Trả lời giùm em những câu hỏi!

Thứ ba - 16/11/2010 22:32 3.205 0

Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải
1. Những đứa trẻ thường như vậy. Nó chìa quyển sổ màu xanh có hình cô gái mặc váy trắng nằm ngả người trên mây, tay chạm vào mặt nước tan loãng ra thành những vòng tròn, và nói như đọc thuộc lòng: Cô viết lưu bút cho em nha cô.
Tôi nhìn nó và nhớ ngay đến thời gian. Bây giờ là tháng hoa phượng. Mấy cái ngớ ngẩn này sẽ đốt thời gian mấy đứa mặc áo trắng đeo phù hiệu đây. Tôi không cầm quyển sổ, tôi ghét kiểu học trò bạo dạn như vậy. Phải rụt rè một chút, sợ hãi một chút (trước mặt giáo viên), mới đúng là học trò chứ. Mà nó lại quá dạn dĩ. Con nhỏ trắng bóc, tóc nó cột túm ở đằng sau, chừa thêm cái mái xéo và lơ thơ mấy cọng tóc con phía trước, cái môi hơi trề như nũng nịu. Tôi quay lưng, vừa đi vừa nói: 

- Cô có biết viết gì đâu! 

Câu này là sạo 50%. Còn nửa còn lại, tôi không muốn viết. Tôi không biết tên nó, không biết nó học lớp nào, tôi dạy nó có một tháng thôi, và cái tật hay quên của mình không cho phép tôi nhớ được cái gì xa lạ quá. Nó không tha, chắc là đoán được phản ứng của hầu hết giáo viên khi bị mời viết lưu bút, nó bắt đầu kéo dài giọng: Cô! Đi cô! 

Một kiểu nhõng nhẽo điển hình. Điển hình cho trò kì kèo xin xỏ giảm bớt lượng bài kiểm tra của học trò. Cái kiểu của tôi là kiểu làm giá mà bị phá sản vì khi quay lại nhìn mấy giọt mồ hôi rịn theo mấy sợi tóc may lượn sóng của con bé, tôi bật cười (may quá vì đã bật cười). 

- Được rồi. Cô viết. 

Điều này là một vô lí. Tôi ghét viết lưu bút tự hồi đi học. Khi bị ép viết vào quyển lưu bút của lớp, tôi đã bặm môi vẽ mấy nét hình con gà mái đang ngơ ngẩn đi trong sân, đầy thóc, đầy cỏ, nhưng đầu lại hướng trên trời. Chuyện này lưu truyền trong cái lớp nhiều chuyện thành một đề tài lí tưởng cho bọn con trai cười cợt mỗi lần họp lớp. Điều kiêu hãnh của bức hình là phía dưới tôi viết thêm: “Chú chim nhỏ đến hót chơi trên đầu những ngọn lau”. Câu này là của Trịnh Công Sơn, tôi đọc ở đâu đó, rồi nhớ, vì thấy nó giống như tên mình. Chú chim nhỏ Thiên Nga, chơi đùa trên những cọng cỏ lau, giữa mênh mông. Sau khi nghe biện minh dài dòng như vậy bọn con trai cắc cớ hỏi: 

- Vậy bạn vẽ con gì vậy? 

Bọn nó hỏi vậy là để gọi cơn nóng của tôi dâng lên. Xem tranh mà hỏi tác giả vẽ gì, xem như là một sự sỉ nhục lớn. Tôi nhớ mình đã cắn răng trả lời: 

- Tui vẽ con gà. 

Bọn nó đã rúc rích cười: 

- Sao bạn không vẽ con chim mà vẽ con gà? 

Tôi biết là mình vẽ con gà mà. Tôi tuổi con gà. Tôi là gà và là chú chim nhỏ. Tôi cố tình vẽ con gà đang ngó lên trời. Và cái cố ý này, đơn giản chỉ là trí óc kiêu hãnh tuổi 18 của tôi muốn chứng tỏ con gà kia, là tôi, luôn hướng tới cái lớn lao hơn, như bầu trời chẳng hạn, chứ không quan tâm đến mấy cái vật chất tầm thường dưới đất. Ai ngờ, bức tranh lại cực kì lố bịch, và nó lôi tôi ra khỏi cái ý tưởng giàu sức sáng tạo của tuổi 18, để làm trò cười cho thiên hạ suốt hàng mấy năm trời. Hình và chú thích bất nhất. Thật đáng xấu hổ. Đau lòng hơn. Một trong bọn nó, Phan Yên ngó tôi, không cười, nó vốn ít cười, và rồi lạnh lùng tuyên bố: 

- Không xác định rõ đặc tính của loài vật. 

Câu nói này, có thể lí do là câu nói này 30%, khiến tôi rẽ ngoặt sang sư phạm. Nếu không, có thể giờ đây tôi đã ngồi chép tranh ở một phòng tranh lớn nào đó, chứ không đứng bục giảng bị học trò ép viết lưu bút như bây giờ. 

2. Tôi cầm quyển sổ và đi về phía phòng giáo viên, rồi không nhớ đã cất nó vào tủ lúc nào, tôi quên bẵng đi. 

Cũng như bạn có thể sẽ quên một cái gì đó mãi mãi, thật sự là mãi mãi, và rất đáng tiếc nếu bạn quên ai đó mãi mãi. May thay, có một điều gì đó, thật nhỏ thôi, trong khoảnh khắc khơi lại ở bạn niềm kí ức lãng quên đó và nó sẽ bừng sáng lên một cách tuyệt diệu. 

3. 

Đứa học trò đó cứ ngó tôi, len lén từ cuối lớp, tôi ngó sơ đồ lớp và tôi gọi nó lên trả bài. Tôi hay để ý mấy hành động rụt rè như vậy của học trò, nó ẩn chứa một cái gì đó không đúng đắn, ví dụ như không học bài, quên đem tập, không soạn bài, tiết trước không chép bài... Trong quyển tập 200 trang, có tờ giấy nhỏ, tôi không đọc, ép mình nhớ hôm nay là ngày mấy khiến tôi không quan tâm vào tờ giấy nhỏ đó. Tôi phê ngày tháng vào quyển tập, rồi bắt đầu lạnh giọng đọc câu hỏi. Câu đầu tiên hay vậy, tôi luôn hỏi một câu kiến thức cơ bản bằng cái giọng lạnh lùng, tôi sẽ nhẹ nhàng đánh giá rồi sang câu thứ hai dễ hơn, dễ đến mức đứa học trò chỉ cần gật đầu “dạ” hay lắc đầu “không”, hoặc là lựa chọn một trong vài nội dung đã gợi ý, giống như kiểu trắc nghiệm. 

Điều đó, chứng tỏ là nó dính bẫy của tôi, sau khi cài bẫy thành công, tôi bắt đầu nhẹ giọng có vẻ hơi chiều ý người bị hỏi và tung câu hỏi khó trùm chú nai ngây thơ mê cảnh đẹp mà không hay cái lưới giăng. 

Trọng tâm tư duy là ở câu này. Con nhỏ này ngó tôi một cái, rồi đứng im. 

Tôi thong thả lật quyển tập, đợi nó suy nghĩ, bìa ghi tên Phan Yên Khánh, chữ đẹp, sạch sẽ, không tìm thấy lỗi chính tả. Tôi phê “đã xem”, rồi ghi thêm chữ vở sạch chữ đẹp, đáng khen. Con nhỏ bắt đầu muốn khóc, giọt mồ hôi rịn ướt sợi tóc may tạo vài làn sóng nhỏ bên má. Tôi bắt đầu thấy con bé quen quen, và bắt đầu nhận ra màu xanh quyển lưu bút có hình cô gái mặc váy trắng nằm ngả người trên mây. 

Tôi đã hỏi dễ như thế này: 

- Em nghĩ sao về Thúy Vân, bất hạnh hay hạnh phúc? 

Sau câu hỏi lựa chọn khá dễ, tôi còn hỏi một câu thiện cảm: Chắc không? Con nhỏ ngây thơ vừa dạ, vừa gật. Tôi phán một câu hỏi ngắn theo chiều câu trả lời của nó. 

Rồi tiếp tục nhìn sợi tóc may ẩm ướt có hình gợn sóng, chờ đợi. Phút chốc, tôi nhẹ giọng gợi ý. Vấn đề tôi gợi ý cũng không xa lạ gì, nhưng cô nhỏ có vẻ tươi tỉnh. 

Và nó nói một cách đầy cảm xúc về Thúy Vân, nhận định rất thuyết phục về số phận nhân vật gần như bị quên bẵng trong quá trình các nhà nghiên cứu chỉ chú tâm khơi trong gạn đục những đớn đau của nhân vật chính, Thúy Kiều. Sách giáo khoa cũng quên Kiều và Vân cũng trạc tuổi các em cấp ba bây giờ, để chúng nó nói về nhau, hay là nhiều chuyện về nhau gì đó, có phải hay hơn không? 

Con bé say sưa với cảm thông của chính nó về Thúy Vân. Chuyện hai Kiều cùng gặp Kim Trọng trong tiết Thanh minh cùng e lệ nép vào dưới hoa, chuyện Kiều trao duyên cho em mà còn vương vấn: Duyên này thì giữ vật này của chung, chuyện Kim Trọng 15 năm sống với cô em mà không phút giây nào thôi nhớ thương và tìm kiếm cô chị... 

Tôi không cần một câu trả lời chính xác đáp án như một giáo án mẫu, văn chương không thể tuyệt đối và không bao giờ là tuyệt đối. Văn chương cũng như nghệ thuật không có đáp án. 

Tôi chỉ cần những đứa học trò nhỏ của tôi có thể tự suy nghĩ một cách khái quát về vấn đề tôi đã đặt ra trên lớp và rút ra cách đánh giá cho riêng mình. Câu hỏi khó của tôi luôn là vậy. Không cần điểm 9, 10 mới chứng tỏ bạn học giỏi Văn. Tôi gút lại vấn đề, cho điểm rồi phê thêm chữ giỏi! 

Có thể tiết đó tôi đã dạy hay hơn, và có cả chút hoang mang, vì câu trả lời của Yên Khánh, hay vì tôi bắt được tờ giấy nhỏ rớt ra từ quyển tập. 

4. 

Tờ giấy nhỏ rớt ra, trên có mấy dòng chữ : “Viết lưu bút giùm nha! Và đừng quên đặt câu hỏi khó!”. Nét chữ rất quen, thẳng và cứng cáp. Tôi nhặt lên và kẹp vào sổ điểm vàng

Không phải tờ giấy nhắc tôi nhớ đến quyển lưu bút của học trò, mà tôi nhận ra sự liên đới của những cái tên, một người con trai. Chữ viết trên tờ giấy là của Phan Yên. Một lần ghé kí túc xá, Yên đã đưa một quyển sổ nhỏ, màu xanh, có hình một bàn tay khuấy động một không gian ảo. Không giống như lưu bút mà như một quyển ghi chép cá nhân hơn, trong quyển sổ là tờ giấy ấy: “Viết lưu bút giùm nha! Và đừng quên đặt câu hỏi khó!”. 

Tôi luôn thích đặt câu hỏi khó. Đó là thói quen từ nhỏ, không phải chỉ dành riêng cho học trò, mà cho bất cứ ai. Lúc đầu, chỉ là muốn cắc cớ người đối diện, dần dần về sau, tôi nghiệm ra rằng hỏi câu hỏi khó trong trường hợp bất ngờ sẽ dễ dàng nhận ra độ IQ của đối phương, sự nhạy bén của thông minh, đôi khi là cả cá tính. 

Người tôi cài bẫy khó sập nhất là Yên. Hôm họp lớp, Phan Yên được phân công đến rước tôi, sau 10 phút cho đứng đợi ngoài cổng, tôi đủng đỉnh đi ra, lên giọng như kiểu chị vợ hỏi em rể: 

- Đi đâu đây! 

Yên ngó tôi, có thể đối phương đang chờ đợi ở tôi một câu khác, đại loại như rối rít xin lỗi vì ra trễ chẳng hạn. Đi đâu đây! Không phải là một câu hỏi, nó là câu răn đe, tôi không lên giọng ở cuối câu mà, tôi hạ giọng nặng chịch, giống như cô giáo hỏi học trò khi thấy nó đi trễ: Em biết mấy giờ rồi không ? 

Yên nghiêng đầu hỏi tôi: 

- Cùng trời cuối đất, ngừng một khắc, đi đâu đây người đẹp? 

Câu này vừa trả lời vừa giăng bẫy. Thứ nhất, nếu tôi trả lời: Họp lớp, thì thường quá, nếu trả lời: “Không biết!” kiểu con gái ngồi trên xe con trai mà không biết đi đâu thì con nhỏ đó dại dột vô cùng. Trả lời kiểu nào, tôi cũng sẽ bị lật úp: - Vậy Thiên Nga là người đẹp hén. 

Sập bẫy. Nếu không trả lời, bạn thua. 

Với lại, sự mênh mông của không gian cùng trời cuối đất có vẻ dành cho đôi lứa yêu nhau. 

Hôm đó tôi thua. Nhưng trò hỏi khó khiến Yên cười. Nụ cười rạng rỡ chiến thắng của hàm răng sáng đều khiến con nhỏ kiêu kì như tôi choáng váng. Tôi nhớ hồi nhỏ, có ai đó khen tôi có bờ cổ đẹp, tôi không biết bờ cổ như thế nào là đẹp, nhưng lời khen đó khiến tôi ngây ngất hoài và vẻ đẹp do thiên hạ khám phá này là điều duy nhất mà tôi tự hào về mình. Tôi ngồi sau lưng Phan Yên, không thấy được nụ cười và Yên ngồi trước sẽ không thấy được điểm mạnh của tôi. Tôi nghĩ thoáng chốc. Rồi xấu hổ lặng im... 

- Sự im lặng kéo dài mấy năm sư phạm và cầm phấn. 

Tôi đã không viết lưu bút cho Phan Yên. Tôi đính một cọng cỏ lau mỏng manh ép khô vào trang sổ, rồi nắn nót ghi Thiên Nga ở phía trên sợi cỏ lau ấy. Vẫn là chú chim nhỏ đến hót chơi trên đầu những ngọn lau, nhưng có thêm sự trình bày tinh tế của tuổi đời. Tờ giấy nhỏ được kẹp lại vào góc quyển sổ. Không có câu hỏi khó. 

Câu hỏi khó dành cho tôi. Một thoáng mênh mông của cùng trời cuối đất, của một kỉ niệm được khơi lại từ một cô em gái, mênh mông khoảng trống của cuộc đời tôi khiếm khuyết những câu trả lời. 

Quyển lưu bút màu xanh có hình cô gái mặc váy trắng nằm trên mây, ngón tay tạo những vòng tròn đồng tâm lên mặt nước ảo ảnh, tôi biết mình không thể ép thêm cọng cỏ lau vào. 

Và biết mình tìm lại được gì trong biết bao nhiêu điều quên lãng, lặng im... Một con người.

Tác giả: Phạm Khánh Liêm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây