Nhìn lại văn học Việt Nam qua một nhiệm kỳ

Thứ hai - 10/05/2010 19:10 1.798 0

Nhìn lại văn học Việt Nam qua một nhiệm kỳ

Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 7 được tổ chức vào tháng 4 năm 2005. Kết thúc Đại hội đã bầu được 6 nhà văn, nhà thơ vào Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam gồm: Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Lê Văn Thảo, Hồ Anh Thái, Nguyễn Trí Huân, Phan Thị Vàng Anh…
Nàng thơ và nỗi buồn một nhiệm kỳ

Đại hội Hội Nhà văn lần thứ 8 đã cận kề, nhìn lại một chặng đường thơ 5 năm qua (từ 2005- 2009) mà thật sự phân vân không biết nàng Thơ đang đứng ở đâu trong lòng công chúng? Hay đang ngơ ngác giữa những người anh em ruột thịt là văn xuôi, văn học dịch và lý luận phê bình?

Trong suốt 5 năm qua Thơ chỉ được vinh danh ở mức cao nhất là một lần giải thưởng duy nhất vào năm 2006. Và tập thơ này được trao cho người cao nhất trong Ban chấp hành Hội Nhà văn là nhà thơ Hữu Thỉnh. Nhưng giải thưởng này cũng thật gian nan và không tròn trĩnh cho đến phút cuối vì người khai sinh ra nó lại từ chối nhận ngôi cao ấy.

Nếu như năm cuối cùng của nhiệm kỳ cũ (2004), Hội Nhà văn trao thưởng cho 16 tác giả, trong đó thơ có đến 2 giải thưởng (Giấc mơ hình chiếc thớt - Trần Quang Quý, Hoa - Lãng Thanh) và 4 tặng thưởng (Tháp cúc - Nguyễn Quốc Thực, Những con ngựa đêm - Nguyễn Việt Chiến, Bản xô - nát hoang dã - Trần Nhuận Minh, Tháp Nghiêng - Hoàng Vũ Thuật) thì năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới (2005), Ban chấp hành mới, thơ chỉ được 2 tặng thưởng cho Thức đến sáng và mơ của Phạm Thị Ngọc Liên và Cho của Mai Linh. Sang đến năm 2006 ngoài trường hợp nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ trẻ Ly Hoàng Ly cũng từ chối tặng thưởng. Dẫu vẫn biết sự từ chối ấy là hoàn toàn bình thường, thậm chí còn là quyền của tác giả nhưng không biết có phải vì vậy mà nó để lại hiệu ứng cho các năm sau không? Bởi ba năm liên tiếp sau đó thơ không được nhắc tới trong danh mục tác phẩm đạt giải của Hội Nhà văn Việt Nam nữa.

Trái ngược với giải thưởng về thơ, số hội viên sáng tác thơ được Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp trong những năm qua lúc nào cũng chiếm đông nhất (năm 2009 kết nạp 40 Hội viên thì hội viên thơ 21 người, năm 2008 kết nạp 19 Hội viên thì thơ 10 người, năm 2007 kết nạp 23 Hội viên thì thơ có 15 người).

Báo Thơ từ phụ bản của báo Văn nghệ đã chấm dứt và thay thế cho nó là tạp chí Thơ mỗi tháng ra một số. Từ khi ra đời đến nay, vừa tròn 5 năm nhưng tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam chưa hề có một cuộc thi thơ nào để tìm ra trạng nguyên và hướng sự quan tâm của công chúng. Hay nói cách khác là tự tạo thương hiệu cho riêng mình.

Trong khi đó báo Văn nghệ có cuộc thi thơ tình lại không gây được ấn tượng như thương hiệu từng có mấy chục năm. Giải thưởng vì thế nhanh chóng bị rơi vào quên lãng…

 

Thơ sống theo cách riêng của mình

Thơ được tác giả bỏ tiền túi ra in và đi tặng. Thơ không còn xuất hiện trong các hiệu sách trở thành hàng hoá mua - bán như nhiều sách văn học khác. Vì thế có nhà thơ nói vui rằng nếu tất cả các tập thơ đều không in “giá thơ” ở bìa 4 chắc chắn sẽ tiết kiệm mực in đáng kể cho nhiều nhà xuất bản.

Thơ của “nhà thơ” còn thế thì làm sao cấm các nhà doanh nghiệp, những người có tiền in thơ, tặng thơ. Và để có thêm thu nhập không biết mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm các biên tập viên của các nhà xuất bản văn học phải “chịu khó” đọc bao nhiêu tác phẩm? 

Một nhà thơ trẻ từng được nhiều độc giả biết đến từ thủa áo trắng “rao bán” tập thơ của mình với giá rẻ bất ngờ - 10.000 và xin cam đoan hoàn lại tiền cộng với “thưởng” nếu ai mua đọc xong không thấy hay và chỉ ra được chỗ không hay ấy. Và mới đây thì chàng thi sĩ này mang “thơ làm từ thiện” với một hình thức khác cùng với “thương hiệu” của những người đẹp như nghệ sĩ Thuý Nga và hoa hậu Mai Phương Thuý.

Nhà thơ nổi tiếng hào hoa Trần Hoà Bình thì lại khác. Không có thẻ Hội viên nhưng vẫn được bạn đọc gọi là nhà thơ như sự công nhận hiển nhiên mà không thấy gợn. Chỉ đến khi anh mãi mãi đi xa người ta mới giật mình nhận ra tác giả chưa hề in cho mình một tập thơ riêng nào, dù anh có hàng trăm bài. Khi còn sống, anh đã từng nói lý do mà mình không in thơ là không muốn nhìn thấy tập thơ của mình nằm trong hiệu sách mà chẳng ai đoái hoài tới. Mãi tới ngày giỗ đầu, Trần Hoà Bình mới có một tập sách mang tên “Tuyển tập tác phẩm Trần Hoà Bình”.

Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều giả định, nếu một ngày nào đó khi đang đi tập thể dục trên vỉa hè, gặp một hàng sách cũ và bất ngờ đập vào mắt là tập thơ của chính mình, giở ra xem thì có tên người mình từng đề tặng, chắc chắn lúc còn trẻ thấy rất đau đớn, thậm chí sốc. Nhưng đến trung tuổi thấy bình thường và đến cái tuổi bây giờ thì cho rằng điều đó là lẽ đương nhiên. Có phải trong tất cả những được tặng sách họ đều đọc đâu. Nhưng Nguyễn Quang Thiều cho rằng hạnh phúc nhất của mình giờ đây là còn được viết, còn được chia sẻ những gì mình viết, không bận tâm đến khen - chê nữa. Có lẽ một phần vì “quan niệm” khác với Trần Hoà Bình nên hiện giờ Nguyễn Quang Thiều còn làm thơ và in thơ.

Đã 8 năm nay Thơ còn có một ngày trở thành Hội để ngoài “nghe thơ” người ta còn “ngắm nhìn thơ”, treo lên thơ, khoác lên thơ, áp vào thơ tất tần tật những gì có thể để làm Thơ trẻ hơn, hiện đại hơn…

Trong một đám đông đâu đó thấy nhiều nhà văn nổi hứng đọc thơ tặng, cứ ngỡ nhà văn chuyển sang làm thơ. Hỏi ra mới biết, làm thơ vì “ghen tị” với nhà thơ, đi đâu cũng có thể mang thơ ra “khoe”, nhất là ai lại có giọng đọc thật hay. Chứ làm văn xuôi thiệt thòi ở chỗ không thể đứng lên đọc “một chương tiểu thuyết” hay “một truyện ngắn”. Vẫn biết đó chỉ là câu nói đùa, vì ai cũng hiểu rằng nhà văn nhiều lúc thăng hoa viết thơ hay lắm chứ. Biết vậy, nhưng nhiều khi vẫn thấy thơ bị gọi nhầm tên, nhất là ở đám đông.

Khép lại một nhiệm kỳ, khép lại thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ mới, dù cách này hay cách khác thơ vẫn tồn tại, dù có làm cuộc tổng kết hay không thì thơ vẫn tồn tại. Vẫn còn nhiều người âm thầm làm thơ, đến với thơ, tìm ra giá trị cho thơ. Và họ, chắc chỉ ở quanh đây thôi. Điều đó làm chúng ta tin và chờ đợi ở Thơ trong nhiệm kỳ mới.

 

Văn xuôi, LLPB và văn học dịch qua giải thưởng thường niên

Để tổng kết một nhiệm kỳ 5 năm của văn học, có nhiều cơ sở tư liệu dẫn chứng và chứng minh. Trong khuôn khổ nội dung này, chỉ xin lấy giải thưởng thường niên để nhìn lại một chặng đường nhỏ của những mảng văn học còn lại.

 

Văn xuôi

Trong 5 năm qua, văn xuôi ghi nhận sự ra đời của tác phẩm Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư) không những góp cho văn học một cái đỉnh mà còn tạo được dư luận khá mạnh mẽ. Từ chuyện tác giả phải viết bản kiểm điểm đến một “nghi án đạo văn” trong “Dòng sông tật nguyền” của Phạm Thanh Khương. Nghi án được hoá giải, Cánh đồng bất tận được giải thưởng của Hội Nhà văn năm 2006. Chưa hết, tác phẩm văn học này còn được chuyển thể thành kịch trên sân khấu và phim trên màn ảnh. Và vì dư âm của tác phẩm văn học quá lớn nên khi chuyển thành kịch bản sân khấu chưa xứng với tác phẩm nguyên bản đã khiến nhiều người thất vọng. Hiện tại phim nhựa về Cánh đồng bất tận đã hoàn thành trong giai đoạn hậu kỳ. Công chúng đã và đang chờ đón rồi cùng đưa ra đánh giá là bộ phim đáng được chờ đợi nhất năm 2010.

Mặc dù chỉ có Cánh đồng bất tận là tác phẩm duy nhất được coi là cái đỉnh của văn học trong 5 năm qua, nhưng văn xuôi cũng lại là thể loại duy nhất có tác phẩm được giải thưởng, tặng thưởng của cả nhiệm kỳ: Năm 2005 có: Tản mạn trước đèn - tuỳ bút của Đỗ Chu, Những bức tường lửa - Khuất Quang Thuỵ. Năm 2006 ngoài Nguyễn Ngọc Tư còn có Thượng Đức - Nguyễn  Bảo, Gia đình bé mọn - Dạ Ngân, Pari 11/8 - Thuận. Năm 2007: Và khi tro bụi - Đoàn Minh Phượng, Năm 2008: Ngôi nhà xưa bên suối - Cao Duy Sơn, Sóng chìm - Đình Kính, Tiếng khóc của nàng út - Nguyễn Chí Trung. Năm 2009: Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ - Nguyễn Nhật Ánh.

Nhìn lại các tên tuổi nhà văn được giải trên thực sự chưa tạo ra nhiều bất ngờ cho độc giả. Đa phần là những nhà văn đã có thành tựu mà quá ít sự góp mặt của các cây bút trẻ và mới, ngoài tâm điểm chú ý dành cho hai cây bút hải ngoại là Thuận và Đoàn Minh Phượng tạo thêm sự tươi mới cho văn học quê nhà.

Có vẻ như văn xuôi không ồn ào như thơ, nhưng thực tế không phải vậy. Văn xuôi cũng có những ồn ào khuấy động văn đàn ở đội ngũ tác giả trẻ với đề tài như sex, đồng tính, văn học mạng, văn học trinh thám kinh dị như: Đỗ Hoàng Diệu, Keng, Lê Anh Hoài, Trang Hạ, Di Li… Tuy nhiên để được công nhận và vinh danh giải thưởng của Hội Nhà văn, độc giả xem ra vẫn còn phải tiếp tục chờ một hiện tượng Nguyễn Ngọc Tư khác.

 

Văn học dịch

Được dự báo là thể loại văn học có nhiều cơ hội phát triển vì điều kiện và ưu thế riêng. Sự khởi sắc của văn học dịch được thể hiện rõ nhất ở các đầu sách có mặt trên thị trường vừa đa dạng về thể loại vừa lấn át về số lượng. Nhà thơ Hữu Thỉnh trong một tổng kết gần đây nhất đã nói: “Từ trước đến nay chỉ có 570 tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài, còn sách văn học nước ngoài tại Việt Nam thì rất phong phú: Cứ 100 cuốn trên quầy sách có 25 cuốn sách nước ngoài dịch ra tiếng Việt”.

Vì thế khi giải thưởng năm 2006 và năm 2009 không dành cho dịch thuật đã khiến không ít người đặt câu hỏi. Tuy nhiên, có lẽ với tâm lý “thừa nhận” sự vượt trội của các nhà văn nước ngoài mà tác phẩm dịch thuật ít khi bị mổ xẻ và gây ra nhiều tranh cãi, có chăng chỉ là những ghi vấn vì sao không có giải trong số bao nhiêu đầu sách chất lượng của một năm?

Trông người lại ngẫm đến ta” là thực trạng về bức tranh văn học dịch hiện nay. Mặc dù đã có Hội nghị văn học quốc tế, nhưng xem ra “hội nghị” này mới chỉ là bước đi đầu tiên mang nặng tính giới thiệu, quảng bá chứ chưa đi vào cụ thể công việc. Đó là lý do vì sao mà ngay khi kết thúc Hội nghị Phạm Xuân Nguyên đã phát biểu: “Tôi không mấy tin là sau hội nghị Giới thiệu văn học Việt Nam lần này, văn học ta sẽ tiến triển tốt ra thế giới. Tổ chức to tát xôm trò vậy, nhưng nhìn đi nhìn lại vẫn chỉ là những người cũ, cách làm cũ…  Có lẽ rồi một thời gian dài nữa, văn học Việt Nam ra nước ngoài vẫn là bằng con đường tiểu ngạch”. Nghĩa là văn học Việt Nam muốn đến được với độc giả nước ngoài thì tự tác giả hoặc nhóm tác giả nhờ mối quan hệ của mình phát triển như cách làm của một số nhà văn, nhà thơ từ trước đến nay như: Hoàng Hưng, Nguyễn Duy, Nguyễn Huy Thiệp, Dạ Ngân, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Trọng Tạo…

Trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển văn học nhiệm kỳ 2005- 2010 với 9 nhiệm vụ thì có đến hơn 2 nhiệm vụ được đưa ra: “Kiến nghị với nhà nước đầu tư cho văn học nghệ thuật, có chính sách tài trợ thoả đáng cho việc phổ biến văn học Việt Nam ra nước ngoài…” (Nhiệm vụ thứ 3) và “Chuẩn bị về mọi mặt cho Hội hoạt động thích nghi với cơ chế hoạt động các dịch vụ công ích, thành lập Ban kinh tế… thành lập các quỹ văn học đối ngoại để tạo điều kiện đẩy mạnh giao lưu văn hoá bên ngoài (Nhiệm vụ thứ 5) “Mở rộng quan hệ đối ngoại. Đẩy mạnh xã hội hoá văn học, tìm kiếm tài trợ để giới thiệu tác phẩm văn học ra nước ngoài và cử nhà văn đi giao lưu văn học với bạn bè quốc tế” (Nhiệm vụ thứ 9). Có lẽ đây là một phần trong phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ cũ Hội Nhà văn sẽ còn tiếp tục làm trong nhiệm kỳ tới.

Văn học Việt Nam vẫn đang thực sự chờ đợi cơ hội đến được với độc giả trên thế giới.

 

Lý luận phê bình                                

Nếu như Thơ bị lập “hat-trich” bỏ trống giải thưởng của Hội Nhà văn (3 năm liên tiếp là 2007, 2008 và 2009) thì Lý luận phê bình còn “hiếm hoi” được vinh danh hơn Thơ với 3 năm liên tiếp không giải thưởng - 2006, 2007 và 2008. Giải thưởng năm 2005 là cuốn Một thoáng văn nhân, chân dung - Bình luận văn học của Nguyên An và năm 2009 là Tản mạn nghiệp văn - Tiểu luận phê bình của Đinh Quang Tốn. Có thể nhận định sự hiếm hoi và thưa vắng ấy phản ánh phần nào thực trạng lý luận phê bình hiện nay: Thiếu chuyên nghiệp, bị phê bình truyền thông lấn át

Hội nghị lý luận phê bình văn học lần thứ 2 diễn ra tại Đồ Sơn năm 2006 đã khiến báo giới tốn không ít giấy mực so sánh giữa một cuộc gặp gỡ, giao lưu với sự chuyên nghiệp, học thuật thu được như lời nhận xét của Chu Văn Sơn: “Thực tế, các hội nghị về nghệ thuật thì người ta chỉ chú trọng đến những thành công bên ngoài chứ không chú trọng vào những thành công ở bên trong. Tạo dựng cho các đại biểu một địa điểm đổi gió, một nơi để anh em cùng nghề gặp nhau, qua sự giao lưu bên lề để có thể góp ý cho nhau thì hội nghị này coi như đã thành công rồi” (Vietnamnet).

Tháng 7/2008 lần đầu tiên Trung tâm bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du thuộc Hội Nhà văn Việt Nam đã mở lớp về Lý luận phê bình văn học với khoảng 50 học viên. Nhưng đúng như tên gọi và mục đích đào tạo là “bồi dưỡng” nên không thể đặt quá nhiều tham vọng cho những học viên sau khi ra trường. Đúng như nhà văn Bùi Việt Sỹ - Phó giám đốc trung tâm khiêm tốn khi nói về lớp học này: “Tất nhiên mở lớp bồi dưỡng không phải là có ngay những nhà phê bình lớn. Tôi không quá kỳ vọng, mà khoá khọc của Trung tâm chỉ góp một phần đưa phê bình vào chuẩn mực, tạo ra đội ngũ phê bình có kiến thức, bài bản. Kết thúc khoá học này trong tổng số học viên tham dự, sau vài năm nữa, có 2-3 nhà lý luận phê bình là quý lắm rồi”.

Năm2008 Hội đồng lý luận Phê bình văn học nghệ thuật TW, nhiệm kỳ Đại hội X do đồng chí Phùng Hữu Phú, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban tuyên giáo Trung ương giữ chức Chủ tịch Hội đồng. Đáng chú ý trong thành phần nhân sự của Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương còn có các nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình của Hội Nhà văn như: Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam làm phó chủ tịch Hội đồng; Mai Quốc Liên; Trần Đình Sử; Hà Minh Đức làm Uỷ viên. Hy vọng những nhân tố này sẽ là cơ sở cho lý luận phê bình nói chung và lý luận phê bình trong nhiệm kỳ mới (2010 -2015) của Hội Nhà văn Việt Nam khởi sắc. 

Tác giả: Hiền Nguyễn

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây