Văn học trong nước bị các yếu tố “ngoại” tác động

Thứ sáu - 18/09/2009 12:34 2.286 0

Người Việt xuất hiện ngày càng nhiều ở châu Âu

Người Việt xuất hiện ngày càng nhiều ở châu Âu
Sự xuất hiện tràn lan của các tác phẩm văn học trên thị trường thực và ảo (mạng Internet) khiến người đọc có nhiều nguồn sách để chọn đọc. Chạy đua với yếu tố thương mại của những nhà kinh doanh, những người làm sách là cuộc chạy đua kiếm tìm, chọn lọc những giá trị thực trong mỗi cuốn sách của độc giả.
Sự xâm thực của yếu tố “ngoại” trong văn học

Năm 1995, Việt Nam chính thức mở cửa, đồng thời với quá trình đó là sự xâm nhập của văn hoá phương Tây. Sự xuất hiện, bùng nổ tác phẩm văn học mạng những năm 2000 khiến Internet trở thành kênh phát hành sách nhanh, mang lại hiệu ứng tức thời làm thay đổi thói quen đọc sách. Giới trẻ, vốn có khả năng thích nghi nhanh nhất bị cuốn vào những tiện ích từ thế giới ảo đầy cám dỗ. Cùng sự mở mang tri thức là sự “nhập siêu” ồ ạt của văn hoá phim, ảnh, truyện… nước ngoài.

Cuộc chạy đua giữa nhà quản lý, nhà xuất bản và nhà phát hành lại bắt đầu, mà cái đích là “kiểm soát” tâm thức của độc giả trong nước trước hàng ngoại.  

Sự tò mò chiếm ưu thế, trên những giá sách xuất hiện nhiều sách dịch từ tiếng nước ngoài. Cái được tìm chính là lối sống, lối suy nghĩ, thói quen sinh hoạt… của xã hội khác. Nhiều tác phẩm văn học phương Tây, văn học Trung Quốc, văn học Nhật Bản… dần trở nên thân thuộc với người đọc Việt Nam, nhất là những đọc giả trẻ, như một phần cuộc sống. Thậm chí, xã hội phương Tây dần trở nên thân thuộc đến nỗi một trào lưu du học những năm đầu thế kỷ XXI bắt đầu.

Dịch chuyển trọng tâm sự đọc là điều nhận thấy trên các kệ sách. Những cuốn về đời sống xã hội phương Tây được quan tâm  nhiều hơn. Một nghịch lý là những tác phẩm trong nước vốn quẩn quanh trong vài đề tài quen thuộc cây đa- bến nước- sân đình, đời sống thành thị, đời sống người dân vùng cao; văn học đề tài chiến tranh, văn học đề tài công- nông… dần bị những nhà nghiên cứu lý luận cho là dần cạn kiệt, những thể loại như văn học sử, trường ca, sử thi… lại ít thu hút đọc giả. Và nghiễm nhiên văn học nội địa bị xâm thực.

Tần suất những cuộc viếng thăm đầy thân tình của những nhà văn nước ngoài (Robert Olen Butler, Eli Amir, Marc Levy, Paolo Giordano…) tăng lên và thu hút đông độc giả trong nước. Đối lập lại là những cuộc hội thảo, những buổi giới thiệu sách của những tác giả trong nước, do những cơ quan, đơn vị trong nước tổ chức đầy tính báo cáo, tổ chức lấy có mà hiệu quả mang đến cho sự đọc chả đáng là bao, quanh đi quẩn lại chỉ vài nhà văn cầm trịch, với những gương mặt phóng viên báo chí quen thuộc.

Văn học nước ngoài với những đặc trưng của nó như tính mở, sự thăng hoa, bộc lộ cảm xúc thật, yếu tố ly kì, cách viết đơn giản, hướng tới những giá trị thực… bắt nguồn từ những xã hội phồn thịnh mở ra cho độc giả Việt một cánh cửa bước vào thế giới mới. Tâm hồn được dẫn dắt bởi những H.Murakami, Yann Martel, Kim Dung, Marc Levy, J.K.Rowling… cùng với BBQ, KFC, Coca-Cola… đã là thói quen sinh hoạt thường ngày của một nhóm đông đảo đối tượng trẻ thành thị.

Ảnh hưởng đến đời sống văn học trong nước

Tác phẩm văn học là biểu hiện qua ngôn ngữ văn chương sự chắt lọc những suy nghĩ, kiến thức hiểu biết về đời sống xã hội. Sáng tác, tác giả thường quan tâm thể hiện ý tưởng của mình trong tác phẩm. Không hẳn mọi nhà văn trong nước bị ảnh hưởng bởi yếu tố ngoại nhưng đời sống văn học trong nước có những biến đổi, nhất là những cây viết trẻ. Một kiểu sáng tác theo cái tôi bản thể, cái tôi cá nhân, thể hiện những hiểu biết nông nhưng lại kích thích trí tò mò nhất thời được các NXB mạng và đọc giả mạng dễ dàng chấp nhận.

Văn học trẻ những năm đầu thế kỷ XXI đã thực sự khởi sắc? hay các tay bút 8X, 9X, thậm chí 7X bị ảo tưởng bởi những mớ hỗn độn mình viết ra trên mạng, có nhiều người truy cập tìm đọc là tác phẩm văn học, mà thực chất, đó chỉ là những trang nhật ký cá nhân, ghi lại tạm thời những ý kiến của tác giả và nó không mang tính văn học. Và vì thế, người đọc có thể nhanh chóng đưa những sản phẩm này vào một miền quên lãng.     

Thêm vào đó, một trong những hiện tượng quảng bá tác phẩm văn học gây nhiều sự hiểu nhầm cho đọc giả là khi một tác phẩm ra lò, cùng với nó là hàng loạt hoạt động quảng bá lăng-xê tác phẩm khiến mọi người đổ xô tìm mua mà khi đọc xong, nhiều cuốn đã khiến đọc giả không khỏi ngán ngẩm.

Tìm đến những trung tâm phát hành sách lớn trên toàn quốc tại Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, tìm thấy trên kệ sách hàng loạt sách văn học, văn học trong nước, ngoài nước đều có, đủ các thể loại truyện tranh, truyện ngắn, tiểu thuyết… nhưng cái đập vào mắt đầu tiên là những trang bìa hấp dẫn, được thiết kế công phu cùng với những poster quảng cáo chất lượng… mà người mua phải duyệt.

Và đã có những điều chỉnh

Fahasa, một trong những công ty phát hành sách có mạng lưới tiêu thụ sách rộng nhất và doanh thu lớn nhất từ thị trường sách trong nước đang đưa ra những chính sách để lựa chọn tác phẩm hay bày bán. Tiếp đó là Phương Namsách, trong 2 năm gần đây đã triển khai hàng loạt cửa hàng sách, nhà sách tại Hà Nội và Đà Nẵng. Qua 2 hệ thống phát hành lớn này có thể thấy sách văn học được chọn bán đang dần phải tuân theo những tiêu chí nhất định của nhà phát hành.

Nếu những nhà văn trong nước gửi gắm đứa con tinh thần của mình cho một số “địa chỉ” quen thuộc để xuất bản như NXB Hội Nhà văn, NXB Văn học… mà đọc giả có thể nhanh chóng điểm mặt đọc tên thì sách văn học nước ngoài được chuyển ngữ sang tiếng Việt lại có Nhã Nam- công ty có uy tín trong làng sách dịch đỡ đầu với những dịch giả tên tuổi như nhà văn Nguyên Ngọc, Trịnh Lữ, Dương Tường…

Sự kiểm duyệt cuối cùng của Cục Xuất bản- cơ quan Nhà nước quản lý việc xuất bản để đảm bảo các sản phẩm đưa ra thị trường, tới tay người đọc sẽ không còn yếu tố “gây hại” về mặt tinh thần. Một hệ thống kiểm duyệt của các cơ quan Nhà nước, một thị trường sách cạnh tranh khốc liệt vậy mà vẫn có nhiều tác phẩm mang nội dung xấu xuất hiện trên thị trường Việt Nam.

Và khi Lão Hạc, Xuân tóc đỏ, chị Dậu, Chí Phèo, Thị Nở… chỉ xuất hiện trong giáo trình học như một sự gượng ép trả bài, thì bằng cách nào đó, phải điều chỉnh thói quen suy nghĩ của những người trẻ. Tìm và giới thiệu trong chương trình đào tạo những tác phẩm văn học Việt Nam có giá trị là việc nhà trường - giáo viên - phụ huynh - học sinh cần trao đổi để sớm tìm được tiếng nói chung.

Ngoài chương trình học, sự quảng bá những tác phẩm văn học có giá trị của những công ty phát hành, công ty truyền thông và sự công bố giám định chất lượng tác phẩm của các cơ quan quản lý Nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng là sự phối hợp cần thiết.

Có như vậy, chúng ta với hy vọng vào sự trả lại những không gian văn học đẹp, những giá trị văn chương đích thực trong tâm hồn độc giả Việt Nam những năm tới của thế kỷ XXI khi Việt Nam hội nhập toàn cầu. 

Tác giả: Minh Thư

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây