Vì sao giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội được dư luận chú ý?

Thứ bảy - 21/12/2013 01:45 9.480 0

Điểm cộng chuyên môn

Trong khi nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật khác quá chú trọng đến công tác “mặt trận”, ngoại giao, thì giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Hà Nội lại chọn ngả đường tới chuyên môn, và coi đó như điều kiện đảm bảo chất lượng, uy tín, thương hiệu của giải thưởng này. Theo tôi đó là điểm mấu chốt. Từ trước đến nay, không ít giải thưởng văn học thể hiện tính chất nhóm lợi ích, sự chi phối (bằng cách này hay cách khác). Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, hẳn là không đứng ngoài những tác động đó, nhưng phần nào đã vượt lên để làm đúng bổn phận, trách nhiệm của mình là thiên về những đóng góp, những cống hiến, những giá trị khoa học và văn chương. Việc có một số người phản đối giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, xét cho cùng, không phải vì chất lượng của tác phẩm được chọn trao giải, mà vì bởi sự nhạy cảm về lý lịch nhân thân, quá khứ hoặc vì sự hoạt động xã hội - phản biện đương thời của một số nhân vật nào đó.

Ưu thế về thời gian…

Thiên thời mà giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội nhanh chóng vươn lên, giành được chỗ đứng đáng kể trong lòng công chúng là lúc giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT có nhiều ồn ào xung quanh: vi phạm quy chế trao thưởng, người này từ chối nhận giải thưởng, người kia tố cáo, điều trần về cách lựa chọn tác phẩm của ban giám khảo để trao thưởng... Chỉ xin nêu một dẫn chứng gần nhất, năm 2012, tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam bị từ chối, làm xói mòn hình ảnh của ngôi đền thiêng này: nhà văn Y Ban và Phạm Ngọc Cảnh lên tiếng không nhận bằng khen do Hội trao tặngvì họ không bằng lòng với tiêu chí xét chọn và cách thức tổ chức bình chọn của ban giám khảo nơi đây. Trong khi đó, giải của Hội Hà Nội lại được báo chí đánh giá là “công tâm và uy tín”, năm 2012 là mùa bội thu khi các giải thưởng được xướng tên với đủ bốn thể loại: văn xuôi, thơ,lý luận văn học, dịch thuật...

Thiên thời còn ở chỗ giải của Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức xét chọn tác phẩm trong thời gian không giống ai, lại công bố sớm kết quả chung khảo, nên đã tạo ra cảm giác dẫn đầu, sáng suốt, nhanh nhạy, khơi lên một cái gì đó rất văn chương, rất học thuật. Ví dụ, sau khi Hội Nhà văn Hà Nội trao giải cho Cây bút đời người của Vương Trí Nhàn, Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Cuộc đời của Pi do Trịnh Lữ dịch... thì Hội Nhà văn Việt Nam mới tiến hành bình chọn, và rồi thành ra trao lại giải thưởng cho các tác phẩm đó.

Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội

Giải thưởng năm 2012

* Văn xuôi: tiểu thuyếtSBC là săn bắt chuột(Nxb Trẻ) của nhà văn Hồ Anh Thái;

* Thơ:Buổi câu hờ hững (Nxb Văn học) của nhà thơ Nguyễn Bình Phương;

* Lý luận phê bình:Dĩ vãng phía trước(Nxb Hội Nhà văn) của nhà văn Ngô Thảo;

* Dịch thuật:Lolita(tiểu thuyết Nabolov) của dịch giả Dương Tường.

* Giải thưởng Thành tựu thơ: tập thơXem đêm (Nxb Hội Nhà văn) của nhà thơ Phùng Cung;

Giải thưởng năm 2013

* Văn xuôi: Các bạn tôi ở trên ấy (Nxb Trẻ) của nhà văn Nguyên Ngọc;

* Thơ: Đường gió (Nxb. Hội Nhà văn) của nhà thơ Giáng Vân;

* Lý luận phê bình: Nắng được thì cứ nắng, Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân Văn (Nhà xuất bản Tri Thức) của tác giải Phan An Sa;

* Dịch thuật:Tâm - tuyển thơ của M. Tsvetaeva (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Trung tâm Văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây) của dịch giả Phạm Vĩnh Cư.

*Giải thưởng về Thành tựu Nghiên cứu văn học: Văn học cổ cận Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật (Nhà xuất bản Giáo dục) của Nguyễn Huệ Chi


Cơ cấu giải mới

Giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Hà Nội nổi bật về mặt chuyên môn, tính thời sự sự đồng thuận... Nhưng nếu nói về cơ cấu giải, Hội Nhà văn Hà Nội cũng có điểm mới hơn hẳn: Đó là giải Thành tựu trọn đời, dành vinh danh tác giả có nhiều đóng góp đối với nền văn chương học thuật nước nhà, hoặc giải Thành tựu Thơ, dành tôn vinh tác giả có đóng góp đối với sự tiến triển của thể loại thơ. Nhìn chung Hội Nhà văn Hà Nội không chỉ chú trọng đến các tác phẩm xuất sắc của năm, cổ vũ cho những yếu tố mới, tránh được sự lão hóa như trong các giải thưởng mà ta thường thấy, mà còn quan tâm đến tính quá trình, xét đến đời văn, đời bút, đến toàn bộ sự nghiệp của một người cầm bút để tôn vinh. Xét về mặt lịch sử, trước 1975, ở miền Nam đã có hình thức giải thưởng trọn đời này, nhưng sau 1975, có lẽ Hội Nhà văn Hà Nội là tổ chức đầu tiên đặt ra và duy trì thực hiện nó, mặc dù điều lệ giải thưởng của Hội chưa có quy định chặt chẽ về tên gọi, tiêu chí... chohệ thống giải đó, nhưng nó vẫn tạo ra dư luận tích cực...

Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội đã có hiệu ứng tích cực trong thực tế, vượt lên trên tầm mức một giải thưởng địa phương (Hà Nội), ngoài những lý do vừa nêu trên, còn bởi bản thân Hội cũng làm rất tốt công tác truyền thông....

Những năm gần đây, giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội giành được sự chú ý đặc biệt của báo chí, giới chuyên môn (sáng tác, phê bình) và các độc giả quan tâm, yêu thích văn học cả nước, bởi người ta thấy, ở đấy giải thưởng vẫn có ý nghĩa biểu tượng đẹp đẽ, nó không làm hỏng đi hình ảnh văn chương (vốn thường xuyên bị hiểu lầm), không làm cho hình ảnh người cầm bút méo mó, lệch lạc đi. Nhiều người xem đó là một giải thưởng sang trọng, danh giá, mà bản thân cảm thấy rất vinh dự nếu được ghi nhận, trao giải.

Tác giả: Xuân Hồng

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây