Vĩnh biệt NSƯT Thanh Hùng

Thứ tư - 01/08/2012 05:27 3.810 0

NSƯT Thanh Hùng (ảnh do Hội Sân khấu TPHCM cung cấp)

NSƯT Thanh Hùng (ảnh do Hội Sân khấu TPHCM cung cấp)
NSƯT Thanh Hùng - nguyên phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Tiền Giang - người từng “vang bóng một thời” với những vở cải lương: Bạo chúa, Rừng cao su nhuộm máu... đã qua đời lúc 15 giờ 50 ngày 29-7, thọ 73 tuổi. Tang lễ của ông được tổ chức tại nhà tưởng niệm Nghĩa trang liệt sĩ Tiền Giang.

Thời kháng chiến chống Pháp,  NSƯT Thanh Hùng đã tham gia chương trình văn nghệ thiếu nhi xã. Năm lên 16 tuổi ông tham gia đoàn hát Tân Phước, Thanh Vân tại Cần Thơ. Đến năm 1958 được sự giúp đỡ của tác giả Phạm Trần và các anh soạn giả, nhạc sĩ là cán bộ cách mạng, ông chính thức tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1965, ông thoát ly ra vùng giải phóng chính thức tham gia lực lượng diễn viên cho Đoàn Văn Công I4 (Khu Sài Gòn – Gia Định). Năm 1966 ông trở thành diễn viên đoàn Văn công giải phóng, hoạt động trong đội xung kích phục vụ đồng bào chiến sĩ ở các vùng giải phóng, ấp chiến lược vành đai. Vừa là diễn viên vừa là hậu đài, nhạc công, sáng tác.

Khi  ra miền Bắc, ông là thành viên của đoàn ca nhạc Đài phát thanh giải phóng , phụ trách lĩnh vực cải lương.
NSND Ngọc Giàu cho biết: “Thanh Hùng - Ngọc Hoa trong bộ quân phục giải phóng và bộ bà ba đen đứng giữa sân khấu thủ đô Paris, Pháp trong tiết mục “Bài ca địa đạo” do chính NSƯT Thanh Hùng sáng tác dựa theo ý thơ của Phạm Xuân Ích, dưới bút danh Phạm Ngọc Thanh đã ấn tượng rất lớn đối với phong trào vận động chống chiến tranh Việt Nam. Ở Sài Gòn lúc đó, giới nghệ sĩ cải lương chúng tôi rất thán phục. Đến ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, gặp anh chị cũng trong bộ quân phục giải phóng quân, giọng ca trầm ấm, giàu sức chiến đấu, chúng tôi rất xúc động”.
Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung - Phó chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM cho biết: “Sự đóng góp lớn nhất của NSƯT Thanh Hùng là đã tạo một diện mạo mới trong phát triển sân khấu cải lương miền Bắc, có phong cách của một dòng cải lương Nam Bộ mang chất cách mạng".

Những tiết mục và vai diễn đi vào lòng khán giả qua tài năng của NSƯT Thanh Hùng phải kể đến: Tiếng sóng biển – Tiếng quê hương; Bài ca người giao liên; Trên quê hương dũng sĩ; Quê hương dũng sĩ, Em hát tặng anh một bài ca… riêng các kịch bản cải lương: Bạo chúa; Dậy sóng; Rừng cao su nhuộm máu; Trong lửa đỏ… vẫn còn giữ được giá trị nghệ thuật và tinh thần hào hùng bất khuất của quân dân trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, bảo vệ tổ quốc thân yêu”.

Lúc 7 giờ ngày 1-8, lễ truy điệu NSƯT Thanh Hùng sẽ được tiến hành tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tiền Giang, sau đó hỏa thiêu.

Tác giả: Thanh Hiệp

Nguồn tin: NLĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây