Thơ Trẻ :: Không gian thơ

https://www.thotre.com


Thái Hòa về với Cõi tình trong nhạc Trịnh

Gần hai năm im tiếng sau album “Môi hồng đào”, cuối năm 2012, Nguyễn Hữu Thái Hòa trở lại với album “Còn tuổi nào cho em”, tập hợp những ca khúc Trịnh Công Sơn sáng tác vào thập niên 1960.

“Còn tuổi nào cho em” có Ướt mi, Thương một người, Tình sầu, Còn tuổi nào cho em… xen lẫn với những ca khúc ít người biết của Trịnh Công Sơn như Vì tôi cần thấy em yêu đời, Có những con đường, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Thái Hòa tâm sự đã cố gắng hết sức để album này kịp hoàn thành trong năm 2012, tưởng nhớ 11 năm với nhạc Trịnh và cũng là cuộc trở về đầy thi vị của những bài hát đầu tiên trong một "Cõi tình" xuyên suốt. Anh trò chuyện với VnExpress.

- Tại sao anh gần như im tiếng với nhạc Trịnh trong suốt 2 năm qua?

- Trong lời tựa của album trước, tôi đã viết rằng: “Thái Hòa ngày vắng Trịnh” mà sao vẫn đầy chất lãng đãng của Trịnh và nỗi nhớ Trịnh vẫn thiết tha, da diết, tràn đầy. Nó như là dấu lặng của bản trường ca, là điểm dừng chân “mệt quá thân ta này” của kẻ du ca bên bờ vực thẳm của cõi tình. Hai năm qua là một điểm dừng chân thú vị để cá nhân tôi chiêm nghiệm lại các giá trị và tâm thế của mình với dòng nhạc Trịnh. Thú thật tôi đã thấy mình thật thanh thản trước những ầm ĩ của showbiz trong các dịp kỷ niệm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi thấy mừng vì có rất nhiều hoạt động đã lôi kéo số đông công chúng lên những con số kỷ lục của sự đầu tư và truyền thông. Và tôi chạnh lòng vì chất lượng âm nhạc và chiều sâu trong thưởng thức âm nhạc Trịnh Công Sơn sau chừng ấy năm dường như không có gì mới mẻ và đã có phần đi xuống.

thaihoa1-jpg-1357707086_500x0.jpg
Ca sĩ Nguyễn Hữu Thái Hòa.

- Vậy trong thời gian vừa qua anh có tham gia hoạt động gì quanh nhạc Trịnh?

- Sau một thời gian dài làm việc ở nước ngoài, năm 2011 tôi chuyển hẳn công tác về làm việc ở Việt Nam với một tập đoàn công nghệ thông tin đầy sức trẻ. Hàng ngày tiếp xúc với những bạn trẻ yêu nhạc Trịnh tại FPT, tôi càng thấy rõ sức quyến rũ của nhạc Trịnh thật sự không có biên giới của tuổi tác. Tôi đã giới thiệu cho bạn trẻ những gì tôi hiểu về nhạc Trịnh và cũng đã giúp FPT phát hiện ra những giọng ca mộc mạc tuyệt vời trong ấn phẩm “Ru đời đi nhé” đúng vào dịp tưởng niệm 10 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để lập Quỹ từ thiện giúp các trẻ em bị nhiễm Dioxin tại Quảng Trị.

Sinh hoạt âm nhạc Trịnh Công Sơn trong khuôn viên một doanh nghiệp và bạn hữu, tôi thấy không ồn ào nhưng rất nhẹ nhàng, đầy nhân văn và đúng cái chất du ca của Trịnh Công Sơn trong những ngày sáng tác cùng thế hệ bố mẹ tôi và bạn bè của ông ở Hội trí thức yêu nước ở Sài Gòn vào những năm 80.

Cái triết lý du ca và mộc mạc của nhạc Trịnh hoàn toàn khác xa với showbiz. Tôi đã từng chơi âm nhạc và đi hát ở phòng trà rất sớm từ những năm 1990 tại Canada, nhưng thú thật càng hát nhạc Trịnh, tôi càng thấy mình chẳng có điểm gì giống một ca sĩ của showbiz ngày nay cả. Điều mà tôi cố gắng thể hiện trong từng ca khúc, từng kỷ niệm với nhạc Trịnh chỉ đơn giản là tình yêu nồng nàn đối với cuộc sống này. Để qua từng lời ca tiếng hát có thể tôn vinh những giá trị nghệ thuật và tính nhân văn của người nhạc sĩ mà mình yêu quý, thế thôi. Vậy cũng là quá đủ cho một giọng ca tài tử.

- Trở lại với “Còn tuổi nào cho em”, tại sao anh lại chọn những ca khúc rất cũ và lại phát hành vào cuối năm 2012?

- Trong suốt thời gian qua, tôi vẫn thao thức cùng nhạc Trịnh dù rất bận rộn và đã nhiều lần hoãn lại kế hoạch thu âm album này gần 2 năm, cũng là vì chưa ưng ý với chất lượng. Nhưng giống như tình yêu mà càng đè nén thì nỗi nhớ nhạc Trịnh càng da diết. Đến thời khắc cuối năm 2012 thì đã vỡ òa, album đủ chín nên phải phát hành thôi. (cười)

Album này bắt đầu với lời thoại của anh Đỗ Trung Quân và nhạc phẩm “Thương một người”, mà khi hát tôi thấy rất thương cho tình cảm của chính mình đối với nhạc Trịnh, thương cho những đêm vắt kiệt sức thu âm đến 2-3 giờ sáng mệt mỏi phạc phờ để cảm nhận được cái cảm giác đứng bên bờ vực thẳm của cõi tình của Trịnh. Các ca khúc rất cũ trong album thật sự có quá nhiều kỷ niệm đối với tôi. Nhạc sĩ Đức Thịnh và tôi quyết định quay về cách phối khí, hoà âm cũ của nhạc Trịnh thời thập niên 1960 với guitar thùng réo rắt, piano sang trọng, kết hợp với bè vocal điêu luyện và cảm xúc mới của một thế hệ ca sĩ trẻ.

bia-jpg-1357707086_500x0.jpg
Bìa album "Còn tuổi nào cho em".

“Còn tuổi nào cho em” là tên chủ đề album cũng là bài hát đầu tiên tôi hát cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nghe cùng Jennifer Thomas vào năm 1996 và được chính ông góp ý, chỉnh sửa hòa âm, hôm nay thể hiện cùng với Thủy Tiên - một giọng hát đối với tôi là “truyền nhân” thật sự của dòng nhạc Trịnh. Và còn nhiều nữa những góp mặt trẻ trung, độc đáo của Đinh Tiến Dũng với “Tình Sầu”, Ngọc Uyên với “Góp lá mùa xuân” như một dòng chảy mới của thế hệ trẻ yêu nhạc Trịnh.

Tôi tin rằng người nghe vẫn sẽ gặp lại Thái Hòa đầy chất du ca, lãng đãng. Vẫn tấm lòng ấy, tình yêu đấy. Vẫn cách hát ấy, cách phối âm ấy, của thứ âm nhạc đậm chất Sài Gòn xưa không lẫn vào đâu được. Nhưng giọng hát có lẽ đã già dặn hơn và dù có thêm cả những dằn vặt trong lời hát thì vẫn luôn hướng thiện. Vì sự nhẹ nhàng, mộc mạc, cái tâm và chữ tình mới thật sự là sợi dây xuyên suốt của những ai hiểu Trịnh.

- Đã hơn 11 năm ngày mất của NS Trịnh Công Sơn, là người yêu nhạc Trịnh, theo anh đã có phát hiện gì mới mẻ từ gia tài âm nhạc và nghệ thuật của Trịnh Công Sơn trong những năm qua?

- Trong thời gian qua, tôi tiếp tục tìm gặp được nhiều người bạn thân xung quanh cuộc đời của Trịnh Công Sơn và tôi nhìn ra bản chất của tình yêu nhạc Trịnh của chính mình cũng như những giá trị khác biệt đầy tranh cãi của gia tài âm nhạc Trịnh Công Sơn. Trong năm 2011 tôi cho rằng việc công bố 300 bức thư tình của Trịnh Công Sơn và đoạn băng ghi âm bài hát Nối vòng tay lớn trên Đài phát thanh Sài Gòn vào trưa ngày 30/4/1975 lịch sử do chính tác giả hát là những phát hiện khá quan trọng đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Cá nhân tôi thì không có gì bất ngờ, tôi đã biết rõ về sự tồn tại của các lá thư này từ vài năm trước và cũng đã nghe chính bố tôi kể lại về đoạn băng ghi âm ấy vì ông cũng là nhân chứng trong sự kiện. Theo cảm nhận của tôi, hai sự kiện này có hai điều đáng tiếc trái ngược nhau là các đoạn băng ghi âm là một tư liệu lịch sử của cả dân tộc mà đến 37 năm sau mới được công bố là quá muộn. Còn các lá thư thì lại được phổ biến hơi sớm và khá vội vã. Tôi từng nghiên cứu cách người ta làm nhà lưu niệm The Beatles ở nước Anh và đã nghe chính Trịnh Công Sơn hy vọng về một Nhà nguyện Tình yêu tương tự ở Việt Nam nên cảm thấy hơi tiếc. Giá như các hiện vật được đưa vào một viện bảo tàng văn học nghệ thuật về Trịnh Công Sơn như một danh nhân văn hóa thì tuyệt vời hơn là làm vì những mục đích ngắn hạn khác.  

Thoại của Đỗ Trung Quân

Chúng ta tưởng như đã chia tay một con người mà âm nhạc quá gần gũi với mỗi người, nhưng hình như không phải thế. Trịnh Công Sơn vẫn hiện diện đêm nay. Đi là về, về là đi, Trịnh Công Sơn chưa vắng mặt bao giờ trong thế kỷ này, anh vẫn ẩn hiện trong chính những note nhạc của mình. Trong cỏ cây, hoa lá, mây gió, sông biển. Và những thế hệ tiếp nối vẫn còn yêu âm nhạc của anh. Thời gian không hủy diệt nỗi một con người như thế, nó đành chọn cách đi song hành. Và hôm nay trên những cánh đồng Việt Nam, chỉ có lúa non, cỏ hoa, tiếng trẻ thơ đã và đang hát những khúc đồng dao hòa bình…

Danh sách bài hát trong album "Còn tuổi nào cho em" (Thái Hòa - Vol.11)            

1.    Thoại của Đỗ Trung Quân (nguồn: HQHN Trịnh Công Sơn)
Thương một người (Thái Hòa)
2.    Còn tuổi nào cho em (Thủy Tiên - Thái Hòa)
3.    Vì tôi cần thấy em yêu đời (Thái Hòa)
4.    Em đi bỏ lại con đường (Thủy Tiên)
5.    Có những con đường (Thái Hòa)
6.    Góp lá mùa xuân (Ngọc Uyên)
7.    Tình sầu (Đinh Tiến Dũng)
8.    Còn ai với ai (Thái Hòa)
9.    Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui (Thái Hòa - Đức Thịnh)
10.  Ướt mi


Nguồn tin: VN Express

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây