Trần Minh Hợp: Tôi rất hứng khởi khi viết về người lính

Thứ ba - 19/07/2011 04:59 3.947 0

Trần Minh Hợp: Tôi rất hứng khởi khi viết về người lính

Trần Minh Hợp thuộc lứa tác giả trẻ tuổi nhất có tác phẩm xuất bản trong giai đoạn hiện nay. Anh sinh năm 1988 và vừa tốt nghiệp đại học được hai tháng. Hiện có 2 tập truyện ngắn được xuất bản: Cô gái bán ô màu đỏ (NXB Văn hóa văn nghệ); Có gã trai đạp xe run lẩy bẩy (NXB Kim Đồng). Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng anh.

-Các nhân vật trong truyện ngắn đầu tay thường được xây dựng, lấy cảm hứng từ hình mẫu của chính nhà văn. dễ gây cảm giác đó là tự truyện của người viết, ngoài đời, bạn có gần giống với hình mẫu nhân vật nào trong chuỗi truyện ngắn vừa xuất bản không?

Theo tôi, cảm xúc, diễn biến tâm lý của nhân vật được diễn tả rõ nét khi tác giả đóng vai nhân vật, trải qua được những bối cảnh, những tình huống của nhân vật. Các nhân vật tôi thường là một ít của mình ghép với những người xung quanh nên tôi chưa thấy nhân vật nào thật sự giống mình. 

‘‘Có lẽ, anh đang rơi vào tâm trạng hụt hẫng của thế hệ thanh niên đô thị mới, tìm cách bỏ chạy nhưng hoàn toàn bất lực…” (Mùa Kiwi chín ở Te Puke) không ai viết về người trẻ chân thực bằng chính lớp trẻ. Cái nhìn của bạn về các bạn đồng trang lứa mình thế nào?

Viết về mình dễ hơn viết về người khác. Cuộc sống muôn mặt của giới trẻ luôn hấp dẫn tôi tìm hiểu, cọ sát và viết. Bản thân tôi nhận thấy, các bạn trẻ thời chúng tôi sống cảm tính hơn, ít bị chi phối đến những chuẩn mực truyền thống và biết khai thác tốt những thế mạnh của bản thân.

Chặng đường từ một thiếu niên tỉnh lẻ mê văn, trở thành người viết được văn, bắt đầu như thế nào?

Xin đừng gọi tôi là nhà văn, từ này đối với tôi to lớn quá! (cười bẽn lẽn). Con đường văn chương của tôi bắt đầu từ trang văn học trên những tờ báo. Năm lớp 10, ra thành phố học nên được đọc nhiều báo, thấy tản văn của bạn chị gái được đăng trên báo Thiếu niên Tiền Phong, thấy chị ấy nổi tiếng và lại có tiền nhuận bút nên bắt đầu ôm mộng văn chương. Tập viết một năm trời mới có được tản văn đăng báo. Càng lớn thì văn cũng lớn theo. Từ viết cho Thiếu niên Tiền Phong chuyển sang viết cho Mực Tím, khi đã “lên tay” một chút bắt đầu viết cho các tờ báo lớn như Thanh Niên, Tuổi trẻ, Thế giới Phụ nữ, Áo trắng… Trong văn chương, tôi nghĩ mình có sự rèn luyện.    

Cô gái bán ô màu đỏ là tập truyện ngắn viết về rất nhiều vùng đất khác nhau. Hợp đã ‘‘xê dịch” đến hết bao nhiêu nước rồi?

Tôi “xê dịch” ra khỏi biên giới trong tưởng tượng. Thời phổ thông tôi rất thích học địa lý nên luôn có những cảm hứng với những vùng đất. Tôi luôn ao ước mình sẽ được đi đến đó ngắm cảnh, nói chuyện với người bản xứ và ăn một món gì đó. Trước mắt, tôi thực hiện bằng cách đưa chúng thành những bối cảnh truyện. 

Khi viết những bối cảnh nước ngoài, tiên quyết tôi phải có cảm hứng đặc biệt với vùng đất đó. Bắt đầu tìm hiểu trên internet, báo chí và những người đã từng đến đó để gạn lọc thông tin chính xác. Mọi người an tâm là tôi không viết bừa đâu…

Hình tượng chiến sĩ (bộ đội, công an) bằng cách nào đó, họ luôn xuất hiện trong các truyện ngắn của bạn (bà lão cho thuê phòng trọ bên Trung Quốc, người lính biên phòng, cảnh sát trại giam .…). Vì sao vậy?

Bởi tôi thấy, hiện tại, đây là hình ảnh ít ai viết. Và người đọc khi thấy xuất hiện nhân vật công an, bộ đội đều nghĩ đó là những trang viết đầy khẩu hiệu và tôi muốn mọi người nghĩ khác đi, theo hướng hiện đại hơn. Cuộc sống người lính khá đặc chủng nhưng không phải không thú vị. Tôi rất hứng khởi viết về người lính.

Con đường nhà văn có đủ nuôi sống những bạn trẻ như bạn không? Và công việc chính của bạn lúc này là gì?

Khi còn sinh viên, văn chương đủ nuôi sống tôi nhưng khi đã tốt nghiệp và đi làm, thì tôi không chắc. Hiện tại tôi làm việc trong ngành công an.

Các truyện ngắn của bạn rất giàu về chi tiết hình ảnh, điều chỉ thường thấy ở những nhà văn cầm bút xuất thân từ cầm cọ (họa sĩ). Với thế mạnh này, bạn có hứng thú với việc viết kịch bản phim không? 

Rất cảm ơn vì phát hiện của bạn. Thật sự là tôi rất thích tả cảnh và đôi khi dễ biến truyện mình thành tản văn. Bối cảnh là thứ có thể duy trì cảm xúc để tôi viết hết truyện. Tôi chưa tìm hiểu việc viết kịch bản nên không biết có hứng thú với nó không. 

Trần Sáng thực hiện
Theo Thể thao TP.HCM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây