Văn học ăn khách: cần một cách nghĩ khác về “giải trí”

Thứ hai - 14/12/2009 23:33 1.834 0

Bìa tập truyện "Dị bản" của Keng với ghi chú gây tò mò: "Chỉ đọc khi tuổi đã 18".

Bìa tập truyện "Dị bản" của Keng với ghi chú gây tò mò: "Chỉ đọc khi tuổi đã 18".
1. Tiếp tục dòng sách được coi là bán chạy - mà cuốn sách từ blog “Chuyện tình New York” (Hà Kin) là ví dụ nổi bật trong năm 2007 - thị trường sách Việt của/cho người trẻ Việt hai ba năm nay dường như vẫn chỉ cố gắng được đến mức tạo ra vài ồn ào quanh quẩn: về đề tài (tình dục, đồng tính, tình yêu ăn nhanh thời hiện đại, lối sống tự do…), về thể loại (tự truyện, tản văn blog,...).
Năm 2009, có thể kể đến các cuốn gắn với các nickname như “Dị bản” “Hồng gai” (Keng), “Cho em gần anh chút nữa” (Gào), “Tôi hai mươi +” (Nick D) hay tự truyện của cô dâu mới “Khi lấy chàng” (Nguyễn Thị Thu Hiền)…. Văn học blog còn khắc lại được một dấu nhấn: Kí ức vụn của “nhà văn già” Nguyễn Quang Lập. Không khó hiểu ánh mắt giận dữ phản ứng của độc giả khó tính (trong đó có nhiều người viết vốn chuyên tâm “văn chương nghiêm túc” và các nhà phê bình đọc bằng tiêu chuẩn khe khắt, hay các nhà báo văn hóa “không lá cải”) trước dòng sách này. Một mặt, họ không chấp nhận sức lấn át khủng khiếp của thị hiếu đọc dễ dãi - mối hại không chỉ với người viết trẻ dễ “ham hố” mà còn với người đọc, nhất là người đọc non tuổi chưa có nhiều trải nghiệm và bản lĩnh thưởng thức. Mặt khác, dư luận làm lộ ra tình trạng hỗn độn giả - thật của những buổi giao thời văn chương, người thông minh biết tận dụng thời để nổi danh, kẻ trục lợi kiếm lời, kẻ ngu ngơ hốt hoảng khi “văn chương thực sự” trở nên yếu thế, kẻ “cố chấp” giữ ý kiến riêng phải kiên nhẫn đường đi hẹp… Khái niệm “văn học” bị/được thử thách chính ở đây: không ai dám hay có quyền phán xét cái này là văn học, cái kia không phải là văn học, ngay cả các nhà phê bình.

Thực chất, đời sống văn học luôn cần những bạn đọc khó tính, có khả năng “gây sự” để cân bằng và chống lại áp lực của thị hiếu đám đông vốn dễ ăn xổi ở thì. Nếu được hiểu tích cực, đó không phải là sự ham hố phân chia chiếu trên chiếu dưới làng văn, không phải họ cổ hủ trước những từ “giải trí” “ăn khách”, càng không phải bởi họ không biết đến dòng văn học giải trí cực thịnh ở Việt Nam một thời như tiểu thuyết ba xu diễm tình (đúng nghĩa của nó: thành dòng - có đối tượng độc giả đích và giá rẻ) với các tên tuổi Bà Tùng Long, Lê Duy Phương Thảo, Minh Kim hay trinh thám Phạm Cao Củng, Thế Lữ, không phải họ không biết Sidney Sheldom, Agartha Christ hay Marc Levy, Guillaume Muso… ; và càng không phải họ “không đọc mà phán bừa”. Kẻ đọc có quyền lên tiếng về việc đọc. Huống gì không có gì dễ nhận ra hơn cái dở - luôn là đội quân áp đảo - đội lốt văn chương, nhất là khi nó cứ nhất nhất bị/được/đòi đội lốt văn chương: do nhà sách, do người viết ảo tưởng và thiếu font văn hóa văn học, do báo chí…

Nhưng kìthị cái dở, nói rằng cái này là văn/thơ, cái kia không phải văn/thơ dần trở nên cách nói ít nhiều bừa bãi. Kì thị, hay bức bối, văng xả vì nghĩ bị kì thị không phải là thái độ đáng có của những người trẻ không ngại tìm đường mới trong văn hóa viết và đọc. Phê bình, báo chí có thể thờ ơ, bỏ hoang không, hay là cần điềm tĩnh quan sát và lý giải, để văn hóa phán ẩu, phán bừa dần dần nhường chỗ cho sự tương tác thực sự trong môi trường văn hóa và đời sống.

2. Nhiều tên gọi đã được dán lên dòng sách ăn khách này ở Việt Nam: văn học bình dân, văn học giải trí, văn học thị dân mới… Tôi muốn gọi bằng khái niệm: sách ăn nhanh. Sách tiện cho những chuyến tàu, chờ xe bus, cứu vãn cơn ngáp vặt buổi ế hàng… Cũng tiện như đồ ăn nhanh và trà xanh không độ. Nó bắt khách vì thế. Hơn thế, khi máy tính và internet biến thế giới thành làng, ai cũng có thể trở thành nhà văn, và ai cũng có thể tưởng tượng mình sắp trở thành một nhà văn ăn khách. Đó có thể là động lực để những người trẻ thiêu thân sa đĩa đèn văn chương và kích thích những sáng tạo chăng?

Từ “ăn khách” bây giờ không còn là một từ “mặc cảm thân phận hạng hai”, “nhảm nhí” mà là một nhãn hiệu. Best-seller là một nhãn hiệu trên các sách ăn khách của thế giới. Người viết (được xem là) ăn khách ở Việt Nam chưa ai dám tự dán nhãn này lên sách, dù qua các phát biểu, có vẻ họ đầy ý thức, về “cá tính” người trẻ lẫn việc “sống được với nghề”, hay tham vọng hơn, “làm giàu” từ việc viết, như Quách Kính Minh của Trung Hoa chẳng hạn. Không thể phủ nhận sách và tác giả “hot” như liền khúc ruột với với công nghệ quảng cáo và mục tiêu đáp ứng thị hiếu, hoặc nhạy bén bắt trúng thị hiếu khách hàng. Lòng tự trọng văn chương ắt phải hiểu khác đi. Không phải “lập thân tối hạ thị văn chương”. “Ăn khách”, nếu như chưa phải một tiêu chí phẩm chất thì cũng là thước đo sự thành công, dễ thấy nhất là thành công về tiền bạc.

Người viết không đi theo “dòng phục vụ” này luôn cần đến sự bình tĩnh và tỉnh táo: tác giả có thể cũng nổi tiếng, ra một cuốn sách hay, được bàn luận chuyên môn hay PR tốt, nhưng không dễ cạnh tranh về số lượng phát hành với dòng best-seller. Đó là điều phổ biến với mọi nền văn chương. Nếu không rành mạch lựa chọn, mọi người viết đều sẵn tiềm năng thành nhân vật chính trong sân khấu dư luận hỗn tạp a dua, phán xét, đấu đá, ngợi ca, v.v. Kiếm sống bằng nghề viết luôn cần là một nỗ lực chính đáng, không kể những kẻ dùng văn chương trục lợi hay bán chữ thu màu. Nhưng ở Việt Nam, với nhuận bút và lượng sách phát hành mà nhiều nhà văn đã bức xúc, thì tự tin “làm giàu” bằng văn chương là hiếm hoi, dù họ có thể sống với nghề viết tạp loại nói chung. Tôi chưa dám tin những người viết văn với tâm thế đi xây dựng kinh tế mới. Một thứ nghề vừa có tiền vừa dễ nổi tiếng lại có vẻ “tự do”, phóng khoáng, chẳng ham ư?

Ăn khách chẳng phải là một tội hay nợ. Người viết có can đảm dán nhãn lên cuốn sách không?

3. Những người viết Việt Nam theo dòng sách ăn nhanh có lẽ cần nghĩ lại về bạn đọc của dòng sách này: họ là ai? Đừng vội cho chỉ có độc giả “bình dân” để dễ dàng tung ra đủ thứ thành phẩm tạp pí lù. Người đọc luôn là một khái niệm mở. Không ít bạn đọc “hàn lâm” đôi khi thèm một món dễ chịu dễ nuốt hoặc cũng chờ xe bus, trễ máy bay hay ế hàng.

Dòng tiểu thuyết ba xu nay đã bớt nóng hổi, bởi thay vì dấm dúi nhau các cuốn tiểu thuyết lâm ly, các cô hàng xén ngày nay còn bận say mê tán chuyện phim Hàn và nhắn tin điện thoại. Có người muốn gọi một số hiện tượng xuất bản gần đây là “văn học rẻ tiền” hay “ba xu”. Cách gọi đó sai từ… hiện tượng: những cuốn sách có thể đắt lủng túi. E là oan cho tiểu thuyết ba xu xưa, cũng gây ấm ức cho thị dân hiện nay và tự mang “thiên kiến giai cấp”. Gọi là sách 30 xu chăng? Độc giả đã khác. Họ vẫn ghiền chuyện ái tình, hay ít hơn, ghiền kiếm hiệp nhưng “vọng ngoại” nhiều hơn. Sách trong nước lảm nhảm nhiều dần mất giá, các nữ văn phòng mê săn anh Mút (Musso), Mác (Marc Levy) hơn. Nếu nhà văn Việt Nam nào trở thành một Marc Levy và được lập fanclub thì tôi nghĩ người đó xứng đáng hơn ai hết được nhận các giải thưởng. Gọi những sách ăn khách là “rẻ tiền”, không phải là xúc phạm nhà văn, mà xúc phạm người đọc, những người đã biết đến vai trò “khách hàng là thượng đế”, đã biết kiêu hãnh về những sản phẩm đồ hiệu, đã biết trọng các mốt thời trang, dù vẫn sẵn tâm lý đám đông, sẵn a dua xuýt xoa hay phỉ nhổ theo truyền thông, sẵn hoang mang nếu lỡ tò mò nhiều luồng dư luận… Người viết không ai muốn bị coi là “chỉ thị trường”, người đọc cũng không muốn bị kết tội là trình độ đọc lởm. Độc giả muốn thưởng thức cao hơn, giải trí cao cấp hơn. Nhà văn viết mãi những thứ lảm nhảm được sao?

4. Nếu người viết hiểu nhu cầu giải trí ngày càng cao của bạn đọc hiện nay, ắt phải có một cách nhìn khác về văn học giải trí. Phủ nhận, hất nước nóng vào giải trí là thói xấu của những người nghiêm trọng và thiếu dung nhận. Giải trí - theo nghĩa mang lại khoái cảm trí tuệ và hứng thú, bao giờ cũng sẵn trong những tác phẩm văn học đích thực. Sự giải trí “thuần giải trí hơn” theo nghĩa “ không cần phải nghĩ”, dù không mấy khi làm bận tâm các nhà phê bình nhưng lại được đón nhận bởi tất cả các lớp độc giả. Các nhà văn giải trí không cần đặt kì vọng về “giá trị văn học” hay giải thưởng, bởi phần thưởng của họ chính là lọt vào danh sách bestseller. Sức hấp dẫn của những tác phẩm này thường nổi bật ở đề tài, cốt truyện. Tôi đã từng say sưa không dứt những tác phẩm của Mario Puzzo hay Sidney Sheldom, các loại kiếm hiệp Tàu, tiểu thuyết diễm tình Quỳnh Dao, vô số các diễm tình “made in Vietnam” thập niên 90 cũng như mê mải các tài tử võ thuật Hồng Kông như thể đó là những đỉnh cao của văn học và nghệ thuật. Nhà văn giải trí tìm cách gây mê độc giả, bằng tác phẩm, và tất nhiên, trong thời đại này, họ sẽ tha hồ tận dụng công nghệ đa phương tiện. Đó là sự tồn tại hiển nhiên mọi thời đại của dòng văn học này. Tôi nghĩ là có lý khi nhà văn nổi tiếng “nghiêm túc” với văn chương “đích thực” là Nguyễn Huy Thiệp không ngần ngại tuyên bố và thử nghiệm khôi phục dòng tiểu thuyết 3 xu – 3 xu thực sự chứ không phải dòng sách dở giá cao.

Đáng quan tâm là ở Việt Nam hiện nay không có nhiều sách văn học giải trí thực sự. Hiện tại, dòng sách ăn nhanh, như cách tôi gọi, không phải món nào cũng tốt, thậm chí nhiều món gây đau bụng. Các tác giả của dòng sách này chưa bộc lộ bản lĩnh và hiểu biết về dòng văn học mà họ lựa chọn/ không chọn lựa. Người viết - nhất là tâm tình trên blog - ban đầu có vô tư, vô vụ lợi thế nào, khi xuất hiện bằng sách in, họ phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Nếu chỉ nhất nhất tuyên bố mình không làm văn học, nhất nhất giãi bày đời sống và không quan tâm tới các tiêu chí văn chương, mượn danh tự thuật, “chỉ cần tôi có độc giả” để lòe người đọc hay trở thành miếng mồi của các công ty sách, chính là họ đã không đủ lòng tôn trọng bạn đọc.

Một điều cần thiết là mở rộng một cách nhìn tích cực về giải trí với cả người viết và thưởng thức: người viết giải trí viết “nghiêm túc” hơn, không ăn bám các đề tài hot, không ảo tưởng mình là kẻ khai mạc cuộc chơi, biết nhìn ra các cây bút văn chương đương đại của thế giới, trau dồi thẩm mĩ ngôn từ… để người đọc cũng được thưởng thức đúng nghĩa hơn, giải trí đúng nghĩa hơn. Là một người viết và cũng là một người đọc, tôi lạy trời sao cho có một dòng văn học giải trí thực sự ở Việt Nam, để độc giả thêm nguồn tận hưởng và báo chí đỡ tốn giấy mực với những ồn ào. Còn xa hơn, người đọc cũng chờ những nhà văn có tham vọng ôm chứa tất tật độc giả, đồng thời lọt qua con mắt của các nhà phê bình khó tính, chờ đợi các tác phẩm chứ không phải các phát biểu và những cuốn sách lẫn lộn văn chương tuổi xanh và văn chương tuổi toan già. Murakami Haruki không nhiều trên thế giới. Cũng không nhiều kẻ giàu phép thuật như Rowling và Harry Potter, vừa sở hữu quyền lực thể loại, quyền lực của công nghệ điện ảnh, lẫn quyền lực của truyền thông.

Văn học giải trí cũng như thời trang, luôn luôn cần các mẫu mới và các xu hướng. Ai bảo trong đó không chứa đựng những vấn đề văn hóa đáng quan tâm? Đừng sợ các nhà phê bình quay lưng hay không thèm liếc mắt. Nhất là nếu kì vọng vào sự hình thành công nghệ giải trí ở Việt Nam trong tương lai, thì mọi sản phẩm giải trí cấp thấp đều dễ dàng bị loại thải.

Đáng sợ khi thiếu văn hóa giải trí, cũng rất đáng sợ khi đầy rẫy những thứ phẩm văn hóa na ná giải trí mà tham vọng được đánh giá cao về văn học. Một lần nữa, tôi muốn xoay lại một đề xuất giùm nhiều bạn viết và bạn đọc: cần quan niệm khác đi về văn học giải trí và xin lặp lại điều tôi đã trình bày ở một bài viết khác gần đây: cần hướng tới người đọc như một đòi hỏi văn hóa. Câu chuyện văn học giải trí lúc đó sẽ vui hơn. Bạn đọc và người viết cũng dễ dàng dung nhận nhau hơn chăng?

Tác giả: Nhã Thuyên

Nguồn tin: phongdiep.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây