Huyền thoại về tác phẩm đầu tiên

Thứ năm - 15/10/2009 14:01 3.562 0

Huyền thoại về tác phẩm đầu tiên

Để có thể được mang cái danh xưng nhà văn, người ta buộc phải có sản phẩm văn chương (ở đây tôi tạm chưa bàn chuyện hay dở của sản phẩm). Và như vậy là, thế nào thì nhà văn cũng phải có tác phẩm đầu tiên - xin hiểu "đầu tiên" với cái nghĩa là lần đầu tiên, bằng việc công bố tác phẩm ấy, một bút danh văn chương đã xuất hiện trên văn đàn, trước mắt công chúng.

Trong phần lớn các trường hợp, cụm từ "đầu tiên" như vậy cũng bao hàm luôn nội dung rằng đó là sáng tác đầu đời, là lần chạm tay thứ nhất của một tác giả vào cánh cửa của ngôi đền thiêng văn chương. Vì nhiều lý do khác nhau, có những người chỉ chạm một lần, duy nhất một lần đó, rồi thôi (ví như nữ nhà văn người Mỹ Harper Lee, cả đời bà chỉ viết đúng một tác phẩm, tiểu thuyết "Giết con chim nhại", và tác phẩm đã trở thành một giá trị kinh điển của nền văn chương Mỹ hiện đại.

Tất nhiên, cần nói ngay rằng không phải ai cũng là Harper Lee: không ít người chỉ viết một lần và rồi cái lần duy nhất ấy nhanh chóng tan biến trong biển văn chương vô nghĩa). Có những người, sau lần chạm tay thứ nhất đó, đã tự tin bước tiếp, những bước đi khoẻ khoắn mạnh dạn, và họ làm nên được một văn nghiệp dày dặn, đáng nể. Cũng có những người khác, dù vẫn tiếp tục đeo bám văn chương, nhưng bước đi sau đó của họ chỉ là những bước đi vô thanh, vô ảnh, nó "lẩy bẩy như Cao Biền dậy non", nó bị cớm nắng, nó không thoát khỏi cái bóng của tác phẩm đầu tiên.

Dẫu thế nào chăng nữa, "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy" vẫn là thứ "ngàn năm không dễ mấy ai quên". Tác phẩm đầu tiên, giống như nụ hôn đầu tiên, giống như mối tình đầu tiên của một đời người. Có thể là ngọt ngào, có thể là cay đắng, thậm chí có thể là nực cười, nhưng vì là... đầu tiên, nên nó trở thành một kỷ niệm khó quên, một vết hằn thật đậm trong ký ức của nhiều người (nếu không muốn nói là tất cả). Tác phẩm đầu tiên, khá dễ hiểu, nó mang trong bản thân nó những hoài vọng văn chương của người viết vừa mới đặt chân vào đường sáng tác (xin lưu ý: thường là trẻ hoặc rất trẻ).

Những phập phồng run rẩy, những e ấp bỡ ngỡ, những ngây thơ ngờ nghệch, vẻ tươi tắn hồn nhiên và cả những xông xáo hừng hực, những hiếu thắng "coi trời bằng vung" rất đặc trưng cho tuổi trẻ đều được ghi dấu ở đây. Sau đó, theo cùng sự chảy trôi của năm tháng và những trải nghiệm đời sống ngày một dày dặn thêm lên của mỗi cá nhân người viết (tôi muốn nói tới những người viết vẫn đang viết), những cái đó thường bị gột rửa dần, mất dần, rồi mất hẳn. Vì thế với đa số nhà văn, tác phẩm đầu tiên là biểu trưng của một thế giới đã mất (tuổi trẻ, sự hồn nhiên, cái nhìn trong veo trước cuộc đời v.v...) và con người thì bất lực, không có cách nào để tìm lại thế giới đã mất ấy cho hiện tại. Họ khao khát nó, họ thèm muốn nó. Và họ phủ lên nó, từ điểm nhìn hồi cố, một thứ ánh sáng lấp lánh- có thể gọi đó là ánh sáng huyền thoại- hoặc diễn đạt cách khác, đó là sự huyền thoại hóa tác phẩm đầu tiên.

Theo quan niệm của nhà ký hiệu học lừng danh người Pháp Roland Barthes (trong sách "Những huyền thoại", Phùng Văn Tửu dịch, NXB Tri Thức, 2008), huyền thoại, không gì khác, là thứ che mờ bản chất của đối tượng trước cái nhìn nhận thức.

Trên thực tế, khá nhiều tác phẩm đầu tiên chỉ có ý nghĩa đối với bản thân tác giả hoặc những người lấy tác giả đó làm đối tượng nghiên cứu; còn với văn học sử, nó vô nghĩa. Hai nhà văn Nam Cao và Nguyễn Huy Tưởng là những ví dụ khá tiêu biểu cho trường hợp này. Những tác phẩm đầu tiên của hai nhà văn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại là thơ: với Nam Cao, là những bài thơ cuối mùa lãng mạn, sáo và nhạt; với Nguyễn Huy Tưởng, là những bài thơ về đề tài lịch sử còn xa mới có được khí thế hùng tráng như thơ lịch sử của Phạm Huy Thông. Hoàn toàn có thể khẳng định rằng kiểu tác phẩm đầu tiên như vậy có giá trị của những phép thử sai: nó cho người viết thấy con đường đi của mình không phải là ở đó, không phải theo hướng đó.

Nếu không có sự trả giá bằng những phép thử sai ấy- tôi giả định- chắc gì Nam Cao đã tìm thấy mình ở mảng những tác phẩm truyện ngắn đặc sắc (“Đôi lứa xứng đôi”, “Lão Hạc”, “Đời thừa”, “Một bữa no”...) và chắc gì Nguyễn Huy Tưởng đã làm nên dấu son trong văn nghiệp bằng một bi kịch "Vũ Như Tô", một tiểu thuyết "Sống mãi với thủ đô"...?

Nếu tác phẩm đầu tiên không phải là phép thử sai đối với nhà văn, có thể nó sẽ rơi vào một trường hợp khác: đó là bản nháp, là sự tập dượt để đi tới những tác phẩm có chất lượng cao hơn, những tác phẩm kết tinh một đời sáng tác, và biết đâu đấy, cũng là những tác phẩm khiến tác giả được ghi danh trong văn học sử. Có khá nhiều ví dụ cho trường hợp này.

Trong văn học Nga cổ điển, để nhấn mạnh tính chất sớm nở của thiên tài thi ca A. Puskin, người ta thường nhắc đến hai bài thơ trữ tình đầu tiên của ông, được viết khi nhà thơ chưa đầy 16 tuổi: "Gửi người bạn làm thơ" (1814) và "Những kỷ niệm Hoàng thôn" (1815). Bài thơ sau được Puskin trình bày trong kỳ thi lên lớp, trước thầy giáo và các bạn. Nhà thơ lão thành Dergiavin có mặt trong kỳ thi đó, nghe thơ Puskin, xúc động và đã nghĩ tới sự xuất hiện của một "Dergiavin thứ hai". Mặc dù vậy, hai bài thơ trữ tình này, cũng như khá nhiều tác phẩm khác sau đó, chỉ là những cuộc thử bút để Puskin tiến tới kiệt tác đích thực của mình: trường ca "Evgeni Oneghin", tác phẩm mà Puskin đã viết trong tám năm ròng (1823-1831) và được Belinsky coi như "bộ Bách khoa toàn thư của cuộc sống Nga".

Với nhà văn Nga vĩ đại F. Dostoyevsky cũng vậy. Ông công bố tác phẩm đầu tiên của mình, tiểu thuyết "Những kẻ đáng thương hại", vào năm 1845. Trước đó, ở dạng bản thảo, tác phẩm này đã được Nekrasov đọc thâu đêm, để rồi khi gấp sách phải thốt lên sung sướng: "Một Gogol mới đã xuất hiện!". Thế nhưng, như thực tế cho thấy, "Những kẻ đáng thương hại" chưa đủ tầm để Dostoyevsky trở thành vĩ đại. Phải chờ tới những tác phẩm ở giai đoạn sau - những kiệt tác, có thể nói vậy - "Tội ác và hình phạt", "Anh em nhà Karamazov", "Lũ người bị quỷ ám", "Chàng ngốc", Dos mới đích thực là Dos.

Trong văn học Việt Nam hiện đại, có thể thấy lại hiện tượng này qua lộ trình sáng tác của nhà thơ Chế Lan Viên và nhà văn Nguyễn Minh Châu. Tác phẩm đầu tiên của Chế Lan Viên, tập thơ "Điêu tàn" (1937), xuất hiện như "một niềm kinh dị" giữa bầu trời Thơ Mới, nhưng để làm nên một giọng điệu thơ, một phong cách thơ Chế Lan Viên chín muồi và "đóng đinh" trong văn học sử, phải đợi đến tập thơ "Ánh sáng và phù sa" của hơn hai mươi năm sau đó (1960), và đặc biệt là "Di cảo thơ" (xuất bản trong các năm 1992, 1993, nhưng được viết từ năm 1960).

Nguyễn Minh Châu, qua nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn, truyện vừa viết trong chiến tranh (giai đoạn sáng tác đầu tiên, trong đó tiểu thuyết "Dấu chân người lính" là tác phẩm có tiếng vang hơn cả), tuy vậy phải đến trước thời kỳ đổi mới đất nước (1986) ông mới thực sự trở thành hiện tượng bởi một loạt truyện ngắn mang chứa những bứt phá mạnh mẽ trong quan niệm nghệ thuật về con người (“Chiếc thuyền ngoài xa”, “Cỏ lau”, “Bức tranh”, “Mùa trái cóc ở miền Nam” v.v...). (Lấy tác phẩm đầu tiên của vài tác giả lớn kể trên làm ví dụ cho những bản nháp, bản thử để đi tới tác phẩm kết tinh một đời sáng tác, tôi muốn mở ngoặc đơn nhấn mạnh rằng đó đều là những bản nháp "sang trọng", những tác phẩm đầu tiên thuộc vào loại "hàng chất lượng cao".

Nói vậy cốt để thấy: nhiều hơn thế gấp bội là những tác phẩm đầu tiên tồn tại ở dạng mẫu số chung tầm thường, chúng không, hoặc ít, cho người ta cái nhìn hy vọng vào khả năng tác giả sẽ viết được một cái gì đó "đĩnh đạc", chứ chưa nói đến chuyện tác phẩm kết tinh trong mai hậu). Hiện tượng này thực ra khá dễ hiểu, cái quãng cách từ tác phẩm đầu tiên tới tác phẩm kết tinh là quá trình mà tác giả, bên cạnh tài năng văn chương có sẵn, đã không ngừng vận động, học hỏi, trải nghiệm, chiêm nghiệm, tự vật lộn, tự phủ định chính mình, và kết quả là anh ta "lớn lên" từ sự ma chiết đó.

Nhưng cũng không ít người lại quan niệm rằng trong sáng tạo văn chương, tuổi tác không hề là một yếu tố có ý nghĩa quan trọng. Họ chứng minh điều đó bằng việc dẫn ra rất nhiều tác giả đã nổi danh ngay từ tác phẩm đầu tiên, được viết khi còn rất trẻ. Quan niệm này càng có thêm sức mạnh khi quả thực, trong không ít trường hợp, tác phẩm đầu tiên ấy đồng thời là tác phẩm xuất sắc nhất của một đời văn.

Theo tôi, đây đích thực là một huyền thoại về tác phẩm đầu tiên: người ta đã ca ngợi yếu tố ngẫu nhiên, đã thần bí hóa cái gọi là "sự ban phát hào phóng của ông Trời" đối với một cây bút vừa mới chập chững bước vào đường sáng tác. Về bản chất, đây không gì khác hơn là sự ăn non cái "vốn tự có". Chính việc tác phẩm đầu tiên đồng thời là tác phẩm đáng kể nhất của một đời sáng tác, hay nói cách khác, chính việc nhà văn viết mãi mà vẫn không sao vượt được cái bóng của tác phẩm đầu tiên, thậm chí càng về sau càng đuối, là bằng chứng cho sự ăn non "vốn tự có" đó.

Quá nhiều trường hợp có thể dẫn ra làm ví dụ, song việc này có lẽ sẽ là sự xúc phạm không nên có đến người được nói tới. Vì vậy, tôi chỉ xin nhấn mạnh ở đây một ý, cho dẫu có bị "kết tội" là kẻ máy móc, duy ý chí: chừng nào chúng ta còn giữ quan điểm huyền thoại hóa tác phẩm đầu tiên theo cách như vậy, thì chừng đó chính chúng ta đang cổ vũ cho sự thiếu chuyên nghiệp trong lao động sáng tạo của nhà văn.

Viết văn là một nghề, tác phẩm văn chương là sản phẩm cụ thể của nghề viết văn. Một nhà văn chuyên nghiệp, trên một phương diện nhất định, phải là người ngày càng tinh thục với nghề, và sự tinh thục ấy thể hiện trong chính các sản phẩm văn chương của anh ta. Không thể gọi một nhà văn nào đó là chuyên nghiệp khi thời gian trôi đi mà anh ta mãi dậm chân tại chỗ, và tệ hơn, ngày một đuối dần, tụt dần so với khi mới vào nghề!

Đặt vấn đề huyền thoại về tác phẩm đầu tiên và cố gắng "giải huyền thoại" trong khả năng cho phép, tôi nghĩ đã chạm đến một câu chuyện khá thời sự trong đời sống văn chương hôm nay: câu chuyện về nhà văn trẻ. Trước những tác phẩm đầu tiên của các nhà văn trẻ, người ta thường gây ồn ào bằng những lời khen chê vội vã (khen thì đến mức tâng bốc mà chê thì đến mức vùi dập). Theo tôi, chúng ta chẳng thể nói trước được điều gì cả. Tác phẩm đầu tiên của các nhà văn trẻ hôm nay, đối với chính họ trong tương lai có thể là phép thử sai, có thể là bản nháp, có thể đã là cái ngưỡng mà rồi đây họ sẽ không thể vượt qua được. Tất cả đều có thể. Vậy tốt nhất là hãy cùng chờ đợi. Và, như ai đó triết lý một cách vui vẻ, hãy tìm thấy niềm hạnh phúc trong sự chờ đợi. Thế chẳng tốt hay sao?

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: CAND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây