Phê bình Văn học - Tiếng nói người trong cuộc

Chủ nhật - 26/07/2009 11:33 2.639 0
Đưa ra một nhận định tổng quan về thực trạng phê bình văn học hiện nay không hẳn là tham vọng của cuộc đối thoại của báo điện tử Tổ Quốc với các nhà lý luận phê bình: Ngô Thảo, Phạm Đình Ân, Inrasara, nhưng có lẽ nó sẽ đem đến những khía cạnh văn chương mà nhiều người quan tâm.

Phê bình truyền thông đang lấn át phê bình hàn lâm

* Hiện có nhiều khái niệm phê bình văn học, nhưng đang nổi lên hai khái niệm là Phê bình hàn lâm và phê bình truyền thông. Theo ông thì sự ra đời của phê bình truyền thông có phải là tất yếu không? Những yếu tố nào tạo nên phê bình truyền thông?

Nhà văn Inrasara: Thế kỉ qua, phê bình văn học trên thế giới đã tiến những bước dài, phát

Nhà NCPBVH Inrasara
triển đa dạng với nhiều trào lưu lớn ảnh hưởng đến sáng tác và thưởng ngoạn văn chương. Phê bình đa dạng ở đối tượng, ở hình thức thể hiện và đa dạng cả ở góc nhìn. Dẫu tồn tại dưới hình thức nào, nhiệm vụ của phê bình văn học là đảm bảo một trong hai (hoặc cả hai) chức năng là: phát hiện cái đẹp và quy phạm hóa cái đẹp. Nếu chức năng trước liên quan đến sự phụ thuộc vào tác phẩm, nghĩa là phê bình luôn đi sau sáng tác, thì chức năng sau nhấn về việc “lập thuyết”, một dạng phê bình khả năng dẫn đạosáng tác. Hai chức năng này song hành tồn tại thúc đẩy sự phát triển của một nền văn học.

 

Giản lược hai “khái niệm” phê bình truyền thông và phê bình hàn lâm như thế, ta dễ dàng nhận ra hiện nay ở Việt Nam, phê bình truyền thông đang chiếm ưu thế. Và nó là “tất yếu”, nếu bạn muốn dùng từ này. Bởi nó nhanh nhạy trước thời sự văn chương: tác phẩm vừa ra đời, sự kiện vừa xuất hiện, vấn đề mới vừa đặt ra; người đọc cần đến phản ứng của nhà phê bình, cạnh đó nhà phê bình cũng muốn “định hướng” dư luận.

Nhà văn Ngô Thảo: Sự ra đời của phê bình truyền thông là tất yếu và đều là hình thức hoạt động bình thường của sự phát triển xã hội. Ngày xưa rất ít sách báo, mỗi năm chỉ có khoảng 10 cuốn tiểu thuyết thì phê bình nó trọng tâm hơn, còn giờ tràn lan giữa một biển sách mênh mông thì cần có những người hướng dẫn cho người ta đọc. Còn những yếu tố tạo nên phê bình truyền thông là có thị trường sách vở năng động, có phương tiện truyền tải rộng rãi, và công chúng có nhu cầu đọc nên người ta chờ đợi, cần có lựa chọn giúp, mỗi người sẽ chọn cho mình một kênh, không ai đọc tràn lan cả. Nhiều tờ báo đã xây dựng được uy tín của mình, nếu giới thiệu được cuốn sách tốt. Dù sự không khách quan không làm mất đi tính trung thực của người giới thiệu sách.

Nhà văn Phạm Đình Ân: Theo tôi thì bất cứ hoạt động nào nó cũng phụ thuộc vào lịch sử và tuân theo dòng chảy của lịch sử của thời gian, của sự phát triển nhân loại. Hoạt động truyền thông, trong đó có văn học trên thế giới có từ lâu rồi, nhưng đến Việt Nam là muộn. Lâu nay hoạt động phê bình văn học nghệ thuật chúng ta quen với báo viết, báo in nên người ta thường hiểu cách chung là hàn lâm, tất nhiên trước khi có truyền thông - hiểu theo nghĩa đại chúng, nhanh và mang tính hiện đại về phương tiện thì bây giờ tương đối rõ nét. Thực ra yếu tố truyền thông nó có từ trước đây rồi, ở dạng phê bình báo chí. Từ khi có báo mạng nó làm cho yếu tố truyền thông từ trước rõ nét hơn và bước hẳn vào một lĩnh vực mới, tách đôi ra phê bình hàn lâm và phê bình truyền thông, chúng ta phải chấp nhận. Và phê bình truyền thông tất yếu xảy ra. Tuy nhiên ngay cả khi có văn hoá mạng thì phê bình văn học nghệ thuật của ta nó cũng nghiêng nhiều về phía hàn lâm vì vẫn nghiêng về in, về sách, dù có một phần về đại chúng, có phần về tân văn báo chí.

Yếu tố tạo nên phê bình truyền thông là dân chủ hoá xã hội, đa dạng hoá phê bình, dân chủ hoá phê bình, toàn cầu hoá phê bình.

* Nhưng cũng lại có ý kiến cho rằng, phê bình là khoa học nên chỉ tồn tại Phê bình Hàn lâm. Ý kiến của ông như thế nào?

Nhà văn Inrasara:  Cộng đồng văn học có nhiều bộ phận: người sáng tác, nhà phê bình và độc giả; ở mỗi bộ phận tồn tại nhiều “loài” khác nhau. Trong tham luận tại Hội nghị lí luận - phê bình của Hội Nhà văn Việt Nam tại Đồ Sơn, tháng 10-2006, tôi đã thử phân loại nhà thơ làm ba nhóm.

Nhóm làm vần phục vụ đại chúng: gồm các nhà thơ phường xã, câu lạc bộ thơ hưu trí, thơ báo tường,… Loại thơ ưa chuộng là thể thơ cũ, lục bát đậm đà bản sắc, thơ có vần điệu êm tai, dễ lưu truyền và dễ nhớ.

Nhóm tiếp hiện viết phục vụ cho vài bộ phận độc giả chọn lọc hơn. Nhóm này luôn ở tư thế tiếp nhận và thể hiện các thành tựu gần. Họ sáng tác vừa với tầm mong đợi của đại đa số độc giả đương thời, bằng cách mở rộng và khuếch trương thành tích hôm qua của thế hệ trước đó.

Nhóm sáng tạo là kẻ luôn trên đường phiêu lưu khai phá, thay đổi và làm mới. Họ sẵn sàng làm mếch lòng độc giả đã từng yêu mến họ, kiếm tìm bộ phận độc giả mới, khác. Bởi họ dám thay đổi cách viết, thay đổi cả mĩ học sáng tạo.

Có thể áp dụng lối phân loại đó với “nhà” phê bình: nhà phê bình đại diện cho thị hiếu chung của xã hội, nhà phê bình phát hiện cái mới khác trong sáng tác đương thời, và nhà phê bình lí thuyết mang yếu tính khai mở hướng đi mới mà kẻ sáng tác đương thời chưa với tới.

Sự tồn tại của họ có lí do chính đáng của nó. Và tất cả đều có ích cho cộng đồng và cho sự phát triển của văn học.

Nhà văn Ngô Thảo:  Thật ra khoa học là nói về lý thuyết chứ ở đời không có một khoa học

Nhà LLPBVH Ngô Thảo
trần trụi nào hết, lý luận cũng vậy thôi, lý luận chẳng qua là những thứ khung, hình người ta khái quát ở trên một hiện tượng trong một tập thể tác phẩm nào đó. Nhưng tất cả những thứ đó không có ý nghĩa lớn lắm đối với người đọc. Người đọc luôn cần cái mới, cái khác, cái lạ. Còn nếu biết toàn bộ sẽ khuôn tròn trong một giới hạn thì chả ai đọc. Vừa muốn nó đẹp vẻ đẹp lý tưởng vừa muốn nó luôn luôn khác là điều khó nhất của người sáng tạo. Người phê bình là người đọc trước cho nên chỉ ra cho người đọc cái này có cái gì mới, có cái gì lạ, khác hay là cái nhanh nhạy của người phê bình.

 

Nhà văn Phạm Đình Ân:  Đây là hiểu theo nghĩa hẹp, phê bình theo tôi về mặt chất lượng phê bình hay phương tiện phê bình càng ngày càng đòi hỏi chất lượng cao, chuẩn hoá và tiến tới chuyên nghiệp hoá, nó không đồng nghĩa phương tiện truyền tải. Tôi nghĩ ngay cả phê bình truyền thông thì nó vẫn đòi hỏi chất lượng cao, chứ không phải vì phương tiện truyền tải mà giảm đi chất lượng. Hiện nay chúng ta đang chấp nhận sự lẫn lộn giữa văn học trên mạng và văn học của mạng. Ví dụ trên các phương tiện truyền thông truyền tải đầy đủ các phần của tác phẩm phê bình chất lượng cao thì đó cũng là hàn lâm chứ.

* Lật ngược lại vấn đề, với tình hình hiện nay còn quá nhiều việc phải làm để cứu vãn sự mờ nhạt của lý luận phê bình, trong khi truyền thông lại phát triển với nhiều ưu điểm của mình, như vậy có nguy cơ nào để phê bình truyền thông lấn át phê bình hàn lâm không?

Nhà văn Inrasara:  Bởi phê bình hàn lâm trong giai đoạn qua vừa lạc hậu vừa yếu đuối, nên nó bị phê bình truyền thông lấn át thì không có gì phải phiền trách cả.

Lạc hậu, do thiếu tư tưởng để khả năng dẫn đạo sáng tác đã đành, ngay nhiệm vụ đảm đương chức năng thứ nhất thôi, nó cũng ít khi phát hiện ra cái đẹp mới của các sáng tác đương đại. Phát hiện, bảo vệ và qui phạm hóa chúng.

Hoài Thanh với Thi nhân Việt Nam đã công lớn trong việc phát hiện cái mới, cái đẹp trong Thơ Mới. Qua đó ông đã qui phạm hóa cái đẹp của Thơ Mới mang nặng yếu tố hậu lãng mạn chủ nghĩa với sự biểu hiện độc đáo của cái Tôi chủ quan. Qui phạm này đã ảnh hưởng không ít đến sáng tác và phê bình giai đoạn sau. Ông làm được chuyện đó ngay khi phong trào Thơ Mới chưa kết thúc. Còn hôm nay, thơ đổi mới đã xong phận sự, hỏi có độc giả nào cầm trên tay tác phẩm phê bình để nhận diện được thơ đổi mới Việt Nam? Thơ đổi mới thôi, chứ chưa nói đến thơ hậu đổi mới!

Lạc hậu dễ dẫn tới yếu đuối. Không ít nhà phê bình hàn lâm cứ muốn lấn sân phê bình truyền thông: rời bỏ nhiệm sở để viết bài điểm sách (muôn đời vẫn là “phát hiện” cái mới cũ), phê bình thực hành với những ngón cũ xài lại, vân vân…

Nhà văn Ngô Thảo:  Chúng ta có Viện Văn học, có Hội đồng lý luận phê bình TW, có Ban Lý luận Phê bình trực thuộc Hội Nhà văn là nơi làm phê bình hàn lâm. Dù thời gian qua phê bình truyền thông có điều kiện để phát triển, nhiều khi thực chất là những bài quảng cáo, PR thôi. Nhưng không thể trách từng cá nhân một.

Nhà văn Phạm Đình Ân: Quả nhiên khi chúng ta chấp nhận sự tồn tại của phê bình truyền thông thì đối tượng phục vụ truyền thông là rất rộng rãi, dễ tiếp cận và dễ chiều lòng bạn đọc. Nhưng nói như thế không có nghĩa phê bình truyền thông không có tính hàn lâm, không chuyên nghiệp. Và rõ ràng truyền thông trong nhiều trường hợp nó dễ dãi và có lấn át trong phạm vi nào đấy.

Tại sao hiện nay chúng ta phải chấp nhận phê bình truyền thông, vì bên cạnh phê bình còn có hoạt động phê bình, cái này nó khác sáng tạo văn chương, chỉ khi nào thành bài thơ, thành truyện ngắn thì người ta mới coi đó là tác phẩm. Nhưng hoạt động phê bình thì khác, một hay vài ý kiến trong hội thảo dù không viết thành tham luận, thành bài nhưng có học thuật cũng được coi là hàn lâm, hay báo chí ghi lại với khoảng 100 chữ thì cũng là phê bình chứ. Như vậy để thấy hoạt động phê bình là các bài phê bình, ý kiến phê bình, ý kiến trao đổi, trả lời phỏng vấn… Sự có mặt của phê bình, phong phú nhiều vẻ hơn sáng tác và không dừng ở văn bản, nên không thể căn cứ hàn lâm hay truyền thông ở bài viết cụ thể. Hàn lâm hay không là ở chất lượng của vấn đề nêu ra, chứ không phải phương tiện truyền tải.

* Nếu một nền phê bình chỉ phát triển ở Phê bình Truyền thông thì có đáng lo ngại không?

Nhà văn Ngô Thảo: Trước đây văn học nghệ thuật là cái kênh để người ta tiếp cận với công chúng, bây giờ ngoài văn học nghệ thuật ra có rất nhiều kênh khác mà không cần qua văn học nghệ thuật để đến được với công chúng, nên tự nhiên vai trò của văn học nghệ thuật không còn quan trọng nữa, dù trong suy nghĩ của mọi người vẫn nghĩ nó là quan trọng lắm. Vì thế cũng không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên một nền văn học mà không có phê bình thì chưa phải văn chương chuyên nghiệp.

Nhà văn Phạm Đình Ân: Chỉ phát triển truyền thông thì không được, đã là phê bình thì cái nền tảng cốt lỗi và lâu dài của nghệ thuật học nó cần tính hàn lâm.

 

Phác thảo phê bình văn học hiện nay

* So sánh lý luận phê bình của những nhà lý luận phê bình thế hệ trước với hiện nay, ông thấy có gì khác biệt?

Nhà văn Inrasara: Có vài khác biệt lớn. Ở đó bao nhiêu thuận lợi và thách thức. Thứ nhất, nhà phê bình hôm nay có cả không gian rộng lớn để thể hiện mình. Họ có thể gửi bài viết đến các tạp chí nước ngoài hay đăng trên mạng Internet. Tiếp, khi sáng tác đương đại hết quẩn quanh trong ao đầm vài hệ mĩ học cũ kĩ mà đã mở rộng đến vô cùng; bao nhiêu trào lưu, bao nhiêu tác phẩm mới lạ thuộc các hệ mĩ học khác nhau xuất hiện buộc nhà phê bình phải nhanh nhậy nhìn nhận và đánh giá vừa kịp thời vừa trúng nhịp. Cuối cùng, trong thế giới mở, khi tiếp cận các lí thuyết văn học, nhà phê bình cần chọn thế đứng, để qua bài viết và tác phẩm của mình có thể khai phá con đường cho người viết ở thì tương lai, từ đó góp phần mình vào sự phát triển của văn học.  

Nhà văn Ngô Thảo: Chúng ta vừa kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hoài Thanh, thời ấy vừa có cái khó lại vừa có cái dễ. Khó là trước ông không có ai, chưa nhiều hệ thống lý thuyết. Dễ là chúng ta lúc đó có nền văn học đang phát triển, mỗi hôm lại xuất hiện một người, hôm thì ông Thế Lữ, hôm thì ông Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu… là những người rất khác nhau, như cánh đồng mới được gieo mà mỗi người như một thứ cây mọc lên. Với Hoài Thanh bằng tất cả nhạy cảm của mình phát hiện cái nào mới, cái nào hay…

Nhà văn Phạm Đình Ân: Phê bình văn học thường gắn với phát triển xã hội, vào thực tế của

Nhà PBVH Phạm Đình Ân
văn chương và thực tế vận động của xã hội. Dù tiêu chuẩn gì để phê bình thì lại phải căn cứ vào kiến thức học thuật, vào xã hội. Càng ngày phê bình càng khó hơn, thiếu ổn định hơn. Trước đây phê bình dù tính hàn lâm không cao nhưng nó mang tính ổn định cao, ít bị phá vỡ. Bây giờ làm phê bình rất khó ở chỗ, tính ổn định kém, do hoàn cảnh xã hội biến đổi nhanh chóng nhiều khi khó đoán định. Thứ nữa là, càng ngày kiến thức của thế giới vô cùng nhiều mà các nhà lý luận phê bình khó tiếp cận hết được. Trong khi sáng tác của chúng ta khá đa dạng và nhiều vẻ, nhiều chiều hướng khiến các nhà phê bình không đủ sức.

 

* Như vậy, những người theo đuổi lý luận phê bình vốn đã ít, lớp trẻ lại càng ít hơn, vì sao lại có chuyện này?

Nhà văn Inrasara: Đơn giản bởi lí luận phê bình thì “khó” hơn sáng tác: nhà phê bình phải chịu “khó” đọc hơn (không đọc, bạn lộ ngay cái dốt), tác phẩm khó nổi tiếng hơn, và nhất là con người khó (dễ) thương hơn.

Nhà văn Ngô Thảo: Thật ra phê bình phải là công việc của người trẻ, ở độ tuổi 20 -30, còn nghiên cứu thì cần già. Bởi vì người trẻ nhanh nhạy, cảm xúc mới mẻ. Ngay như Hoài Thanh bước vào phê bình cũng trẻ lắm. Thuở chúng tôi làm phê bình cũng rất trẻ, 40 đã bị coi là già rồi. Còn hiện nay phê bình không còn hấp dẫn lớp trẻ là do văn chương của chúng ta thiếu lý tưởng. Ngay người sáng tác nhiều khi không biết mình sáng tác vì cái gì thì nhà phê bình không biết nên nhìn nhận cái gì.

Nhà văn Phạm Đình Ân: Tôi cho rằng không phải tất cả lớp trẻ, mà chỉ một số. Vì họ có tài và nhiều việc làm trong các hoạt động khác thực tế hơn như: công nghiệp, kỹ thuật, kinh tế, ngoại giao… vì họ cho rằng kiếm tiền dễ hơn, đem lại niềm vui nhiều hơn. Nếu ở lĩnh vực sáng tác thì có thể dễ hơn vì đó là dịp để bộc lộ tâm sự của mình về kỷ niệm cá nhân, sáng tạo riêng tư mà ở các lĩnh vực khác họ không bộc lộ được. Còn làm phê bình thì phải am hiểu học thuật và đời sống, phải đọc nhiều, lao động quá khứ rất khó nhọc.

* Nhân nhà phê bình Ngô Thảo nhắc đến nhà phê bình Hoài Thanh, chúng tôi xin hỏi vê nhận định: Nhà phê bình Hoài Thanh khi đứng trước một tác phẩm thì ông dành chủ yếu cho “bình” mà ít thấy “phê”, vậy ông đánh giá thế nào về cách phê bình này và hiện nay có phù hợp không?

Nhà văn Inrasara:  Theo tôi, đó chỉ là lối nói. Dù không đậm, nhưng đây đó trongThi nhân Việt Nam, ông vẫn “phê”: Nguyễn Vỹ, Hàn Mặc Tử… chẳng hạn. Còn lại, phê bình của Hoài Thanh ý hướng thưởng ngoạn cái đẹp của văn chương và gợi ý người đọc thưởng thức văn chương theo “định hướng” ấn tượng chủ quan của mình. Lối phê bình đó không bao giờ hết thời. Khía cạnh hữu ích của nó vẫn đáng được lưu dụng. Nhưng trong tiến trình văn học hôm nay, cần trả lại cho nó vị trí khiêm tốn như nó đáng có.

Nhiệm vụ của nhà phê bình - một nhà phê bình truyền thông với lợi thế của mình - là dám và biết chỉ ra những lạc hậu, lỗi thời, mấy đụng hàng hay ngộ nhận; biết khám phá cái mới và bày chúng ra cho người đọc thấy. Chỉ như vậy thôi, ông/ bà ta mới đóng góp phần việc mình trong tiến trình (văn học như một tiến trình); nếu không nhà phê bình chỉ là cây viết xu thời, kẻ vuốt đuôi ba phải hay tên nô lệ hoặc tù nhân của hệ mĩ học lạc hậu.

Nhà văn Ngô Thảo: Tất cả các lối phê bình nó đều có quyền tồn tại như nhau, chỉ có điều những người tự cho mình là đau khổ thì luôn luôn tìm những nhược điểm của người khác, còn có những người sung sướng thì luôn luôn cho mình cái quyền thấy người đẹp thì ngắm, thấy xấu thì tránh đi, thấy vài văn hay thì đọc. Chứ còn không vì bài phê bình của ai mà tác giả sửa, xưa nay chưa ai sửa tác phẩm vì phê bình cả. Vì tác phẩm văn học đã ra đời là xong việc của nó rồi. Bây giờ không phải ai cũng ao ước tất cả thành ông Hoài Thanh, cũng không phải ao ước cứ nhà phê bình là phải phê bình. Phải biết tâm lý tiếp nhận của công chúng là vô cùng, cùng một vấn đề được đưa ra có người thích, người không thích. Nhưng chính cái điều không thích ấy mới thật là niềm hạnh phúc. Thế nên nếu một tác phẩm phê bình ra đời có nhiều ý kiến vẫn là điều tốt. 

Nhà văn Phạm Đình Ân: Hoài Thanh có kiểu phê bình ấn tượng lấy “bình” là chính mà ít “phê”, ông cho rằng, văn chương phải tìm thấy cái đẹp mà khen. Đã là sai, là kém thì còn gì văn chương nữa, để ý làm gì. Quan điểm này cũng có phần đúng, tất nhiên chưa phải đầy đủ hoàn toàn. Nhưng bản thân tác phẩm tồn tại như một sinh thể, nó có phần ưu, phần khuyết, bình là cần thiết, nhưng cần phải có những điều chỉnh thì mới đầy đủ hoạt động phê bình hôm nay.

* Một nhà phê bình từng cho rằng phải có tác phẩm văn học hay, hoặc “có vấn đề” mới kích thích các nhà phê bình. Vậy phải chăng các nhà phê bình của chúng ta hiện nay đang “ngồi chờ”?

Nhà văn Inrasara: Phê bình văn học Việt Nam thiếu tư tưởng nên mãi ăn theo sáng tác, chịu phận làm nô bộc cung cúc tận tụy cho người viết. Từ đó ta hay có lối phát biểu khá lạc hậu là: bởi chưa có sáng tác hay nên nền phê bình ta dậm chân tại chỗ. Nói phê bình “ngồi chờ” sáng tác là chưa rốt ráo. Phê bình vẫn có khả năng gợi mở, thậm chí - dẫn đạo sáng tác, nếu đó là phê bình lí thuyết, phê bình đặt trên nền tảng mĩ học mới, hay ít ra là nền mĩ học phi-cũ. Tiếc là loại phê bình này mới manh nha ở Việt Nam. Đó chính là một hình thức phê bình mang tính tư tưởng sẵn sàng đánh đổ và cho lưu kho các hệ mĩ học từng thống ngự nền văn học trước đó, một phê bình mang ở tự thân khả tính làm thay đổi và mở rộng cách đọc và nhìn nhận của chúng ta về văn học. Phê bình như thế làm chùn bước các nhà phê bình ngoan cố trụ lại nơi căn cứ địa thẩm mĩ lỗi thời, gây bất an cho những người viết còn ẩn nấp trong túp lều quan niệm sáng tạo cũ.

Nhà văn Ngô Thảo: Không, bây giờ chả nhà phê bình nào “ngồi chờ” cả.

Nhà văn Phạm Đình Ân: Đấy cũng có phần đúng, vì phê bình có hai việc là gợi mở cho văn chương, tạo hứng khởi cho người viết, nuôi dưỡng thị hiếu người đọc, nhưng trách nhiệm lớn nhất vẫn là anh nhìn tác phẩm đang tồn tại, mới ra để nhận xét, bình phẩm để độc giả hiểu được cái hay, cái đẹp của văn chương.

Tác phẩm là đối tượng hướng tới chủ yếu của phê bình còn các phần khác cũng quan trọng như hướng dẫn người đọc, định hướng tương lai nhưng ở ta chỉ là một phần thôi.

 

Cơm áo (càng) không đùa với phê bình

* Tham gia vào lĩnh vực lý luận phê bình văn học, vậy bài phê bình đầu tiên của ông ra đời năm bao nhiêu? Nếu chỉ đơn thuần làm lý luận phê bình văn học thì từ bấy đến nay ông có sống được với nghề không? Thời gian để hoàn thành một bài viết của ông là bao lâu?

Nhà văn Inrasara: Đó là bài giới thiệu tập thơ Xáo chộn trong ngày của Bùi Chát, được viết trong chưa đầy một buổi, đăng trên Tienve.org vào mùa xuân 2003. Ở đó tôi nêu bật vài điểm mấu chốt của tập thơ sáng tác trong cảm thức mĩ học mới:

“Đừng đòi hỏi ngôn từ đẹp đầy tính “văn chương” trong tập thơ này, thứ ngôn từ lâu nay thiên hạ cứ nghĩ thế mới là thơ, thơ đích thực. Ngôn ngữ Bùi Chát là lời nói hàng ngày của người hẻm phố, hơn nữa - tầng lớp dưới đáy xã hội, có lẽ. Không dừng lại ở đó, Bùi Chát còn cố ý đẩy ngôn ngữ thơ mình đến tận cùng của thường nhật, mặt trái của thường nhật: mảnh vụn hơn, manh mún hơn nữa - nó ở bên kia cõi xa xỉ trí thức…

Thứ thơ rác [rưởi] đặc hiệu này lần đầu xuất hiện ở Việt Nam, có lẽ. Nó mang trong mình làn gió thối thổi vào không khí thơ chúng ta. Nó buộc chúng ta quay lại nhìn nó. Và nhìn lại cả mình nữa! - Lâu nay, mình có quá thơm, quá diêm dúa lắm không!?”

Sau đó “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn”, tham luận đọc tại Đại hội Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, tháng 3-2005, được viết sau cả tháng tìm và xử lí tài liệu. Tại đó tôi muốn nhấn vào “khủng hoảng như một tín hiệu tốt lành”.

Cả hai bài đã tạo dư luận đáng kể.

Trong lúc bài trên đăng miễn phí trên mạng Internet thì bài sau được Ban Tổ chức Hội thảo trả 300.000 đồng. Nói thế để hiểu rằng vụ “nhà phê bình sống được với nghề” không khác nào chuyện hái sao trên trời. Dĩ nhiên phải trừ ra vài lính đánh thuê.

Nhà văn Ngô Thảo: Bài phê bình văn học đầu tiên của tôi hoàn thành năm 1961, lúc ấy tôi mới 19 tuổi, học năm thứ nhất của Đại học. Tôi chưa bao giờ sống được bằng phê bình cả mà sống chủ yếu bằng các nghề khác.

Tôi không có thời gian cố định để hoàn thành một tác phẩm, có cái chỉ nửa đêm là xong, có cái nửa tháng và có cái lâu hơn.

Nhà văn Phạm Đình Ân:  Những bài phê bình nhỏ nhỏ của tôi có lẽ lâu lắm rồi, còn bài nghiêm chỉnh, đáng mặt, ra tấm ra món thì từ năm 1980. Tôi không sống được bằng phê bình. Thời gian để hoàn thành, nghĩa là trực tiếp viết ra mất khoảng 1 tuần, nhưng cũng từng bài. Đó là lao động cộng vào phần nhiều của lao động quá khứ, của tích luỹ, còn lao động hiện tại không nhiều.

* Ngoài làm lý luận phê bình văn học ra, ông còn làm công việc gì khác không? Theo ông việc các nhà văn, nhà lý luận “sống” bằng nghề khác có phải là một trong nhiều lý do khiến phê bình của chúng ta nhạt nhoà không?

Nhà văn Inrasara:  Tôi sáng tác (thơ, tiểu thuyết) và nghiên cứu văn chương - ngôn ngữ Chăm là chính, làm phê bình chỉ là thế buộc. Khi thấy vài tác giả, nhóm tác giả, tác phẩm, trào lưu văn chương có tiềm năng nhưng bị giới truyền thông bỏ qua oan uổng hay bị ngược đãi bất công, tôi tự cho mình trách nhiệm nhập cuộc. Nhập cuộc bằng ghi nhận chúng, bày ra cái hay, cái mới của chúng đến với người đọc, truy tìm triết học trên đó loại thơ văn này nảy sinh và, nếu cần - biện minh cho chúng. Tôi gọi đó là phê bình lập biên bản. Là phê bình không chối bỏ một nỗ lực làm mới nào, trào lưu sáng tạo trên nền tảng hệ mĩ học nào bất kì; ứng xử công bằng và sòng phẳng với mọi tác phẩm, tác giả hay nhóm tác giả.

Dĩ nhiên làm nhiều việc như thế sẽ không thể “đảm bảo chất lương” ISO, trong khi phê bình thế giới hiện thời đang đi vào chuyên sâu. Nhưng hiện trạng văn chương Việt Nam buộc phải thế, không thể khác.

Nhà văn Ngô Thảo: Tôi từng làm việc ở các cơ quan nhà nước như: Viện Văn học, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Sân khấu, Giám đốc NXB Sân khấu… và bây giờ tôi đang làm việc cho một công ty truyền thông. Đó cũng là một lý do khiến phê bình chưa thật sự chuyên nghiệp

Nhà văn Phạm Đình Ân: Ngoài làm lý luận phê bình tôi còn làm báo Văn nghệ, mà theo như tôi biết thì chủ yếu những ai làm lý luận phê bình đều hưởng lương ở một cơ quan khác, còn làm lý luận phê bình chỉ là lấy nhuận bút ở các báo, các công trình. Chính vì thế mà nó thiếu chuyên nghiệp vì người ta không chịu trách nhiệm về mặt hành chính cơ quan nơi mình công tác chính.

* Với tình hình lý luận phê bình hiện nay, chúng ta nên làm gì và bắt đầu từ chính cá nhân hay những cơ quan chuyên ngành?

Nhà văn Inrasara: Bắt đầu từ chính nhà phê bình và từ tổng biên tập báo chuyên ngành.

Một nhà phê bình Nga (ở một bài trả lời phỏng vấn được dịch đăng trên báo Văn nghệ 2008, xin lỗi đã quên tên) đề nghị khá thực tế rằng mỗi nhà phê bình cần theo dõi khoảng trăm nhà văn mình yêu thích (nhiều hơn thì không kham nổi, còn ít hơn thì ông/ bà ta chưa đủ tầm là nhà phê bình). Cả nước cần mươi nhà phê bình như thế. Khi các nhà này “đấu tranh” với nhau, văn đàn chắc chắn sẽ sôi động lên. Sự thể rất có ích cho phát triển văn học.

Hỏi ở Việt Nam hôm nay, có nhà phê bình nào đã làm được công việc đơn giản đó: theo dõi sát sao 100 nhà văn “của” mình không? Và xin hỏi thêm: Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam đã sẵn sàng là diễn đàn cho cuộc đấu tranh kia chưa? Câu trả lời dứt khoát là: không và chưa! Chúng ta vẫn còn chưa có một diễn đàn đúng nghĩa. Các cuộc trao đổi văn học mấy năm qua chỉ là thứ cãi cọ vụn vặt, không rốt ráo, do đó chẳng đi tới đâu. Thì làm sao văn chương Việt Namcó thể phát triển. Và nhà văn chúng ta hứa hẹn cho ra đời tác phẩm lớn?!

Nhà văn Ngô Thảo: Nên bắt đầu từ các Tổ

Tác giả: HIỀN NGUYỄN

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây