Văn học trẻ: Quả xanh đang đợi chín

Chủ nhật - 17/04/2011 06:23 2.099 0

Văn học tuổi 20, một trong những giải thưởng có ảnh hưởng lớn đến các nhà văn trẻ.

Văn học tuổi 20, một trong những giải thưởng có ảnh hưởng lớn đến các nhà văn trẻ.
Có một nhà văn lão thành từng phát biểu: “Thế hệ nhà văn chúng tôi, thế hệ của chiến tranh và hậu chiến đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình với những tác phẩm phản ánh đa chiều thế hệ chúng tôi đã sống”. Vậy còn hiện nay, các nhà văn sinh ra và lớn lên sau chiến tranh đã làm được gì cho nền văn học của thời đại họ đang sống?

Đời thường lấn át văn chương

Nhà văn Phan Hồn Nhiên, người ngoài nghiệp viết văn còn là biên tập viên của tạp chí Sinh viên Việt Nam, có điều kiện tiếp xúc với rất nhiều bản thảo văn chương của các nhà văn trẻ có một nhận xét chung về các cây bút trẻ hiện nay: “Các bạn biết rất nhiều, nhiều hơn hẳn thế hệ ngày xưa, nhưng ngược lại các bạn lại hiểu quá nông về những vấn đề mà các bạn biết”.

Cái sự biết nhiều và hiểu quá ít đó ảnh hưởng trực tiếp đến sáng tác của các nhà văn trẻ. Vì không hiểu rõ về cuộc sống nên các nhà văn trẻ chọn cách đơn giản nhất trong sáng tác là viết những cái của chính mình. Chuyện tình yêu, chuyện trường học, chuyện gia đình… Tất nhiên, những sáng tác đầu tay không thể đòi hỏi quá cao, chúng giống như những trái cây, muốn chín thì đầu tiên phải xanh. Thế nhưng, những quả xanh này lại chưa thể chín! Hãy lấy tiêu biểu như thế hệ nhà văn trẻ sinh trong khoảng thập niên 70 của thế kỷ trước (thường được gọi là thế hệ 7x). Nổi bật nhất trong số đó có thể kể đến Nguyễn Ngọc Tư với “âm hưởng đậm chất Nam bộ”, Vũ Đình Giang, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Danh Lam… trăn trở tìm kiếm sự cách tân cả về xây dựng tâm lý nhân vật cũng như thủ pháp văn chương, Phan Hồn Nhiên, Phong Điệp cố gắng tái hiện những người xung quanh cùng thế hệ, Di Li đi vào những thể loại văn chương đặc thù… Mỗi nhà văn thế hệ 7x này đều có những thành công nhất định nhưng nếu bảo họ là những trái cây đã chín, đem lại sự khởi sắc cho văn học trong nước, có lẽ chẳng có nhà văn nào dám nhận.

Tại sao? Câu trả lời quen thuộc nhất mà tại nhiều hội thảo về văn học trẻ đã được nhắc đi nhắc lại là nhà văn trẻ không thể sống với đam mê. Có người bảo thế hệ nhà văn trẻ hiện nay có nhiều điều kiện hơn xưa, cuộc sống tiện nghi hơn, đầy đủ hơn. Thế nhưng có một nhà văn trẻ than thở: “Ngày xưa gian khổ nhưng rõ ràng, anh có khiếu, có năng lực viết văn ư, vậy nhiệm vụ anh là viết đi. Chuyện khác có người khác lo. Còn bây giờ, chẳng ai có thể toàn tâm toàn ý viết văn mà ngập đầu trong cơm áo gạo tiền. Văn chương chỉ còn là một trò chơi mà thôi”. Nhìn lại các nhà văn 7x, không một ai có thể sống bằng tác phẩm của mình, tất cả đều có một nghề chính, văn chương chỉ là phần phụ, nơi những khi thảnh thơi, rảnh rỗi nhà văn mới tìm đến. Một tác phẩm viết cả năm, được in thành sách thì nhuận bút cũng chỉ khoảng 10 triệu đồng, trừ thuế, chi phí mua sách tặng… nhà văn chẳng còn gì ngoài một kỷ niệm đẹp.

Người ta luôn nói trông chờ vào thế hệ 8x vốn được đánh giá là năng động, thế nhưng thực tế các nhà văn thế hệ này bên cạnh việc còn non lại còn thêm một điều là “không muốn chín”. Rất nhiều bạn trẻ có năng lực viết, đã tạo dấu ấn với một vài tác phẩm nhưng sau đó lại quay sang viết kịch bản phim! Một nhóm cùng viết, cả bộ phim truyền hình vài chục tập kiếm vài trăm triệu, chia ra cũng đủ sống mà còn không cực nhọc như viết sách. Thế hệ 8x, thậm chí 9x cũng đã xuất hiện những cây bút mới, nhưng hy vọng vào sự chín muồi của họ còn quá xa vời.

Tạo cú hích thế hệ trẻ

Bàn về văn học trẻ, người ta nhắc đến những khái niệm lớn lao như “hình mẫu giới trẻ hiện đại”, “phản ánh xã hội hiện nay”, “tiếp nối lịch sử”… Những nhà văn trẻ khi nghe những từ lớn lao này đều chỉ biết cười trừ. Ngay cả việc sáng tác về chính bản thân họ với những vấn đề xung quanh còn chưa rõ nét nói gì đến những vấn đề lớn lao như thế.

Có thời, người ta trông mong thế hệ trẻ sẽ tiếp bước viết về lịch sử chiến tranh hào hùng của dân tộc. Thế hệ nhà văn chiến tranh có ưu điểm về chi tiết khi họ trực tiếp tham chiến. Thế hệ trẻ lại được xem là có ưu thế về cái nhìn tổng quát, về độ lùi lịch sử cùng những tư liệu mới. Thế nhưng, ngoài một số nhà văn trẻ trong quân đội, hầu như rất hiếm hoi để có một nhà văn viết về lịch sử chiến tranh. Khoảng trống đó bây giờ vẫn không có dấu hiệu được lấp lại.

Cũng có lúc, các nhà phê bình lại trông mong giới trẻ có thể viết về chính họ và những người thân quen xung quanh như những hình mẫu về con người trong xã hội mới. Thế nhưng, xã hội mới lại phức tạp hơn rất nhiều những xã hội trước, cuộc sống đa dạng hơn, con người cũng đa dạng hơn. Nhà văn trẻ thiếu vốn sống không thể nào tổng hợp từ sự đa dạng đó thành những hình mẫu chung.

Nhà văn trẻ như những trái cây đợi chín với đầy hy vọng. Thế nhưng, thực tế từ thế hệ “vừa hết trẻ” 7x đến thế hệ bùng nổ 8x hay thế hệ tương lai 9x, văn học Việt Nam vẫn chưa thực sự có một nền văn học trẻ khởi sắc. Các giải thưởng văn học vẫn vắng bóng nhà văn trẻ. Làm thế nào để kích thích nhà văn trẻ “chịu chín”. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đưa ra một giải pháp trực quan nhất: “Nhà văn trẻ không thể sống bằng sáng tác vậy hãy làm sao để họ có thể sống bằng sáng tác. Thay vì xé lẻ, tổ chức hội thảo, trại sáng tác này nọ, hãy dồn hết vào giải thưởng, một giải thưởng lên đến cả tỷ đồng sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ cho nhà văn trẻ”. Nhà văn Phan Hồn Nhiên đưa ra một cách khác: “Giải thưởng, không hẳn là tiền nhiều mà chỉ cần danh tiếng. Nhà văn trẻ thiếu nhất chính là tên tuổi, có tên tuổi sẽ giúp sáng tác sau này của họ dễ được chấp nhận hơn”. Còn nhiều giải pháp khác nữa, tất cả chỉ nhằm một hy vọng, hy vọng vào sự phát triển mạnh mẽ của văn học Việt Nam trong tương lai mà những thế hệ 7x, 8x sẽ là cánh chim đầu đàn.

Nguồn tin: SGGP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây