Tràn lan truyện kinh dị giật gân, câu khách

Thứ năm - 13/05/2010 19:51 1.891 0

Truyện kinh dị đầy trên kệ sách

Truyện kinh dị đầy trên kệ sách
Dạo quanh các nhà sách, tiệm sách di động vỉa hè, người đọc dễ dàng bắt gặp những cuốn sách viết về chuyện ma kinh dị, gây ấn tượng mạnh từ những hình ảnh ma quái, rùng rợn in trên trang bìa. Thậm chí có nơi còn có hẳn một góc riêng để trưng bày những loại sách này giúp người đọc dễ dàng chọn lựa. Xen lẫn trong những cuốn sách “kinh dị nội” mà mới nghe qua cái tựa, nhiều người đã phải giật mình như loạt sách viết về truyền thuyết các loại ma: Chuyện không kể lúc nửa đêm (NXB Thanh niên); Ánh lửa ma, Cây xương rồng từ nghĩa địa, Cô gái ở chân đèo Chuối, Bóng ma trên gác thượng; Ma nữ đa tình (NXB Thanh Hóa); Hồn ma trinh nữ (NXB Đà Nẵng); Khu mộ Hắc Ông (NXB Lao động)... là một số đầu sách “kinh dị ngoại” như ma cà rồng, ma sói...
Loại sách kinh dị xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều, được bán với giá khá mềm (từ 20.000 - 30.000đ/cuốn dày khoảng 150 trang), tên sách giật gân với hình ảnh màu mè ghê rợn nhằm kích thích sự tò mò của người đọc. Bên cạnh đó, tên các tác giả giống các nhân vật kiếm hiệp Trung Quốc như: Hắc Y Nhân, Người Khăn Trắng, Mộ Trung Nhân, Thạch Bất Hoại... cũng gây tò mò cho người đọc. Những câu chuyện kinh dị trong các cuốn sách trên là yếu tố tưởng tượng của tác giả với những câu chữ nhảm nhí, mô tả chi tiết từng động tác giết người, trả thù, gây đau đớn hết sức rùng rợn... là một điều rất nguy hiểm. Chúng tôi nói nguy hiểm bởi những người tò mò muốn đọc truyện kinh dị đa số là lứa tuổi thanh thiếu niên, các chi tiết đó dễ bị các em bắt chước để hành xử ngoài đời.

Có tác giả mở “lời nói đầu” trong truyện kinh dị Một xác hai hồn (NXB Lao động) của mình rằng: “Ma quỷ hiện ra trong tâm thức của con người là để răn dạy con người, phải tránh cái xấu, cái ác nếu không sẽ bị quả báo”... hay “đây là tác phẩm văn học hư cấu trong không gian huyền ảo với mục đích mang đến cho bạn đọc giá trị nghệ thuật cũng như giá trị giáo dục” (?!). Không biết người đọc truyện kinh dị xong có “ngộ” ra được điều gì có tính giáo dục không, nhưng chắc chắn một điều là những “vụ án ma” kinh dị này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của rất nhiều người, đặc biệt là các em học sinh. Chị Mai Hồng (quận Gò Vấp), mẹ của cậu con trai học lớp 9 than thở về “thảm họa” sách kinh dị: con trai tôi được bạn trong lớp cho mượn cuốn truyện ma về đọc, nhập tâm quá cháu ra tiệm đồ chơi “tuyển” thêm mấy cái mặt nạ máu me về để hù em trai, báo hại thằng nhỏ hét toáng lên khi đang đêm thấy “con ma hiện hình”.

Truyện kinh dị mang yếu tố huyền ảo hay, có giá trị văn học thường chỉ mượn sự việc ma quái để truyền tải những giá trị tư tưởng bằng ngôn từ văn chương trau chuốt, sâu sắc. Không miêu tả chi tiết tầm thường, những tác phẩm như Liêu trai chí dị (Bồ Tùng Linh) hay Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ), Kỳ án ánh trăng (Quỷ Cổ Nữ - Trung Quốc)... đã làm bao người đọc mê mẩn bởi tính nhân văn của nó. Đó mới chính là  cái tài của người viết truyện huyền ảo, kể truyện ma mà không hề tạo sự rùng rợn hay lo sợ đối với người đọc.

Cùng với sự tràn lan của sách kinh dị ở các nhà sách, quầy sách di động vỉa hè, thì việc các truyện kinh dị bùng phát trên mạng internet cũng là điều đáng lo ngại. Nhiều bạn trẻ không cần đến nhà sách, chỉ cần ôm máy tính lên mạng là có hàng chục đầu sách kinh dị để đọc. Không những thế, họ còn lập cả diễn đàn để những người đọc truyện kinh dị có “địa chỉ” ra vào bàn tán cho xôm tụ.

Hiện nay, thị trường sách kinh dị đang bùng phát, các cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm duyệt, ngăn chặn những đầu sách kém chất lượng, có yếu tố ghê rợn, ma quái, truyền bá mê tín dị đoan, gieo rắc nỗi sợ hãi nhằm hạn chế sự đầu độc tinh thần đối với người đọc, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên. 

Tác giả: Thanh Thủy

Nguồn tin: Công An TPHCM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây