Nguyễn Xuân Thủy: Người có tài "dựng án”

Thứ sáu - 26/11/2010 04:11 2.362 0

Nguyễn Xuân Thủy: Người có tài "dựng án”

Một cuốn tiểu thuyết bóc trần những mảng khuất về lĩnh vực hoàn toàn mới- tội phạm mạng - vừa ra mắt bạn đọc. Cuốn sách ngay lập tức đã thu hút được sự chú ý của bạn đọc. Đó là tiểu thuyết “Sát thủ online” của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với tác giả, và những vấn đề về vốn sống của nhà văn trước hiện thực của cuộc sống cũng là nội dung được đề cập thẳng thắn trong cuộc trao đổi này.

· Với nhan đề “Sát thủ online” cùng những phần đề dẫn ở bìa 4, cuốn sách hẳn sẽ hấp dẫn độc giả trước hết ở một mảng đề tài mới: tội phạm mạng. Anh có thể nói một chút về lý do viết Sát thủ online?

- Việt Nam đã kết nối Internet được mười năm có lẻ. Sau những hân hoan của buổi ban đầu khi mở cửa với thế giới cùng những tiện ích khó tưởng tượng của thời đại công nghệ số chúng ta mới giật mình khi phải đối mặt với những vấn nạn từ thế giới ảo, đặc biệt là hiện tượng trẻ vị thành niên phạm tội có liên quan trực tiếp đến Internet mà cụ thể là game online. Thời điểm kỷ niệm 10 năm Internet vào Việt Nam cũng là thời điểm tôi bắt tay viết “Sát thủ online” với mong muốn sẽ nói được một điều gì đó về cái thế giới ảo nhưng rất thật này.

· Anh có phải là một game thủ? Thực tế về thế giới game thủ, về không khí của một đại hội Thượng võ lâm quân… được anh mở đầu cho cuốn tiểu thuyết của mình  là sản phẩm của “môt thực tế đã được xâm nhập” hay là sản phẩm của trí tưởng tượng?

- Nhiều người khi đọc “Sát thủ online” cũng đặt câu hỏi với tôi như vậy. Tôi chưa bao giờ là một game thủ. Trước khi viết “Sát thủ online” những hiểu biết của tôi về game còn rất sơ đẳng, thậm chí tôi khá mù mờ với những khái niệm như game onlinegame offline. Nhưng khi phải đồng hành cùng nhân vật của mình, phải đưa nhân vật của mình dấn thân vào thế giới ảo tôi mới bắt buộc phải tìm hiểu về thế giới game. Tuy nhiên tôi chỉ tìm hiểu vừa đủ để trí tưởng tượng có thể cất cánh chứ không đi sâu đến chân tơ kẽ tóc để “coppy” hiện thực. Toàn bộ những gì về thế giới game trong “Sát thủ online đều là sản phẩm của trí tưởng tượng. Khi viết “Sát thủ online” phía Bộ Công an, mà cụ thể là Nhà xuất bản Công an nhân dân, các anh chị cũng rất sẵn lòng tạo điều kiện để tôi thâm nhập thực tế, tìm hiểu hồ sơ các vụ án điển hình về tội phạm mạng như cách truyền thống nhiều nhà văn vẫn làm. Tôi suy nghĩ, cân nhắc khá nhiều và cuối cùng quyết định sẽ không lệ thuộc vào một vụ án có thật nào, dù vụ án ấy có đặc biệt và “gần” với văn học đến mấy. Tôi đã tự dựng một “vụ án” cho tiểu thuyết của mình.

· Bên cạnh những tình tiết éo le, những câu chuyện được dẫn dắt hồi hộp đến nghẹt thở thì cái thực tế về lối sống của một bộ phận lớp trẻ cũng khiến người đọc thấy ghê sợ và tê tái. Sự tha hoá của những thành viên trong Lucky Family với Mr Mouse, Hương sữa, Liên ẳng, Phong tắc kè, Thành kỳ đà, Hường dây, Tuấn ẻo không phải là những sản phẩm ngẫu nhiên. Tôi rất muốn nghe chính tác giả của Sát thủ online chia sẻ thêm về điều này?

- Vấn nạn từ Internet không phải là câu chuyện buồn của riêng Việt Nam mà rất nhiều quốc gia cũng đang phải đối mặt. Thế giới ảo như một ma trận kỳ bí, nơi ấy có đủ hoa thơm cỏ lạ, có những thứ khiến chúng ta thỏa trí tò mò, nhưng cũng đầy những cạm bẫy hiểm nguy rình rập. Chúng ta và con em chúng ta chưa được học cách để ứng xử với nó, và cũng chưa được trang bị những kiến thức cần thiết để bảo vệ chính mình. Những trẻ em thiếu sự quan tâm dưỡng dục của gia đình, người thân khi sa đà vào bàn tay bạch tuộc của thế giới ảo đã trở thành nhưng “bụi đời mạng”, thực sự là mối nguy hiểm cho xã hội. Chúng ta gần như đã để “tuột” một thế hệ vào khu vườn hoang có tên gọi Internet khiến một bộ phận giới trẻ bị băng hoại nhân cách, méo mó tâm hồn, rối loạn, lệch lạc hành vi. Hành trình của tội ác từ online đến offline chỉ là gang tấc. Khi tội phạm mạng đã trở thành một thứ dịch bệnh “phủ sóng” khắp nơi thì cả xã hội mới bàng hoàng giật mình.  Ngay hiện nay, nhiều bậc phụ huynh vẫn không có những hiểu biết cần thiết về Internet để có biện pháp quản lý con em hợp lý, nhà nào thả thì thả hết cỡ, nhà nào cấm thì cấm tiệt như thể hễ để con ngồi trước màn hình độ năm phút là nguy cơ mất con đến nơi. Hãy bình tĩnh và có cái nhìn hài hoà để tìm ra cách ứng xử phù hợp, tránh rơi vào những đánh giá cực đoan, quá cảnh giác, thậm chí “xa lánh” Internet. Cái gì cũng có tính hai mặt. Internet không phải là một con ngoáo ộp.

· Phần cuối truyện, người đọc đã rất hồi hộp chờ đợi một kết cục sẽ đến với Mr Mouse - cậu bé Tí bị hắt hủi từ nhỏ. Theo lẽ thông thường, sẽ là việc khép lại của một chuyên án, với việc thủ phạm bị bắt. Nhưng điều đó sẽ tạo ra sự khiên cưỡng, chính vì vậy, việc anh để nhân vật chính chết trong khu đồi Ma, chết trong những sự dằn vặt trở lại với bản chất lương thiện khiến người ta ám ảnh, xúc động hơn. Anh có mất nhiều thời gian để lựa chọn cho tác phẩm của mình một kết thúc “hợp tình hợp lý” như vậy?

- Đến gần cuối tác phẩm tôi viết khá nhập tâm, như có một sự dẫn dụ từng con chữ đồng hành cùng nhân vật. Trái tim tôi mách bảo rằng chỉ có cái chết mới cứu rỗi được linh hồn cậu bé ấy, mới giải thoát được tấn bi kịch của cậu ấy. Cái chết của Mr Mouse khi cậu vừa tròn 18 tuổi, vừa đủ tuổi công dân, và cũng là khi cậu trở lại với thế giới con người với cái tên khai sinh Lưu Ngọc Thiện mà chính cậu chưa một lần dùng đến. Nếu theo sát hành trình của nhân vật thì có lẽ nhiều bạn đọc cũng sẽ đồng ý với tôi về cái kết rất xót xa nhưng cũng rất nhân văn ấy.

· Bên cạnh mạch truyện chính được bố cục chặt chẽ, hấp dẫn, tác phẩm còn xuất hiện mảng “thông tin thêm” với hình thức là nội dung các bản phóng sự trên đài truyền hình quốc gia. Anh có thể nói về ý tưởng của mình khi xây dựng phần thông tin này trong toàn bộ bố cục của tác phẩm?

- “Sát thủ online” có 13 chương, dưới mỗi chương có một box thông tin với hành văn thông tấn. Tôi muốn dùng hình thức “giao thoa” với báo chí này như một sự kết nối với hiện thực nóng bỏng trước vấn nạn từ thế giới ảo đang diễn ra trong đời sống xã hội. Mỗi box thông tin cũng đóng vai trò như một hồi chuông báo động rung lên khi kết thúc mỗi chương. Tôi để các box thông tin dưới dạng các bản tin trên truyền hình quốc gia với ẩn ý những hệ lụy từ Internet đã ở mức cảnh báo toàn quốc. Bản tin cuối cùng là bản tin lúc 0 giờ, mức báo động đã lên cao nhất, cũng là thời điểm chuyển giao để bước sang một ngày mới với hi vọng vào một sự “sang trang” sáng sủa hơn.

· Hai năm cho một cuốn tiểu thuyết, điều gì đáng nhớ nhất với anh trong quá trình viết tác phẩm này?

- Tôi không phải là người viết nhanh vì thế cũng không dễ dàng gì để cho ra đời một cuốn tiểu thuyết vài trăm trang, nhất là khi thời gian liên tục bị “xé vụn” bởi những giờ giấc hành chính và những bận rộn của việc làm báo, biên tập sách. Rất may là tôi có được tham dự “một nửa” trại sáng tác do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn tổ chức (vì công việc cơ quan tôi không thể dự toàn bộ trại). Khi dự trại tại Thanh Hóa, cùng với các nhà văn khác tôi được đi thực tế tại một số trại giam của Bộ công an và thực sự bị ám ảnh khi tiếp xúc với tội phạm vị thành niên trong những vụ án có liên quan đến Internet. Nhiều em coi việc giết người nhẹ như lông hồng với những lý do vô cùng lãng xẹt. Dù phạm tội giết người nhưng khi bị bắt ngồi trong trại giam rồi các em vẫn không một chút băn khoăn tự vấn. Đau lòng hơn, nạn nhân bị giết trong một số trường hợp lại chính là người thân, ông bà, bố mẹ của bị cáo. Sự vô cảm trước cái ác đã ở mức báo động. Chính từ sau cánh cửa nhà tù tôi đã cảm nhận được sức mạnh của Internet, của game bạo lực đã làm biến dạng con người ghê gớm như thế nào. Cảm nhận đó đã hỗ trợ tôi trong việc xây dựng hình tượng nhân vật chính trong “Sát thủ online”.

· Nhiều nhà văn đã đánh giá rất cao về sức bật của Nguyễn Xuân Thuỷ trong văn chương. Từ tiểu thuyết đầu tay “Biển xanh màu lá” (năm 2007, giải thưởng 5 năm Bộ Quốc phòng), đến Rừng mã sa hoa đỏ (giải 3 cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2009) và bây giờ là Sát thủ online, có thể nói anh đã tiến được những bước vững chắc, khả năng viết đa dạng ở các mảng đề tài với một bút lực dồi dào. Xin hỏi, khi bắt tay vào một tác phẩm, anh thường chú ý đến điều gì? Cốt truyện? văn phong? Hay điều gì khác?

- Khi đặt bút viết một tác phẩm điều tôi quan tâm nhất bao giờ cũng là cốt truyện và hệ thống hình tượng cùng các chi tiết “đinh” trong tác phẩm.

· “Sát thủ online” là lát cắt sắc, dựng lên “hậu trường” của thế giới mạng với tình - tiền – tù - tội khiến người ta phải rùng mình ghê sợ. Chẳng lẽ tất cả những điều có thực đó lại được sinh ra từ thế giới ảo? Tôi cũng rất chia sẻ với nhà văn Nguyễn Đình Tú rằng: “Internet là sản phẩm của con người, hiện hữu dưới bàn tay con người, lớn mạnh và vuột khỏi vòng kiểm soát của con người, để rồi quay trở lại tàn sát con người”. Rõ ràng đây là một đề tài hay, hứa hẹn nhiều đất để khai thác. Xin hỏi anh có trở lại đề tài này trong những tác phẩm tiếp theo của mình?

- Trong sáng tác khó mà nói trước được điều gì. Cảm hứng sáng tạo bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Tôi sẽ trở lại nếu như tôi dựng được cốt truyện đặc sắc và cảm thấy mình còn có thể viết hay về nó. Điều đó cũng còn tùy thuộc vào những phản hồi cho “Sát thủ online” nữa. (cười)

Nguồn tin: Văn nghệ trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây