Gã ăn mày

Thứ tư - 10/11/2010 03:31 3.421 0

Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải
Chị đang chờ chết. Cái chết có thể đến chậm chạp, rề rà, đỏng đảnh như một người đàn bà dốt nát, không hiền hậu mà nắm quyền lực quá lớn trong tay, hay nó dịu dàng, khoan khoái trong từng hơi thở rồi đùng đùng lên cơn kịch phát và nghẽn mạch đóng van. Nó sẽ đến gần thôi. Bao lâu thì không thể biết được. Chị đã sẵn sàng chuẩn bị cho điều này rồi. Bình tĩnh. An nhiên. Im thở hoàn toàn. Thực sự yên nghỉ. Chấm hết mọi buồn phiền lo toan. Không có gì phải băn khoăn tiếc nuối ở kiếp nhân sinh này. Các con chị sẽ về đông đủ, chúng sẽ khóc lóc kêu gào bởi điều đó đối với nó là đột ngột. Các con chưa biết về chứng bịnh tim ngặt nghèo của mẹ. Anh Thiện - chồng chị sẽ đau khổ, sẽ chống chếnh dù anh biết rõ bệnh diễn biến từng ngày.

Bệnh của chị không phải là bệnh nan y, có thể chữa được sau ca phẫu thuật - dĩ nhiên có tỉ lệ may rủi trong mỗi ca phẫu. Chị nhập viện trong tình trạng da tím tái, thở khó. Từng cơn mệt kéo dài. Sau khi chụp hình, xét nghiệm, bác sĩ hỏi anh Thiện:

- Nhà có chuẩn bị sẵn tiền không?

- Chừng bao nhiêu thưa bác sĩ?

- Bệnh của chị phải mổ mới khỏi được. Chi phí khoảng năm mươi triệu.

Năm mươi triệu với nhiều người chẳng là cái gì to tát lắm nhưng đối với gia đình chị nó có nghĩa là không thể với tới. Cái nghèo ở vùng quê không có đất canh tác làm cho bốn đứa con chị trôi giạt về miền Đông lập nghiệp. Nói là lập nghiệp chứ thực ra đem thân cày thuê cuốc mướn dưới nắng dãi mưa dầu, tiện tặn nhiều năm mới sắm được một ít đất dựng chòi gọi là của riêng mình, nương náu đi làm mướn tiếp.

Anh Thiện có nghề thợ mộc. Ngoài thời gian chăm sóc một công vườn duy nhất, anh đi đóng bàn ghế, vách phên cho người trong xóm. Cơm cá ngày hai bữa vừa đủ. Nếu phải  bán cả vườn lẫn nhà nhiều lắm cũng chỉ khoảng hai mươi triệu, số còn lại các con chị ghé vai gồng gánh chắc cũng tạm đủ. Nhưng sau đó rồi sao? Nếu phẫu thuật thành công còn sống trở về thì sẽ ăn đâu, ở đâu, rồi mọi thành viên trong gia đình sẽ làm chi để sống. Chị quyết định rồi, không có phẫu thuật làm gì. Chị không có quyền bắt mọi người hy sinh quá lớn cho mình.

Bước ra khỏi bệnh viện. Anh chị bàng hoàng. Năm mươi triệu chứ nào phải năm triệu. Ai có gan cho người bệnh nặng vay ngần ấy tiền mà khả năng hoàn lại quá xa xôi. Chị đặt tay lên vai anh.

- Về thôi anh. Bệnh viện này đâu dành cho hạng người như mình.

Như ly nước tràn, anh khóc nấc lên. Lần đầu tiên chị thấy anh khóc. Người an ủi anh lại là chị:

- Có gì đâu. Mình về nhà tìm thuốc nam, cây cỏ quanh vườn có khi là bài thuốc thần dược, may ra.

Về trên chuyến xe tốc hành chưa bao giờ chị cảm thấy cô đơn như thế. Có hai người mà vẫn cô đơn.

Buổi sáng anh Thiện xách túi đồ nghề đi làm, anh cố nén tiếng thở dài. Trưa về nấu cơm. Chiều cũng vậy. Còn chị an dưỡng hoàn toàn. Không khí - tưởng chừng như cái món quà vô tận mà thiên nhiên ban tặng cho con người, vậy mà hít vào thở ra đối với chị bây giờ sao khó quá, vất vả quá.

Chị nằm võng giăng trên bộ ván gần cửa ra vào. Gương mặt hốc hác với màu da xanh lét. Cái dáng còm cõi, co ro trên võng của chị gợi người ta liên tưởng đến con mèo hen. Tuy cái trọng lượng chắc chắn không hơn 40 kg vẫn làm cột nhà kêu răng rắc mỗi khi chị đong đưa cái võng. Chị nằm đó mắt lim dim nửa mơ, nửa thức. Chị chờ chồng đi làm về, lắng nghe tiếng anh nấu bếp. Tiếng soong nồi, bát đũa va nhau lanh canh gợi một nỗi buồn vô hạn và chị chờ cái giây phút bất thần: trái tim thôi không đập nữa.

Thầy thuốc bảo chị không được phép vui quá hay buồn quá vì cả hai đều có hại cho sức khỏe. Chị mỉm cười héo hắt thầm nói: Vui được thì cứ vui, nếu phải buồn thì cứ buồn, có chi mà phải giữ gìn cẩn trọng nữa. Ta còn mấy thời gian  ở lại với đời. Chết có lẽ không là gì ghê gớm lắm. Những ai quyền cao tước trọng hoặc giàu sang chắc hẳn sẽ muốn kéo dài cuộc sống ngàn lần đáng sống này. Người đàn bà nông dân nghèo nàn bịnh hoạn, sống tăm tối vô danh nơi thôn dã, cả đời chưa làm nên việc gì lớn lao, hiển hách, nếu có khuất bóng thì chắc chắn không ai phải thốt lên “một sự mất mát không gì bù đắp nổi”. Rồi thời gian sẽ đi vào quên lãng.

***

Có tiếng chân người lạ bước vào nhà vì những hòn sỏi kêu lạo xạo. Không phải tiếng chân anh Thiện. Mỗi người có kiểu đi riêng phát ra âm thanh trên sỏi khác nhau. Chị cảm nhận điều đó rất rõ. Tiếng đàn ông hỏi vọng vào:

- Chủ nhà ơi.

Mở cặp mắt mệt mỏi thờ ơ nhìn khách, chị nói nhỏ.

- Tôi đây, chú cần gì?

Khách chầm chậm bước lên thềm. Đó là người đàn ông khó đoán tuổi tác, trông rất bụi bặm, cũng không dễ xác định thành phần xã hội. Hắn gầy ngoẵng nên trông rất cao. Bước vào nhà hắn phải khom người để tránh đụng cái đầu rối bù có đuôi gà chạm vào mái lá. Chân đi giày ba ta bết đầy bụi đỏ. Hắn mặc cái áo thun đen trên ngực in hình một dãy núi màu trắng và cái quần ka ki bạc phếch có lẽ đã ngồi vào rất nhiều chỗ bụi bặm. Vai khoác cái túi thổ cẩm cũng bụi bặm như bộ đồ hắn mặc. Người lương thiện hay lưu manh? Tâm thần hay tỉnh táo? Duy có cặp mắt sáng và cái cười hiền hậu trên gương mặt xương xương gầy gò của hắn làm chị yên lòng. Hắn nói:

- Chị ơi, nhà có gì ăn được chị làm ơn bố thí cho tôi chút ít.

Ngạc nhiên cùng cực, chị nhìn hắn từ đầu đến chân - cái nhìn biết nói - hình như hắn cũng cảm nhận được điều đó nên trấn an:

- Chị đừng sợ. Tôi là ăn mày. Đi xin bà con có gì cho nấy, không thì thôi cũng vui lòng.

Chị nhủ thầm: Giọng nói trầm ấm nghe rất hiền nhưng trời ạ, làm sao tôi hiểu được hắn là ai giữa cõi đời vàng thau lẫn lộn? Ăn mày gì mắt mũi sáng trưng, tay chân nguyên vẹn.

Nhưng rồi chị định tâm lại, không gì phải sợ cả dù hắn là  ông trời đi nữa. Một người chờ chết thì không có gì đáng sợ nữa. Bảo là ăn mày thì không thể nào tin được. Nếu chưa đến độ tật nguyền tàn phế thì cũng phải ngụy trang cho ra vẻ chứ. Ai sống trên đời mà không mang mặt nạ ngụy trang ít nhất là một lần hoặc một giai đoạn nào đó trong đời. Nhưng hắn ta thì không. Chị chán nản nằm yên trên võng một con mắt nhắm, một con mắt mở, cần chi phải hỏi han lôi thôi, chị bảo.

- Này chú ơi, nhà tôi nghèo lắm. Không có gạo cũng không có tiền. Nếu đói xin chú ăn tạm mấy trái chuối chín trên bàn rồi uống nước trong bình đó.

Nhìn những trái chuối cau chín vàng ươm, vỏ mỏng tang, hắn thích thú ra mặt.

- Mời chị.

- Chú cứ tự nhiên, tôi ăn rồi.

Hắn lột vỏ những trái chuối ăn ngon lành như đứa trẻ háu đói làm chị thấy cảm động. Hắn bảo: Tôi thích chuối từ nhỏ, mà lâu lắm rồi tôi mới gặp được chuối ngon vậy!

Tào lao. Chuối mà ngon gì. Chị không buồn trả lời và mong cho hắn no lòng rồi đi đâu cho rảnh. Thà là những nhà sư theo phái khất thực còn chấp nhận được. Ăn mày kiểu gì... mà hắn không ngại ngùng tự giới thiệu. Hắn mở nắp giỏ bình bằng trái dừa khô, rót nước trà uống ừng ực. Bỗng hắn hỏi.

- Tôi đoán hình như chị không được khỏe?

Không nhìn hắn chị đáp:

- Đúng, tôi đang chờ chết. Tôi bịnh nặng lắm!

Nói xong chị cảm thấy hối. Nói làm gì với cái tay dở khùng dở khôn này. Hắn có phải là thầy lang đâu, mà thầy lang để làm gì nữa! Cánh cửa bệnh viện đã khép lại với kẻ không tiền.

Hắn tỏ ra quan tâm đặc biệt:

- Chị bảo bịnh tim bẩm sinh, hẹp van? À ra vậy đâu phải bịnh nan y. Vẫn còn hy vọng sau khi phẫu thuật. Năm mươi triệu hả?

Chị càng nổi sùng hơn:

- Mà tôi không bao giờ có được năm mươi triệu chú hiểu không?

- Tôi rất hiểu. Nếu bây giờ chị có số tiền ấy thì tình thế sẽ đảo ngược đúng không?

Chị im lặng, trả lời làm gì thằng cha ăn mày lắm chuyện. Chắc là tâm thần chi đây. Lang thang kiểu này người nhà chắc phải khổ công tìm. Thời buổi bây giờ thiên hạ hay khùng đột ngột lắm. Như cái cô nha sĩ ở bệnh viện huyện, đang nhổ răng bỗng dưng mắc bịnh tâm thần dở điên, dở tỉnh. Người ta cho nghỉ việc.

Sáng nào cô cũng đến phòng nha khoa không cho người mới vào làm, đến trưa đi ca hát, khóc cười khắp chợ. Cái tay ăn mày này chắc cũng dạng ấy đây. Chút nữa lão sẽ ra đường ca hát ngay thôi mà.

Hắn đứng lên xách túi thổ cẩm nói nhũn nhặn:

- Rất cám ơn chị đã cho ăn khoai. Bây giờ tôi phải đi. Mong gặp lại chị một ngày gần đây nhất.

Chị ậm ừ. Hắn đi rất nhanh với những bước dài dứt khoát. Chị nói một mình:

- Gặp chi nữa. Trời!

***

Suốt bốn năm qua chị đã không làm gì. Ăn rồi ở không dưỡng bệnh. Trái tim mỗi ngày một bất thường hơn. Những cơn đau, cơn mệt ban đầu còn thưa, sau cứ nhặt dần và nặng hơn. Người ta bảo bịnh tim là bịnh nhà giàu. Giàu mới có tiền điều trị và mới được phép ở không dưỡng bịnh. Còn người nghèo bày đặt mang lấy bịnh vào thân chi cho khổ. Đã thế phát hiện bịnh trễ còn rề rà trong khâu chạy chữa. Không phải chọn phương pháp tối ưu trong chuyện điều trị mà chọn cách nào thuận lợi và ít tốn kém nhất, phù hợp hoàn cảnh nhất.

Anh Thiện là người chồng rất thương vợ. Nếu chị ra đi trước chắc anh sẽ buồn lắm, cuộc sống sẽ chông chênh lắm. Chị thấy tóc anh cứ bạc dần. Từ ngày biết chị bịnh tim anh luôn tìm bằng được những bài thuốc dân gian, những cây lá, con vật làm thuốc đem về. Anh thường tìm lá vông nem, dây nhãn lồng, gương sen, ngó sen về cho chị ăn, anh bảo ăn những thứ đó nhịp tim sẽ dần bình ổn. Hiệu quả không biết thế nào nhưng ăn những thức ấy chị thấy ngon lắm.

Có một hôm anh cầm về mảnh giấy khổ A4 photo toa thuốc gia truyền, không ghi tên lương y hay một người nào có trách nhiệm. Đại để là băm cây bồ ngót tươi nấu với đậu xanh và để vào một chén trùn - loại dùng làm mồi câu cá - Cứ ăn đều đặn mỗi ngày sẽ trị được nhiều bịnh nan y. Chỉ nghe nói thôi mà mật xanh, mật vàng muốn tuôn ra ngoài đất rồi, cách gì mà ăn được. Chị nói chắc nịch:

- Không bao giờ ăn đâu!

Anh Thiện cáu kỉnh:

- Đã mang cái bịnh, người ta bày mà không chịu uống. Bao nhiêu người uống mà vượt qua tử thần rồi đó. Ở Hàn Quốc người ta nấu cháo đậu xanh với trùn ăn mỗi chiều thứ bảy. Bổ lắm đó.

- Ai bảo đảm hết các bịnh nan y?

- Thì nghe người ta nói.

Làu bàu một hồi rồi thôi. Chị không chịu dùng toa thuốc đó anh cũng không ép.

Bữa nọ giữa trưa nắng anh đem về một lọn tơ hồng và con rùa vàng bằng nắm tay. Mặt anh đỏ gay, mồ hôi tuôn ròng ròng, anh cười hớn hở:

- Mẹ mày ơi, có cái này hay lắm. Thuốc của mình đây. Rửa sạch con rùa rồi quấn dây tơ hồng cho vào nồi nấu với một chén nước. Ninh chín ăn tất.

- Ăn tất không chừa xương xóc, cứt đái gì hết hả. - Anh lườm chị một cái. Trông dáng anh tội tội, chị bèn cười giả lả:

- Ờ anh kiếm đâu ra vậy?

- Nghe nói mẹ mày bịnh, anh chị Hoàng cho đó. Họ quý mình lắm.

Anh lấy rổ nhốt con rùa cẩn thận rồi đi làm buổi chiều, khuya thức dậy thật sớm, tự tay anh nấu con rùa để sáng chị ăn. Hôm ấy có chị Hai Gấm đến chơi, thấy con rùa nấu chín chị nói:

- Bài thuốc này dành cho người lớn tim, ăn ba lần mỗi lần cách nhau một tuần lễ. Tui có đứa cháu lớn tim dùng thuốc này có hiệu quả. Còn tim teo hay tim hẹp van, đập nhanh đập chậm cũng là bịnh tim, ăn vào không biết sao à nghen.

Còn lại một mình chị mới tá hỏa cái nỗi bịnh của mình, chỉ nghe đau tim tức thở chứ có biết nó teo tóp, treo thòng, nhỏ  lớn ra sao. Biết đâu nó vốn nhỏ hẹp dùng thuốc này lại càng teo thêm thì bó tay.

Chị bí mật đem niêu thuốc giải tán mất tích. Trưa về, anh Thiện hỏi chị uống thuốc chưa. Chị nói rồi, thịt rùa cũng dễ ăn lắm. Anh Thiện cười tươi tắn. Làm được điều gì tốt đẹp cho vợ theo cách hiểu của anh là anh thấy hạnh phúc rồi.

Mấy ngày sau anh hỏi:

- Mẹ mày nghe có đỡ không?

- Chưa!

- Thì cũng từ từ chứ đâu có hết liền được.

Thằng con trai lớn đi lập nghiệp ở Đồng Nai về báo tin vợ vừa sinh con trai nặng ba ký, đẹp như tiên đồng. Tin thứ hai là cà phê năm nay được mùa lại có giá. Nó đem bắp trái về luộc một nồi to đùng mang cho khắp xóm. Chị vui lắm. Cả tháng chị không nghe đau chỉ thỉnh thoảng trong lồng ngực nhoi nhói một chút thôi.

Anh Thiện cũng vui. Anh nói: bài thuốc hiệu nghiệm chưa!

Chị cười bí hiểm gật đầu: Ư, đúng vậy!

***

Thằng con đi Đồng Nai. Anh Thiện đi làm. Trưa hôm ấy về nhà, thấy bếp lạnh tanh, chị nằm rũ trên giường thở nhè nhẹ, đến bên, anh hỏi  nhỏ:

- Lại đau hả?

Vẫn nhắm mắt chị bảo.

- Ừ, đau lắm.

Xuống bếp lụp cụp, lạc cạc một hồi anh cũng nấu xong cơm cho mình và cháo cho chị. Anh giục chị ăn cho lại sức, nằm tịnh dưỡng đừng làm gì hết. May mà anh không có ý định nấu con rùa lần nữa.

Trái tim nó muốn hành hạ chị lúc nào nó thích, chị không điều khiển nó được. Chị chuẩn bị tư tưởng để đón nhận cái chết nhưng nhiều lúc tự bảo chắc chưa đâu, gắng mà sống nhìn thằng cháu nội...

Một hôm đi đâu về anh Thiện bảo chị:

- Phải trồng cây chuối mẹ mày à. Đó là cách trị bịnh tốt lắm.

- Nhà mình vẫn trồng cả bờ chuối đó thôi!

Anh hạ thấp giọng nhưng nét mặt anh rất nghiêm.

- Có nghĩa là mình chỏng đầu xuống ván đưa hai cẳng lên trời, hai tay ép sát thân. Mỗi ngày tập đều đặn không được xao nhãng. Mục đích cho máu lưu thông khắp toàn thân và lên não.

 Anh Thiện leo lên bộ ván làm thử. Hai cẳng anh chỏng lên trời, mặt đỏ lự. Khoảng mười phút, anh bỏ cẳng xuống nằm thẳng đơ trên ván và thở. Chị cười ngất.

- Thôi đi ông cố, làm kiểu đó chắc tui đứt hơi sớm.

Biết không thuyết phục được vợ, anh lặng thinh buồn buồn. Những bữa đi làm về anh  kiếm chuyện nói cho chị vui. Con cái lớn đi làm, chỉ còn hai vợ chồng già, tẻ quá.

- Mẹ mày à, hôm nay đi làm vui lắm. Làm hậu liêu bên chùa Phật. Sư trụ trì đãi cơm chay với bia Tiger đàng hoàng, sư cũng uống mặt đỏ nhừ.

- Chùa chiền ai có bia mà đãi anh?

- Mẹ mày lầm to. Có cả tủ bia đủ loại. Chính tay tui đóng cái tủ đó mà hổng biết sao được. ổng có vợ hai con ở quê. Uống bia là chuyện thường.

- Sao anh biết người ta có vợ con?

- Thì tui nghe điện thoại vợ ổng gọi tới méc việc thằng con nhậu nhẹt phá làng phá xóm. ổng bảo gọi công an còng nó lại cho nó biết thân.

Chị ngạc nhiên vì chưa bao giờ nghĩ tới điều đó nhưng tính anh Thiện thật thà, chưa hề đơm đặt điều gì. Chị nói vui:

- Sống trong chùa uống lon bia nhỏ,

Về cõi Niết Bàn biết có hay không?

***

Đúng một tuần sau người ăn mày trở lại. Hắn lừng lững bước vào sân lúc chị đang hái ngọn bí rợ gần đó. Hắn cung kính chào chủ nhà. Bộ râu đen và dầy được cạo sạch nên mặt mày hắn trông sáng sủa ra và bộ quần áo cũng ít bụi bặm hơn. Còn cái đuôi gà vẫn buộc túm sau ót. Chị không rời công việc bảo vọng vào:

- Chú à, có mấy trái bắp luộc, chú ăn tạm.

Gã ngồi xuống bậc cửa nói vọng ra.

- Hôm nay tôi không xin. Nếu chị có lòng thành mời thì tôi cám ơn. Tôi đến vì lời hứa hôm nọ: sẽ trở lại vào ngày gần nhất.

Chị bưng rổ ngọn bí vào nhà ngồi tỉ mẩn lặt, định trưa nay sẽ xào với tôm khô, món mà anh Thiện thích lắm. Đột nhiên gã nói:

- Chắc chị không ngờ tôi quay lại đây và cũng hoài nghi không biết tôi là hạng người nào trong xã hội chứ gì. Không riêng chị đâu, người ta vẫn nhìn tôi bằng con mắt ấy. Tôi quen rồi. Nhiều năm qua tôi vẫn làm cái việc này: Mỗi năm tôi bỏ ra một ngày đi ăn mày. Lang thang khắp nơi ăn xin trong thiên hạ, một ngày thôi rồi về. Năm sau đúng ngày ấy lại tái diễn. Nhiều người nhìn tôi rủa thẳng: Tay chân mắt mũi lành lặn vậy mà ăn mày. Nhiều người cũng biếu đại một đồng bạc lẻ thay cho lời xua đuổi. Phần đông họ nói tôi khùng hoặc giả dạng ăn mày để âm mưu đen tối...

Hắn ngừng lời mỉm cười: À mà hôm nay chị khỏe hơn mọi khi đúng không?

Bất đắc dĩ chị trả lời:

- Thì bịnh tim nó vậy mà, thăng giáng thất thường. Có khi đang khỏe lại lăn đùng ra chết tức khắc hổng chừng.

Hắn gật gù:

- Tôi hiểu điều đó. Sẽ không dài dòng làm mất thời gian của chị. Hôm trước tôi đi xin, hôm nay tôi đi cho. Vì hiểu và cảm thông hoàn cảnh bịnh hoạn, khó khăn của chị, tôi không cam lòng nhìn một người còn khả năng sống mà phải bó tay chờ chết. Xin chị vui lòng nhận số tiền này: Năm mươi triệu để phẫu thuật và mười triệu để chi phí đi lại.

Chị mở to mắt nhìn sững hắn. Có phải hắn đang đùa không? Có tâm thần thì làm ơn ở nhà, đi chọc phá người đau khổ làm chi. Nhưng cách nói của hắn không chút nào khùng điên mà rất rành rọt, khúc chiết, nhất là ánh mắt toát lên vẻ thành thật quá. Hắn lôi từ trong chiếc túi thổ cẩm ra một bọc tiền lớn và đặt lên bàn. Tiền thật chứ không phải là giấy lộn hay tiền âm phủ. Chị lắp bắp:

- Thực sự tôi không hiểu vì sao chú cho tôi số tiền lớn vậy mà trong mơ tôi cũng không thấy được. Ngay cả vay mượn, hoàn cảnh như tôi người ta cũng không cho nữa là.

Hắn cười:

- Chị nói vậy cũng phải vì chưa hiểu tôi. Tôi đi lang thang để tận mắt chứng kiến những con người đau khổ, thực sự cần giúp đỡ. Chị nghĩ đúng, ở đời chẳng ai cho không ai một cái gì. Tôi biếu chị và những người nghèo khác số tiền ấy là tôi biếu tặng cho cái quá khứ cùng khổ của tôi - một quá khứ đói nghèo không thể nào quên được.

Trong trận đói tràn lan và lớn nhất đất nước thời ấy, cha tôi và bốn anh chị em đều chết đói. Tôi cũng chết rồi, người ta chuẩn bị đem chôn, tôi đã đi chơi với thần chết một đoạn, một con chó hoang nhảy đến lôi xác tôi đi. Tôi tỉnh lại và sống. Có đến hai năm tôi và mẹ đi ăn mày, lúc ấy tôi khoảng bảy tuổi. Sau này cuộc sống ổn định, tôi được đi học. Tôi học giỏi lắm và được học bổng. Mà thôi kể lể dài dòng cái nỗi đời tôi làm gì. Có điều nói để chị yên tâm tôi bây giờ làm chủ một công ty làm ăn phát đạt, mỗi năm có thể giúp đỡ vài trường hợp như chị mà không có gì gọi là quá sức.

- Nhưng như vậy khó xử cho tôi quá, tôi biết đền đáp bằng cách nào hoặc bao giờ mới trả nổi nợ.

- Chị đừng phân vân và ngần ngại. Tôi sẽ không quay lại đây lần nào nữa. Việc của tôi đã xong. Chị không cần biết tên tôi là gì, từ đâu đến. Việc của chị là đi điều trị bệnh và chắc chắn sẽ khỏi bệnh. Sau này nếu có khá giả chị đừng quên giúp đỡ người khổ hơn mình. Đó là cách tốt nhất chị nghĩ đến tôi. Chào chị.

Mang cái túi thổ cẩm trên vai hắn bước đi nhanh nhẹn dứt khoát. Lúc sau anh Thiện về, anh nói:

- Thằng cha ăn mày vừa ở nhà mình ra, chả đến xin tiền mình hả? Bộ dạng vậy mà đi xin chướng quá. Hôm nọ đến chùa, thấy sư uống bia nó nói: Phá giới tửu thì phá luôn cho đáng, uống đế 45 độ đi. Uống chi bia nhạt thếch. Nói rồi đi thẳng, không nể nang người tu hành.

Anh Thiện nhìn rổ ngọn bí vui vẻ hỏi: Bữa nay mẹ mày khỏe không. Đi hái rau định làm cơm chắc trái tim nó ngoan ngoãn một chút hả?

Chị gật đầu, nhìn anh cười.

- Gì vui mà cười?

- Có những người mặc áo nhà sư nhưng đi con đường ngày càng xa Phật, cũng có người bề ngoài khó ưa nhưng trong ngực họ là trái tim của Bụt.

Tác giả: Phạm Thị Ngọc Điệp

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây