Hội nghị Văn học trẻ TP.HCM: Chỉ có 35 đại diện nhà văn trẻ của TP.HCM được mời tham dự?

Thứ hai - 16/05/2011 23:08 4.080 0

Nhà thơ Phan Hoàng

Nhà thơ Phan Hoàng
Hội nghị những người viết văn trẻ của Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 28/5 tới được coi là Hội nghị đầu tiên dành cho người viết trẻ trong năm 2011. Mặc dù tại TP.HCM, một thành phố lớn, lực lượng người viết trẻ khá hùng hậu và 5 năm mới diễn ra Hội nghị một lần, nhưng số lượng người tham dự được mời chỉ có 35 người thì liệu có quá ít?
Để tìm hiểu thông tin về Hội nghị sắp diễn ra cũng như lý do vì sao Hội lại hạn chế số lượng tham dự, chúng tôi đã phỏng vấn nhà thơ Phan Hoàng - Trưởng ban Nhà văn trẻ kiêm phụ trách hoạt động truyền thông - báo chí của Hội.

PV: Anh cho biết Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ 3 của Hội Nhà văn TP.HCM đã chuẩn bị đến đâu rồi?

Nhà thơ Phan Hoàng: Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ 3 là một trong hai hoạt động trọng tâm của Hội Nhà văn TP.HCM năm 2011. Cho đến đầu tháng 5 này chúng tôi đã chuẩn bị về cơ bản công tác hậu cần, xác định địa điểm tổ chức, bản thảo tuyển tập thơ văn trẻ… và tất nhiên là dự kiến danh sách đại biểu, khách mời tham gia. Danh sách này vào thời điểm cuối mới chính thức công bố trên báo chí. Từ đầu năm đến nay Ban Chấp hành Hội cũng đã tiến hành 2 cuộc họp mà nội dung chủ yếu là để chuẩn bị cho Hội nghị này.

PV: Danh sách khách mời thì có thể đến thời điểm cuối mới công bố, nhưng tại sao đại biểu nhà văn trẻ cũng lại phải đợi đến gần phút cuối? Vì sao phải "bí mật" vậy?

Nhà thơ Phan Hoàng: Thực ra chẳng có gì bí mật cả. Hiện nay trong tay tôi đã có danh sách gần 100 cây bút trẻ đang sinh sống, làm việc, học tập tại TP.HCM. Hơn một nửa trong số đó ít nhất đã xuất bản một tác phẩm đầu tay. Có những cây bút chưa xuất bản cuốn sách nào nhưng có nhiều tác phẩm đăng tải trên báo chí và tên tuổi đã có chỗ đứng nhất định trong làng văn. Danh sách này được các uỷ viên Ban Chấp hành Hội, Ban Nhà văn trẻ, cá nhân các nhà văn hội viên và cả các cây bút trẻ tự ứng cử khi gửi tác phẩm về tham gia Tuyển tập Thơ văn trẻ thành phố Hồ Chí Minh (2006-2011).

Nói như vậy để thấy rằng lực lượng viết văn trẻ ở TP.HCM hiện nay khá hùng hậu. Chúng tôi muốn mời tất cả họ tham gia Hội nghị. Thế nhưng bất cứ vấn đề gì cũng có giới hạn của nó. Hội nghị này cũng thế. Do kinh phí Hội Nhà văn TP.HCM xin và cấp cho Hội nghị hơi eo hẹp, chúng tôi đang phải đi vận động thêm các nhà tài trợ. Vì vậy, theo dự kiến, Hội nghị chỉ có khả năng mời được 35 nhà văn trẻ TP.HCM và 10 nhà văn trẻ các tỉnh thành lân cận về tham dự. Nghĩa là phải cân nhắc kỹ đại biểu và khách mời. Và đây là điều thực sự đau đầu cho Ban Tổ chức. Nếu như xin được tài trợ thì số lượng đại biểu nhà văn trẻ được mời sẽ tăng lên. Đó là lý do chúng tôi công bố danh sách muộn.

PV: Có ý kiến cho rằng, nếu Hội Nhà văn TP.HCM công bố danh sách sớm, biết đâu có thể bổ sung một số cây bút trẻ, có cống hiến và những sáng tác tiêu biểu mà danh sách trước đó bỏ sót. Là Trưởng ban Nhà văn trẻ, anh nghĩ ý kiến này thế nào?

Nhà thơ Phan Hoàng: Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến này. Để tổ chức một Hội nghị 5 năm một lần trong điều kiện khó khăn, rõ ràng không thể tránh khỏi những thiếu sót. Tuy nhiên, chúng tôi có những tiêu chí của riêng mình. Trước hết là ưu tiên những nhà văn trẻ đã có tác phẩm xuất bản và có chỗ đứng nhất định trên văn đàn. Ưu tiên tiếp theo là những người nhiệt tình với công tác Hội, gửi bài về tham dự Tuyển tập Thơ văn trẻ và được chọn lựa in vào tuyển tập này. Sẵn đây tôi cũng xin nói thêm, lúc đầu do không có kinh phí nên dự định không in tuyển tập. Tuy nhiên, với sự kiên trì của Ban Nhà văn trẻ và nhờ nhà thơ Phạm Sỹ Sáu - Phó Chủ tịch Hội thuyết phục được ông Nguyễn Minh Nhựt- Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, nên tuyển tập này mới được tiến hành.

Theo dự kiến, khi đã hội đủ điều kiện tổ chức hội nghị như đã nói trên, chúng tôi sẽ công bố danh sách đại biểu nhà văn trẻ tham dự. Và tôi hy vọng số lượng không dừng ở con số 35 đại biểu như dự kiến.

PV: Chưa tiết lộ danh sách đại biểu nhà văn trẻ, nhưng anh có thể cho biết Hội nghị sẽ có những nội dung gì?

Nhà thơ Phan Hoàng: Điều này thì chẳng có gì bí mật. Hội nghị sẽ tổ chức một buổi chính thức tại Bến Nhà Rồng vào sáng ngày 28/5, với khoảng 70 đại biểu tham dự, trong đó có 35 đại diện nhà văn trẻ của TP.HCM và 10 nhà văn trẻ mời từ các tỉnh thành. Đầu giờ chiều cùng ngày, các nhà văn trẻ sẽ lên đường đi tham quan một số công trình tiêu biểu của thành phố, rồi về Cần Giờ tổ chức hội thảo văn học trẻ, khai mạc trại sáng tác trẻ và tham quan các thắng cảnh, di tích lịch sử ở đây. Đến chiều ngày hôm sau (29.5) thì Hội nghị sẽ bế mạc. Riêng 12 thành viên dự trại sáng tác thì tiếp tục ở lại Cần Giờ. Trại sáng tác này Hội phối hợp với Thành Đoàn tổ chức.

PV: Lần này Hội nghị có gì khác so với hai lần trước?

Nhà thơ Phan Hoàng: Là người may mắn góp mặt ở cả hai Hội nghị nhà văn trẻ TP.HCM trước đây, tôi thấy đội ngũ các nhà văn trẻ của thành phố luôn được bổ sung và ngày càng lớn mạnh. Với quan điểm hướng tới sự tươi mới, chúng tôi mong muốn hội nghị lần này giàu tính phát hiện, có sự tham gia của nhiều gương mặt hoàn toàn mới nhưng đã có tác phẩm bước đầu khẳng định mình thời gian gần đây. Có những người đã ngấp nghé tuổi tứ tuần nhưng mới xuất hiện trên văn đàn, tên tuổi còn xa lạ, hoặc đã từng viết rồi "ở ẩn" thời gian dài cho đến gần đây mới xuất hiện trở lại và tạo được dấu ấn. Cũng có những cây bút còn là sinh viên nhưng sớm thể hiện được tài năng và nhiệt huyết đối với văn chương. Dù sống chung một thành phố hay các tỉnh thành lân cận, nhưng các nhà văn trẻ ít có điều kiện gặp gỡ nhau, vì vậy chúng tôi cũng dành thời gian để họ giao lưu, trao đổi về cuộc sống và nghề nghiệp. Điều cốt lõi nhất là chúng tôi muốn qua Hội nghị, nhất là tại cuộc hội thảo, các bản tham luận sẽ nhận được nhiều phản biện của các nhà văn trẻ với nhau, để từ đó có thể học hỏi, chia sẻ và làm sáng tỏ nhiều vấn đề của đời sống văn học mà các bạn đang quan tâm. Nghĩa là sau mỗi tham luận tại hội thảo sẽ có phần thảo luận, chứ không chỉ có người này lên đọc xong rồi xuống để người khác lên đọc tiếp…

Đó là những sự khác biệt mà chúng tôi đang cố gắng hướng tới.

PV: Trong phần thông báo việc tập hợp và chọn lọc "Tuyển tập Thơ văn trẻ" (2006-2011) ngoài quy định các cây bút từ 40 trở xuống, ban tuyển chọn còn không nhận tiểu thuyết, và ở cuối có nói thêm "Các tác giả có tác phẩm được chọn in vào tuyển tập này được xem là ứng viên để ban tổ chức có thể mời tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần thứ 3". Điều này có đồng nghĩa với việc các cây bút trẻ viết tiểu thuyết sẽ vắng mặt tại Hội nghị? Hay Hội Nhà văn TP.HCM không khuyến khích các cây bút trẻ viết tiểu thuyết?

Nhà thơ Phan Hoàng: Đây là câu hỏi khá thú vị. Trên lĩnh vực văn xuôi, dường như không nhà văn nào trong sự nghiệp cầm bút của mình chỉ chuyên viết tiểu thuyết mà không hề viết truyện ngắn hay bút ký, tạp văn. Đối với các cây bút mới vào nghề ở TP.HCM, chúng tôi cũng chưa thấy tài năng nào thử nghiệm ngay với tiểu thuyết mà thường tìm cách khẳng định mình bước đầu bằng thể loại truyện ngắn. Bởi truyện ngắn dễ viết hơn, dễ đăng tải trên các phương tiện truyền thông hơn và cũng nhanh tiếp cận với bạn đọc. Mà giả sử có nhà văn trẻ tài năng nào chỉ chuyên viết tiểu thuyết mà tác phẩm đã được khẳng định thì chúng tôi nhất định sẽ mời bằng được họ tham dự Hội nghị.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là trong khuôn khổ của một tuyển tập thơ văn trẻ khoảng hơn 400 trang, nhằm chủ yếu phục vụ cho Hội nghị, nếu dành đất cho tiểu thuyết thì chắc phải tăng số trang lên ít nhất là gấp… 100 lần. Chính vì vậy, không thể nói Hội Nhà văn TP.HCM không khuyến khích các nhà văn trẻ viết tiểu thuyết, mà ngược lại chúng tôi đang cố gắng tìm đề cương, bản thảo tiểu thuyết tốt để đầu tư sáng tác, xuất bản và cả trao Giải thưởng Nhà văn trẻ hàng năm của Hội.

Nhân đây, tôi cũng xin nói thêm rằng, đây là Hội nghị do một hội nghề nghiệp là Hội Nhà văn TP.HCM đứng ra tổ chức, nên Hội sẽ không mời những cây bút nào không phù hợp với tiêu chí của Hội đề ra, hoặc có thái độ thiếu tôn trọng đối với tập thể Hội.

PV: Và độ tuổi nhà văn trẻ tham gia Hội nghị là bao nhiêu?

Nhà thơ Phan Hoàng: Từ 40 tuổi trở xuống. Có thể có một vài trường hợp đặc biệt trên 40 một chút.

PV: Đối với các nhà văn vượt quá tuổi quy định, trên 40 chẳng hạn, nhưng mới bắt đầu con đường viết văn có được coi là "nhà văn trẻ" không?

Nhà thơ Phan Hoàng: Khái niệm trẻ hay già tuỳ theo quan niệm của mỗi người. Có những nhà văn đã gần đất xa trời nhưng không bao giờ chịu mình… già. Lại có những cây bút mới xuất hiện vài ba tác phẩm trên báo chí cứ khệnh khạng như… cụ non. Bản thân tôi đã trên 40 từ lâu, cầm bút hơn 20 năm nhưng đến bây giờ vẫn luôn được gọi và giới thiệu là nhà văn trẻ. Đã trẻ thì thích chứ sao. Ấy là tôi nói về tuổi tác. Mà hội nghị nhà văn trẻ cũng chính là nơi dành cho những người tuổi đời còn trẻ. Tất nhiên có những người còn trẻ nhưng đã giàu kinh nghiệm viết lách, già dặn trên trang văn. Và cũng có những người cả đời cầm bút nhưng vẫn… non tay nghề. Vì vậy, những người tuổi đời trên 40 hay trên cả 70 mà mới bắt đầu con đường văn chương cũng có thể gọi là "nhà văn trẻ… tuổi chữ", chứ không thể là nhà văn trẻ tuổi đời được.

PV: Cảm ơn nhà thơ, chúc cho Ban Nhà văn trẻ sẽ tìm thêm được nhiều tài trợ để Hội nghị mời thêm được nhiều nhà văn trẻ tham dự!

Hiền Nguyễn
Theo Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây