Trung tâm nghiên cứu văn học hàng đầu của Việt Nam

Thứ tư - 04/12/2013 00:28 2.919 0
Sáng 28/11/2013, tại Hội trường 3D, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 60 thành lập Viện Văn học.

Tiền thân của Viện Văn học là Tổ Văn trong Ban nghiên cứu lịch sử, địa lý, văn học (sau đổi thành Ban Văn Sử Địa), do Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra quyết định thành lập ngày 02 tháng 12 năm 1953, tại chiến khu Việt Bắc. Ngày 06tháng 02 năm 1960, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định thành lập Viện Văn học trực thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước (Quyết định số 038-TTg); theo đó Viện Văn học có nhiệm vụ: “Căn cứ vào đường lối văn học của Đảng và Chính phủ tiến hành nghiên cứu văn học, ngôn ngữ trong nước và ngoài nước nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà góp phần vào cuộc đấu tranh cho hòa bình và chủ nghĩa xã hội trên thế giới”. Như vậy, sự ra đời của Viện Văn học là một sự kiện học thuật và chính trị quan trọng.


Tập thể cán bộ Viện Văn học trong lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Viện


Theo PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp: “Trong những ngày đầu thành lập, có hai nhà nghiên cứu khả kính được cử về Viện tham gia Ban Lãnh đạo là Đặng Thai Mai - Viện trưởng, và Nhà phê bình Hoài Thanh - Phó Viện trưởng. Cùng với hai ông là những nhà nghiên cứu văn học tài danh, uyên thâm Tây học và Hán học như Hoàng Ngọc Phách, Vũ Ngọc Phan, Nam Trân, Trần Thanh Mại, Cao Xuân Huy, Hà Văn Đại, Phạm Thiều, Phạm Phú Tiết, Nguyễn Đức Vân, Đào Phương Bình... Với những gương mặt lớn của học thuật, Viện nhanh chóng trở thành trung tâm nghiên cứu văn học sáng giá trong cả nước. Ngay trong năm đầu thành lập, Viện được giao nhiệm vụ dịch Nhật ký trong tù để giới thiệu với bạn đọc trong và ngoài nước về tập thơ xuất sắc của Danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh. Năm 1960 cũng là năm ra mắt Tạp chí Nghiên cứu văn học - tạp chí có uy tín hàng đầu cả nước trong nghiên cứu văn học.

Trải qua hành trình 60 năm xây dựng và phát triển, Viện Văn học đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, vừa nghiên cứu di sản văn học dân tộc và nhân loại, vừa trực tiếp tham dự vào đời sống văn học, kịp thời đấu tranh tư tưởng, bảo vệ mỹ học Mác Lênin và biểu dương những thành tựu mới của văn học cách mạng; từng bước mở rộng quy mô nghiên cứu, duy trì phẩm tính hàn lâm trong các công trình khoa học; đẩy mạnh liên kết, hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường Đại học, các trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước; chú trọng giới thiệu, tiếp thu những tư tưởng học thuật mới trên thế giới; nhiệt tình tham gia đổi mới văn học khi Đảng ta chủ trương đổi mới đất nước.

Hiện nay, Viện Văn học có 8 phòng nghiên cứu (Văn học Việt Nam Cổ - Trung đại,Văn học Việt Nam Cận - Hiện đại,Văn học Việt Nam đương đại, Văn học các dân tộc thiểu số,Văn học dân gian,Văn học nước ngoài,Lý luận văn học,Văn học so sánh), 03 phòng chức năng, nhiệm vụ (Tổ chức - Hành chính,Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế,Thông tin - Thư viện), 01 cơ quan ngôn luận (Tạp chí Nghiên cứu văn học), 01 Hội đồng khoa học làm chức năng tư vấn cho Viện trưởng. Lãnh đạo đương nhiệm của Viện Văn học gồm 01 Viện trưởng và 01 Phó Viện trưởng.

Đội ngũ nghiên cứu Viện Văn học đã xuất bản hàng trăm ấn phẩm khoa học có chất lượng học thuật cao, hàng nghìn bài báo được dư luận quan tâm chú ý. Viện Văn học cũng là nguồn cung cấp, chia sẻ cán bộ để thành lập, bổ sung cho các trung tâm nghiên cứu khoa học mới như Viện Ngôn ngữ học, Viện Hán Nôm, Viện Văn hóa...và nhiều đơn vị khoa học khác trong cả nước; đội ngũ các chuyên gia hiện nay của Viện Văn học giữ vai trò nòng cốt trong chiến lược đào tạo Sau Đại học của Học viện Khoa học xã hội. Đã có 7 nhà nghiên cứu của Viện được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, và khoa học công nghệ là: Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan, Cao Xuân Huy, Hồ Tôn Trinh, Cao Huy Đỉnh, Hoài Thanh, Hà Minh Đức; 5 nhà khoa học được trao Giải thưởng Nhà nước là: Hoàng Trung Thông, Hà Minh Đức, Phong Lê, Trần Thị Băng Thanh, Nguyễn Văn Truy (Thành Duy). GS. Hồ Tôn Trinh được công nhận là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Hungary. Nhà nước Hunggary cũng trao Huân chương chữ thập vàng cho nhà lý luận Trương Đăng Dung vì những cống hiến của ông trong việc bồi đắp tình hữu nghị giữa hai dân tộc trong lĩnh vực dịch thuật và nghiên cứu.

Qua 6 thập kỉ xây dựng, phát triển và đổi mới, Viện Văn học đã khẳng định được vị thế của một trung tâm nghiên cứu văn học hàng đầu, có thể sánh vai với những trung tâm nghiên cứu văn học của nhiều quốc gia trong khu vực. Ghi nhận những cố gắng vượt bậc, những thành tựu to lớn của toàn thể cán bộ Viện Văn học trong hơn nửa thế kỉ qua, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng nhiều danh hiệu cao quý cho Viện Văn học:Huân chươngĐộc lập Hạng Nhất cho Viện Văn học;Huân chương Lao động Nhất, Nhì, Ba cho Viện Văn học;Huân chương Lao động Nhất, Nhì, Ba cho Tạp chí Nghiên cứu văn học.

 

VIỆN VĂN HỌC VÀ THẾ HỆ NGHIÊN CỨU TRẺ
 

Từ khi thành lập đến nay, Ban Lãnh đạo Viện Văn học luôn quan tâm bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch cán bộ trẻ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để phát triển đội ngũ các nhà nghiên cứu - phê bình trẻ. Hiện nay, số nghiên cứu viên trẻ của Viên chiếm hơn 50% cán bộ của Viện (trong số đó có nhiều nghiên cứu viên trẻ đã tham gia quản lý cấp phòng). Bên cạnh những những nhà nghiên cứu, dịch giả trẻ, ít nhiều đã được dư luận biết đến như Cao Việt Dũng, Đoàn Ánh Dương, Đỗ Hải Ninh… Còn có nhiều nhà nghiên cứu trẻ khác, chọn lựa “hướng đi” ít ồn ào hơn, lặng lẽ hơn. Họ là những Bùi Thiên Thai, Phạm Văn Ánh, Cao Kim Lan,Lê Thị Dương, Nguyễn Minh Huệ,Trần Văn Trọng, Đỗ Thanh Huyền, Nguyễn Thanh Tâm, Đỗ Thanh Nga, Quách Thu Hiền, Vũ Thu Hà, Phùng Ngọc Kiên, Lê Hương Thủy, Khương Việt Hà, Nguyễn Thị Mai Quyên, Nguyễn Huy Bỉnh, Đặng Thị Thu Hà… Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu một số gương mặt trẻ cùng những chia sẻ của họ về những khó khăn, thuận lợi trong nghiên cứu văn học, những cơ duyên và ngả đường họ đến với công tác nghiên cứu - phê bình hàn lâm nhân dịp kỉ niệm 60 năm xây dựng và phát triển Viện Văn học.

Ths. Lê Thị Dương (Nghiên cứu viên Phòng Lý luận văn học): Chúng tôi đang làm việc trong một môi trường cởi mở

Với bản thân tôi, nghề nghiệp là duyên nghiệp, song là một duyên nghiệp đầy chông gai. Dưới bóng che của những cây đại thụ, những người trẻ tuổi chúng tôi đã phải loay hoay nhiều ngày tháng để định hướng, mà không được giẫm lên dấu chân của ai. Có thể nói, công việc nghiên cứu văn học ngày nay, với chúng tôi, dễ hơn trước song cũng khó hơn trước rất nhiều. Dễ bởi có thể chạm đến thế giới tri thức mênh mông, không giới hạn bằng công nghệ hiện đại, bằng những cơ hội giao lưu, học hỏi, nhưng khó là làm sao trong cái bể mênh mông ấy, trong vô vàn thành tựu đã được xác lập ấy, phải tìm ra cho mình một lối đi. Tìm đươc lối đi rồi, vẫn không ngừng tìm kiếm, không ngừng nỗ lực để mình không bị cũ mòn với mọi người và với chính mình.

Quãng thời gian 5 năm làm công việc lí luận phê bình văn học, chưa đủ để tôi đúc kết những điều lớn lao, nhưng cũng đủ để thấm thía phần nào những niềm vui, những gian khó của nghề nghiệp, của cuộc sống. Gian khó bởi áp lực nghiệt ngã của sinh tồn, bởi sự đòi hỏi ngày một cao về tri thức. Nhưng bù lại là niềm vui khi có được những thành quả nho nhỏ đầu tiên, dù mới chỉ đủ gọi là “chạm ngõ” văn chương.

Chúng tôi đang làm việc trong một môi trường cởi mở; sự sáng tạo của mỗi cá nhân được chia sẻ và cổ vũ. Nhiều người trong số chúng tôi đã bắt đầu thể hiện được bản thân. Đó là động lực, và cũng là áp lực cho những người còn lại. Nếu không nỗ lực, không đủ bản lĩnh, sẽ mãi mãi lùi lại phía sau.

Tôi luôn thấy may mắn khi có cơ hội làm việc với những chuyên gia đầu ngành. Chúng tôi học ở các thầy không chỉ bài học về nghề, mà quan trọng hơn, tôi nghĩ là những bài học về đời, về thái độ thẳng thắn, quyết liệt trước sự trí trá trong nhân cách và sự hời hợt trong khoa học. Học tập từ kinh nghiệm của các thầy, với tôi, cũng như đọc hàng trăm quyển sách, đi hàng vạn dặm đường.

Là những người trẻ tuổi, chúng tôi đang tràn trề nhiệt huyết, song với công việc nghiên cứu khoa học, chúng tôi ý thức rõ, không thể vội vàng mà làm nên thành quả. Vì vậy, mỗi chúng tôi, bằng những cách khác nhau, đang âm thầm học hỏi, để có những bước đi vững chắc.Nghề nghiệp nào cũng có cái hay, cái khó. Theo đuổi một nghề nghiệp cũng có nghĩa là chấp nhận khó khăn của nghề ấy. Nhưng ai cũng hiểu rằng, không đi trên chông gai, sao hái được trái ngọt?

Đỗ Hải Ninh: Nhiều ý tưởng khoa học mới sẽ tiếp tục nhen lên trong các nhà nghiên cứu trẻ

Hơn 10 năm trước, chúng tôi may mắn trúng tuyển trong kỳ thi sát hạch và trở thành cán bộ nghiên cứu của Viện Văn học sau một thời gian dàiViện không có chủ trương lấy thêm người. Kể từ đó, trước nguy cơ thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng, hàng năm Viện đều cókế hoạch bổ sung những lớp cán bộ trẻ thay thế dần các thế hệ nghiên cứu đến tuổi nghỉ chế độ. Đó cũng là quãng thời gianĐoàn thanh niên Viện Văn học được tái lập và hoạt động trở lại sau nhiều năm gián đoạn. Đến nay, cán bộ nghiên cứu dưới 40 tuổi chiếm hơn nửa đội ngũ nghiên cứu của Viện.Trên mặt bằng chung, lực lượng trẻcủa Viện Văn học hiện nay tương đối đồng đều về chất lượng và say mê nghiên cứu. Bên cạnh những cây bút xông xáo tham gia trên nhiều diễn đàn là những nhà nghiên cứu trẻ tiếp tục đào sâu vào văn học quá khứ, thầm lặng với những hướng nghiên cứu độc lập. Điều này phù hợp với chiến lược phát triển của Viện: tiếp tục đẩy mạnh hướng nghiên cứu hàn lâm đồng thời gắn chặt với thực tiễn đời sống văn học. Nhiều anh chị em trẻrất cố gắng theo đuổi nghiệp viết lách trong hoàn cảnh khó khăn và phải bươn chải vì cuộc sống, vừa làm nghiên cứu vừa phải hoàn thành quá trình đào tạo và tự đào tạo, lại phảitìm cách tăng thêm thu nhập bằng nhiều hình thức khác nhau. Lớp nghiên cứu viên trẻ của Viện có không ít người giàu bản lĩnh và tự tin, đến mức bị cho là “kiêu ngạo” nhưng tôi nghĩ,thực ra, đó là cách xác lập cá tính trong nghiên cứu văn học. Đó cũng là điều dễ hiểu “khi người ta trẻ”!. Một may mắn nữa là chúng tôi được cùng làm việc và có điều kiện học hỏi các thế hệ đi trước - những người tâm huyết luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, vốn tri thức phong phú của họ. Viện Văn học rất chú trọng tới đào tạo thế hệ kế cận, yêu cầu bắt buộc đối với mỗi cán bộ mới về Viện là hoàn thành đào tạo sau đại học, được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ và tham gia các đề tài nghiên cứu.Chúng tôi luôn được khuyến khích viết, từ những bài phê bình nhỏ, bài đọc sách cho đến những đề tài dài hơi, chuyên sâu, nhưng nhất thiết phải xác định được hướng nghiên cứu lâu dài phù hợp. Công việc ở Viện Văn học mới nhìn tưởng chừng an nhàn nhưng không hề đơn giản. Với chúng tôi, học gắn với đọc, đọc lý thuyết, đọc tác phẩm, đọc các bài viết, công trình của đồng nghiệp. Nhưng quan trọng hơn là phải viết, và thách thức lớn nhất là viết được cái gì mới, mới mà không xa lạ với thực tiễn đời sống văn chương nước nhà. Đó chính là lý do vì sao nhiều bạn trẻ hào hứng tìm đến những lý thuyết mới,những cách tiếp cận mới, có bạn lại kiếm tìm, phát hiện trong vốn cổ những vấn đề còn khuất chìm chưa được khơi sâu, làm sáng tỏ. Đó cũng chính là lý do có thể kỳ vọng vào thế hệ kế tiếp của Viện, họ chính là những người tiếp nối hành trình mà các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp. Những khác biệt trong quan điểm học thuậtlà chuyện bình thường trong nghiên cứu văn học, nhưng tất cả đều nhìn về một hướng, đó là sự phát triển của Viện, vì sự phát triển của ngành nghiên cứu văn học nước nhà.Tôi đã hơn một lần ngồi hầu chuyện các bậc cao niên, những chuyên gia mà tên tuổi gắn liền với lịch sử phát triển Viện Văn học, nhìn thấy họ vẫn luôn hướng về ngôi nhà thân thiết 20 Lý Thái Tổ với một niềm tin tưởng, quý yêu.Và từ ngọn lửa đam mê của họ, dướinhững vòm cây long não tươi xanh, tôi tin nhiều ý tưởng khoa học mới sẽ được tiếp tục nhen lên trong các nhà nghiên cứu trẻ của Viện Văn học hôm nay.

Đỗ Thị Hường: chúng tôi ý thức được trách nhiệm cầu nối đầy thách thức của mình

Vốn là dân Sư phạm, cứ nghĩ rằng ra trường sẽ gắn bó với phấn trắng, bảng đen, nhưng những bài giảng về Puskin, Lev Tolstoy, Dostoyevsky, Chekhov, Gorky, Solokhov… trên giảng đường đã khơi nguồn tình yêu Văn học Nga và niềm đam mê nghiên cứu trong tôi. Sau những lần tập dượt khoa học đầu tiên với Pasternak, Babel, tôi quyết tâm gắn bó với tiếng Nga, văn học Nga và chọn đó là “tình yêu vĩnh cửu” của đời mình. Tôi vào làm ở Viện Văn học trong con mắt ngạc nhiên, thậm chí sửng sốt của bạn bè và người thân, bởi mọi người thường mặc nhiên khẳng định dân Tổng hợp mới là dân nghiên cứu. Nghề nghiên cứu, nhất là nghiên cứu văn học nước ngoài (chuyên ngành của tôi là văn học Nga) càng gắn bó với nó, tôi càng thấm thía thêm những thử thách và hy sinh mà những thế hệ trước của tôi từng trải qua. Tiếng Nga, làm sao để tôi có thể chinh phục nó, có thể đọc, nghe, nói, viết, dịch? Văn bản tác phẩm văn học Nga, làm sao để tôi có thể hiểu cặn kẽ, phát hiện ra cái hay cái đẹp, cái độc đáo, cái sáng tạo của nhà văn? Chất Nga trong từng tác phẩm, của từng nhà văn Nga, dù là nhà văn trong nước hay nhà văn hải ngoại, làm thế nào để cảm nhận? Một bài giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm, để người đọc cũng có thể cảm nhận được cái hay, cái đẹp của tác phẩm ấy như mình đã cảm nhận, làm thế nào để viết ra? Nền văn học nước bạn đang diễn tiến thế nào, có những nhà văn và tác phẩm nào nổi bật?... Tất cả những khó khăn ấy đòi hỏi người nghiên cứu phải say mê, cần mẫn, kiên trì, chịu khó, xông pha và phải rèn luyện hàng ngày. Đó là một cuộc chiến đấu với con chữ, với trang giấy, với cả cơm áo gạo tiền của cuộc sống. Nhưng văn học Nga của tôi, càng đi sâu vào nền văn học ấy, tôi càng cảm nhận được sự thăm thẳm không cùng nhưng vô cùng rực rỡ của nó, giống như khi bạn thám hiểm đáy biển sâu, xung quanh bạn là nước, là khoảng không thăm thẳm vô cùng, nhưng phía trước bạn là thềm lục địa bằng phẳng, là những dải san hô sắc màu tuyệt đẹp, và càng ngắm nhìn, bạn càng khao khát mang những hình ảnh ấy đến với những người xung quanh bạn.

Có thể có ai đó sẽ thầm cười nhạo chúng tôi khi thấy chúng tôi miệt mài bên máy tính, đọc đọc viết viết, căng mắt để dịch, để ngẫm những thứ người khác viết ra rồi sau đó mình lại miệt mài viết viết đọc đọc. Cũng có thể có ai đó sẽ cười nhạo chúng tôi khi thấy chúng tôi cặm cụi học ngoại ngữ, trong khi cái học ấy không phục vụ cho mục đích kiếm tiền. Cũng có thể có ai đó sẽ cười nhạo chúng tôi khi chúng tôi say sưa bên trang sách, chạy đua với thời gian để hoàn thành luận án mà không phải với mục đích chức quyền. Nhưng riêng chúng tôi, những người nghiên cứu, chúng tôi biết rằng, văn chương là nguồn cội của nhận thức thẩm mỹ, của ứng xử nhân văn, của những giá trị tốt đẹp trong đời sống tinh thần con người. Sống trong thời đại của kỹ thuật, con người cần những giá trị ấy hơn bao giờ hết. Thêm nữa, càng giao lưu, càng mở rộng quan hệ với nước ngoài, chúng ta lại càng phải hiểu họ, học họ để ứng xử với họ. Văn chương, chính là cuốn bách khoa toàn thư hoàn hảo nhất. Và chúng tôi, những người nghiên cứu văn học nước ngoài, chúng tôi ý thức được trách nhiệm cầu nối đầy thách thức của mình.

Hoàng Tố Mai: những ai giỏi và chuyên tâm sẽ trụ được với nghề

Nghiên cứu văn học rất khác phê bình điểm sách chơi chơi trên các trang văn nghệ. Có nhiều nhà nghiên cứu văn học có thể tham gia phê đình điểm sách nhưng khó có chuyện ngược lại. Nhưng có một sự thật là nhiều phóng viên văn nghệ tên tuổi lại nổi đình đám hơn các nhà nghiên cứu nghiêm túc. Vậy thì lý do gì vẫn có người chọn nghiên cứu khi thừa biết nó rất nhọc nhằn, thu nhập siêu thấp và không phải ai cũng công thành danh toại? Có thể cụm từ lý tưởng nghề nghiệp nghe chừng xa lạ nhưng thực ra nó lại đúng với những ai chọn hướng đi này. Nói một cách giản đơn thì những ai giỏi và chuyên tâm sẽ trụ được với nghề . Sức khỏe cũng là một yếu tố quyết định vì nghiên cứu mà cho ra nghiên cứu thì hao tâm tổn trí vô cùng. Chúng tôi vẫn thường đùa với nhau đây là nghề "ăn thịt người".

Tác giả: Xuân Bắc

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây