“Thế giới xô lệch” nhưng Bích Ngân vẫn “hiền lành”

Thứ sáu - 19/03/2010 21:37 2.457 0

Toạ đàm "Thế giới xô lệch" của Bích Ngân

Toạ đàm "Thế giới xô lệch" của Bích Ngân
Cuốn tiểu thuyết đến với tay bạn đọc trong những ngày cuối năm 2009. Gần 3 tháng là khoảng thời gian rất dài để người đọc có thể ‘thẩm định’ nội dung cuốn sách. Ngày 17/3 vừa qua, toạ đàm về “Thế giới xô lệch” đã thu hút rất nhiều những “độc giả” có tên tuổi ở cả 2 miền Nam - Bắc.
Các nhà văn tới tham dự toạ đàm đã đóng góp nhiều ý kiến: nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà văn Dạ Ngân, nhà văn Lý Lan, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan, nhà văn Khôi Vũ, nhà văn Mai Sơn, nhà văn Trần Thùy Mai, dịch giả Phạm Viêm Phương, dịch giả Nguyễn Lệ Chi, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn - nhà nghiên cứu văn học Nhật Chiêu; và các nhà văn nhà thơ trẻ như: Trần Nhã Thụy, Dương Bình Nguyên, Vũ Đình Giang, Phan Hồn Nhiên, Bùi Thanh Tuấn, Ngô Thị Hạnh, Võ Tấn Cường, Trương Trọng Nghĩa…

Dưới đây là ghi nhanh ý kiến của các “độc giả” đặc biệt này.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Tiểu thuyết “Thế giới xô lệch” cho thấy một Bích Ngân đã đạt đến độ chín, thể hiện được một sự cuốn hút hấp dẫn và nhập vào luồng tiểu thuyết mới viết về thế sự (như “Dưới chín tầng trời” của Dương Hướng, “Cuồng Phong” của Nguyễn Phan Hách). Vẫn là giọng văn của Bích Ngân nhưng tiểu thuyết của chị có những ý tưởng độc đáo và gây dư chấn sâu sắc.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan: Tiểu thuyết “Thế giới xô lệch” là một tác phẩm “5 không”: không cần có cốt truyện xây dựng quá qui mô; không cần có tên nhân vật cụ thể; không cần dùng từ Nam Bộ (dù tác giả là người quê ở Cà Mau); không cần có hơi hướng trào phúng (là thế mạnh của Bích Ngân); không cần có yếu tố sex. Vậy mà vẫn làm nên thành công của một tiểu thuyết đầu tay. Điều này quả là rất đáng ngưỡng mộ. Tác phẩm “xô lệch” bằng cách thể hiện một thế giới nội tâm từ ngay ngắn, đàng hoàng đã bị chuyển đổi thành ra đỗ vỡ, rạn nứt. Tiểu thuyết này phản ánh một chủ nghĩa nhân đạo, nhân hậu lạc quan rất đáng trân trọng.

Nhà văn Lý Lan: Ngôn ngữ của “Thế giới xô lệch” bình thường, không đao to búa lớn, không tỏ vẻ làm duyên làm dáng. Điều đó cho thấy không nhất thiết phải dùng ngôn ngữ cao siêu, to tát mới chuyển tải được những điều cao cả. Ngôn ngữ bình thường vẫn có thể nói được những điều sâu sắc, thầm kín như nhà văn Bích Ngân đã làm. Thông thường, một nhà văn nữ thường thể hiện tâm tư, tình cảm của mình qua nhân vật nữ trung tâm. Nhưng Bích Ngân lại chọn một nhân vật nam làm nhân vật trung tâm cho tiểu thuyết của mình để chia sẻ những tâm tư, trăn trở của mình. Một cách thể hiện rất độc đáo và một nhân vật nam cũng rất độc đáo!

Nhà văn Dạ Ngân: Một người phụ nữ viết văn thì trần ai biết bao, đặc biệt là tiểu thuyết. Đàn bà viết văn cực hơn đàn ông vì phải “phân thân” giữa trăm công nghìn việc. Họ như một người chèo thuyền trên biển, đến khi hoàn tất tác phẩm thì mới thở phào một cách nhẹ nhõm, thỏa mãn cùng sự phiêu lưu tự nguyện của mình với văn chương. Tiểu thuyết “Thế giới xô lệch” là một tác phẩm tiểu thuyết đầu tay của Bích Ngân. Do đó, tác giả dường như vẫn còn hơi chần chừ, do dự, rón rén trong sự triển khai. Đáng lẽ ra những nhân vật, số phận trong tiểu thuyết cần phải “xô lệch” hơn nữa thì tuyệt vời biết bao…

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Thế giới xô lệch”chỉ mới “xô” chứ chưa “lệch”. Bích Ngân đã chọn được ý tưởng hay, đặc sắc để triển khai nhưng chưa đẩy đến tận cùng. Ý đồ của nhà văn là dùng hình ảnh của một gia đình để khái quát hóa những tâm tư, những trăn trở nội tâm của mình. Chị mới chỉ “khẽ đẩy” chứ chưa dám đẩy đến tận cùng. Thế giới nội tâm trong tiểu thuyết của chị chính xác là “giữ cho khỏi xô lệch” chứ chưa phải “kê lại cho cân”. Dường như kết thúc của tác phẩm này chị muốn để giành, giữ lại cho một sáng tác sau này. Kết thúc chưa khiến tôi hài lòng.

Dịch giả Phạm Viêm Phương: Thủ pháp sử dụng một gia đình để thể hiện một xã hội, một giai đoạn lịch sử đã rất quen thuộc trong văn chương. “Thế giới xô lệch”có lẽ nói lên sự không cân đối, sự xô lệch trong con mắt của nhân vật tôi. Đoạn kết có vẻ chưa hoàn hảo vì chỉ mới gắn kết những con người xa cách lại với nhau, ở cùng nhau chứ chưa phải là toàn tâm toàn ý nhìn về một hướng tích cực.

Nhà thơ Võ Tấn Cường: Trong “Thế giới xô lệch”, Bích Ngân đã đưa ra một ý tưởng rất nhân văn với nhân vật “tôi”. Thế giới “xô lệch” không chỉ về nhân cách con người mà còn là sự mâu thuẫn, giằng xé giữa thể xác và tinh thần. Chính điều đó tạo ra sự day dứt và ám ảnh sâu sắc. Có nhiều nhà văn đã đào sâu miêu tả thế giới tiềm thức của nhân vật, chiều kích tâm hồn của con người. Bích Ngân đã tiếp nối dòng văn học tiềm thức này. Thông qua cái nhìn của nhân vật “tôi” và các mối quan hệ xã hội đã thể hiện một thế giới “xô lệch” về nhiều thứ: những ham muốn, toan tính, sự tha hóa tính cách… Thông điệp của cuốn tiểu thuyết này tập trung vào tính cách và chiều kích tâm hồn của nhân vật “tôi”. Bi kịch ở đây chính là bi kịch nội tâm. “Xô lệch” ở đây chính là “xô lệch” nội tâm của nhân vật.

Nhà văn Trần Thùy Mai: Tiểu thuyết “Thế giới xô lệch”của Bích Ngân cho thấy kết cấu truyền thống không có nghĩa là cũ. Một dáng vẻ “mộc” của văn chương không có nghĩa là không trang điểm, không có sự mới mẻ. Nhà văn Bích Ngân đã dùng một kết cấu truyền thống để thể hiện được rất nhiều cảm xúc và những điều sâu kín của nội tâm.

Nhà nghiên cứu văn học Phan Nhật Chiêu: Tiểu thuyết của Bích Ngân đã làm chúng ta ngạc nhiên vì độc giả đã vốn quen với những truyện ngắn của chị. Tác phẩm cho thấy cách giữ thăng bằng trong một thế giới xô lệch. Bích Ngân không chỉ nói về một thế giới ngả nghiêng, xô lệch mà còn nói về những con người có lòng nhân đạo - họ không quá “kéo căng” để làm cho thế giới sụp đổ. Gia đình là hình mẫu thu nhỏ thể hiện xã hội. Nếu xã hội bỗng dưng ngưng xô lệch, mọi thứ tự nhiên hiền hòa lại thì quả thật đó là một phép lạ. Tiếc là phép lạ không xảy ra. Thế giới vẫn cứ mãi… xô lệch! Giọng văn của Bích Ngân còn hiền. Tôi kỳ vọng một Bích Ngân có độ “xô lệch” sâu hơn, choáng váng hơn nữa.

Nhà văn Bích Ngân đã rất xúc động trước những tình cảm nồng hậu và những lời đóng góp chân thành của bạn bè và độc giả dành cho đứa con- tiểu thuyết đầu tay mà chị đã cưu mang trong suốt 17 năm qua. “Qua những điều sâu kín, mềm mỏng của mình, tôi muốn thể hiện một thế giới xô lệch và một cái kết hiền lành chính là lựa chọn riêng của mình để thể hiện thông điệp tình yêu, sự tha thứ sẽ xóa tan hận thù để gắn kết con người lại với nhau” - nhà văn Bích Ngân chia sẻ.

Bích Ngân có thể đã có một cái kết “tàn bạo” hơn cho cuốn tiểu thuyết đầu tay này. Nhưng với tạng người, tạng văn của mình, cuối cùng chị đã chọn “hiền lành” vì quá yêu thương người, quá yêu thương đời. Dù đời vẫn mãi hoài “xô lệch”…

Tác giả: Sỹ Hoàng

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây