'Hỗ trợ tiến sĩ 300 triệu để làm cú hích phát triển'

Thứ hai - 25/03/2013 04:45 758 0
Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi Trần Văn Thanh cho biết, ngoài việc được hỗ trợ tiền, các giáo sư, tiến sĩ còn được cấp 100 m2 đất gần trung tâm thành phố, những người gắn bó với tỉnh sẽ sớm được đề bạt chức vụ lãnh đạo.

- Ông đánh giá thế nào về thực trạng nguồn nhân lực hiện nay của Quảng Ngãi và đâu là lý do khiến tỉnh đưa chính sách hỗ trợ, thu hút nhân tài?

- Nguồn nhân lực của tỉnh hiện nay ở mức độ trung bình so với các tỉnh lân cận. Do vậy cần có "cú hích" với chính sách vừa đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ vừa mời gọi, thu hút nhân tài khắp nơi về công tác thì mới đủ sức thúc đẩy kinh tế - xã hội Quảng Ngãi phát triển đột phá.

Tỉnh đã áp dụng chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài theo Nghị quyết 05 ban hành năm 2008. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 năm 2010 cũng đề ra 3 nhiệm vụ đột phá là phát triển công nghiệp, phát triển nguồn nhân lực và phát triển đô thị. Song, sau 5 năm thực hiện, việc thu hút nhân lực về tỉnh công tác còn dàn trải, chưa hấp dẫn. Do vậy, năm 2013, Quảng Ngãi tiếp tục ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc ở địa phương, tạo đà thúc đẩy tỉnh vươn lên nhanh chóng.

Hàng năm, tỉnh trích 2% trong tổng nguồn thu ngân sách để đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, 2% ngân sách năm 2012 được hơn 120 tỷ đồng. Đến năm 2020, mỗi năm tỉnh sẽ công bố rộng rãi danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút, đãi ngộ và hỗ trợ ngay trong tháng đầu năm. Riêng năm nay, Quảng Ngãi áp dụng chính sách hỗ trợ thu hút nhân tài từ ngày 1/6.

Bắt đầu ngày 1/6 tới, Quảng Ngãi bắt đầu áp dụng chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài, trong đó ưu tiên tuyển dụng hàng đầu chuyên ngành thuộc lĩnh vực y tế. Ảnh: Trí Tín.
Ngày 1/6, Quảng Ngãi bắt đầu áp dụng chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài, trong đó ưu tiên tuyển dụng hàng đầu cho lĩnh vực y tế. Ảnh: Trí Tín.

- Vậy các mức hỗ trợ theo chính sách đãi ngộ này thế nào và người được hưởng phải cam kết gì?

- Dựa vào học hàm, học vị hoặc ngành nghề ưu tiên của các ứng viên, tỉnh hỗ trợ một lần 100 - 350 triệu đồng mỗi người. Với những người có hộ khẩu ngoài tỉnh Quảng Ngãi, sau khi được bố trí công tác, tỉnh có trách nhiệm liên hệ, tiếp nhận chồng (vợ), con ruột vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh quản lý dựa trên năng lực, chuyên môn họ từng công tác.

Tỉnh cũng sẽ cấp 100 m2 đất ở gần khu vực trung tâm thành phố cho những người có học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ. Những người có trình độ cao còn được hỗ trợ tiền mua đất ở làm nhà, thuê nhà trong 5 năm, bố trí theo đúng ngành nghề đào tạo, tạo điều kiện môi trường làm việc thuận lợi để phát huy năng lực và sở trường công tác. Những người có trình độ cao, nếu tâm huyết, gắn bó với Quảng Ngãi lâu dài sẽ được ưu tiên đưa vào quy hoạch cán bộ, sớm đề bạt chức vụ lãnh đạo chủ chốt tại sở, ngành.

Đổi lại, những người này cũng phải cam kết về làm việc tại Quảng Ngãi ít nhất 5 năm. Sau đó, nếu xét thấy nơi đây không phải là "đất dụng võ", môi trường làm việc không tốt, họ có quyền ra đi.

- Quảng Ngãi hiện thiếu nhân lực ở lĩnh vực nào nhất?

- Theo Nghị quyết 05 phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Quảng Ngãi, từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh thiếu đến 350 bác sĩ. Hiện các địa phương chỉ có 4,5 bác sĩ trên 10.000 dân, trong khi đến năm 2020, chỉ tiêu này phải đạt 7,5 bác sĩ trên 10.000 dân mới đảm bảo công tác khám, chữa bệnh.

Trong chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài, tỉnh ưu tiên tuyển dụng 100% bác sĩ, dược sĩ hệ chính quy (tốt nghiệp trung bình đến khá, giỏi) về làm việc tại các cơ sở y tế. Ngoài lương theo quy định, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II (sản khoa) được hỗ trợ 300 triệu đồng. Còn bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa I, bác sĩ nội trú, dược sĩ đại học (tốt nghiệp trung bình, khá, giỏi) được hỗ trợ 180 - 230 triệu đồng.

Các chuyên gia, kỹ sư đang đấu nối ống bơm dầu thô từ tàu trọng tải tải lớn neo đậu ngoài vịnh Việt Thanh vào bồn, bể chứa nhà máy lọc dầu Dung Quất chế biển sản phẩm xăng, dầu. Ảnh: Trí Tín.
Các chuyên gia, kỹ sư đấu nối ống bơm dầu thô từ tàu trọng tải lớn neo đậu ngoài vịnh Việt Thanh vào bồn, bể chứa nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Trí Tín.

- Ngoài tiêu chuẩn bằng cấp, học hàm, học vị, tỉnh chú trọng yếu tố đạo đức, nhân cách trong chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài như thế nào?

- Nghị quyết vừa ban hành quy định rõ, những người tài giỏi mà thiếu đạo đức, nhân cách thì không nhận ngay từ đầu. Điều này có thể xác minh trên lý lịch hoặc nơi cư trú. Theo tôi, cán bộ tài cao đến đâu mà không có đạo đức thì khó mang lại sự phát triển cho xã hội.

Nguồn nhân lực đủ mạnh là nguồn lực đảm bảo chất lượng, có thể mang lại lợi ích lâu dài cho xã hội. Còn trường hợp chỉ có bằng cấp học hàm, học vị mà chuyên môn không có thì qua thực tiễn sẽ "bộc lộ" ngay. Lúc ấy, tỉnh sẽ có hướng điều chỉnh, xử lý phù hợp.

Tôi tin tưởng Quảng Ngãi áp dụng chính sách đãi ngộ nhân tài sẽ tạo sức hấp dẫn mới, mang lại nhiều tín hiệu khả quan, đưa nền kinh tế của tỉnh chuyển mình mạnh mẽ trong những năm tới.

- Hiện nay, nhiều sinh viên tốt nghiệp loại khá phải bỏ tiền "chạy việc". Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng này?

- Đào tạo quá nhiều trong khi nhu cầu sử dụng chưa phù hợp đã gây ra tình trạng thiếu việc làm rất lớn. Đây không chỉ là nỗi lo riêng của Quảng Ngãi mà là thực trạng của cả nước. Bộ Giáo dục cần yêu cầu các trường đại học, cao đẳng xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể với nhu cầu xã hội. Từ chính quyền, nhà quản lý đến doanh nghiệp cần phải thể hiện tinh thần trách nhiệm, cùng chung tay thì mới mong từng bước tháo gỡ bài toán việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Tác giả: Trí Tín

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây