Khi nắng Thu về được “minh oan”?

Chủ nhật - 16/08/2009 22:55 1.845 0

Một cảnh trong phim

Một cảnh trong phim
Ngày 12/8, bộ phim Khi nắng Thu về (KNTV) rút khỏi Trung tâm Chiếu phim quốc gia sau hai tuần trụ rạp. So với nhiều phim VN khác, dù chỉ được chiếu khiêm tốn tại một địa điểm tổ chức và không PR rầm rộ nhưng số buổi chiếu như vậy cũng không đến mức thất vọng. Điều đáng nói nữa là khi chiếu ra mắt báo giới đã nhận được những phản ứng trái chiều, có cả những ý kiến thẳng thừng hắt hủi, nhưng phản hồi của khán giả xem phim lần này thì có vẻ ngược lại. Nhân dịp này, chúng tôi đã trò chuyện với tác giả kịch bản kiêm đạo diễn Bùi Trung Hải.

* Thưa anh, KNTV ra mắt báo giới và lập tức bị một số tờ báo lớn chê tơi bời nhưng sau đó nó đoạt giải Remi Vàng (Gold Remi Award) tại LHP quốc tế Houston (Mỹ) lần thứ 41 và lọt vào đề cử giải Trống Đồng - giải thưởng dành cho phim xuất sắc nhất tại Đại hội Điện ảnh Việt Nam quốc tế lần thứ 4 tại Mỹ? Anh lý giải điều này ra sao?


Đạo diễn Bùi Trung Hải bên poster phim "Khi nắng thu về"
Khi bộ phim KNTV ra đời có một, hai bài báo có nhận định trái chiều. Tuy nhiên có những tờ báo uy tín, chuyên sâu về nghệ thuật và điện ảnh cũng đã có những bài đánh giá rất tốt. Theo tôi, trường hợp có ý kiến trái chiều cũng có thể do chưa hiểu rõ về quan niệm, cách làm phim của tôi. Tuy nhiên, có ý kiến cực đoan, nhằm phủ nhận hoàn toàn bộ phim! Theo tôi, để điện ảnh Việt Nam phát triển tốt đẹp, chúng ta nên có những cách đánh giá khách quan, có sự tôn trọng người làm phim, và nên đi sâu vào học thuật, vào khía cạnh nghề nghiệp của công việc làm phim...

Trong hoàn cảnh như vậy, vào tháng 4/2008, KNTV được chọn trình chiếu trong chương trình 50 phim tranh giải chính thức tại LHP quốc tế Houston ở Mỹ. Tôi thực sự xúc động vì sự đón nhận nhiệt tình phim KNTV của khán giả Mỹ, cũng như của các nhà đạo diễn, các nhà điện ảnh Mỹ và quốc tế. Có những người xem KNTV tới hai lần. Họ thích tính hiện thực và cách làm theo kiểu mảng miếng của bộ phim này và gọi đó là cách làm phim bằng những “lát cắt của cuộc sống” (“slice of life”). Họ khen ngợi diễn viên Huy Trinh, Kiều Thanh, Kiều Anh, Như Lai, nhà quay phim Phạm Vi Linh... Tại Đại hội Điện ảnh Việt Nam quốc tế tại Los Angeles (Mỹ), khán giả cũng nồng nhiệt đón nhận bộ phim.

* Khá nhiều người đã tò mò đi xem khi bộ phim ra mắt sau 2 năm, sau khi nhận được những ý kiến trái chiều của báo giới. Nhiều người trẻ đã nhận ra những điều mới, cái trẻ trung hiện đại, hấp dẫn của bộ phim và cả những tầng sâu ý tưởng gửi gắm sau mỗi chi tiết, khuôn hình. Anh có cho rằng mình được “minh oan” sau ngần ấy năm?

- Phim KNTV được hoàn thành tháng 4/2007, ngay sau đó, nó được Phát hành phim Quân đội mua 8 bản, và được chiếu rộng rãi và có hiệu quả trong quân đội. Hai năm sau, bộ phim đã được ra mắt khán giả Hà Nội. Tôi rất mừng vì trong đợt chiếu vừa rồi rất nhiều khán giả thích KNTV, đặc biệt là khán giả trẻ. Vấn đề này không có ý nghĩa “minh oan”, vì như tôi đã nói ở trên, nhiều người đã có những ý kiến ủng hộ ngay từ khi phim KNTV mới ra đời, phim cũng đã được chiếu thành công ở một số LHP quốc tế... Rất nhiều bạn trẻ thể hiện rõ sự đồng cảm của họ với những nhân vật chính; tỏ rõ sự yêu thích của họ với phim KNTV. Với tôi, đó là điều khích lệ rất lớn!

* Phê bình KNTV của một số người vẫn theo kiểu “sao phim không giống đời”. Ngay cả câu nói Trung thốt ra khi nhặt chiếc lá vàng vương trên vai người yêu trong công viên: “Vai em thật tròn” cũng bị đem ra soi là “sáo”, trong khi nó gắn với chi tiết ở cuối phim: Trên những con đường một chiều ở Hà Nội, Trung chỉ thấy những bờ vai của người đi đường chứ không được nhìn những khuôn mặt người. Không xem kỹ phim hay chỉ chộp vài chi tiết để phán xét, anh có cho đó là kiểu xem phim... phổ biến hiện nay?

- Các khán giả bình thường đều tiếp nhận tốt bộ phim. Chi tiết Trung nói với Hà: “Vai em thật tròn” là một câu nói giữa hai người yêu nhau. Tôi thấy không có gì là không giống thật cả. Chính xác là nó có liên quan đến đoạn thoại cuối cùng của Trung khi nói về những đôi vai trên những con đường một chiều. Việc Hà giúp đỡ Trung không phải do cô cảm động vì Trung cứu cô gái, tuy rằng việc Trung cứu cô gái ở đoạn sau làm Hà có cảm tình với Trung hơn. Tôi cũng nghĩ rằng việc phê bình phim nên đi sâu vào phân tích cấu trúc, các tuyến nhân vật, và các chi tiết đều phải được xem xét trong cái tổng thể của bộ phim.

* Nếu nói anh không buồn thì có lẽ không đúng, nhất là khi bộ phim đầu tay của anh bị chính cả những người trong Hội đồng duyệt phim đổ vấy cho nhau và lên tiếng chê bai phim khi bị báo chí hỏi đến. Anh đã vượt qua ngày tháng đó ra sao và chắc rút ra được những bài học bổ ích?

- Không có ai cụ thể trong Hội đồng duyệt phim phê phán bộ phim này. Thực ra khi phim được duyệt, lãnh đạo Cục Điện ảnh rất ủng hộ và đánh giá tốt về bộ phim. Nhân đây tôi muốn nói rằng, đạo diễn Vương Đức là người ủng hộ KNTV. Có bài báo đăng ý kiến ngược lại, gây hiểu nhầm, nhưng trên thực tế, anh Đức luôn nói rõ về quan điểm ủng hộ phim ngay từ khi phim còn đang làm, khi chiếu duyệt, cũng như ở nhiều bài phỏng vấn trong thời gian đó.

* Là con trai của NSND Bùi Đình Hạc, anh có nghĩ rằng “cái bóng” của bố quá lớn khiến anh chưa thể vượt qua? Bố anh nhận xét gì về bộ phim này, và nói gì với anh khi những đồng nghiệp của ông phê phán nặng nề? Liệu có sự đố ky nào không khi bố anh từng giữ cương vị cao trong ngành điện ảnh?

- NSND Bùi Đình Hạc luôn là một người mà tôi ngưỡng mộ, với cả tư cách nhà làm phim, cũng như trong cuộc sống. Ông cho rằng phim KNTV là một phim tốt, có những cái mới về xây dựng cốt truyện và tìm tòi các chi tiết cuộc sống hôm nay. Như trên tôi đã nói, một vài ý kiến phê phán trước kia được trích dẫn mà không đề ra cụ thể người phê phán nên tôi cũng không nghĩ rằng đó là sự đố kỵ.

* Xin cảm ơn anh và chờ đón những tác phẩm mới của anh.

Tác giả: Hải Đông

Nguồn tin: TTVH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây