Chuột đồng miền Tây Nam bộ

Thứ sáu - 19/11/2010 09:14 3.219 0

Chuột đồng miền Tây Nam bộ

Vào những tháng đầu mùa mưa, khi ruộng lúa phát triển tươi tốt xanh non cũng là lúc người nông dân phải lo đối phó với nạn chuột cắn phá gây thiệt hại không ít. Thời điểm này, chuột đồng - còn gọi là chuột cơm lông vàng - tập trung bầy đàn sục sạo tìm thức ăn, chủ yếu là cây lúa non, đậu, bắp...rồi giao phối, sinh sản ra "con đàn cháu đống". Chúng sinh sản nhanh, lại khôn lanh nên nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long phải tìm mọi cách đối phó, luôn sáng tạo những cách bắt, giết chuột sao cho đạt hiệu quả cao. Các biện pháp đa dạng như: rập lồng, chỉa đâm, đào hang hun khói, đánh bã, đặt rọ, dặm cù, đuổi lưới, soi đèn bình.v.v... đều được sử dụng tùy theo địa hình.

Miệt Đồng Tháp có phương pháp bắt chuột bằng bẫy kẹp tre, tuy mới phổ biến nhưng rất hữu hiệu. Điểm thuận tiện của loại bẫy này là không cần mồi nhử mà nhằm vào miệng hang hoặc thói quen đi lại của chuột. Chỉ cần một cây tre loại lớn, một ít dây chỉ dù hay dây gân câu cá là có thể làm được hơn một trăm bẫy kẹp. Đặt bẫy những nơi nghi ngờ là lối mòn của chuột. Khi chúng vừa chui đầu qua lỗ bẫy, chân trước chạm cây ngang gài chốt thì cần bẫy bật cây di động đè ngay cổ chuột ngạt thở. Vì chuột chết ngay trong đêm nên phải chịu khó thăm chừng bẫy thường xuyên. Thời gian lúa trổ, có người với một trăm rưỡi  bẫy kẹp, một đêm siêng năng có thể thu hoạch trên dưới ba trăm con chuột đồng.

 Việc  chất chà bắt chuột cũng được nông dân Đồng Tháp, khu tứ giác Long Xuyên tiến hành quanh năm. Dùng các nhánh chà bằng cây tạp, đọt tre, trúc, lá chuối khô cột đùm lại từng bó khoảng một vòng tay ôm, chiều dài từ 1-2 mét, làm chừng mười mấy bó. Vác chà chất đống quanh gốc dừa, lùm chuối, ven kinh...gần nơi chuột thường kéo bầy kiếm ăn, diện tích chất chà độ ba mươi mét vuông là vừa. Chất xong, rải chút ít gạo, đậu, khoai...dẫn dụ. Dùng rơm rạ, cỏ, tàu dừa khô...phủ lên tạo "mái ấm" tự nhiên cho bầy chuột rủ nhau vào trú ngụ. Chà mới chất thì chờ mươi bữa giở bắt một lần, chà cũ chỉ cần năm, bảy ngày. Bước chuẩn bị: dùng đăng tre, lưới cước hoặc mê bồ bao tròn đống chà cho êm, giằn chân lưới kỹ, chừa một lỗ nhỏ đặt bao hay rọ đón chuột chạy ra. Giở từng bó chà ném ra ngoài, nhưng con chuột mập mạp, lông mướt rượt nghe động chạy tán loạn rồi cùng tìm lỗ trống thoát thân, lúc chúng chui cả vào rọ trông rất khoái mắt. Mỗi lần giở chà được từ vài ba mươi con, đôi khi còn dính cả rắn hổ hành, hổ đất, hổ sáp...nấu nồi cháo đậu xanh bồi dưỡng mát ruột. Chất chà lại, vài ngày sau bắt tiếp. Công việc không vất vả mấy mà rất thú vị!

Ở Vĩnh Long, Bến Tre...hiện nay đồng ruộng thu hẹp, vườn cây ăn trái phát triển, chuột sống chủ yếu nơi lùm cây, ngọn dừa...Quan sát cây dừa nào hay rụng trái bị khoét lỗ, xơ dừa nùi cục làm ổ là biết có gia đình chuột cư trú. Cho người leo lên đánh động, chuột chạy từ cây này sang cây khác. Bên dưới dùng giàn thun bắn đuổi, chuột hoảng loạn rơi và bị đâm bằng chỉa hai mũi hoặc chó vồ, cây đập..., chúng khó mà thoát.

Săn chuột ở Phụng Hiệp (Cần Thơ) vào mùa nắng, đồng khô. Người ta dùng đăng bao bện thành chữ V với diện tích rộng. Đặt rọ nơi đầu hẹp rồi đốt đồng, cả đàn chuột chạy tháo thân để cùng vào rọ. Mùa nước nổi, chuột lên cây cao, gò cao trú ngụ. Tổ chức săn đêm có khi phải di chuyển bằng xuồng soi đèn bình, đèn khí đá cho những tay thiện nghệ dùng chỉa bốn mũi đâm chuột, mươi phát không trật một. Hoặc sử dụng roi đánh vào chân chuột rơi xuống cho chó săn cắn đầu. Có những đứa trẻ quen nghề săn kiểu này, ai thấy cũng phục tài nhanh nhẹn và chính xác.

Những cách bắt chuột kể trên vừa an toàn cho người, vừa góp phần bảo vệ mùa màng. Ngoài ra, thịt chuột đồng qua chế biến còn là món ăn thơm ngon, khoái khẩu. Người miền Tây từ lâu đã ưu ái gọi chuột đồng là "nai đồng quê". Chuột rô-ti nước dừa ăn với xoài xanh băm nhỏ. Chuột luộc nước hèm rượu, xé miếng trộn rau răm, chấm muối tiêu chanh thì thịt gà cũng...thua. Chuột ướp sả ớt nướng, chuột chiên, xào, nấu chua, kho mắm...Ở Phụng Hiệp (Cần Thơ) có món bánh bao nhân thịt chuột rất độc đáo. Vùng núi Sập (Châu Đốc) gây ấn tượng tuyệt hảo với món "chuột úp nồi" (tương tự món chuột quay lu). Miệt Hậu Giang lại sáng tạo một món ăn ít ai nghĩ tới, đó là bánh ít trần nhân thịt chuột. Chuột đồng làm sạch, lóc thịt nạc, băm nhuyễn ướp gia vị muối, đường, ngũ vị hương, bột tai vị... vừa ăn. Chờ một lúc cho thấm rồi bắc chảo xào chín, để nguội, vo thành viên cỡ ngón tay cái. Bột gạo khô nhồi nước cho dẻo, dùng tay ngắt cục cán mỏng ra. Gói nhân thịt chuột xào vào giữa rồi vo tròn lại. Sắp bánh vô vỉ hấp, thoa ít dầu cho không dính. Nồi nước sôi, đặt vỉ bánh vào đun tới chín. Nước chấm là nước mắm tỏi, ớt, chanh, đường...pha thật ngon chan lên dĩa bánh ít trần nhân thịt chuột còn nóng; ăn một cái lại muốn ăn thêm!. Đi chơi Thốt Nốt (Cần Thơ), khi về nhớ ghé chợ chọn mua chục con chuột đồng béo mập, dặn làm sạch, gỡ bớt mỡ, bọc nước đá kỹ. Về nhà, ướp ngũ vị hương, tỏi, sả...rồi chiều mát bắc bếp than ngoài sân, mời vài ông bạn đến nhẩn nha nướng từng con chuột sấp ngửa, vàng thơm hấp dẫn, mỡ khói xèo xèo, tợp ngụm đế nếp Gò Công, thưởng thức món ngon "tự biên tự diễn" thì còn gì sướng bằng !

Chuột đồng được bẫy bắt nhiều đến mức những năm gần đây đã hình thành các chợ chuột rải rác khắp miền Tây. Trong số tụ điểm mua bán có tầm cỡ phải kể đến chợ ấp Xẻo Vông (Phụng Hiệp- Cần Thơ) vào mùa rộ hàng ngày thu vào trên... mười tấn chuột từ Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp...chở về. Chuột mổ thịt tại chỗ với hàng trăm lao động tay nghề cao. Họ chia từng nhóm làm theo công đoạn: giết chuột, cắt đầu, lột da, móc ruột...rất ăn khớp. Nghe kể có anh giữ kỷ lục cắt đầu, chặt chân, đuôi chuột mỗi giờ không dưới... tám trăm con, thật đáng nể. Khách hàng từ các nơi: Tp. Cần Thơ, Ô Môn, Thốt Nốt, Tp. Long Xuyên...thường yêu cầu được giao chuột sống. Một lồng kẽm năm tấc nhốt hàng trăm con chuột đồng, bẻ răng cẩn thận, cứ vậy mà xuất huyện, xuất tỉnh thoải mái...

Từ một loài chuyên phá hoại ruộng đồng, vườn tược, con "chuột cơm" đã trở thành món ăn dân dã mà phong phú từ cách chế biến. Người nông dân qua các phương pháp bắt chuột đầy sáng tạo vừa nhằm mục đích chính là bảo vệ mùa màng, vừa tăng thu nhập hoặc chí ít cũng cải thiện bữa ăn gia đình. Con "nai đồng quê" miền Tây Nam Bộ dần có chỗ đứng trong làng ẩm thực, mấp mé hàng...đặc sản!

Tác giả: Nguyễn Kim

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây