Về hệ thống lý luận văn chương

Thứ ba - 04/08/2009 01:53 2.430 0

Về hệ thống lý luận văn chương

Lý luận văn chương dân tộc giữa lúc này đang có nhu cầu xây dựng một hệ thống từ mình, vì mình, do mìnhcho mình. Nói cách khác là cần làm, phải làm, kiên quyết làm. Không thể chậm trễ hơn được nữa. 

Như mọi người đều biết, con người và xã hội sinh ra các ngành khoa học để tạo ra kho tàng tri thức bách khoa và toàn diện. Khoa học càng phát triển thì tri thức càng giàu có và phức tạp. Để có thể hệ thống hóa tri thức, từ đó,  thuận tiện cho việc lưu giữ và truyền bá tri thức, các ngành khoa học chuyên biệt đã chủ động tạo lập nên hệ thống các phạm trù, khái niệm khoa học riêng biệt được thể hiện bằng hệ thống các thuật ngữ đặc thù. Tính khoa học khi nào cũng được nhận thấy qua hệ thống thuật ngữ khoa học này. Đúng như  F. Engels đã khẳng định: “Nhưng không có khái niệm giống thì toàn bộ khoa học đó sẽ biến thành con số không. Tất cả mọi ngành khoa học đều cần có khái niệm giống làm cơ sở: không có khái niệm đó thì […] tất cả những thành tựu của những ngành khoa học ấy không những cần phải xem xét lại, mà còn bị xóa bỏ tuốt cả”. Tuy nhiên, mọi khái niệm, phạm trù khoa học không thể và không phải là kết quả tư duy tư biện của nhà nghiên cứu – chúng được khái quát hóa từ muôn vàn hiện tượng xảy ra trong đời sống với những hình thái biểu hiện giàu có, hết sức khác nhau.

Từ sinh vật học, F. Engels suy xét: “Trong tác phẩm nổi tiếng của mình (Bàn về nguồn gốc các loài qua con đường đào thải tự nhiên – năm 1859), Đác-uyn xuất phát từ một cơ sở sự kiện rộng rãi nhất, dựa trên sự ngẫu nhiên”. Nhưng mọi hiện tượng, mọi “sự ngẫu nhiên” lại không đứng yên mà luôn biến đổi. Do vậy, thuật ngữ khoa học muốn thật sự khoa học cũng cần phải luôn tự điều chỉnh, thậm chí nếu cần thì buộc phải thay đổi. F. Engels viết tiếp: “Chính những sự khác biệt ngẫu nhiên, vô tận giữa các cá thể trong nội bộ mỗi giống, những sự khác biệt có thể tăng đến mức vượt ra ngoài đặc điểm của một giống, những sự khác biệt mà ngay cả những nguyên nhân gần nhất của chúng cũng chỉ có thể chứng minh được trong những trường hợp rất hiếm, - chính những sự khác biệt ấy đã buộc ông (Đác-uyn) phải đặt vấn đề xem lại cái cơ sở trước đây của mọi quy luật trong sinh vật học: khái niệm giống, với tính cứng nhắc và bất biến siêu hình trước đây của nó”. Nói một cách khác, “ngẫu nhiên lật nhào cái quan niệm về tất nhiên vẫn tồn tại trước đó”. Đoạn này được F. Engels cẩn thận ghi chú thêm ngoài lề: “Những tài liệu về các trường hợp ngẫu nhiên tích lũy được trong thời gian đó đã bị đè bẹp và đập tan quan niệm cũ về tất yếu”. Hiển nhiên, khi đó thì, theo F. Engels: “Quan niệm trước kia về tất nhiên không dùng được nữa. Duy trì nó có nghĩa là đem sự quyết đoán độc đoán của con người, - sự quyết đoán tự mâu thuẫn với bản thân nó và với hiện thực, - mà gán cho tự nhiên làm quy luật, như vậy là phủ nhận mọi tính tất nhiên nội tại trong giới sinh vật, là tuyên bố chung rằng sự thống trị hỗn loạn của ngẫu nhiên là quy luật duy nhất của giới sinh vật”.

Từ quan niệm đó của F. Engels, ta thấy rất nhiều khái niệm, kể cả những khái niệm then chốt trong lý luận văn chương, thật sự đứng trước những thách thức gay gắt. Tôi chỉ giới hạn trong một hình thái vãn chương mới là văn chương mạng. Khái niệm dần trở nên quen thuộc và phổ biến này hiện chưa thật ổn định về nghĩa. Có lẽ, nên phân biệt văn chương lên mạng (xem internet chỉ là phương tiện tồn tại, như chữ viết) và văn chương của mạng (xem internet là điều kiện sản sinh một hình thái văn chương mới, trong đó có dạng thức đặc thù nhất là văn chương hypertext mà nhiều người quen giải thích hypertextvăn bản điện tử). Sự tồn tại các tác phẩm văn chương mạng cũng rất khác nhau. Có khi nằm trên các trang thông tin điện tử cá nhân thường được gọi là blog. Cũng có khi được đưa lên những trang web mang tính báo chí. Đấy là chưa nói có những mạng vừa mang tính cá nhân vừa mang tính công luận. Phạm vi ảnh hưởng của các trang web cũng không giống nhau. Có trang lượng truy cập hàng ngày lên tới hàng vạn, hàng triệu. Lại có trang chỉ lèo tèo vài trăm, vài nghìn, nhiều khi trong một thời gian dài bị “đóng băng”, chỉ tồn tại trên hình thức. Cũng nên chỉ ra cả mặt tích cực lẫn mặt tiêu cực của văn chương mạng. Về mặt tích cực, rất dễ nhận ra, đại để là: tính nhanh nhậy, độ lan truyền, mặt sống động, tính tiết kiệm, sự đa dạng… Mặt tiêu cực cũng không khó nhận ra, đại loại như: thông tin “bẩn” lan tràn, ẩn danh, thiếu trách nhiệm xã hội và nghề nghiệp, hoàn toàn phụ thuộc vào máy tính, dễ thành “ảo” (do kỹ thuật và tin tặc)… Có điều, nói gì thì nói, chắc chắn vãn chương mạng sẽ thống trị trong tương lai, mà là tương lai gần, rất gần.

Vậy phải xử lý ra sao trước dữ liệu bắt đầu trở nên phổ thông là văn chương mạng, nhất là văn chương của mạng? Chắc chắn sẽ có nhiều khái niệm, thậm chí phạm trù lý luận vãn chương không còn mấy thích ứng nữa. Chẳng hạn phạm trù then chốt, trung tâm: tác phẩm. Khi văn bản mang đậm tính liên văn bản, thì tác phẩm vãn chương lập tức mất đi tính đặc sắc và ổn định vốn có. Liệu phạm trù này còn giữa nguyên nghĩa cũ? Rồi phạm trù trung tâm và then chốt khác là tác giả cũng buộc phải thay đổi hàm nghĩa. Điều mà R. Barthes dự báo từ mấy chục nãm trước, giờ thật sự hiện hữu: “cái chết của tác giả”. Ngay nguyên lý quen thuộc và cơ bản “Văn chương là nghệ thuật ngôn từ” cũng bị đặt trong vòng nghi vấn trước văn chương hypertext, nơi không chỉ có phương tiện ngôn ngữ, mà cả âm thanh, hình ảnh, và nhiều ký hiệu khác cùng tồn tại và cùng kết hợp sống động, phi tuyến tính.

Trước thực tế ấy, nhiều nhà lý luận đã tỏ ra khá hoang mang. Bởi, như F. Engels còn viết: “Tất cả chúng ta đều đồng ý với nhau rằng trong bất cứ lĩnh vực khoa học nào, trong lĩnh vực tự nhiên cũng như trong lĩnh vực lịch sử phải xuất phát từ những sự kiện đã có. […] Cho nên trong khoa học […] chúng ta không thể cấu tạo ra những mối liên hệ để ghép chúng vào sự kiện, mà phải từ các sự kiện đó phát hiện ra mối liên hệ ấy và một khi đã phát hiện ra các mối liên hệ ấy rồi thì phải hết sức chứng minh những mối liên hệ ấy bằng thực nghiệm”. “Sự kiện” văn chương rõ ràng đã thay đổi, văn học trong đó có lý luận vãn chương, không thể không thay đổi. Muốn thế, cần tạo ra “những mối liên hệ mới” tương thích với “những sự kiện” mới xuất hiện. Đấy chính là yêu cầu của tính “thực nghiệm” mà bất cứ ngành khoa học nào muốn thật sự trở thành một ngành khoa học đích thực đều phải đảm bảo.

Ở đây, để tránh mọi phiền toái, rắc rối, nhiều người có thiên hướng chuyển văn chương mạng vào phạm trù cái ngẫu nhiên nhằm xây dựng một hệ thống khái niệm chỉ phản ánh được những mặt bản chất nhất thuộc những hiện tượng tương đồng mang tính tiêu biểu, điển hình. Từ đó, họ có thể yên tâm gạt vãn chương mạng sang một bên. Việc làm này cũng vi phạm nguyên tắc căn bản của phép biện chứng, như F. Engels từng lên tiếng nhắc nhở: “Người ta tuyên bố rằng chỉ có cái tất nhiên mới là cái duy nhất khiến cho khoa học quan tâm, còn cái ngẫu nhiên thì không đáng được khoa học quan tâm. Điều đó có nghĩa là: cái mà người ta có thể quy vào những quy luật, tức là cái mà người ta biết, thì mới là cái đáng chú ý, còn cái mà người ta không  quy vào những quy luật, tức là cái mà người ta không biết, thì là cái không đáng chú ý và có thể gác ra một bên. Nếu thế thì không còn gì là khoa học nữa, vì khoa học phải nghiên cứu chính cái mà chúng ta không biết”. Từ đó, F. Engels rút ra kết luận: “Thật dễ thấy rằng đó là cái thứ khoa học giống như cái khoa học coi cái mà nó có thể giải thích được là tự nhiên, và coi cái mà không giải thích được là do những nguyên nhân siêu tự nhiên sinh ra […]”. Có thể cảm nhận được nụ cười hài hước đích đáng của F. Engels trước những thứ lý luận chỉ ưa tìm con đường thẳng tắp vốn không tồn tại trong thực tế, cố tình né tránh sự phức tạp của đối tượng nghiên cứu.

Trong trường hợp này, nói cho đúng, các nhà nghiên cứu có quyền chọn lựa những sự kiện, những hiện tượng “ngẫu nhiên” mang tính bản chất để khái quát thành những nguyên lý chung. Không như vậy sẽ không thể tiến hành thao tác khoa học được. Các nhà lý luận vãn chương từ trước đến nay thực chất cũng từng nương theo cách làm ấy. Chẳng hạn, khái niệm tác giả. Rất nhiều quan niệm đã được đưa ra. Nhưng có hai đặc tính chung mà hầu như quan niệm nào cũng nhắc tới là tính nhất quán (sự nghiệp văn chương dẫu đa dạng như thế nào cũng chỉ của một người với lai lịch riêng), và tính độc sáng (có cá tính sáng tạo riêng, không lẫn với bất cứ ai). Tuy cả hai đặc tính ấy đều bị vi phạm ít nhiều bởi một số hiện tượng. Lại là những hiện tượng nổi bật, nhiều người đều biết. Như F. Pessoa B. Brecht. Dịch giả đồng thời là nhà nghiên cứu Diễm Châu có bài viết Fernando Pessoa và người thầy của ông, giới thiệu khá tỷ mỷ về nhà vãn đặc sắc này.  F. Pessoa là thi sĩ lớn nhất và đặc biệt nhất của Bồ Đào Nha. Sinh thời, dưới tên thực F. Pessoa, ông chỉ cho in một tập thơ nhỏ bằng tiếng Bồ và một vài tập thơ mỏng viết bằng tiếng Anh.

Tuy nhiên, ông sử dụng rất nhiều dị danh nhằm tạo ra nhiều sự nghiệp hoàn toàn khác nhau, nổi bật như Alberto Caeiro, Ricardo Reis, álvaro de Campos, Bernardo Soares, C. Pacheco,... Theo F. Pessoa, “tác phẩm viết bằng biệt hiệu là tác phẩm của “chính con người” tác giả thiếu chữ ký tên thực của ông; tác phẩm dị danh là tác phẩm của tác giả “ở ngoài con người của ông”; ấy là tác phẩm của một nhân vật hay nhân cách hoàn toàn do ông tạo ra, cũng như những lời đối đáp của một nhân vật xuất phát từ một kịch bản sân khấu nào đó do tay ông viết ra”. Bởi vậy, những dị danh trên không phải là những biệt hiệu khác nhau của cùng một tác giả như ta thường thấy. Với từng danh hiệu, F. Pessoa đã “thực hiện” cả một tiểu sử, với quan niệm sống, nhất là bút pháp riêng, khác nhau và khác với chính ông, vì Fernando Pessoa còn viết dưới tên thực của mình! Có lẽ vì thế mà ông quyết định lấy tên là Pessoa - trong tiếng Bồ có nghĩa là “không ai cả” và theo từ nguyên còn có nghĩa là chiếc mặt nạ của các diễn viên sân khấu (La Mã). Ông đồng thời là tác giả của câu nói nổi tiếng: “Văn chương, như mọi hình thức nghệ thuật, là lời thú nhận rằng đời sống không đủ”. B. Brecht thì quan niệm về khái niệm tác phẩm rất đặc biệt. Với ông, tác phẩm có một ý nghĩa hoàn toàn phụ. Tác phẩm của ông cũng như của bất cứ ai đều không có giá trị tự thân mà chỉ có giá trị sử dụng - “giá trị tài liệu”, như ông nói. Tính tư hữu của tác phẩm bị bác bỏ. Ông bảo: “Vay mượn đôi chút ở người này hay người kia, chứng tỏ khiêm tốn: thật là không có tinh thần đồng đội nếu chỉ muốn riêng một mình mình tiến lên phía trước”. Là nhà cách tân kịch danh tiếng, ông dùng thuật ngữ stiicke (tiếng Đức nghĩa là mảnh, miếng, mảng, mẩu…) thay cho dramen để chỉ các vở kịch của mình. Sau này đã từng có hẳn một cuốn sách của J. Fuegi xuất bản năm 1995 phanh phui chuyện nhà viết kịch này ký tên mình dưới tác phẩm của kẻ khác. Ngày nay B. Brecht không còn gây nhiều ảnh hưởng như trước có lẽ là vì vậy.

Cần nhấn mạnh, những hiện tượng trên vẫn có thể xem là những trường hợp ngoại biệt, và về cơ bản không làm thay đổi nội hàm của khái niệm. Nhưng khi cố tình bỏ qua những hiện tượng đang có xu hướng trở thành phổ biến như văn chương mạng, các nhà lý luận tất sẽ rơi vào trạng thái tư duy phi biện chứng, thậm chí phản biện chứng, và thực chất đã để cho quyết định luận vừa thô thiển vừa đơn giản thống trị đầu óc. Nói như F. Engels, những người này “kiên trì bám lấy những tư tưởng không kém nghèo nàn của quyết định luận máy móc là thuyết, ngoài miệng thì phủ định mọi tính ngẫu nhiên, để trên thực tế, lại thừa nhận tính ngẫu nhiên trong mỗi trường hợp riêng biệt”. Hơn thế, quyết định luận còn “định thanh toán cái ngẫu nhiên bằng cách hoàn toàn phủ nhận cái ngẫu nhiên. Theo quan niệm đó thì trong tự nhiên, chỉ ngự trị có sự tất nhiên trực tiếp đơn giản thôi. […] Thừa nhận tính tất nhiên như vậy thì chúng ta không bao giờ thoát khỏi quan niệm thần học về giới tự nhiên được”.

Như vậy, việc tạo dựng một hệ thống lý luận văn chương như mong mỏi của chúng ta luôn là một công việc nặng nề và phức tạp. Với mỗi cá nhân và với cả đội ngũ. Bởi vì, như I. Kant còn nói: “Câu trả lời làm dấy lên những câu hỏi mới”. Tôi xin được phép kết thúc bài viết bằng câu nói thấu lý khác ấy của nhà triết học vĩ đại người Đức.

Tác giả: Phạm Quang Trung

Nguồn tin: Văn nghệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây