Doanh gia và nhà văn

Thứ hai - 25/02/2013 04:40 4.684 0
Khu du lịch Hương Sơn tài trợ trọn gói trại viết với chủ đề: Văn nghệ sĩ toàn cầu hóa. Kèm dòng tiếng Anh: Writer-artists with globalization. Trại với 30 nhà văn khắp nước, cộng thêm khách mời, bộ phận lãnh đạo lên tới bốn chục người.
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Hương Sơn rộng hàng trăm hecta giáp núi, giáp sông, giáp biển, giáp đồng. Mô hình kiểu Pháp, Ý, Mỹ, Tàu... đủ cả, muốn ở nhà sàn như người Ê Đê cũng có luôn. Hương Sơn được miễn thuế ba tháng giữa năm, dồn sức lo cho các nhà văn ăn - ở - tham quan hai mươi ngày. Tôi là một trong số đó.

Tôi chẳng phải nhà văn gì ghê gớm, chỉ loẹt quẹt vài ba truyện ngắn, năm bảy bài thơ được giới viết lách hào phóng kêu nhà văn. Mới đầu nghe hơi ngượng, sau quen, quen rồi thấy ai không kêu mình nhà văn tôi đâm khó chịu. Tôi mang mớ bản thảo đến dự trại, định bụng ăn chơi thỏa thích, cuối đợt sáng tác nộp. Té ra không dễ ăn. Trong buổi khai mạc, chủ đề sáng tác của ban tổ chức chẳng ăn nhập gì với bản thảo mang theo, phải “rặn” cái mới thôi, no free lunch (1).

Hương Sơn dành riêng cho trại biệt thự Rosebud trên ngọn đồi phủ cỏ mật cắt tỉa gọn ghẽ. Mỗi chiều nhà văn ngắm mục đồng cưỡi bò, khói lam từ túp lều tranh bay lên, mấy con ngỗng kêu quang quác. Biết cảnh sắp đặt nhưng vẫn gợi ký ức quê xưa, bởi nhà văn VN xuất thân từ nông thôn phần nhiều chứ người thành phố được mấy. Bốn chục người đầy chữ trong ngôi biệt thự, đêm, chữ thoát ra ngoài sáng lập lòe như đom đóm. Trại có năm nữ, bốn cô đẹp như diễn viên một còn lại làm trưởng đoàn, bút danh Hồ Thu, nhan sắc ăn đứt bà xã tôi. Thời nay đàn bà muốn làm nhà văn xài tiền thuế của dân phải đẹp trước tiên.

Được ăn uống thỏa thuê cái bụng tôi khó chịu. Tôi rời nhà hàng cách chỗ ở hai trăm mét, đi nhanh trên con đường trải nhựa lượn theo các quả đồi, ráng chiều đỏ rực góc trời.

Chủ tịch hội đồng quản trị Hương Sơn đi chiếc SH màu trắng, vận vest trắng, tóc mướt rượt ngáng ngay trước mặt tôi, lúc bước vô Rosebud:

- Chào nhà văn. Anh chị em đi ăn chưa về à?

- À chưa, mỗi tôi về trước.

Hắn dựng chống xe ngó quanh tìm nhân viên phục vụ, không thấy ai. Hắn lôi ra bọc giấy chìa về phía tôi, vội vàng:

- Đây ba trăm triệu, nhờ nhà văn đưa giùm Hồ Thu. Chia mỗi người trong đoàn hai triệu đồng tiêu vặt, còn bao nhiêu chi phí cho đoàn ba ngày tham quan miền Tây.

Tôi cầm cục bạc. Trước tiên bụng hết đau tức thì, tiếp theo tôi thấy mình lép vế. Lép vế trước ba trăm triệu mà hắn coi nhỏ rứt. Lép vế vì cảm giác “ăn nhờ ở đậu” và chuyện hắn phát biểu hôm khai mạc như dụ con nít: “Nhà văn nào viết hay về khu du lịch của chúng tôi sẽ được thưởng riêng bằng tiền mặt, ngay tại chỗ”. Lép vế vì hắn nghĩ nhà văn là thứ thiệt thà đến ngu ngơ, thứ trói gà không chặt, thứ dễ dàng mua chuộc bằng tiền lẻ. Lép vế vì hắn coi mình như công cụ. Cơn giận bất ngờ ập tới, râu tôi dựng lên, mắt nở lớn, da mặt tai tái chắc đang chuyển sang đỏ vì nghe nóng ran. Tôi nói:

- Anh đâu biết rõ tôi, đúng không? Anh không sợ tôi quăng mất tiền à?

- Nhà văn cứ giỡn chơi - hắn cười nhẹ.

Giàu có, đẹp trai, điệu nghệ, bao nhiêu đàn bà mê hắn. Tôi mường tượng và cơn giận bốc lên hung. Giả sử tôi có đeo đuổi nghề văn hết đời cũng không kiếm nổi ba trăm triệu. Tôi nảy ý giật số tiền, đưa cục bạc vô túi quần, nói:

- Tôi sẽ không đưa cô Thu số tiền này.

Hắn cười:

- Nhà văn giỡn hoài. Thôi, gửi lại tôi để tôi đưa cho cổ.

- Anh nói gửi lại cái gì?

- Nhà văn giỡn quá rồi đấy.

Hắn rút điện thoại ra. Tôi rút từ lưng cây côn nhị khúc, mang theo để luyện thân, rạch vù một đường trong không trung rồi thả nhẹ khúc côn lên vai hắn. Gầm trong họng:

- Cất ngay điện thoại. Bước lên xe.

Tôi ngồi phía sau, bảo gọn: “Đi ra quốc lộ một”. Hắn chạy xe chậm, ngó quanh. Tôi bóp mạn sườn hắn, gắt: “Đi nhanh”. Người hắn thơm như xưởng nước hoa.

Xe ra cổng phụ khu du lịch, xuôi nam, ngược gió nồm ù cả tai. Trời sụp tối hẳn, đèn xe loang loáng. Cưỡi lưng cọp là đây, làm sao leo xuống. Do mặc cảm yếu đuối mà thành ra du côn. Phen này báo chí đưa tin nóng hổi: nhà văn có một không hai vào tù vì tội cướp của.

Đến quãng đường trống, bên tây là đồi núi, bên đông là bãi hoang trải dài ra biển, tôi lệnh: “Dừng xe”- cả tôi và hắn xuống xe. Tôi lấy cục bạc trả lại, lên giọng:

- Các anh là những kẻ hợm hĩnh. Các anh coi chúng tôi là những thằng đói rách, hèn hạ, vô dụng. Tôi muốn thử thần kinh anh chút thôi.

- Ông có hiểu lầm không? Tôi quý trọng các ông còn hơn cả bản thân mình.

Tôi cười lớn, tiếng cười loãng ra không gian đầy gió, tối om:

- Tôi thấu bụng dạ các anh, đừng vờ vịt. Bây giờ anh chở tôi quay lại hay tôi đón xe ôm?

Chừng hai mươi phút, hắn chở tôi về tới khu du lịch.

Sáng hôm sau nhà văn Hồ Thu kêu tôi vô phòng, nói nhỏ:

- Tôi sẽ thông báo với mọi người rằng vợ anh đau nặng nên xin về trước. Còn đây năm triệu, Hương Sơn gửi anh lo thuốc thang cho vợ.

Kick the trash can down the road (2). Biết vậy nhưng tôi vẫn viết đại mấy câu thơ tâng bốc khu du lịch, coi như hoàn thành nhiệm vụ.

Sau đó bài thơ được in đi in lại, Hương Sơn rút bốn câu làm phim quảng cáo và tôi được trả tới một trăm triệu đồng tác quyền. Bài thơ ghép bởi các từ như: sinh thái, nhân đạo, bệ phóng, tiềm năng, nguồn cội, bền vững, toàn cầu hóa v.v...

Tôi không trích vô đây vì sợ vượt 1.200 chữ quy định.

Ôi, giới doanh gia là hòn đá tảng, thứ nhà văn như tôi chỉ là cát bụi.

__________

(1) Thành ngữ Anh: Không ăn trưa miễn phí. Như kiểu nói người Việt: “Không cho không ai thứ gì”.
(2) Thành ngữ Anh: Đá cái thùng rác xuống đường.

Tác giả: Phùng Hi

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

 Từ khóa: phùng hi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây