tiền như thế nào (cụ đổi tiền chẵn cho vào một cái túi nhỏ vòng qua vai đeo thật sát vào nách, áo mặc ra ngoài!). Hồi đó, khi cụ trở về, lũ con lại đùn đẩy nhau, cuối cùng một đứa cầm tiền cụ đưa về làm cho cụ một gian nhỏ sau vườn ngay sát chuồng lợn. Không có những đồng tiền cụ dành dụm được, chưa chắc chúng đã làm. Được hai tháng, cụ mất. Rằm tháng bảy năm đó, chín người con cùng vợ chồng con cái tề tựu đông đủ, đồ xôi giết gà, thắp hương đốt áo mịt mù cả một góc xóm. Chết đi rồi mới nhận được những điều mà khi sống có cầu cũng không tới. Xét cho cùng làm lễ cũng là để cho người sống mà thôi, cho dù có thành tâm đến mấy!

Còn cụ ông tám mươi quê tôi có một người con trai và năm người con gái. Con cái cụ còn nhiều khó khăn, cụ ở với người con trai. Mãi anh con trai mới làm cho cụ được một gian lồi để cụ có chỗ nghỉ ngơi. Chị vợ kể lại với tôi, đầu tiên hai vợ chồng chị định nâng nền đảo ngói quét vôi sửa sang lại cái bếp làm chỗ ở cho bố, còn che tạm chái hè làm bếp. Nhưng nghĩ lại thấy không ổn, làm như thế tiết kiệm được tiền song tự hai anh chị thấy thẹn với anh em họ hàng mỗi khi nghĩ đến việc sẽ để bố ở trong bếp (dù nó được sửa lại). Đành thôi! Nghe chị kể tôi liên tưởng đến chuyện của cụ bà chín mươi. Âu cũng là số phận! Liệu có phải thế không?  

3. Mỗi khi đến tháng Vu Lan, trong lớp khói khét lẹt cùng bụi tro vàng mã đen xì bay đầy trong gió chiều, tôi hay nhớ đến hai câu thơ không biết của ai và mình đã thuộc tự lúc nào: Sư già đốt lá sau chùa. Gom bao nhiêu khói cho vừa mùa thu. Tôi cứ nhớ rồi liên tưởng vẩn vơ: cứ đốt đi, đốt cho nhiều cũng chỉ là “tro tiền giấy bay” mà thôi, có đốt nhiều vàng mã chăng nữa cũng chẳng bao giờ vớt vát đủ, gom góp đủ những gì mình đã để mất. Muốn đối xử tốt với nhau hãy làm ngay từ khi còn trông thấy nhau, đừng để đến lúc có người khuất bóng mới ân hận sửa chữa lỗi lầm bằng những nén hương và những cụm khói tro vô bổ. Biết gom bao nhiêu khói cho vừa… khi biển đời thì mênh mông lắm, và nữa, bàng bạc hư ảo như khói thu…

Tác giả: Võ Anh Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây