Thơ Trẻ :: Không gian thơ

https://www.thotre.com


Trường ca ba nghìn tuổi phát hành tại Việt Nam

Bản tiếng Việt trường ca Odyssêy mới xuất bản giới thiệu trọn vẹn một kiệt tác của văn học thế giới. 

Tên sách: Odyssêy
Tác giả: Homer
Dịch giả: Đỗ Khánh Hoan
Phát hành tháng 11/2013 bởi NXB Thế Giới

Trường ca Odyssêy của Hy Lạp được coi là một kiệt tác trong nền văn học thế giới dù tác phẩm này đã có ba nghìn năm tuổi. Rất khó để xác minh và đưa ra thông tin chính xác về hoàn cảnh, xuất xứ của tác phẩm. Tuy nhiên giới học giả châu Âu cho rằng Odyssêy là của tác giả Homer – một nhà văn, người hát rong chuyên kể những truyền thuyết thời Hy Lạp cổ. Homer được xác định là sống vào đầu thế kỷ thứ VIII trước Công nguyên. Hai tác phẩm của ông là IliadOdyssêy được ghi chép lại chính thức vào thế kỷ thứ VI trước Công nguyên theo lệnh của bạo chúa Athena lúc bấy giờ là Peisistratos.

Body-bia-sach-6557-1384148230.png

Bản tiếng Việt Odyssêy mới xuất bản ở Việt Nam.

Odyssêy là một trường ca đồ sộ, dài 12.110 câu, chia thành 24 khúc, mỗi khúc có độ dài ngắn khác nhau. Khúc 6 ngắn nhất có 331 câu thơ, khúc 4 dài nhất với 847 câu thơ. Nội dung kể về hành trình của Odyssêy trở về quê hương sau khi chiến thắng ở cuộc chiến thành Troa và quá trình đoạt định lại vương quốc của mình.

Odyssêy chứa đựng hai câu chuyện: câu chuyện thứ nhất là Odyssêy vượt qua hành trình gian khó, cực khổ trở về và lấy lại vương quốc, câu chuyện thứ hai là về người vợ Penelope thủy chung trải qua năm tháng hãi hùng vẫn kiên nhẫn chờ chồng. Thi phẩm cũng được chia thành hai phần khác biệt rõ rệt về đề tài, phương thức và diễn biến. 12 khúc đầu là cảm nghĩ của Odyssêy trên đường trở về, phải lênh đênh trên biển cả, lạc vào đất liền nơi cư dân không phải người Hy Lạp. Trong phần đầu, những câu chuyện kể đầy biến sự, mỗi khúc là một biến sự độc lập, rành mạch và lôi cuốn người đọc. 12 khúc phần sau kể về việc Odyssêy lấy lại vương quốc. 

Các khúc trong trường ca được xếp vào 4 nhóm, mỗi nhóm đều mang một đề tài riêng biệt nhưng cùng góp phần xây dựng nội dung, chủ đề tổng quát cho trường ca. Trường ca mở ra ở năm thứ 12 kể từ ngày Odyssêy xa vợ trẻ con thơ để tham gia cuộc chiến thành Troa, và là năm thứ 10 anh lên thuyền từ thành Troa trở về quê hương. Odyssêy vượt bao khó khăn gian khổ trên hành trình đoàn viên ấy: ba năm lênh đênh trên biển bởi thần biển Poseidon nổi cơn thịnh nộ, bảy năm trôi giạt tới đảo Ogygia bị Calypso giam giữ muốn Odyssêy trở thành người yêu muôn thuở. 

Trong khi đó, ở quê nhà, Penelope - vợ Odyssêy - phải đối mặt với nhiều người quyền quý trong vùng đến cầu hôn. Telemachos là con trai duy nhất phải đương đầu với đám cầu hôn tham lam, ngang nhiên bất trị để bảo vệ gia đình.

Tuân lệnh Zeus, Calypso buộc phải từ bỏ ý định biến Odyssêy thành thần linh và giữ lại làm người yêu muốn thuở của mình.Odyssêy được rời đảo trên một chiếc bè. Sau vài ngày bão lớn, chiếc bè bị đánh tan tác, Odyssêy dạt vào xứ sở của vua Alkinoos, được nhà vua giúp đỡ, Odyssêy trở về quê hương sau 20 năm xa cách. Tại quê nhà, người anh hùng phải nhẫn nhục, đối mặt với hiểm nguy mới là bọn cầu hôn xảo quyệt, hung hãn đang rắp tâm chiếm nàng Penelope xinh đẹp và chiếm đoạt tài sản gia đình. Odyssêy cùng con trai và gia nhân trung thành đã lập mưu, trừng trị bọn cầu hôn tham tàn đó. Cuộc sống mới đã bắt đầu trên xứ sở Ithaca.

Odysseus-va-vo-8100-1384148230.jpg

Tranh vẽ Odysseus trùng phùng với vợ là nàng Penelope.

Trong nguyên tác, Odyssêy là một bản trường ca, nhưng khi dịch ra tiếng Việt, giáo sư Đỗ Khánh Hoan đã chuyển thành bản Việt văn. Trước đây ở Việt Nam từng có bản Việt văn mang tên Anh hùng ca Odyssêy của Hoàng Hữu Đản. Bản dịch văn xuôi này được Hoàng Hữu Đản dịch từ tiếng Pháp, và cũng là một bản dịch rút gọn. Trong lần xuất bản này, tác phẩm được Đỗ Khánh Hoan dịch từ nguyên bản tiếng Hy Lạp và là bản dịch trọn vẹn, đầy đủ nguyên tác.

Khi dịch Odyssêy, Đỗ Khánh Hoan có một nguyên tắc là phải cố xóa bỏ sự ngăn cách giữa nguyên tác và bản dịch. Ông nói: "Tôi trước sau tìm cách đưa rung động, cảm xúc, tư tưởng của Homer tới thẳng độc giả, một cách giản đơn, song vẫn trung thực và chính xác; đặc biệt trình bày nét khách quan, hiện thực nôm na trong chuyện nguyên thủy. Chuyện kể lại biến sự với mọi vẻ ý nhị mà Homer kể lại, để biểu lộ thái độ của thi sĩ đối với biến sự và những cảm nghĩ của ông". 

Với bản dịch Việt văn, Đỗ Khánh Hoan sử dụng ngôn ngữ bình dân, bởi bản thân đặc điểm ngôn ngữ văn xuôi đã không thơ vị như ngôn ngữ thơ ca. Ngôn từ trong tác phẩm được dùng và diễn đạt sáng sủa, khúc chiết, dễ hiểu.

Dẫu được dịch thành văn xuôi, Odyssêy vẫn là một tác phẩm đầy chất thơ. Nếu chỉ đọc lời giới thiệu đây là một bản văn xuôi, mà được giả nghe nói về Odyssêy trước đó, sẽ dễ hình dung ra bản văn xuôi là một cuốn sổ ghi sự kiện của nhân vật. Song có lật giở từng trang sách mới cảm nhận đây là một thi phẩm chứ không phải tác phẩm diễn giải bằng văn. Chất thơ thể hiện trong nội dung, trong hình tượng vị anh hùng Odyssêy, trong những ngôn từ mà Đỗ Khánh Hoan lựa chọn để chuyển ngữ. Đặc biệt, với nỗ lực truyền tải trung thành cảm xúc của Homer với tác phẩm, dịch giả muốn mang tới người đọc cái không khí trực quan, khi Homer đi khắp nơi kể chuyện cho người dân nghe.

Odyssey-Nhi-Linh-body-6000-1384148230.jp

Các bản dịch Odyssêy trong những lần xuất bản trước ở Việt Nam cũng là bản dịch văn xuôi, nhưng là bản dịch rút gọn. Ảnh: Nhị Linh.

Giáo sư Đỗ Khánh Hoan Giải thích cho việc dịch bằng văn xuôi chứ không dịch thơ là để giữ lại sự trung thực trong tác phẩm của Homer. Ông nói: "Trước nguyên tác, tôi thấy mình mang trong lòng trách nhiệm lưỡng diện: trách nhiệm với tác giả và trách nhiệm với độc giả. Tôi tự nhủ đối với tác giả, phải chân thành, đối với độc giả, tôi nghĩ cũng phải chân thành. Quá trình chuyển dịch thi phẩm vừa hay, vừa khó, vừa cao siêu, vừa phức tạp, tôi cố viết lại trung thực như Homer sáng tác ngày xưa. Không thêm, không bớt, không xa với, không lạc điệu".

Để có thể dịch tốt, Đỗ Khánh Hoan đã tham khảo nhiều bản dich tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Anh. Đối chiếu các bản dịch với nguyên tác, ông nhận thấy các bản dịch thơ do đòi hỏi của vần điệu nên thường cường điệu, thiếu chính xác, không gần với nguyên tác. Còn dịch phẩm văn xuôi thì ngược lại, đôi khi thiếu vẻ đậm đà thi vị của thơ, song lại diễn đạt trung thành nguyên tác. Vì thế, Đỗ Khánh Hoan đã chọn dịch Odyssêy thành văn xuôi.

Tác phẩm Odyssêy của Đỗ Khánh Hoan đã được xuất bản tại Canada, tới tháng 11 này được phát hành tại Việt Nam. Trong sách có nhiều hình minh họa lấy từ các tranh vẽ hoặc hình vẽ khắc trên các tác phẩm nghệ thuật như bình, vại, phù điêu...

Tác giả: Hiền Đỗ

Nguồn tin: VN Express

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây