Cấm công chức tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp

Thứ bảy - 13/04/2013 01:44 819 0
"Chúng tôi đã quy định cấm cán bộ công chức trực tiếp nhận hồ sơ, đứng dưới sân giao dịch với doanh nghiệp để hạn chế tiêu cực", ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường trao đổi với VnExpress.

- Ông nghĩ sao khi thái độ thực thi công vụ của cán bộ Sở Tài nguyên Môi trường chỉ nhận được 11% ý kiến hài lòng?

- Tôi thực sự rất bất ngờ với đánh giá này. Chúng tôi soi lại thấy mình đã thực hiện các công việc cần làm. Hàng năm qua tổng kết đánh giá đều được các cơ quan cấp trên như Bộ Tài nguyên Môi trường, UBND thành phố đánh giá tốt, là đơn vị thi đua xuất sắc cả trong lĩnh vực cải cách hành chính. Nay bất ngờ nhận được những đánh giá không tốt thì thấy phải nhìn nhận, đánh giá lại mình một cách nghiêm túc.

- Một số doanh nghiệp phản ánh hồ sơ nhà đất thường bị "ngâm" lâu. Là Phó giám đốc Sở, ông có thể lý giải vì sao?

- Nhìn về hiện tượng mà đánh giá thì có như vậy bởi một hồ sơ vào đây có thời gian giải quyết trong vòng 45 ngày. Một hồ sơ dự án đầu tư phải qua rất nhiều thủ tục ở các ban ngành khác mới đến Sở Tài nguyên Môi trường. Doanh nghiệp theo đuổi dự án hàng năm trời, nên khâu cuối họ rất sốt ruột, họ đốc thúc mong muốn hồ sơ giải quyết chỉ trong 5-10 ngày và cho rằng chúng tôi "ngâm" dự án. Song thực tế không phải như vậy, hàng năm chúng tôi đều có đánh giá giải quyết hồ sơ đúng quy định, số hồ sơ chậm khoảng 10% là tỷ lệ cho phép. Số hồ sơ giải quyết 90% là đạt yêu cầu.

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ của Sở rất ít, cùng một cán bộ phải giải quyết nhiều hồ sơ nên họ phải làm trình tự, hoặc tính toán làm cái nào trước, cái nào sau theo nhiệm vụ của thành phố hoặc yêu cầu của nhà đầu tư. Vì thế có bộ hồ sơ đến sau ngày 30 mới được thụ lý, mặc dù vẫn hoàn thành trong thời gian quy định song doanh nghiệp cho rằng thời gian kéo dài. Do vậy, mới đây giám đốc Sở đã yêu cầu trong 7 ngày đầu tiên, chuyên viên phải thụ lý hồ sơ.

- Sở Tài nguyên Môi trường sẽ chấn chỉnh thế nào để tạo thuận lợi cho người dân cũng như doanh nghiệp?

- Chúng tôi đã tổ chức hội nghị quán triệt các chỉ thị của UBND TP Hà Nội về năm kỷ cương hành chính và chỉ đạo rà soát tất cả nhiệm vụ của các bộ phận. Những ngày qua, lãnh đạo Sở liên tục giao ban, xem xét cụ thể từng công việc. Trước đây các cán bộ tự bố trí thời gian giải quyết hồ sơ theo thời gian cho phép, nay từng cán bộ phải xem xét lại hồ sơ còn tồn đọng, báo cáo lãnh đạo Sở để có kế hoạch xử lý. Các phòng ban cũng thành lập tổ chuyên môn đi đến từng quận huyện tháo gỡ công việc còn tồn đọng. Đây là công việc thường xuyên song vẫn cần chấn chỉnh lại.

Sở cũng thành lập một đoàn kiểm tra công vụ chấp hành ý thức pháp luật, ý thức thực thi công vụ của cán bộ công chức. Đoàn sẽ tiến hành ngay tuần tới và kéo dài trong cả năm. Theo kết quả đánh giá thì bộ phận một cửa và phòng đo đạc bản đồ được nêu tên có biểu hiện tiêu cực nhất thì sẽ phải thanh kiểm tra trước.

Với doanh nghiệp, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn để chia sẻ thông tin, tháo gỡ khó khăn. Thời gian tới, doanh nghiệp muốn xin cấp giấy chứng nhận sử dụng đất sẽ không phải đến Sở nộp hồ sơ mà kê khai, nộp trên mạng, chỉ đến khi có thông báo kết quả mới trên mạng thì mới đến lấy kết quả. Theo lộ trình phấn đấu hết năm 2013, song chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ dịch vụ này, dự kiến từ ngày 1/5.

Chuyên viên chỉ được tiếp xúc với doanh nghiệp tại phòng khách. Ảnh: Đoàn Loan

- Theo điều tra xã hội học, tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực xảy ra phổ biến ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, Sở có biện pháp gì để hạn chế khả năng tiêu cực trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ?

- Chúng tôi có phòng tiếp khách riêng, có quy định cấm cán bộ công chức trực tiếp nhận hồ sơ, đứng dưới sân giao dịch với doanh nghiệp. Hồ sơ được nộp qua bộ phận một cửa, chuyên viên chỉ thẩm định trên hồ sơ đó, không trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp. Nếu cần phải bổ sung hay trao đổi thêm thì phải có thông báo bằng văn bản.

Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, một số doanh nghiệp chủ động liên lạc với chuyên viên, chúng tôi không thể quản lý được vì họ còn nhiều mối quan hệ xã hội. Do vậy, dù đã có quy định từ lâu song gần đây lại chấn chỉnh.

- Quá trình rà soát kiểm tra, nếu phát hiện cán bộ sai phạm, Sở Tài nguyên Môi trường sẽ xử lý thế nào?

- Trước sức ép của dư luận, chúng tôi phải kiểm tra, rà soát lại tất cả, đánh giá mức độ vi phạm của các bộ phận, những gì thiếu sẽ bổ sung, có vi phạm sẽ xử lý. Tùy theo mức độ vi phạm sẽ có hình thức xử lý theo quy định, từ khiển trách, cảnh cáo cho đến buộc thôi việc.

Cuối năm 2012, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã điều tra xã hội học về thực hiện cải cách hành chính tại 5 sở Tài nguyên Môi Trường, Xây dựng, Quy hoạch Kiến Trúc, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính. 1.000 người được lấy ý kiến là cán bộ chủ chốt của các quận huyện, lãnh đạo một số doanh nghiệp.

Theo kết quả điều tra, tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực tại các sở vẫn diễn ra phổ biến, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính có tỷ lệ tiêu cực cao. Tỷ lệ này chiếm 2,7% tại Sở Tài Chính; 7,6% tại Sở Tài nguyên Môi trường; 6,3% tại Sở Quy hoạch Kiến trúc, 4,3% tại Sở Xây dựng; 4,7% tại Sở Kế hoạch Đầu tư.

Về thái độ thực thi công vụ của cán bộ tại Sở Tài nguyên Môi trường, có 11% ý kiến rất hài lòng, 56% hài lòng có mức độ, 16% không hài lòng. Đánh giá về giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của cơ quan này, có 1,8% trả trước thời hạn, 48% trả đúng hạn và 20% cho rằng trả chậm hồ sơ.

Đoàn Loan thực hiện

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây