Bảo Ninh với cuốn tiểu thuyết mới

Thứ tư - 24/02/2010 17:42 3.001 0

Nhà văn Bảo Ninh

Nhà văn Bảo Ninh
Gần 20 năm, sau khi tiểu thuyết "Thân phận tình yêu" (tức "Nỗi buồn chiến tranh") ấn hành, nhà văn Bảo Ninh sẽ cho ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ hai vào năm 2010. Đây là cuốn tiểu thuyết về chiến tranh, được kỳ vọng sẽ có sức hút lớn.

Nhất bản vạn lợi

Không ai biết được đích xác con số tái bản của Thân phận tình yêu trong gần hai chục năm qua, nhưng một số nhà văn cho biết, nó được tái bản khá nhiều lần ở trong và ngoài nước. Hơn thế, cho đến nay, đây là cuốn tiểu thuyết của một nhà văn VN được in nhiều nhất ở nước ngoài, có mặt ở khá nhiều thư viện của một số trường đại học danh giá trên thế giới. Có lẽ văn chương đương đại VN, chỉ có tác phẩm của Bảo Ninh và Nguyễn Huy Thiệp được nước ngoài in nhiều đến vậy.

Nói về tiểu thyết của mình, Bảo Ninh bộc bạch: “Nếu nói trong những năm qua, tôi chỉ sống bằng nhuận bút tiểu thuyết này thì không hẳn thế đâu. Tôi còn viết truyện ngắn, tùy bút, viết báo… nói tóm lại là sống bằng nghề viết. Nhưng cũng phải nói rằng, trong hơn một chục năm qua, tôi nhấm nháp, tiêu pha một cách rất khiêm tốn, đạm bạc số tiền nhuận bút kiếm được từ cuốn tiểu thuyết này, còn khoản lương “còm” ở Báo Văn Nghệ thì làm sao mà sống nổi hả mấy ông!”.

Hỏi kỹ Bảo Ninh tôi mới biết, mỗi lần Thân phận tình yêu được một NXB nào đó ở nước ngoài in là bạn bè thân tình với anh ở bên đó lại tìm đến, đòi cho kỳ được số tiền nhuận bút từ số sách được tái bản để gom góp gửi về cho anh. Thế thì Bảo Ninh sướng rồi, chí ít là anh có những người bạn chí tình với anh ở những chốn phù hoa xa xôi như vậy. Mới đây, nhà văn Chu Lai đã phát hiện một số cuốn tiểu thuyết của anh được in ở nước ngoài mà anh không hề nhận được một xu tác quyền nào, như thể nhà văn đã bị các “nhà sách” bên đó quỵt tiền nhuận bút.

Với Thân phận tình yêu, cứ vài năm, anh lại được đích danh một nhà sách hay một tổ chức phi chính phủ, một hiệp hội xuất bản nào đó ở nước ngoài mời sang chơi. Vậy là anh nhà văn chỉ sống bằng nhuận bút một cuốn tiểu thuyết lại được vi vút trời Tây theo kiểu “Nhất bản vạn lợi”. Nhưng tôi biết rằng, sống bằng nhuận bút theo kiểu ấy thì nhà văn Bảo Ninh cũng phải tùng tiệm, dè sẻn lắm mới đủ chi dùng cho gia đình anh trong thời buổi khó khăn này.

Và cái điều anh không nói ra thì bạn bè cũng đều biết cả. Khổ một nỗi, cứ mỗi lần bạn bè gọi đi nhậu thì Bảo Ninh không bao giờ chịu đến “suông”. Hôm thì anh xách theo chai rượu tây uống dở, hôm thì anh lại cố tình để ló ra mấy trăm ngàn đồng trên túi áo ngực theo kiểu “túi có đầy tiên” - hay “túi có tiền đây” làm bạn bè cứ ái ngại cho cái kiểu cách “nho nhã” đầy chất Hà Thành của Bảo Ninh.

Con nhà nòi và cuốn tiểu thuyết mới

Là con nhà nòi nhưng Bảo Ninh bước vào nghiệp văn khá thầm lặng. Rời quân ngũ cùng bộ đồ lính bạc phếch trên người, anh lang thang kiếm sống đây đó và chỉ đến khi ba của anh - GS ngôn ngữ học Hoàng Tuệ, dắt anh đến nhà người bạn thân là GS Hoàng Ngọc Hiến (Trường viết văn Nguyễn Du) thì cuộc đời Bảo Ninh mới bước sang một trang khác. Ngày ấy, dù điểm thi vào trường viết văn của Bảo Ninh là khá thấp, nhưng với con mắt xanh trong nghề văn của mình, GS Hiến vẫn quyết định nhận anh vào học. Có lẽ, ngay từ thời điểm ấy, ông đã phát hiện được một tài năng văn chương cho đất nước sau này.

Khi đọc những bản thảo truyện ngắn đầu tay viết về đề tài chiến tranh của Bảo Ninh, GS Hiến khuyên anh chưa nên công bố vội, hãy viết lại cho kỹ hơn và hay hơn. Quả không sai, chỉ sau đó một thời gian, ngay khi còn đang theo học dưới mái trường viết văn Nguyễn Du, bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tay Thân phận tình yêu đã được Bảo Ninh hoàn thành một cách xuất sắc và gây sự bất ngờ lớn với ngay cả người thầy đang dìu dắt anh là GS Hoàng Ngọc Hiến.

Ngay sau khi tiểu thuyết này được công bố, năm 1991, Bảo Ninh được trao giải thưởng của Hội Nhà văn VN và tên tuổi của anh lập tức gây sự chú ý của cả văn đàn trong và ngoài nước. Tâm sự về thành công bước đầu ấy, Bảo Ninh khiêm tốn: “Thật ra, đấy là sự ghi dấu của nền văn học VN thời đổi mới, thời kỳ văn học có những thay đổi sâu sắc nên một tác giả mới như tôi vẫn được chú ý”.

Dạo này Bảo Ninh thường xuyên tắt máy điện thoại di động, anh viết đơn xin nghỉ không ăn lương của Báo Văn Nghệ, nói là để tập trung cho sáng tác. Tôi giật mình khi có một bạn văn ở Báo Văn Nghệ cho biết, sau hơn một chục năm công tác ở đây, Bảo Ninh không quan tâm đến chuyện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và cả chuyện lương hưu. Đúng là một sự đãng trí của các nhà văn. Gặp nhau cách đây vài hôm, khi tôi hỏi chuyện này, Bảo Ninh cau mặt, gạt phắt đi “thì khối nhà văn làm nghề tự do vẫn sống đàng hoàng đấy thôi! Giờ là lúc tôi nghỉ việc để tập trung vào viết, có thế thôi!”.

Hôm sau, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn VN gặp tôi, đề cập chuyện này, ông cho biết, Hội đã đồng ý chuyển nhà văn Bảo Ninh từ Báo Văn Nghệ về biên chế của Ban sáng tác của Hội để bảo đảm quyền lợi cho anh.

Với Bảo Ninh, thời điểm này anh đang dồn trí tuệ và sức lực cho cuốn tiểu thuyết thứ hai viết về đề tài chiến tranh của mình. Anh nói mình khởi viết cuốn này vào đầu năm 2007, đến nay đã gần 3 năm và cuốn tiểu thuyết 300 trang đang bước vào phần cuối. Được biết, trong cuốn tiểu thuyết mới này, một phần cuộc chiến tranh VN cách đây hơn ba thập niên được tái hiện qua số phận nhân vật chính là một số người lính ngụy ở cả thời điểm trong và sau chiến tranh.

Khi bắt tay vào viết, Bảo Ninh cho rằng đây là cuốn tiểu thuyết khó viết nhưng nhà văn tin rằng với sự trải nghiệm, quan sát của mình trong thời gian trận mạc trước đây sẽ là một điều kiện thuận lợi. Một sự tình cờ, cuốn Thân phận tình yêu của anh cũng chỉ 300 trang văn mà đã làm nên một sự kiện văn học. Vậy sau gần 20 năm, liệu cuốn tiểu thuyết thứ hai của nhà văn Bảo Ninh có làm văn đàn nổi sóng như lần trước hay không? Chúng ta hãy đón đợi vào năm 2010 sắp tới.

Tác giả: Nguyễn Việt Chiến

Nguồn tin: Thanh Niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây