Làm thương hiệu với văn chương

Thứ tư - 20/04/2011 10:58 2.562 0

Bìa tập thơ "Thơ tình duyên hải miền Trung"

Bìa tập thơ "Thơ tình duyên hải miền Trung"
Khoảng 90 nhà thơ từ Quảng Nam đến Bình Thuận đã về dự lễ ra mắt tập Thơ tình duyên hải miền Trung tổ chức tại Tuy Hòa (Phú Yên) ngày 16-4.

Cuốn sách thuộc Tủ sách Sơn Ca do Nhà xuất bản Trẻ và Công ty Sonca Media liên kết xuất bản, gồm 126 bài thơ tình. Toàn bộ chi phí từ in ấn, nhuận bút đến tổ chức cuộc gặp giữa các nhà thơ đều do Công ty Sơn Ca đài thọ.

Việc một doanh nghiệp bỏ tiền để làm sách vốn lợi lộc rất ít là điều hiếm thấy. Ông Nguyễn Minh Nhựt - giám đốc Nhà xuất bản Trẻ - thẳng thắn nhìn nhận: "Nếu không có Sơn Ca, Nhà xuất bản Trẻ không dám in thơ. Ðơn giản là thơ không bán được".

Người quyết định gắn doanh nghiệp với văn chương là ông Lê Văn Chính - chủ tịch hội đồng quản trị công ty. Ngoài việc bỏ 200 triệu đồng mua bản quyền bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan (năm 2004) và 10 nốt nhạc mở đầu bản Tình ca của Phạm Duy (2005), ông Chính đã lập Tủ sách Sơn Ca và sau gần ba năm đã in được tám đầu sách. Ngoài ba tập truyện ngắn (Truyện ngắn Sài Sòn - 2 tập, Truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long, Truyện ngắn miền Trung), tập thơ tình vừa ra mắt lần này là tuyển tập thơ thứ năm cho các khu vực, sau bốn tập Thơ tình Sài Gòn, Thơ tình Hà Nội, Thơ tình xứ Huế, Thơ tình cao nguyên. Sắp tới, Sonca Media tiếp tục làm Thơ tình sông Cửu Long.

Chi phí làm một cuốn sách kể cả tổ chức lễ ra mắt ngót nghét 100 triệu đồng, nhưng sách làm ra chỉ mang lại niềm vui cho những người làm thơ. Họ được gặp nhau trong một cuộc chơi thi ca, được đón tiếp trọng thị, được nhận nhuận bút và được đọc thơ cho nhau nghe.

Trong lời mở đầu chương trình, nhà văn Nguyễn Ðông Thức đã gọi ông Chính là người yêu văn chương một cách lạ kỳ. Còn ông Chính nói rằng ông làm việc này chỉ cho... "đời thêm vui". Ðứng ở góc độ kinh doanh, ông Nguyễn Dương Thanh Hoàng - giám đốc công ty - cũng nói "làm cho vui", nhưng ông thừa nhận khi tham gia hoạt động này, công ty của ông như "trí thức" hơn. Cái được rất nhỏ của những nhà tổ chức có lẽ là qua cuộc hội ngộ, đã có ít nhất 126 nhà thơ và gia đình của họ biết đến Sonca Media và những sản phẩm điện tử của công ty này. Vậy thôi!

Thôi thì gọi là gì cũng được, nhưng cách làm thương hiệu bằng thơ cũng đã giúp thơ ca, nhất là những người làm thơ trẻ, có được một sân chơi và một đêm thơ vui đến rạng sáng như đêm ra mắt tập Thơ tình duyên hải miền Trung...

Tác giả: Lê Minh Đức

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây