Tình án

Thứ bảy - 15/05/2010 17:56 2.676 0

Minh họa: NGUYỄN NGỌC THUẦN

Minh họa: NGUYỄN NGỌC THUẦN
Đôi tình nhân dắt nhau ra cầu tự tử, nhưng chỉ chàng trai nhảy xuống, còn cô gái thì xỉu tại chỗ. Nhưng có người nói họ không tự tử mà đi ngắm cầu, chàng trai không nhảy mà bị trượt vỏ chuối (do khách tham quan vứt bừa bãi). Có người nói là cô gái chơi giỡn chọt léc vô hông. Nhưng tất cả chỉ là phỏng đoán. Đầu đuôi câu chuyện là như vầy.

Kiều là tên cô gái bị xỉu trong vụ tự tử (cứ tạm cho là như vậy). Cách đó mấy ngày Kiều rất bực bội khi thấy má đi nấu cơm mà đội mũ bảo hiểm. Kiều hứ, coi thấy ớn. Má Kiều sùng, mày làm như tao thích ụp cái nồi cơm điện lên đầu lắm. Đúng là má Kiều đâu có thích, bởi dạo này cúp điện liên miên (may ra chỉ nhà ông giám đốc sở điện lực là có) nên má Kiều thường phải ra ngoài sân nhóm bếp củi mà nấu.

Sân nhà Kiều lại nằm phía dưới gầm cây cầu bự chảng vừa mới xây xong, khách tham quan khắp nơi ùa về, khi đứng trên cầu hứng quá cứ lấy chai nước, trái dừa uống xong quăng xuống rào rào. Nhà lủng mái, người bể đầu. Má Kiều có tinh thần cảnh giác, nấu cơm ngoài sân đội mũ bảo hiểm là vậy.

Kiều ghét cái tình cảnh nhà mình. Cha xỉn suốt, rồi có vợ bé, bỏ xóm làng đi đâu mất dạng. Hai thằng em Kiều, đứa đi bán quán phở, đứa ở đợ cho chủ trại tôm. Kiều xinh gái, có mấy lần má tính gả cho Hàn Quốc, nhưng đời Kiều khổ vì trót vướng lưới tình anh Út. Anh Út là người cùng xóm, chẳng đẹp trai hay giàu có gì.

Nhưng anh Út vốn có tài thổi sáo, biết lấy giấy xếp bông hồng, lấy đất sét nặn tượng cô gái tóc dài. Ngày xưa có lần anh Út nặn tặng Kiều cô gái tóc dài, hoa hồng giấy bóng, lại bơi ghe tới trước nhà Kiều thổi sáo suốt mấy đêm trăng. Kiều mê anh Út là vì vậy. Nhưng quan trọng hơn Kiều thấy ở anh Út một tương lai rộng mở. Út có người chú ruột là y sĩ.

Người chú y sĩ này chữa khỏi bịnh trĩ cho ông chủ tịch huyện. Út muốn về phòng văn hóa thông tin nên nhờ ông chú y sĩ giúp. Ông chủ tịch huyện lịnh xuống một tiếng là Út trở thành cán bộ ngay lập tức. Xin nói thêm, ngày trước Út và Kiều cùng đang học lớp bảy, nhưng bữa nọ vì thích coi bắn pháo bông trên thành phố (thành phố rất hay bắn pháo bông) mà bỏ học đèo nhau đi. Bữa sau về thầy giáo lấy roi quất mông Kiều, Út nhảy lên xô ngã thầy giáo. Thầy giáo chảy máu đầu, Út bị đuổi học, Kiều không có ai đèo đi học nên cũng bỏ luôn.

Ở phòng văn hóa thông tin Út được giao nhiệm vụ cắt dán hoặc vẽ băngrôn, bảng hiệu. Lương lậu chán òm, nhưng thỉnh thoảng có mấy ca sĩ hay hoa hậu về quê hát hò, trình diễn thời trang Út đều có vé mời. Kiều thích văn nghệ. Vui gì đâu. Nhưng Kiều không phải là người nông cạn. Kiều nghĩ Út bây giờ làm ở huyện, mai mốt lên tỉnh, rồi lên nữa mấy hồi. Nhưng có một sự cố xảy ra. Nhân dịp huyện đón đoàn cán bộ tỉnh về tham quan, khảo sát coi thử huyện có đạt yêu cầu làm địa điểm để tổ chức lễ hội bánh xèo hay không. (Xin nói thêm là nơi Kiều ở rất nổi tiếng về bánh xèo, ngày xưa từng có một bà già qua tận Mỹ khuấy bột đúc bánh xèo cho Tây ăn).

Tại sao Tây có lễ hội bánh pizza mà ta không làm lễ hội bánh xèo? Đó là ý tưởng được đề xuất từ một đạo diễn được đào tạo từ Ấn Độ về. Nghe nói đạo diễn này chuyên sản xuất ý tưởng cho các lễ hội và ở lễ hội bánh xèo lần này, phần đinh sẽ là màn trình diễn đổ cái bánh xèo to nhất thế giới (mấy nước khác hình như không có bánh xèo), để ghi vào sách kỷ lục ghi-nét. Tuyệt vời. Vỗ tay. Chọn ngày tốt bộ sậu lãnh đạo tỉnh cùng ông đạo diễn kia sẽ kéo xuống huyện. Họp hành nhiều cuộc. Cuối cùng Út được giao nhiệm vụ là cắt dán băngrôn. Dịp này Út muốn ghi điểm, anh đi mua giấy đề can thật xịn về cặm cụi cắt dán. Vậy mà tai nạn lại xảy ra.

Nói gọn là thế này, băngrôn Út dán bị sai lỗi chính tả. Thay vì “Chào mừng đoàn đại biểu tỉnh về tham quan khảo sát”, lại biến thành: ”Chào mừng đàn đại bĩu tỉnh về tham quan khảo sác”. Sai chết người. Mà người phát hiện lỗi sai chính là ông đạo diễn từ Ấn Độ về. Ông đạo diễn đầy bức xúc. Ổng kêu: ”Tôi làm việc là chuẩn không cần chỉnh, chứ có mấy cái chữ mà cũng viết sai tùm lum, làm sao tôi dám về đây làm cái bánh xèo (ý nói là lễ hội bánh xèo)”.

Trong khi ông đạo diễn nói sẽ suy nghĩ lại (vì có chỗ đang mời ông làm lễ hội nói dóc, nhằm ca ngợi truyền thống nói dóc của làng) thì Út bị kỷ luật, hạ mức lương sáu tháng, mỗi ngày bắt học từ điển tiếng Việt sáu giờ.

Út than trời. Kiều chán đời. Cô thấy tương lai xám xịt.

Đang lúc chán thấy má ngồi nấu cơm mà đầu đội mũ bảo hiểm, Kiều thêm nản. Kiều rủ Út đi lên cầu coi sao, thấy có đứa nào liệng trái dừa, chai nước xuống dưới thì đập chết mẹ tụi nó đi. Út đang sầu liền gật đầu. Hai đứa nắm tay đi lên cầu. Rồi không hiểu sao Út nhảy xuống cầu, còn Kiều thì xỉu tại chỗ. Út nhảy cầu hay bị trượt vỏ chuối (mà cũng có thể là vỏ bưởi da xanh)? Kiều xỉu vì sợ hay vì đói bụng, bởi bữa đó ”thấy ớn” bà già, Kiều không ăn cơm.

Không có thư tuyệt mệnh. Trên giường của Út chỉ có một cuốn từ điển tiếng Việt. Mà sau khi xem xét, các đồng chí công an phát hiện đây là cuốn từ điển được in lậu rất cẩu thả, giấy phép ghi ở trang lưu chiểu (còn gọi là lưu chiếu) là giấy phép ma, tên nhà xuất bản thì đã bị dẹp. Cũng không rõ cuốn từ điển này có đúng chính tả không nữa. Bó tay. “Đây không phải là vấn đề chuyên môn của chúng tôi”. Các đồng chí công an nói như vậy. Sự việc vẫn đang tiếp tục được làm rõ.

Tác giả: Trần Nhã Thụy

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây