Văn học trẻ có thể tiếp bước cha ông?

Thứ sáu - 18/09/2009 12:51 2.290 0

Các nhà văn trẻ

Các nhà văn trẻ
Khi nghĩ về văn học trẻ hiện nay, chúng ta còn quá sớm để nói rằng họ chỉ có thể kế thừa mà chưa chắc đã tiếp nối được nền văn học nhiều thành tựu của các thế hệ nhà văn lớp trước…
Bởi: Với văn học không thể nôn nóng mà phải biết chờ đợi cũng như chấp nhận sự lựa chọn, đào thải. Hãy cứ để cho các cây bút trẻ khai thác những trào lưu thịnh hành, thử nghiệm với những cái mới của ngày hôm nay và nhìn nhận nó thật khách quan. Sẽ đến lúc dư luận không cần lên tiếng thì các giả cũng tự thay đổi, điều chỉnh mình.

Sự chiếm lĩnh tạm thời của văn học trẻ đương đại

Văn học trẻ thời nào cũng vậy luôn nhận được sự chú ý của những ai quan tâm đến văn học. Bởi nó không chỉ phản ánh thực trạng văn học trong phạm vi lứa tuổi mà xa hơn đó sẽ là thế hệ tiếp nối nền văn học đã được xác lập.

Khi nhìn vào các cây bút trẻ hôm nay không ít người bi quan cho rằng văn học trẻ khó có khả năng đảm đương được sự tiếp nối nhiều thành tựu. Với so sánh được đưa ra để lập luận, trước đây những cây bút tên tuổi như Xuân Diệu, Vũ Trọng Phụng, Chế Lan Viên, Nguyên Hồng, Tế Hanh, Huy Cận, Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, Anh Thơ, Trần Đăng Khoa… đều khẳng định mình qua tác phẩm từ rất sớm ở độ tuổi trên dưới 20. Một vài thế hệ cầm bút đã đi qua lứa tuổi ấy nhưng cái mà họ để lại chưa thực sự nhiều nếu không nói chỉ là những bước đi mới bắt đầu trên con đường viết văn.

Tuy nhiên, so sánh như vậy chưa thật sự thoả đáng. Vì ngoài tài năng mỗi người cầm bút thì môi trường xã hội cũng như môi trường tiếp nhận của độc giả đều không giống nhau. Nên chăng phải hiểu sự so sánh này không phải là câu trả lời mang tính tuyệt đối. Và trước khi đi vào quỹ đạo của sự định hình ấy văn học trẻ ngày hôm nay cũng đã và đang trải qua một “Thời kỳ quá độ”?

Đánh giá về thế hệ này, nhất là các cây bút được sinh ra và lớn lên từ năm 1980 trở đi thì thấy họ chưa thực sự ổn định trong cách viết. Họ còn chạy theo xu hướng thịnh hành mang tính bề nổi phù hợp với nhu cầu độc giả đương thời. Những đề tài được khai thác như tình dục, đồng tính, giải trí, Internet… như trở thành món ăn lạ, hợp thời và được khai thác triệt để. Đây vừa là một thử nghiệm trong nỗ lực thay đổi cách viết đồng thời cũng nói lên sự nhập cuộc mang tính thời đại nên vô hình chung nó cũng trở thành con dao hai lưỡi - hoặc là thất bại hoặc là thành công sẽ đến với tác giả.

Văn học mang tính thời thượng, dù ở đề tài này hay đề tài khác (chuyện tình uỷ mị, giật gân, ma quái…) thời nào cũng xuất hiện như một tất yếu. Nhưng rồi nó sẽ nhanh chóng bị chiếm chỗ bởi đề tài khác phù hợp hơn hoặc sẽ bị dòng văn học mạnh hơn, có giá trị hơn át đi, thay thế. Và văn học hiện nay cũng không nằm ngoài quy luật đó. Các cây bút đã, đang và sẽ bị cuốn vào đề tài mang tính trào lưu hơn là khai thác những đề tài lớn mang tính xã hội và nghệ thuật cao. Một phần vì nó là tiếng nói mang tính cá nhân được nảy sinh trong cuộc sống trực diện hôm nay nên viết để giải toả chứ chưa hẳn từ mục đích nghệ thuật.

Như đã nói, vì nó là tất yếu nên rất khó nếu không nói là không thể làm cho thể loại văn học thời thượng mất đi một sớm một chiều. Phải chấp nhận sự tồn tại của nó theo kiểu “tự xuất hiện rồi cũng tự mất đi”. Do vậy, mọi ồn ào của tác giả này, tác giả kia với lợi thế trẻ tuổi và những đầu sách liên tiếp được tái bản không đưa ra bức tranh về sự lạc quan họ sẽ vững vàng tiếp nối các thế hệ nhà văn đi trước. Dù ít nhiều họ cũng khuấy động đời sống văn học hàn lâm, tạo được sự phong phú cho văn chương nước nhà.

Mới đây nhất, nhà văn Ý - Paolo Giordano, tác giả “Nỗi cô đơn của các nguyên tố” vừa đến Việt Nam đã thẳng thắn đưa ra nhận định: Văn học Ý đương đại không còn quan tâm nhiều đến sex một cách thuần tuý, chỉ dùng sex như một phương thức để biểu lộ con người trước đời sống. Còn dùng sex để câu khách đã trở lên lỗi thời và lạc hậu rồi.

Chắc hẳn không riêng gì văn học Ý mà nhiều nhà văn trên thế giới, trong đó có cả nhà văn Việt Nam đã nhận ra “cái lõi” của những đặc tính để làm nguyên liệu cho tác phẩm. Thế nên độc giả hiện nay không ngạc nhiên khi sự ồn ào chớp choáng cái vẻ bên ngoài thuộc về các cây bút trẻ.

Thời gian sẽ xác lập sự tiếp nối

Có nhiều nhà văn phải ở một độ tuổi thật chín chắn, thậm chí phải đến khi đi qua những vinh quang cũng như khắc nghiệt của đời cầm bút mới nhìn lại bản thân mình để tổng kết đâu là thời kỳ chập chững vào nghề, đâu là thời kỳ chuyển giao - quá độ, chững lại của bản thân và vinh quang ở giai đoạn nào… Ngay như những tên tuổi từng thành danh sớm trong văn học thế kỷ XX cũng có những bước ngoặt khác nhau. Chế Lan Viên được ghi nhận thành công ở giai đoạn đầu sáng tác, nhà phê bình Hoài Thanh từng nhận xét “xuất hiện như một niềm kinh dị trên văn đàn”. Cho đến giai đoạn sau - bao gồm phần thơ di cảo (mãi sau này mới được công bố) ông được đánh giá cao bởi chất trí tuệ, triết lý tưởng chừng khô khan lại được sử dụng nhuần nhuyễn trong thơ. Nhà thơ Xuân Diệu khi vừa xuất hiện trong phong trào thơ mới đã để lại những bài thơ tình bất hủ cho thi ca ViệtNam và từng được mệnh danh là “ông hoàng của thi ca”. Nhưng từ giai đoạn 1945 trở đi thì thơ của ông rẽ sang một hướng khác và ít được biết đến…

Các nhà văn Việt Nam hiện nay cũng vậy, có nhiều người khi nhắc đến tên là độc giả nghĩ ngay đến tác phẩm tiêu biểu “để đời” gắn với nhà văn ấy. Tác phẩm để đời dù được ra đời khi tác giả còn trẻ hay ngược lại không mất đi giá trị vốn có của nghệ thuật. Tất cả đều đáng quý và đáng trân trọng như nhau. Có thể nhà văn, nhà thơ này chỉ có một tác phẩm, cũng có khi nhiều hơn, nhưng đó thực sự là đỉnh cao ghi nhận thành quả lao động con chữ cực nhọc của tác giả. Để có một quá trình nhìn lại như vậy đòi hỏi phải có thời gian. Vì vậy khi nghĩ về văn học trẻ hiện nay, chúng ta còn quá sớm để nói rằng họ chỉ có thể kế thừa mà chưa chắc đã tiếp nối được nền văn học nhiều thành tựu của các thế hệ nhà văn lớp trước. Với văn học không thể nôn nóng mà phải biết chờ đợi cũng như chấp nhận sự lựa chọn, đào thải. Hãy cứ để cho các cây bút trẻ khai thác những trào lưu thịnh hành, thử nghiệm với những cái mới của ngày hôm nay và nhìn nhận nó thật khách quan. Sẽ đến lúc dư luận không cần lên tiếng thì các giả cũng tự thay đổi, điều chỉnh mình.

Trong danh sách các giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam mấy năm trở lại đây, chỉ xét tác phẩm được vào chung khảo thì các cây bút trẻ thế hệ 8X, 9X vẫn chưa thấy có mặt. Nhưng đã xuất hiện nhiều tên tuổi các cây bút 6X, 7X. Nếu trước đây thế hệ 7X được nhắc đến với sự nổi trội của Nguyễn Ngọc Tư, thì nay độc giả đã ghi nhận một loạt các cây bút khá vững vàng cùng thời với chị như: Trần Nhã Thuỵ, Đỗ Bích Thuý, Nguyễn Ngọc Thuần… Thiếu các gương mặt trẻ đứng tên trong giải thưởng dường như phản ánh sự thừa nhận chỉ dừng ở mức nào đó đối với các cây bút trẻ chứ chưa có đỉnh cao. Ngay ở hệ thống các giải thưởng tư nhân mang tính xã hội hoá cao cũng vậy, dù được khuyến khích dành cho các cây bút trẻ với những tìm tòi thử nghiệm mới nhưng cuối cùng giải thưởng cao nhất vẫn không vinh danh cho các tên tuổi trẻ ấy mà là thế hệ 7X (Trang Thanh  - giải Lá trầu) và 6X (Trần Tuấn - giải Bách Việt). Thế hệ này đang thể hiện mình không phải bởi những ồn ào, những tuyên ngôn mà bằng sự im lặng và tác phẩm của mình. Tự thân tác phẩm sẽ khẳng định độ chín cũng như chỗ đứng của mình trên văn đàn và trong lòng độc giả. Đó là một trong những cơ sở để chúng ta có quyền hy vọng vào sự tiếp nối.

Còn câu hỏi liệu văn học trẻ ngày hôm nay có tiếp nối được các thế hệ nhà văn Việt Nam hay không chỉ có thể tìm câu trả lời từ chính tài năng và sự nỗ lực của người cầm bút trẻ đã và đang đi trên con đường “quá độ” ngày hôm nay.

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây